Sắp xếp, tổ chức lại bộ máy trong hệ thống chính trị “Chìa khóa” để đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình

Sáng 19/11/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chủ trì Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Mới đây, trong bài viết về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề: “Tinh – Gọn – Mạnh – Hiệu năng – Hiệu lực – Hiệu quả”, Tổng Bí thư Tô Lâm đã thẳng thắn chỉ ra rằng: “Cho đến nay, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ…”.

Tiên phong, gương mẫu đi đầu, ngay từ khi còn đang giữ cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm (nay là đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm) đã cùng Đảng ủy Công an Trung ương, tập thể lãnh đạo Bộ Công an đặc biệt quyết liệt trong việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp, tổ chức lại bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Cùng với Bộ Công an, một số bộ, ngành, địa phương cũng rất tích cực thực hiện nhiệm vụ này.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, hiện nay, nhiều bộ, ngành, đơn vị, địa phương vẫn còn thực trạng chưa quyết tâm, chưa quyết liệt triển khai thực hiện nhiệm vụ tinh giản biên chế, sắp xếp, tổ chức lại bộ máy. Ở loạt bài này, Báo Nhân Dân sẽ cùng bạn đọc nhìn nhận thực trạng, tìm ra nguyên nhân và đề xuất một số giải pháp về việc sắp xếp, tổ chức của bộ máy trong hệ thống chính trị đáp ứng nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới theo đường lối, chủ trương, quyết tâm của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm.

Bài 1

Những lá cờ đầu trong việc tinh giản, sắp xếp, tổ chức lại hiệu quả bộ máy hoạt động

Tiên phong, gương mẫu đi đầu, ngay từ khi còn đang giữ cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm (nay là đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm) đã cùng Đảng ủy Công an Trung ương, tập thể lãnh đạo Bộ Công an đặc biệt quyết liệt trong việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp, tổ chức lại bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Cùng với Bộ Công an, một số bộ, ngành, địa phương khác cũng rất tích cực thực hiện nhiệm vụ này và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận…

Những bộ, ngành đi đầu trong việc tổ chức, sắp xếp lại hiệu quả bộ máy

Mô hình tổng thể của tổ chức bộ máy hệ thống chính trị ở Việt Nam gồm 3 khối: Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội. Theo Quyết định 72-QĐ/TW ban hành ngày 18/7/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về biên chế các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị- xã hội ở trung ương và các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy khối trực thuộc trung ương giai đoạn 2022-2026, tổng biên chế cán bộ, công chức, viên chức là 1.979.433 biên chế, trong đó:

Các cơ quan, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội ở Trung ương và các đảng ủy khối trực thuộc Trung ương là 6.285 biên chế (gồm 3.335 cán bộ, công chức và 2.950 viên chức).

Các cơ quan, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội ở địa phương (cấp tỉnh và cấp huyện) là 64.266 biên chế (gồm 55.949 cán bộ, công chức; 6.959 viên chức và 1.358 biên chế công đoàn tạm giao).

Trong mọi giai đoạn cách mạng, Đảng và Nhà nước luôn đặc biệt coi trọng nhiệm vụ tăng cường hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Đặc biệt, trong giai đoạn cách mạng mới hiện nay khi đất nước ta đang đứng trước cơ hội rất lớn bước vào kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, hơn bao giờ hết, nhiệm vụ xây dựng hệ thống chính trị thật sự tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cần được cấp bách thực hiện.

Qua nhiều kỳ đại hội, nhất là trong các đại hội gần đây, trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ IX, XII, XIII đều nhấn mạnh các nhiệm vụ cụ thể về tinh gọn tổ chức bộ máy.

Cùng với đó, Đảng ta cũng ban hành nhiều nghị quyết liên quan đến vấn đề này, như: Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; Các Nghị quyết của Hội nghị lần thứ 6, thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả…

Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, đứng đầu là Đại tướng Tô Lâm khi còn đang giữ cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Công an (nay là đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm) đã báo cáo Bộ Chính trị về chủ trương, định hướng xây dựng Đề án “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” (Đề án số 106).

Sau khi Đề án số 106 được thông qua, Đảng ủy Công an Trung ương đã tiếp tục tham mưu với Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 15/3/2018 về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Đây là cơ sở đặc biệt quan trọng cho việc xây dựng, tổ chức bộ máy của lực lượng Công an tập trung, thống nhất, chuyên sâu, tinh gọn đầu mối, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tăng cường lực lượng cho cơ sở theo hướng “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”, là căn cứ để Chính phủ ban hành Nghị định số 01/2018/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an.

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW và Nghị định số 01/2018/NĐ-CP, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an đã tiến hành sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy trong toàn lực lượng theo mô hình hoạt động mới.

Đại tướng Tô Lâm (nay là đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm) khi còn giữ cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an (ảnh: Báo Điện tử Chính phủ).

Kết quả, tại Bộ Công an, đã giải thể 6 tổng cục, giảm 55 đơn vị cấp cục và 287 đơn vị cấp phòng; sắp xếp, thu gọn các đơn vị sự nghiệp công lập.

Tại công an địa phương, sáp nhập 20 Sở Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ với công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tổ chức thành một đầu mối đơn vị cấp phòng thuộc công an cấp tỉnh; sáp nhập một số đơn vị có cùng chức năng, nhiệm vụ… qua đó đã giảm 532 đơn vị cấp phòng, giảm trên 1.000 đầu mối cấp đội…

Sinh thời, khi dự hội nghị sơ kết việc thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả do Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương tổ chức (ngày 4/12/2019), cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định, lực lượng Công an nhân dân thực hiện mô hình tổ chức mới đã mang lại hiệu quả rõ rệt các mặt công tác, nhất là trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; đã nắm bắt vấn đề sâu hơn, kỹ hơn, toàn diện hơn, chỉ đạo kịp thời hơn…

Cùng với Bộ Công an, nhiều bộ, ngành cũng đã rất quyết tâm trong thực hiện nhiệm vụ đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Trình bày Báo cáo của Chính phủ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023 tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV (tháng 5/2024), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Chính phủ đã ban hành 27 Nghị định về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; các bộ, ngành đã giảm được 17 tổng cục và tương đương; giảm 10 cục và 144 vụ/ban thuộc tổng cục và thuộc bộ; giảm 108 phòng trong vụ/ban thuộc bộ, ngành; giảm 22 đơn vị sự nghiệp công lập.

Cụ thể, Bộ Tài nguyên và Môi trường cắt giảm được 4 tổng cục; Bộ Nội vụ cắt giảm 2 cơ quan tương đương tổng cục; Bộ Giao thông vận tải cũng xóa bỏ Tổng cục Đường bộ Việt Nam, tách thành 2 cục; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chuyển 4 tổng cục thành cấp cục; Bộ Khoa học và Công nghệ chuyển 1 tổng cục và 1 đơn vị tương đương cấp tổng cục thành cấp cục; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chuyển 2 tổng cục và 1 đơn vị tương đương cấp tổng cục thành cấp cục; Bộ Y tế sắp xếp 1 đơn vị cấp Tổng cục thành cấp cục.

Theo báo cáo của Chính phủ, tính đến hết năm 2023, đã giảm được 7.867 đơn vị sự nghiệp công lập (năm 2023 giảm 236 đơn vị), còn 46.385 đơn vị sự nghiệp công lập. Cùng với đó, số đối tượng tinh giản biên chế năm 2023 là 7.151 người.

Việc tổ chức, sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đạt nhiều kết quả tích cực

Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì phiên họp về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Cũng theo Quyết định 72-QĐ/TW, chính quyền địa phương (gồm UBND và HĐND) cấp tỉnh trở xuống, đơn vị sự nghiệp công lập, hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở địa phương; cán bộ, công chức cấp xã là 1.908.882 biên chế, trong đó gồm: 140.826 cán bộ, công chức và 1.562.485 viên chức.

Đây là số lượng biên chế không nhỏ ở cấp địa phương trong phạm vi toàn quốc. Vì vậy, cùng với việc tổ chức, sắp xếp, tinh giản biên chế ở các cơ quan trung ương, việc tổ chức, sắp xếp lại các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã nếu được triển khai quyết liệt, hiệu quả cũng sẽ giúp toàn hệ thống chính trị tinh giản được một số lượng biên chế không nhỏ.

Cụ thể, cùng với các bộ, ngành làm tốt việc tổ chức, sắp xếp lại bộ máy, Nam Định là một trong ba tỉnh đầu tiên trên toàn quốc được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết về sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã của tỉnh giai đoạn 2023-2025.

Tỉnh Nam Định là địa phương có số lượng ĐVHC sắp xếp, sáp nhập lớn, với 2 ĐVHC cấp huyện thực hiện sắp xếp là huyện Mỹ Lộc và thành phố Nam Định; 77 ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp, gồm 55 xã, 17 phường, 5 thị trấn.

Sau sắp xếp, tỉnh Nam Định có 9 ĐVHC cấp huyện, gồm 1 thành phố và 8 huyện; 175 ĐVHC cấp xã, gồm 146 xã, 14 phường và 15 thị trấn; dôi dư 56 cán bộ, công chức cấp huyện và 1.060 cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.

Với nỗ lực, quyết tâm rất lớn, tỉnh Nam định đã sớm hoàn thành việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã, nhằm tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Từ ngày 1/9/2024, các ĐVHC mới hình thành sau sắp xếp của tỉnh này đã đi vào hoạt động, bảo đảm duy trì hoạt động liên tục, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy trong hệ thống chính trị…

Cùng với đó, theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, tính đến năm 2023, các địa phương đã giảm được 13 Sở và tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp tỉnh; giảm 2.572 tổ chức phòng thuộc cơ quan chuyên môn UBND cấp tỉnh, cấp huyện.

Mới đây, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn vừa ký ban hành các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã của 21 tỉnh, thành phố giai đoạn 2023 – 2025.

Theo đó, sau sắp xếp, sẽ giảm 6/18 ĐVHC cấp huyện và giảm 233/487 ĐVHC cấp xã. Theo đó, tỉnh Lâm Đồng là địa phương có số ĐVHC cấp huyện giảm nhiều nhất (2 huyện); Hải Phòng có số ĐVHC cấp xã giảm nhiều nhất (50 xã), tiếp theo là tỉnh Nghệ An giảm 48 xã, tỉnh Hải Dương giảm 28 xã…

Trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, tính đến nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, thông qua 37 Nghị quyết về sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã của 37 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giai đoạn 2023 – 2025.

Qua đó, đã thực hiện sắp xếp đối với 25 ĐVHC cấp huyện, 756 ĐVHC cấp xã trong giai đoạn 2023 – 2025; giảm được 7 ĐVHC cấp huyện, 373 ĐVHC cấp xã.

Tiếp đó, gần đây nhất, sáng 14/11/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua 12 Nghị quyết về việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025 của các tỉnh, thành phố.

Theo đề nghị của Chính phủ, trong giai đoạn 2023 – 2025, việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã tại 12 tỉnh, thành phố được thể hiện trong 15 Đề án cụ thể.

Sau sắp xếp, 12 tỉnh, thành phố nêu trên dự kiến giảm được 1/6 ĐVHC cấp huyện (chiếm 16,66 % tổng số ĐVHC cấp huyện tham gia sắp xếp) và 161/361 ĐVHC cấp xã (chiếm 44,60% tổng số ĐVHC cấp xã tham gia sắp xếp), trong đó giảm nhiều nhất là thành phố Hà Nội (53/109 đơn vị), tiếp đến là Thành phố Hồ Chí Minh (39/80 đơn vị), tỉnh Phú Thọ (18/31 đơn vị)…

Như vậy, dưới đường lối lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, cả hệ thống chính trị đổi mới, sắp xếp, tổ chức lại bộ máy của hệ thống chính trị và bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực, rất đáng ghi nhận.

Như vậy, dưới đường lối lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, cả hệ thống chính trị đổi mới, sắp xếp, tổ chức lại bộ máy của hệ thống chính trị và bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực, rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, công tác này vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế.

Trong bài viết “Tinh – Gọn – Mạnh – Hiệu năng – Hiệu lực – Hiệu quả” mới đây, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh, qua 7 năm thực hiện Nghị quyết số 18 ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, chúng ta đã đạt được một số kết quả quan trọng, bước đầu tạo chuyển biến tích cực trong đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị.

Tuy nhiên, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, nhận thức và hành động của một số cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, người đứng đầu ở một số cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương chưa đầy đủ, chưa sâu sắc, quyết tâm chưa cao, hành động chưa quyết liệt, việc sắp xếp tổ chức bộ máy chưa đồng bộ, tổng thể… Chính vì vậy, cho đến nay, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ…

Bài 2

Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh

Trong bài viết “Tinh – Gọn – Mạnh – Hiệu năng – Hiệu lực – Hiệu quả” mới đây, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã thẳng thắn chỉ ra rằng, cho đến nay, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ…

Tổng Bí thư Tô Lâm

Tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối

Trong bài viết “Tinh – Gọn – Mạnh – Hiệu năng – Hiệu lực – Hiệu quả”, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ, bộ máy trong bộ, cơ quan ngang Bộ còn nhiều tầng nấc, có cấp không rõ địa vị pháp lý; đơn vị trực thuộc có tư cách pháp nhân tăng, gia tăng tình trạng “Bộ trong Bộ”…

Bên cạnh đó, phát biểu trước phiên họp toàn thể tại hội trường Quốc hội (ngày 4/11) tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV mới đây, đại biểu Vũ Trọng Kim (Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định) cho biết: “Xin phản ánh chính xác 100% là có Bộ trưởng nói với tôi rằng “nếu bộ tôi giảm 30-40% biên chế chẳng hề hấn gì”. Đây là một thực trạng nhức nhối đang tồn tại hiện nay…

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trước khi tiến hành sắp xếp bộ máy bên trong, các bộ, ngành, cả nước có tất cả 30 tổng cục và tương đương. Đến nay, tuy đã giảm được 17 tổng cục nhưng vẫn còn còn tồn tại 13 tổng cục. Cấp tổng cục được coi là cấp trung gian giữa cấp bộ và cấp cục.

Bên cạnh đó, tuy các địa phương đã giảm được 13 Sở và tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp tỉnh; giảm 2.572 tổ chức phòng thuộc cơ quan chuyên môn UBND cấp tỉnh, cấp huyện nhưng con số này chưa đạt được như kỳ vọng.

Hiện nay, tổng biên chế cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị- xã hội ở trung ương và các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy khối trực thuộc trung ương giai đoạn 2022-2026 là 1.979.433 biên chế, trong đó: Các cơ quan, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương và các đảng ủy khối trực thuộc trung ương là 6.285 biên chế, gồm 3.335 cán bộ, công chức và 2.950 viên chức.

Các cơ quan, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội ở địa phương (cấp tỉnh và cấp huyện) là 64.266 biên chế, gồm 55.949 cán bộ, công chức; 6.959 viên chức và 1.358 biên chế công đoàn tạm giao.

Chính quyền địa phương (gồm UBND và HĐND) cấp tỉnh trở xuống, đơn vị sự nghiệp công lập, hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở địa phương; cán bộ, công chức cấp xã là 1.908.882 biên chế, trong đó gồm: 140.826 cán bộ, công chức và 1.562.485 viên chức.

Trong bài viết của mình, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm nêu thực tế, có nhiều bộ, ngành bộ máy tổ chức cồng kềnh, không rõ chức năng, nhiệm vụ, không phân cấp cho địa phương, dẫn tới cơ chế xin – cho làm mất thời gian của người dân và doanh nghiệp. Do đó, cần phân cấp, phân quyền, địa phương chịu trách nhiệm và những quan điểm này đã được cụ thể hóa thành chính sách, pháp luật, cần triển khai trong thực tiễn cuộc sống.

Bên cạnh đó, phát biểu tại phiên thảo luận tại Tổ 12, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV (ngày 31/10) mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm dẫn chứng, vừa qua, tập trung giải quyết vấn đề cát, đá, sỏi mà việc này 5-6 bộ cùng tập trung nghiên cứu nhưng không biết ai chủ trì.

Trong đó, Bộ Giao thông vận tải nói sông này nếu khơi thông luồng lạch cho giao thông thì bộ có trách nhiệm và nếu doanh nghiệp nào làm khai thác lòng sông sẽ được trả tiền vì giúp khơi thông luồng lạch. Trong khi đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường lại nói không được, vì đây là kho tài nguyên, ai muốn khai thác phải trả tiền. Bộ Xây dựng lại nói, đây là nguyên vật liệu xây dựng…

Một vấn đề thôi, bao nhiêu cuộc họp bàn lên bàn xuống, nhưng hỏi ai chịu trách nhiệm chính về cát, sỏi, lòng sông thì chả biết ai. Bộ máy cứ như thế làm sao chịu được, không thể chịu được những cái cồng kềnhTổng Bí thư Tô Lâm

“Một vấn đề thôi, bao nhiêu cuộc họp bàn lên bàn xuống, nhưng hỏi ai chịu trách nhiệm chính về cát, sỏi, lòng sông thì chả biết ai. Bộ máy cứ như thế làm sao chịu được, không thể chịu được những cái cồng kềnh” – Tổng Bí thư nói và cho rằng với địa phương cũng lại Sở Giao thông vận tải, Sở Tài nguyên và Môi trường cùng quản lý…

Dẫn chứng câu chuyện này, Tổng Bí thư cho rằng, doanh nghiệp cũng khổ sở, muốn làm gì về cát, đá, sỏi hỏi đủ các ý kiến, rồi UBND tỉnh quyết định, huyện chịu trách nhiệm quản lý, mà lại vẫn tiêu cực.

“Quản lý như vậy đâu có phải hay. Cát, đá, sỏi lòng sông là khe hở, người dân có được thụ hưởng đâu. Cát cấp cho doanh nghiệp khai thác lên, giá bán, giá mua đã lằng nhằng, doanh nghiệp lời như thế, khai thác chui… rất tiêu cực. Thậm chí tội phạm cũng xen vào, từ vận chuyển, khai thác đến đổ vào các khu công nghiệp, công trình công… Như vậy, hiệu lực quản lý đến đâu? Đây là vấn đề cần xem xét” – Tổng Bí thư nêu rõ.

Bên cạnh đó, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu rà soát chi tiết, việc làm nào, hành vi nào phục vụ gì và tạo điều kiện gì cho Nhân dân, có phục vụ Nhân dân tốt hơn hay không?

Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu rà soát chi tiết, việc làm nào, hành vi nào phục vụ gì và tạo điều kiện gì cho Nhân dân, có phục vụ Nhân dân tốt hơn hay không?

“Nhiều lần tôi đã nói, rất bức xúc. Một tờ giấy khai sinh thôi nhưng 5 – 6 cơ quan tham gia và người dân mất cả tuần đến 10 ngày để làm thủ tục. Một bà mẹ sinh một đứa con, đếm ra: giấy chứng sinh của trạm y tế cấp; xong giấy chứng sinh lại sang bên Công an để lấy số định danh; có số định danh lại sang bên Tư pháp để làm giấy khai sinh; có giấy khai sinh lại quay trở về bên Công an để làm hộ khẩu; xong lại sang bên Y tế để làm bảo hiểm. Năm, sáu cơ quan làm việc ấy. Tại sao không làm ngay được ở trạm y tế đó? Khi người mẹ ở trạm y tế đó một, hai ngày là hoàn thành tất cả thủ tục. Người ta bế con về là đầy đủ giấy tờ hết rồi. Như vậy dân có sướng không? Tại sao phải đi trình bày, phải làm những chuyện nó khổ đến như thế?” – Tổng Bí thư Tô Lâm phân tích.

Nhắc lại tinh thần cần rà soát chi tiết, cụ thể để đổi mới, Tổng Bí thư cho biết, Nghị quyết Trung ương đã nêu chủ trương, đường lối, nhưng cần phải trở thành cuộc cách mạng để thấm nhuần tư tưởng này đến từng chi bộ, đảng viên; nhiệm vụ tinh giản biên chế không chỉ là của Bộ Nội vụ, các cơ quan, bộ máy quản lý nhà nước….

Chi phí vận hành hệ thống tổ chức bộ máy lớn, làm giảm nguồn lực cho đầu tư phát triển

 Trong bài viết “Tinh – Gọn – Mạnh – Hiệu năng – Hiệu lực – Hiệu quả”, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, chi phí vận hành hệ thống tổ chức bộ máy lớn, làm giảm nguồn lực cho đầu tư phát triển, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân.

Vì vậy, theo đồng chí Tổng Bí thư, so với những thay đổi to lớn của đất nước sau 40 năm đổi mới, sự phát triển của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và những thành tựu khoa học công nghệ; tổ chức bộ máy hệ thống chính trị nước ta tuy đã được đổi mới ở một số bộ phận, nhưng cơ bản vẫn theo mô hình được thiết kế từ hàng chục năm trước, nhiều vấn đề không còn phù hợp với điều kiện mới là trái với quy luật phát triển…

Phát biểu trong phiên thảo luận tại Tổ 12, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV (ngày 31/10/2024) mới đây, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, khoảng 70% ngân sách dùng để chi trả lương, chi thường xuyên. Như vậy, tỷ lệ ngân sách dành cho chi đầu tư phát triển thấp. Trong khi các quốc gia khác chi trên 40% ngân sách cho trả lương và dành trên 50% ngân sách chi cho quốc phòng – an ninh, giáo dục, y tế, an sinh xã hội…

Vì sao không thể tăng lương được là vì tăng lương ngân sách chi cho trả lương sẽ tăng lên đến 80 – 90%, không còn tiền ngân sách để cho các hoạt động khácTổng Bí thư Tô Lâm

“Vì sao không thể tăng lương được là vì tăng lương ngân sách chi cho trả lương sẽ tăng lên đến 80 – 90%, không còn tiền ngân sách để cho các hoạt động khác” – Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết và đề nghị, cần phải nhìn vào thực chất để tiếp tục tinh giản bộ máy, tinh giản biên chế, giảm chi thường xuyên để dành nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Số liệu trong Nghị quyết số 70/2022/QH15 về phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 4, ngày 11/11/2022 cho thấy, tổng số thu ngân sách trung ương là 863.567 tỷ đồng, tổng số thu ngân sách địa phương là 757.177 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tổng số chi ngân sách trung ương năm 2023 là 1.294.067 tỷ đồng, trong đó dự toán 436.204 tỷ đồng để bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương.

Trong số này, khoản chi thường xuyên của ngân sách trung ương (13 khoản chi) tổng là 515.256 tỷ đồng (riêng khoản chi hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước, đảng, đoàn thể là 46.900 tỷ đồng).

Trong số 63 tỉnh, thành, hiện nay mới chỉ có 18 địa phương thu đủ bù chi và nộp ngân sách về Trung ương theo Nghị quyết số 70/2022/QH15 của Quốc hội, gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Quảng Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Nam, Đà Nẵng, Ninh Bình, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Long An, Hưng Yên, Thái Nguyên, Hải Dương.

Trong khi đó, 45 địa phương còn lại đến nay vẫn chưa tự cân đối ngân sách, ngân sách Trung ương vẫn phải điều tiết về với số tiền hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm. Vì vậy, việc tinh giản biên chế, sắp xếp, tổ chức lại bộ máy hoạt động ở cả trung ương và địa phương là nhiệm vụ cấp bách, sẽ giúp giảm các khoản chi phí lớn của ngân sách nhà nước để “nuôi” bộ máy cồng kềnh, chuyển số ngân sách này sang chi cho đầu tư phát triển…

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) cho biết, bản thân ông rất tâm đắc với bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm về việc tiếp tục tinh giản tổ chức bộ máy, biên chế. Theo đại biểu, Tổng Bí thư nêu vấn đề rất rành mạch, rất cụ thể, phân tích rõ thực trạng cồng kềnh, thiếu tinh gọn trong bộ máy Nhà nước thời gian qua. Đây là nội dung rất quan trọng, các ngành, các cấp cần hết sức quan tâm, quyết liệt thực hiện.

Đại biểu cho biết, thời gian qua, Nghị quyết số 18 ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị được thực hiện khá tốt, tinh giản 10% biên chế sự nghiệp công lập.

Tuy vậy, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, việc thực hiện tinh giản này ở một số nơi, một số cơ quan, đơn vị vẫn mang tính chất cào bằng, quy định từ trên xuống dưới đều áp dụng chung, các cơ quan, tổ chức, đơn vị nào cũng tinh giản 10% mà không tính tới ở cấp xã chỉ có một người làm một nhiệm vụ thì không thể tinh giản được. Hay ở cấp phòng, ban của cấp huyện có ba người, nếu tinh giản còn 2 người thì sẽ không đủ để thực hiện nhiệm vụ. Điều này cũng xảy ra tương tự ở các cấp sở, ngành.

“Do vậy, tinh giản bộ máy, tổ chức, biên chế từ trung ương là cần thiết vì ở trung ương, có những bộ, ngành 3.000 – 4.000 người, nếu tinh giản 30 – 50 người, tôi nghĩ không không ảnh hưởng đến hoạt động của bộ, ngành đó. Còn đối với cấp tỉnh và cấp huyện, tinh giản chỉ 5-7 người đã gây khó khăn trong hoạt động bởi theo quy định, cấp huyện chỉ 130-140 biên chế, nhưng phải tinh giản theo từng năm nên nếu giảm tiếp không đủ nhân lực thực thi công vụ” – đại biểu Phạm Văn Hòa phân tích.

Đại biểu Phạm Văn Hòa cho biết, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đề cập gia tăng tình trạng “Bộ trong Bộ”, đây cũng là thực tế đang diễn ra, có sự trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ, cần có sự vào cuộc rất quyết liệt, tinh giản để cho bộ máy làm việc từ trung ương đến cơ sở thực sự hiệu lực, hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực.

Theo Quyết định 1259/QĐ-TTg ngày 18/10/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chỉ tính riêng biên chế công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước của các cơ quan, tổ chức hành chính Nhà nước thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập, biên chế cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, biên chế hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương giai đoạn 2022 – 2026, bảo đảm đến hết năm 2026 là 103.300 biên chế.

Trong đó, các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập là 101.546 biên chế; Hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương là 686 biên chế; Các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài là 1.068 biên chế.

Đại biểu Leo Thị Lịch (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang) cho biết, bản thân đại biểu rất ấn tượng với bài viết của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm với các nội dung quan trọng trong việc đổi mới toàn bộ các nội dung liên quan đến công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, trong đó có nội dung liên quan đến tinh gọn bộ máy.

Đại biểu cho biết, thời quan qua, thực hiện Nghị định của Chính phủ tinh giản 10% biên chế hàng năm đối với các đơn vị sự nghiệp công lập và các đơn vị hành chính, mặc dù đã giảm đúng tỷ lệ 10% như yêu cầu nhưng mới chỉ tập trung vào hai lĩnh vực là giáo dục và y tế. Trong khi đó, tỷ lệ dân số của Việt Nam, dân số tăng, ngành giáo dục, ngành y tế cần tăng để đủ số lượng đáp ứng yêu cầu giáo dục và chăm sóc sức khỏe Nhân dân, do đó nếu chỉ tập trung giảm biên chế ở hai lĩnh vực này chưa hợp lý.

“Thời gian qua, việc tinh giản chủ yếu tập trung ở cấp xã, cấp huyện, nhưng cấp trung gian cao hơn là cấp bộ, ngành thực hiện vẫn chưa nhiều. Vì vậy, Tổng Bí thư yêu cầu tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả trong thời gian tới, cần tập trung vào các lĩnh vực. Tôi cho rằng, tinh gọn bộ máy tập trung vào cấp trung ương là phù hợp, để đảm bảo hài hòa công việc, đáp ứng nhu cầu đổi mới, nhất là việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” – Đại biểu Leo Thị Lịch kiến nghị.

Bài 3:

Những giải pháp cấp bách để việc tổ chức, sắp xếp lại bộ máy đạt được hiệu quả cao nhất

Ngoài các giải pháp trọng tâm, trong bài viết với tiêu đề: “Tinh – Gọn – Mạnh – Hiệu năng – Hiệu lực – Hiệu quả” và các phát biểu trên nghị trường Quốc hội, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã đặc biệt nhấn mạnh 2 nội dung: Các cơ quan trung ương phải gương mẫu thực hiện đầu tiên và phải gắn việc tinh giản biên chế với vấn đề cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để đạt được hiệu quả cao nhất…

Đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định, thời điểm 100 năm đất nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và 100 năm thành lập nước không còn xa. Để đạt được các mục tiêu chiến lược, không chỉ đòi hỏi những nỗ lực phi thường, những cố gắng vượt bậc, mà còn không cho phép chúng ta chậm trễ, lơi lỏng, thiếu chính xác, thiếu đồng bộ, thiếu nhịp nhàng trên từng bước đi. Muốn vậy, cần khẩn trương thực hiện cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị…

Tổng Bí thư Tô Lâm

3 giải pháp trọng tâm cần khẩn trương thực hiện

Để khẩn trương thực hiện cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, trong bài viết “Tinh – Gọn – Mạnh – Hiệu năng – Hiệu lực – Hiệu quả”, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh 3 giải pháp trọng tâm:

Thứ nhất: xây dựng và tổ chức thực hiện trong toàn hệ thống chính trị mô hình tổng thể tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam đáp ứng những yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới.

Để làm được tốt điều này, đồng chí Tổng Bí thư cho biết, cần tập trung tổng kết 7 năm thực hiện Nghị quyết số 18 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, đánh giá nghiêm túc, toàn diện về tình hình và kết quả đạt được, những ưu điểm, khuyết điểm, hạn chế, vướng mắc, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện Nghị quyết; đề xuất, kiến nghị với Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị…

Thứ hai: tập trung hoàn thiện thể chế theo tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng” để nhanh chóng đưa chủ trương của Đảng đi vào thực tiễn cuộc sống.

Đồng chí Tổng Bí thư yêu cầu, rà soát các quy định pháp luật có liên quan để chủ động chuẩn bị sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới theo đúng quy định, bảo đảm chủ trương của Đảng được triển khai nhanh nhất sau khi được Trung ương thống nhất thông qua.

Cùng với đó, tập trung hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị, gắn với tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, Trung ương, Chính phủ, Quốc hội tăng cường hoàn thiện thể chế, giữ vai trò kiến tạo và tăng cường kiểm tra, giám sát và cải cách tối đa thủ tục hành chính, giảm chi phí, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp…

Thứ ba: gắn tinh gọn tổ chức bộ máy với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ, biên chế hợp lý, chuẩn hóa chức danh.

Đồng chí Tổng Bí thư nhấn mạnh, cần ban hành quy định về khung tiêu chuẩn, tiêu chí bố trí cán bộ ở từng cấp, từ trung ương tới cơ sở, từng loại hình để chủ động rà soát, xác định có thể bố trí ngay. Đổi mới mạnh mẽ công tác tuyển dụng, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đánh giá cán bộ theo hướng thực chất, vì việc tìm người, trên cơ sở sản phẩm cụ thể đo đếm được, không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong đánh giá cán bộ. Có cơ chế hữu hiệu sàng lọc, đưa ra khỏi vị trí công tác đối với những người không đủ phẩm chất, năng lực, uy tín và sử dụng đối với người có năng lực nổi trội…

Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Các cơ quan ở cấp trung ương phải gương mẫu đi đầu

Ngày 18/7/2022, Bộ Chính trị ban hành Kết luận 40-KL/TW về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022 – 2026, trong đó nêu rõ: Giai đoạn 2021 – 2026, toàn hệ thống chính trị tinh giản ít nhất 5% biên chế cán bộ, công chức và ít nhất 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, đối với các cơ quan, tổ chức, địa phương, đơn vị chưa thực hiện giảm đủ 10% biên chế giai đoạn 2016 – 2021 thì phải đồng thời: Thực hiện mục tiêu tinh giản biên chế giai đoạn 2022 – 2026; Tiếp tục thực hiện chỉ tiêu tinh giản biên chế giai đoạn 2016 – 2021.

Trong phiên thảo luận tại Tổ 12 (ngày 31/10/2024) tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã thẳng thắn chỉ ra rằng, thời gian qua, chúng ta mới sáp nhập từ dưới lên, xã, huyện, một số bộ, ngành, vụ, cục, tổng cục. “Trung ương tinh gọn thì địa phương sẽ tinh gọn, cách thức tiến hành như thế nào, đây là vấn đề rất lớn, phải tính đến” – Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh.

Đại biểu Hồ Thị Minh (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị) cho biết, trong bài viết “Tinh – Gọn – Mạnh – Hiệu năng – Hiệu lực – Hiệu quả”, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh lại một lần nữa yêu cầu tinh gọn tổ chức bộ máy để thật sự đem lại hiệu lực, hiệu quả trong cải cách bộ máy hành chính hiện nay, đặc biệt là các bộ, ngành, bộ phận tham mưu có chức năng trùng lắp.

Vì vậy, theo đại biểu, trong bài viết của Tổng Bí thư và ý tưởng của đồng chí đã nêu rõ tất cả các bộ, ngành và các khâu trung gian trong công tác tham mưu cần sắp xếp, tinh gọn để bộ máy cấp trên và cơ sở có sự thống nhất trong công tác điều hành. Còn các bộ phận trung gian tham mưu nếu không cần thiết, có thể tinh gọn để thời gian tới, khi xếp ngạch bậc lương theo chính sách tiền lương mới, theo vị trí việc làm sẽ mang lại hiệu quả và đảm bảo đời sống cho cán bộ.

Tôi được biết, có một số bộ ngành khẳng định, nếu tinh giản vài ba chục cán bộ vẫn có thể hoạt động thông suốt. Vậy tại sao chúng ta không quyết liệt làm ngay sau khi Tổng Bí thư chỉ đạo?Đại biểu Hồ Thị Minh – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị

“Tôi được biết, có một số bộ ngành khẳng định, nếu tinh giản vài ba chục cán bộ vẫn có thể hoạt động thông suốt. Vậy tại sao chúng ta không quyết liệt làm ngay sau khi Tổng Bí thư chỉ đạo?” – đại biểu Hồ Thị Minh nhấn mạnh.

Theo đại biểu, thời gian qua, có một số nơi đã tinh giản cơ học theo kiểu cán bộ nghỉ hưu và không tuyển dụng mới. Vì vậy, để thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, cần rà soát và có cơ chế phù hợp đối với đối tượng thuộc diện tinh giản. Cùng với đó, có tiêu chí cụ thể đánh giá cán bộ, làm cơ sở thực hiện tinh giản đúng đối tượng, đảm bảo tinh gọn cả bộ máy và nhân lực.

Cũng trong phiên thảo luận tại Tổ 12, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV mới đây, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Sắp tới, các ban của Đảng, Quốc hội, Chính phủ phải gương mẫu, phải rất thẳng thắn, mạnh dạn và nhìn nhận nếu không tinh gọn bộ máy thì không thể phát triển được”.

Gương mẫu, tiên phong đi đầu, sáng 19/11/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chủ trì Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Thực hiện chủ trương, đường lối lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 1403/QĐ-TTg ngày 16/11/2024 thành lập Ban Chỉ đạo về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Quyết định nêu rõ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban Chỉ đạo. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình làm Phó Trưởng ban. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn làm Ủy viên.

Ngoài ra, Ủy viên Ban Chỉ đạo còn có: Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Hải Ninh.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu quả tại các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội

Tiếp đó, mới đây nhất, ngày 18/11/2024, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký Nghị quyết số 1297/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập Ban Chỉ đạo về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” tại các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội.

Nghị quyết nêu rõ, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm Trưởng Ban Chỉ đạo. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh làm Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo; các đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Khắc Định, Nguyễn Đức Hải, Trần Quang Phương làm Phó Trưởng Ban Chỉ đạo. Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội là thành viên Ban Chỉ đạo…

Bài học quý từ thực tiễn gắn “tinh giản” với sắp xếp, tổ chức lại bộ máy của Bộ Công an

Để đạt được hiệu quả cao nhất, không chỉ tinh giản biên chế một cách cơ học, đơn thuần mà cần phải gắn công tác này với vấn đề cơ cấu, sắp xếp, tổ chức lại bộ máy sao cho tinh, gọn, mạnh, hiệu lực, hiệu quả… Nhiệm vụ này đã được Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an thực hiện rất bài bản, khoa học và đạt được nhiều kết quả to lớn, là kinh nghiệm quý để nhiều bộ, ngành, địa phương có thể tham khảo, học hỏi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tinh giản, sắp xếp lại bộ máy hoạt động.

Cùng với các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng, Luật Công an nhân dân (sửa đổi) năm 2018 được Quốc hội thông qua là căn cứ pháp lý quan trọng để lực lượng Công an nhân dân thực hiện nhiệm vụ đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, trong đó đặc biệt chú trọng vấn đề gắn “tinh giản” với sắp xếp, tổ chức lại sao cho đạt được hiệu quả cao nhất.

Cụ thể, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV (tháng 11/2018), các đại biểu Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật Công an nhân dân (sửa đổi). Theo đó, về hệ thống tổ chức của Công an nhân dân (Điều 17): Xác định xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy phải có lộ trình thực hiện để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả và đồng bộ với việc thực hiện chủ trương của Đảng về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; bảo đảm nhân sự, cơ sở vật chất, điều kiện chính quy Công an xã, thị trấn.

Luật đã giao Chính phủ quy định cụ thể việc xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy (khoản 2 Điều 17) và điều khoản chuyển tiếp (Điều 46) để bảo đảm lộ trình thực hiện và tính khả thi. Đối với lực lượng Công an xã bán chuyên trách, sẽ tiếp tục được sử dụng tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự tại cơ sở để tránh lãng phí nguồn nhân lực tại chỗ.

Với phương châm “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”, từ năm 2018, Bộ Công an đã tiến hành sắp xếp lại bộ máy. Cụ thể, báo cáo tại Hội nghị sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy trên toàn quốc (tổ chức tháng 6/2022) cho thấy, tính từ năm 2018 đến ngày 14/5/2022, công an 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã bố trí hơn 48.000 cán bộ Công an xã, thị trấn chính quy tại 100% xã, thị trấn trên toàn quốc (sớm hơn 6 tháng so với quy định).

Cán bộ Công an chính quy đến tận thôn bản vận động bà con tham gia bảo vệ an ninh trật tự.

Kết quả, từ năm 2018 đến tháng 6/2022, lực lượng Công an xã, thị trấn đã tiếp nhận hơn 82.000 vụ việc liên quan đến an ninh trật tự; trực tiếp giải quyết hơn 49.000 vụ, chuyển cơ quan khác hơn 6.000 vụ và phối hợp với các lực lượng giải quyết hơn 7.000 vụ; xử lý hành chính hơn 26.000 vụ, việc…

Cùng với đó, công tác quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự cũng được thực hiện bài bản hơn, bảo đảm đúng theo quy định của pháp luật ngay từ cơ sở. Những thành quả này nhận được sự đồng thuận rất cao của cả hệ thống chính trị, sự vui mừng, phấn khởi của đông đảo các tầng lớp Nhân dân.

Tiếp theo việc sắp xếp, bố trí Công an chính quy về làm Công an xã, Bộ Công an tiếp tục chủ trì xây dựng dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và được Quốc hội biểu quyết thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV (ngày 28/11/2023, có hiệu lực từ ngày 1/7/2024). Luật nhằm sắp xếp, tổ chức lại lực lượng Công an xã bán chuyên trách trước đây, lực lượng dân phòng, không làm tăng biên chế nhưng đạt được hiệu quả tối đa, góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ lực lượng Công an xã chính quy trong nhiệm vụ bảo vệ vững chắc tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội từ sớm, từ xa ngay tại cơ sở.

Đưa Công an chính quy về xã; xây dựng, hỗ trợ, huấn luyện và thừa ủy quyền của cấp ủy, chính quyền địa phương trực tiếp điều hành, chỉ huy hoạt động của Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở là 2 trong những thành quả lớn của Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an trong việc gắn tinh giản với cơ cấu, tổ chức lại lực lượng một cách bài bản, khoa học.

Thành quả này của Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an là một trong những minh chứng sống động khẳng định tư tưởng, đường lối đúng đắn của Đảng trong chủ trương gắn tinh giản biên chế với vấn đề cơ cấu lại cán bộ; là kinh nghiệm quý để nhiều bộ, ngành, địa phương có thể tham khảo, học hỏi trong quá trình thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; là “chìa khóa” góp phần “mở toang” cánh cửa đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc mà Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã khởi xướng và đang quyết tâm, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.

Nguồn: Báo Nhân dân

Tin cùng chuyên mục: