Vạch trần chiêu trò núp bóng việc tượng Lênin bị tháo dỡ để kích động chống phá

 Trong bối cảnh truyền thông số phát triển bùng nổ, sự thật không còn là ranh giới tuyệt đối giữa đúng và sai. Nó trở thành “chiến trường” của các cuộc chiến thông tin – nơi những thủ đoạn chính trị được ngụy trang dưới lớp vỏ trung lập, cảm xúc cá nhân, thậm chí là hài hước. Mới đây, việc Kyrgyzstan tiến hành di dời tượng đài V.I. Lênin tại thành phố Osh đã bất ngờ bị biến thành một “chất liệu vàng” cho các thế lực chống phá tha hồ khai thác. Những luận điệu xuyên tạc, kích động chống cộng nhanh chóng lan truyền, không chỉ từ các kênh truyền thông nước ngoài mà còn được tiếp sức bởi một số cá nhân trong nước – đáng lo ngại hơn, nhiều người trong số đó khoác áo trí thức, giảng viên, nhà báo…

Sự thật là gì – và ai đang bóp méo nó?

Cuối tháng 5/2025, một số kênh Telegram có nguồn gốc từ Ukraine đồng loạt đăng tải tin tức với tiêu đề đầy giật gân: “Tượng đài Lenin bị bí mật phá hủy ở Kyrgyzstan”. Đi kèm theo đó là các bình luận ám chỉ Bishkek đang có động thái “xa rời Nga”, “đoạn tuyệt với quá khứ Xô Viết”, một hướng diễn giải hoàn toàn thiếu cơ sở. Ngay sau đó, một số trang báo tiếng Việt ở nước ngoài và các tài khoản mạng xã hội có xu hướng chống phá cũng nhanh chóng “phóng đại” sự kiện, biến nó thành “biểu tượng cho sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản” trên phạm vi toàn cầu.

Tuy nhiên, sự thật hoàn toàn ngược lại. Theo thông báo chính thức từ văn phòng Thị trưởng thành phố Osh, tượng đài Lênin chỉ được di dời theo kế hoạch đến Công viên Meerim, một vị trí mới phù hợp hơn trong quy hoạch không gian công cộng của thành phố. Tượng được tháo dỡ cẩn trọng, không hề có dấu hiệu phá hoại, không bị xem là biểu tượng phản cảm hay bị bài xích như những gì tin giả lan truyền. Rõ ràng, đây là hoạt động hành chính thông thường, không mang bất cứ thông điệp chính trị nào.

Đằng sau lớp vỏ “trung lập” – khi xảo ngôn chính trị được ngụy trang bằng tiếc nuối lịch sử

Trên thực tế, chiêu trò lợi dụng việc một số nước từng thuộc Liên Xô và Đông Âu tháo dỡ tượng lãnh tụ V.I. Lênin để công kích, xuyên tạc nền tảng tư tưởng của chủ nghĩa cộng sản, đặc biệt là tại Việt Nam, vốn không còn mới mẻ. Nó cũ kỹ đến mức chỉ cần một sự kiện được gợi lại cũng đủ để hình thành cả một “dòng dư luận” bị dẫn dắt có chủ đích. Vụ việc Kyrgyzstan tháo dỡ tượng Lênin chỉ là một mắt xích trong chuỗi những động thái bị bóp méo nhằm phục vụ mưu đồ chính trị đó. Điều đáng nói là, thay vì tấn công trực diện như thường thấy, lần này một số kênh truyền thông như BBC Tiếng Việt cùng các “ngòi bút tự xưng trí thức” trong nước lại dùng chiêu bài “xảo ngôn chính trị”. Dưới lớp vỏ ngôn từ tưởng chừng trung lập, họ khéo léo cài cắm thông điệp xuyên tạc, gieo rắc hoài nghi, từng bước phủ nhận giá trị lịch sử và chính trị của biểu tượng cách mạng, từ đó mở đường cho luận điệu bài xích, đòi xét lại con đường mà Đảng và nhân dân ta đã kiên định lựa chọn. Đây không còn đơn thuần là hành vi bình luận, mà là một thủ đoạn chống phá có chủ đích, được tính toán kỹ lưỡng và ngụy trang dưới lớp áo tự do ngôn luận. Đáng quan ngại hơn khi những chiêu trò này có sự sự tiếp tay từ một số cá nhân trong nước, những người lẽ ra cần có trách nhiệm giữ gìn sự thật và định hướng nhận thức xã hội.

Thoạt nhìn, thông tin về việc Kyrgyzstan tháo dỡ bức tượng Lênin, từng được xem là cao nhất Trung Á có vẻ chỉ là một bản tin trung lập, mang chút tiếc nuối hoài niệm với lịch sử. Tuy nhiên, khi đọc kỹ giọng điệu và cách lựa chọn từ ngữ, có thể nhận thấy rõ đây không còn đơn thuần là hoạt động báo chí phản ánh thực tiễn, mà là một thủ pháp tuyên truyền tinh vi, được dàn dựng với dụng ý xuyên tạc nền tảng tư tưởng cộng sản một cách bài bản.

Sự tinh vi ấy thể hiện ngay từ cách giật tít của P.S (một nhà báo đang hoạt động tại Nghệ An): “Tượng Lênin cao nhất Trung Á bị tháo dỡ” – một lối dẫn dắt không mang tính trung lập thông tin, mà cố tình tạo ấn tượng về sự “sụp đổ”, “hết thời” của chủ nghĩa cộng sản. Thay vì nhìn nhận đây là một quyết định nội bộ của Kyrgyzstan – với những căn cứ riêng về lịch sử, văn hóa và chính trị – thì cách truyền tải này lại nhấn mạnh tính biểu tượng của sự kiện, nhằm gieo vào công chúng cảm giác thất thế của lý tưởng cách mạng Xô Viết.

Không dừng lại ở tiêu đề, lối hành văn sử dụng nhiều hình ảnh ẩn dụ như “lặng lẽ”, “sừng sững 50 năm” khiến bài viết như mang màu sắc tưởng niệm – nhưng thực chất là một sự tiếc nuối mang tính mỉa mai, khéo léo tạo cảm giác rằng di sản cộng sản chỉ còn là một “di tích lịch sử”, không còn vai trò trong hiện tại. Đây là kiểu diễn ngôn xuyên tạc được ngụy trang dưới lớp vỏ “trung tính”, “khách quan” – một thủ pháp truyền thông đang được các thế lực thù địch sử dụng ngày càng tinh vi.

Đáng lưu ý, những luận điệu này thường được cộng hưởng bởi các “bình luận phụ họa” dưới dạng phát ngôn cá nhân, tưởng như ngẫu nhiên. Một ví dụ điển hình là bình luận của ông N.T.T – người được biết đến là giảng viên một trường đại học và từng có thời gian sinh sống, học tập tại Ba Lan khi viết: “Giá cộng đồng Việt bên đó xin mang về ta dựng thì hay rồi”. Nghe qua có vẻ là một đề xuất đầy thiện chí, nhưng thực chất là đòn châm biếm có chủ đích, nhắm thẳng vào việc dựng tượng Lênin tại TP. Vinh (tỉnh Nghệ An) nhân kỷ niệm 154 năm ngày sinh của vị Lãnh tụ thiên tài của giai cấp công nhân và nhân dân lao động thế giới này. Khi ông này tiếp tục so sánh rằng nếu mang tượng cũ về “sẽ đẹp và hoành tráng hơn bức mới dựng ở Vinh”, thì không khó để nhận ra đây là lời lẽ mỉa mai, phủ nhận giá trị của biểu tượng cách mạng và hạ thấp chủ trương của Đảng, Nhà nước. Trong khi nếu chịu khó theo dõi báo chí sẽ biết rằng: Bức tượng V.I. Lenin được dựng tại trung tâm thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An do tỉnh Ulyanovsk (Nga) đúc tặng. Việc khánh thành tượng đài này thể hiện tình hữu nghị giữa hai tỉnh Nghệ An và Ulyanovsk. Tượng đài cũng là một biểu tượng văn hóa và nghệ thuật, thể hiện tình cảm gần gũi giữa nhân dân hai tỉnh, hai đất nước.

Những phát ngôn như vậy, dù không công kích trực diện chế độ, nhưng lại sử dụng chiêu trò “vô tình nhưng hữu ý” để gieo nghi ngờ, khơi dậy sự thất vọng và làm xói mòn lòng tin của người dân – đặc biệt là trong giới trẻ và tầng lớp trí thức – vào các biểu tượng cách mạng, vào con đường xã hội chủ nghĩa. Đây chính là hình thức truyền thông “mềm” nhưng đầy nguy hiểm. Chúng không hô khẩu hiệu, không lập luận gay gắt, mà dùng “tiếc nuối”, “bình phẩm”, “so sánh hài hước” để từng bước tác động vào nhận thức, cảm xúc, đánh vào chính những điểm mềm nhất của lòng tin và lý tưởng.

Có thể khẳng định, đây là một trong những thủ đoạn tuyên truyền chống phá kiểu mới. Chúng không công kích trực diện, không tuyên bố phản đối chế độ một cách lộ liễu, thô ráp như trước đây mà chuyển sang một hình thức mới: tuyên truyền mềm, đánh vào cảm xúc, mượn biểu tượng để gieo hoài nghi. Dưới lớp vỏ “tiếc nuối”, “bình phẩm”, thậm chí là “hài hước”, những người này từng bước xâm nhập vào nhận thức của công chúng, đặc biệt là giới trẻ và tầng lớp trí thức – những người đang hình thành lý tưởng, cần sự định hướng đúng đắn. Đây là hình thức tuyên truyền không kèn không trống, nhưng lại xói mòn niềm tin một cách âm thầm, kéo dài và khó nhận diện. Nguy hiểm hơn, thủ đoạn này đã, đang được sự hậu thuẫn từ môi trường truyền thông số, nơi mỗi cá nhân vừa là người tiếp nhận, vừa là người lan truyền thông tin.

Trách nhiệm của truyền thông và trí thức chân chính

Trong cuộc chiến bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, truyền thông cách mạng không chỉ có vai trò thông tin mà còn là hàng rào phòng ngự đầu tiên trước những luồng tư tưởng lệch lạc. Bởi vậy, càng không thể để những người khoác áo nhà báo, giảng viên, học giả nhưng lại thiếu bản lĩnh chính trị, lệch lạc tư tưởng và lợi dụng diễn đàn báo chí hoặc mạng xã hội để gieo rắc hoài nghi, xuyên tạc lịch sử, làm nhiễu loạn giá trị.

Chúng ta cần mạnh mẽ lên án những hành vi “núp bóng” như vậy. Đồng thời, phải khẳng định rằng giá trị của chủ nghĩa cộng sản, của cách mạng Xô Viết, và vai trò của lãnh tụ Lênin vẫn luôn là nền tảng tư tưởng cốt lõi đối với những quốc gia kiên định đi theo con đường xã hội chủ nghĩa, trong đó có Việt Nam.

 

PHƯƠNG NAM

 

Tin cùng chuyên mục: