3 bệnh nhân nhiễm virus corona ở Vĩnh Phúc được xuất viện
Chiều 10/2, 3 bệnh nhân nhiễm virus corona tại Vĩnh Phúc sẽ được xuất viện. Cả 3 đều thuộc nhóm 8 người từ Vũ Hán trở về trên cùng một chuyến bay.
TS Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, 3 bệnh nhân được xuất viện thuộc nhóm 8 công nhân trở về từ Vũ Hán. Cả 3 đều sống tại Vĩnh Phúc, trong đó có nữ bệnh nhân N.T.D, 23 tuổi ở huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc. Đây là bệnh nhân đã lây bệnh cho mẹ, em gái, dì ruột và một người hàng xóm.
Cả ba bệnh nhân đều đã cho kết quả xét nghiệm âm tính với virus corona. Trong quá trình điều trị, tình trạng bệnh nhân diễn biến nhẹ, bệnh nhân sức khoẻ ổn định.
Sau khi 3 bệnh nhân này ra viện, BV Bệnh nhiệt đới Trung ương chỉ còn điều trị cho 2 bệnh nhân dương tính với virus corona mới (nCoV).
Còn tại Vĩnh Phúc, 4 bệnh nhân dương tính virus corona đang được điều trị tại TTYT huyện Bình Xuyên và TTYT huyện Tam Đảo.
Như vậy, trong tổng số 14 ca nhiễm virus corona được ghi nhận, Việt Nam đã có 6 ca được xuất viện gồm: nữ công nhân ở Thanh Hoá (thuộc nhóm 8 người trở về từ Vũ Hán); nữ lễ tân khách sạn tại Nha Trang; bệnh nhân người con trong chùm 2 ca nhiễm virus corona tại TP Hồ Chí Minh.
8 bệnh nhân còn lại, gồm 2 bệnh nhân ở TP Hồ Chí Minh tình trạng sức khoẻ ổn định; các bệnh nhân được điều trị tại Vĩnh Phúc trong tầm kiểm soát.
Vĩnh Phúc là địa phương ghi nhận số ca nhiễm virus corona mới nhiều nhất trên cả nước, với 9/14 ca mắc bệnh. Ngoài 5 bệnh nhân thuộc nhóm cùng trở về từ Vũ Hán trên một chuyến bay, 4 bệnh nhân còn lại đều là người tiếp xúc gần với 1 trong nhóm 5 bệnh nhân trên.
Tính đến ngày 10/2, dịch viêm phổi cấp do virus corona mới đã khiến 910 người tử vong với hơn 40.000 ca mắc, trong đó tử vong tại Lục địa Trung Quốc là 908 trường hợp.
GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, virus corona có 3 phương thức lây truyền chủ yếu: lây truyền qua không khí- ở đây là lây qua việc tiếp xúc với giọt nước bọt từ người ho, hắt hơi, sổ mũi vào đường hô hấp; lây trực tiếp- khi tiếp xúc với người bệnh, bắt tay người bệnh nếu không thực hiện biện pháp phòng bệnh, rửa tay với xà phòng; và lây truyền từ bề mặt đã nhiễm bẩn.
Khi ho, hắt hơi, virus này không lơ lửng trên không khí vì thế nguy cơ lây không khí thấp, chủ yếu lây qua tiếp xúc. Khi ra ngoài, tồn tại trên bề mặt gỗ, đá, sắt, thép, vải… Thời gian tồn tại của virus khá lâu. Khi đó sờ tay vào bề mặt nhiễm khuẩn rồi đưa lên mắt mũi miệng là đường lây truyền đáng quan ngại. Đường thứ 4 là qua phân trong trường hợp chăm sóc người nhiễm thường không có, chưa có kiểm chứng về khoa học.
Hồng Hải/ Dân trí