Bác Hồ với Đại tướng Võ Nguyên Giáp

TS CHU ĐỨC TÍNH
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghiên cứu phương án tác chiến trong Chiến dịch Biên giới năm 1950. Ảnh: BẢO TÀNG LỊCH SỬ QUÂN SỰ VIỆT NAM

Năm 1911, khi chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành xuống tàu buôn Pháp để quyết chí ra đi rồi trở về cứu giúp đồng bào, Võ Giáp (tên khai sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp) mới sinh ra. Cách nhau vừa một thế hệ, nhưng rồi số phận run rủi thế nào để hai con người tài đức vẹn toàn ấy, lại gắn bó với nhau trong một sứ mệnh thiêng liêng: Giải phóng dân tộc Việt Nam.

Gặp gỡ ở Thúy Hồ

Võ Nguyên Giáp từng tham gia hoạt động cách mạng bí mật ở Huế từ những năm 1927 – 1928, từng cùng các bạn học say mê truyền tay nhau đọc cuốn “Bản án chế độ thực dân Pháp” và tờ báo Người cùng khổ (Le Paria) do Nguyễn Ái Quốc viết từ Pháp gửi về. Anh cũng từng bị đuổi học sau khi tổ chức một cuộc bãi khóa và bị bắt giam ở Nhà lao Thừa phủ (Huế), vì ủng hộ Xô Viết – Nghệ Tĩnh…

Nhưng bước ngoặt cuộc đời Võ Nguyên Giáp, một cử nhân Luật, Giáo sư dạy Sử Trường Tư thục Thăng Long hồi ấy chỉ thật sự tới khi ngày 3/5/1940, ông cùng Phạm Văn Đồng lên Lào Cai rồi vượt biên sang Côn Minh, Trung Quốc để gặp Hồ Chí Minh. Sau mấy ngày chờ đợi, ông được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ở Thúy Hồ.

Ông kể trong hồi ký: “Đến Thúy Hồ, tôi thấy anh Vũ Anh ngồi trong một chiếc thuyền với một người đứng tuổi gầy gò có đôi mắt rất sáng, mặc một bộ quần áo Tôn Trung Sơn mầu xám, đội mũ phớt. Tôi nhận ra ngay chính là đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Nếu so với bức ảnh ngày trước tôi đã được xem thì trông Bác ở ngoài linh hoạt và sắc sảo hơn nhiều… Ngay từ phút đầu, tôi đã cảm thấy như mình được ở rất gần Bác, được quen biết Bác từ lâu rồi. Con người của Bác toát ra một cái gì rất trong sáng, giản dị. Tôi không nhận thấy ở Bác có gì là đặc biệt, là khác thường cả. Chỉ có một điều làm tôi chú ý lúc bấy giờ là trong câu chuyện, Bác thường nói chen nhiều tiếng địa phương miền trung. Không ngờ một người xa nước lâu năm như Bác mà vẫn giữ được tiếng nói quê hương… Cho mãi về sau này, được công tác trực tiếp với Bác, tôi vẫn giữ lại nguyên vẹn cái cảm giác như ngày gặp Bác lần đầu tiên trên bờ Thúy Hồ”. (1)

Sau cuộc gặp ấy, Bác viết giấy giới thiệu Cao Hồng Lĩnh, Võ Nguyên Giáp và Phạm Văn Đồng đi học Trường Quân chính ở Diên An. Bác dặn đi dặn lại các  anh: “Cố gắng học thêm quân sự”.

Nhưng khi nghe tin phát-xít Đức tiến công Pháp (15/6/1940), Chính phủ Pê-tanh chấp nhận mọi điều kiện đầu hàng (22/6/1940), tạo ra những điều kiện mới cho sự phát triển của phong trào cách mạng, Nguyễn Ái Quốc quyết định hoãn việc cử ba đồng chí đi học tại Diên An và nhấn mạnh: “Đây là thời cơ thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Ta phải tìm mọi cách về nước để tranh thủ nắm thời cơ. Chậm trễ lúc này là có tội với cách mạng”. (2)

Trận đầu nhất định phải thắng

Ngày 28/1/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vượt qua mốc 108 trở về Tổ quốc. Đại tướng Võ Nguyên Giáp về sau đó ít ngày.

Sau một thời gian dài trực tiếp tham gia xây dựng cơ sở cách mạng, mở lớp huấn luyện quân sự cho Việt Minh ở Cao Bằng, chỉ huy mở con đường Nam Tiến đánh thông về miền xuôi,… ông được gọi trở về Pắc Bó làm việc cùng Bác. Nhiều đêm Bác cháu ngồi bên bếp lửa, bàn bạc đến khuya. Điều lo lắng nhiều nhất của mọi người khi ấy, là bắt đầu như thế nào? Đại tướng Võ Nguyên Giáp không bao giờ quên lời dạy của Bác: “Chúng ta sẽ dựa vào sức mình là chính. Mọi việc đều do nhân dân mà nên. Người trước súng sau, có nhân dân là có tất cả”.

Cuối năm 1944, Bác Hồ nói với mọi người: “Việc quân sự thì giao cho chú Văn” và tin tưởng giao cho Võ Nguyên Giáp chọn lựa 34 cán bộ, chiến sĩ thành lập “Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân”. Bác dự báo về sự lớn mạnh của quân đội ta sau này: “Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của giải phóng quân,  nó có thể đi suốt từ nam chí bắc, khắp đất nước Việt Nam”. Với hai chiến thắng liên tiếp là đánh chiếm đồn Phai Khắt và Nà Ngần, các chiến sĩ Giải phóng quân đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ Bác giao: “Trong vòng một tháng phải có hoạt động. Trận đầu nhất định phải thắng lợi”. (3)

Giữa năm 1945, cuộc chiến tranh Thái Bình Dương phát triển ngày càng thuận lợi cho phe Đồng minh, phát-xít Nhật ngày càng lụn bại. Cao trào kháng Nhật trong nước và không khí khởi nghĩa dâng cao. Từ tháng 7, Bác và T.Ư Đảng đã quyết định tổ chức cuộc họp Hội nghị toàn quốc của Đảng và Quốc dân Đại hội đại biểu. Bác giục chuẩn bị cho kịp họp hai hội nghị quan trọng này. Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể: “Giữa lúc công việc bề bộn như thế, Bác bỗng bị mệt. Đã mấy hôm liền Bác sốt nóng. Song Bác vẫn gượng làm việc. Đêm ấy, tôi nghỉ lại với Bác trên cái lán ở giữa rừng. Lúc nào tỉnh, Bác chỉ nói chuyện tình hình…”. (4)

13 giờ chiều ngày 28/5/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các vị trong Hội đồng Chính phủ dự lễ thụ phong quân hàm cho đồng chí Võ Nguyên Giáp. Trước bàn thờ Tổ quốc và trong không khí uy nghi, trầm lắng, Bác Hồ trực tiếp đọc Sắc lệnh và tự tay trao quyết định cho Đại tướng. Người nói: “Nhân danh Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trao chú chức vụ Đại tướng, để chú điều khiển binh sĩ làm tròn sứ mạng mà quốc dân phó thác cho”.

Sau này, khi sự kiện phong tướng được công bố trên Đài Tiếng nói Việt Nam, một phóng viên nước ngoài đã xin gặp, phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người phóng viên đã hỏi đại ý: Vì sao cùng một lúc phong nhiều tướng, tá như vậy và việc phong cấp dựa trên tiêu chuẩn nào? Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trả lời giản dị và hóm hỉnh theo phong cách riêng của Người: “Đánh thắng đại tá phong đại tá, đánh thắng thiếu tướng phong thiếu tướng, đánh thắng trung tướng phong trung tướng, đánh thắng đại tướng phong đại tướng”. Quả thật, chúng ta không thể dựa vào tiêu chí về số lượng quân chính quy hay tổ chức các quân binh chủng theo “tiêu chuẩn” quân đội các nước tư bản. Cơ sở  phong tướng cao nhất chính là niềm tin của Bác vào những người chỉ huy xuất sắc của một đội quân quyết chiến và quyết thắng, trung thành tuyệt đối với Đảng và nhân dân, những người mà Bác căn dặn sau đó ba tháng, tại Hội nghị Quân sự toàn quốc lần thứ V: “Trong quân đội, nhiệm vụ của người tướng là phải: trí, dũng, nhân, tín, liêm, trung”. (5)

“Trao cho chú toàn quyền”

Năm 1946, Võ Nguyên Giáp được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trao chức vụ: Tổng Tư lệnh Quân đội kiêm Bí thư Tổng Quân ủy. Đại tướng là Bộ trưởng Quốc phòng duy nhất được trao chức vụ này.

Cuối năm 1954, Ban Thường vụ T.Ư quyết định thành lập Bộ Chỉ huy và Đảng ủy Mặt trận Điện Biên Phủ do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Mặt trận. Giao nhiệm vụ cho Đại tướng trước khi ra mặt trận, Bác nói: “Tướng quân tại ngoại”! Trao cho chú toàn quyền…”, “trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”. (6)

Chính sự tin tưởng tuyệt đối của Người đã củng cố quyết tâm thực hiện phương châm tác chiến phải “đánh chắc, tiến chắc” của Đại tướng, mà cùng với sự thay đổi ấy hàng vạn quân ta phải áp dụng một hình thức tác chiến mới, dù khó khăn, gian khổ hơn nhiều, nhưng cũng đỡ xương máu hơn và chắc chắn sẽ chiến thắng ở Điện Biên Phủ.

Trong một đêm khuya thanh vắng giữa núi rừng Pắc Bó, trong khi trao đổi với Đại tướng Võ Nguyên Giáp về việc xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, Bác đã căn dặn làm người chỉ huy nhất định phải: “Dĩ công vi thượng” (đặt việc công lên trên hết). Lời dặn chân tình ấy đã đi theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp suốt cả cuộc đời. Bản thân ông luôn tự mình nêu gương cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, luôn thương yêu binh sĩ và cùng các cấp chỉ huy rèn luyện cho cán bộ, chiến sĩ dưới quyền thật sự trở thành đội quân cách mạng, được nhân dân tin yêu và trìu mến gọi là anh Bộ đội Cụ Hồ.

Nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của Đại tướng (25/8/1911 – 25/8/2021), xin tưởng nhớ đến ông, người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, một trong những học trò xuất sắc và cộng sự thân cận của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một vị Tướng mà tên tuổi và sự nghiệp gắn liền với Bác Hồ.

1.3.4. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Những chặng đường lịch sử, NXB Chính trị Quốc gia, H, 2018, tr. 25, tr. 143, tr. 224.

2. Vũ Anh: Bác Hồ về nước, Hội Văn học nghệ thuật Cao Bằng, 1986, tr. 14 – 150.

5. Hồ Chí Minh Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, H, 2011, Tập 5, tr. 594.

6. Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Điện Biên Phủ – điểm hẹn lịch sử, NXB Quân đội Nhân dân, H, 2000, tr. 66.

Tin cùng chuyên mục: