Dòng người đặc kín từ trên núi xuống bãi biển dịp Lễ 30/4
CÁC ĐIỂM DU LỊCH NỔI TIẾNG BA MIỀN QUÁ TẢI DỊP NGHỈ LỄ
Do được nghỉ 5 ngày, nhiều người tận dụng khoảng thời gian này để du lịch, nghỉ mát dẫn đến sự quá tải ở các bãi biển Sầm Sơn, Nha Trang, Vũng Tàu… Các cung đường từ miền Tây đi và về TP.HCM cũng trong tình trạng ùn ứ liên tục.
Trong 5 ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5, các thành phố như Hạ Long, Sầm Sơn, Hải Phòng, Nha Trang, Đà Nẵng, Vũng Tàu… đón một lượng du khách khổng lồ từ khắp nơi trên cả nước đổ về vui chơi. Phóng viên Zing.vn có mặt ở một số điểm du lịch nổi tiếng cả nước ghi nhận tình hình nghỉ lễ của người dân ba miền.
Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) là một trong những điểm đến yêu thích của nhiều người. Nhờ có tuyến cao tốc mới nên thời gian về đây gần hơn khiến số lượng du khách tham quan đông hơn các năm trước. Tại các bến tàu chở khách tham quan vịnh, nguồn cung về tàu không đủ đáp ứng, nhiều thời điểm, đơn vị quản lý tại Tuần Châu (Hạ Long) phải thông báo hết tàu.
Tình trạng quá tải khách du lịch còn diễn ra tại các tỉnh miền Trung, Nam Trung Bộ.
Đà Nẵng, Nha Trang (Khánh Hòa), Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, đều đông đúc người trên các bãi biển. Đặc biệt, Sầm Sơn (Thanh Hóa) như các kỳ nghỉ lễ nhiều năm trước lại chật kín khách.
Ở bãi biển Cửa Lò (Nghệ An), hàng vạn du khách đổ về mỗi ngày, khiến các khách sạn, cơ sở lưu trú “cháy” phòng và thỉnh thoảng xảy ra tình trạng ùn tắc cục bộ.
Các bãi biển ở Tuần Châu, Bãi Cháy (Hạ Long, Quảng Ninh) đều đông đúc khách những ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5. Đặc biệt, chiều 28/4, tại đây còn diễn ra lễ hội Carnaval Hạ Long. |
Bãi biển Sầm Sơn, Cửa Lò đặc kín người
Chiều 28/4, ngày thứ hai kỳ nghỉ lễ, tại bãi biển Sầm Sơn (Thanh Hóa) xảy ra tình trạng người dân và du khách chen nhau lội xuống nước khiến cho nhiều khu vực ken đặc người. Từ 16h30-18h, nơi đây đông nghẹt người.
Nhìn từ trên cao, nhiều người đặt câu hỏi không hiểu họ sẽ tắm như thế nào trong hoàn cảnh này.
Anh Hoàng đến từ Hà Nội chia sẻ do Sầm Sơn là một trong số ít bãi biển thuận tiện để nghỉ mát ở miền Bắc nên khu du lịch này luôn thu hút đông đúc. Lượng du khách ở đây chủ yếu từ các tỉnh, thành lân cận như Hà Nam, Hà Nội, Thanh Hóa đổ về vui chơi. Đặc biệt, nhiều cặp đôi cũng tranh thủ tận hưởng ngày nghỉ có tiết trời đẹp, nhiệt độ chỉ trên 30 độ C để cùng nhau tắm biển.
Bãi biển Sầm Sơn đặc kín người chiều 28/4. |
Tại Nghệ An, các điểm lưu trú ở bãi biển Cửa Lò xảy ra tình trạng khan hiếm phòng. Theo khảo sát của Zing.vn, du khách có kế hoạch du lịch nơi này dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 phải đặt phòng trước từ nửa tháng đến một tuần.
Theo thông tin từ phòng Văn hóa thị xã Cửa Lò (Nghệ An), những ngày đầu của kỳ nghỉ lễ, Cửa Lò đã đón 250.000 lượt khách. Lượng khách tăng đột biến khiến giao thông ách tắc, các bãi đỗ xe quá tải.
Trước đó, ngày 26/4, Lễ hội Du lịch Cửa Lò 2019 diễn ra tại quảng trường Bình Minh, phủ kín bởi biển người. Ông Doãn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò, cho biết: “Để mùa du lịch Cửa Lò 2019 được thành công, chính quyền thị xã đã quyết liệt trong việc xử lý nghiêm tình trạng chặt chém giá cả”.
Mùa du lịch năm 2019, thị xã Cửa Lò đề ra mục tiêu đón khoảng 3,15 triệu lượt khách, đạt doanh thu du lịch 3.449 tỷ đồng. Ngoài ra, các công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, cảnh quan du lịch, an ninh trật tự, an toàn cho du khách, an toàn vệ sinh thực phẩm phục vụ du lịch… được địa phương này chú trọng.
Đêm khai hội du lịch Cửa Lò 2019 với chủ đề Cửa Lò – Hội tụ và tỏa sáng. |
Cửa Lò đón 250.000 lượt khách trong hai ngày đầu kỳ nghỉ lễ. |
Dòng người dày đặc dài 4 km trên bãi biển Nha Trang
Chiều 29/4, bãi biển Nha Trang (Khánh Hòa) có cả nghìn người kéo nhau xuống tắm hoặc chơi đùa hóng mát trên bãi cát khiến du khách cảm giác ngột ngạt. Đoạn đông nhất từ khu vực gần trụ sở UBND tỉnh đến resort Anamandara dài 4 km. Bãi cát không còn chỗ trống.
Nhiều người muốn xuống biển giải nhiệt cũng phải tần ngần vì không biết chọn góc nào để thỏa sức vùng vẫy trong làn nước. Nhiệt độ ngoài trời thời điểm nóng nhất là 34 độ C. Thời điểm nhiều người xuống biển tắm lúc 16h là 30 độ C.
Bãi biển Nha Trang (Khánh Hòa) chiều 29/4. |
Vũng Tàu may mắn không ‘vỡ trận’
Vũng Tàu chỉ cách TP.HCM khoảng 100 km nên là địa điểm tắm biển lý tưởng của người dân Sài Gòn cũng như các vùng lân cận. Đầu giờ chiều dù trời nắng gắt nhưng du khách vẫn đổ về tắm biển. Nhiều người trang bị mũ nón, khẩu trang đầy đủ để xuống nước.
Chị Nguyễn Thị Thơ (Cần Thơ) chia sẻ: “Trời nắng nhưng mấy đứa nhỏ muốn ra biển nên tôi đành phải ra trông chừng. Do da mặt nhạy cảm với nước biển và ánh nắng mặt trời nên phải che đậy kỹ”.
Còn Nguyễn Thanh Hiền cùng nhóm bạn đến từ Tây Ninh nói: “Khoảng cách cũng gần và đây được coi là điểm tắm biển gần nhà nhất rồi nên gần như năm nào mình cũng đi. Thời tiết hôm nay khá lý tưởng và giá cả cũng không đắt đỏ”.
Quê ở Cà Mau, làm việc ở Vũng Tàu, dù kỳ nghỉ kèo dài 5 ngày nhưng vợ chồng Nguyễn Thảo Quyên quyết định ở lại đây để tận hưởng trọn vẹn ngày lễ. Tuy nhiên, do Vũng Tàu không có quá nhiều điểm tham quan hấp dẫn nên nhiều người lựa chọn đi về trong ngày để tiết kiệm thời gian, chi phí.
Bãi biển Vũng Tàu luôn đông đúc khách mỗi dịp nghỉ lễ. |
Nguyễn Thanh Hiền cùng nhóm bạn đến từ Tây Ninh |
Chen nhau từng mét để bơi lội, giải nhiệt ở công viên Đầm Sen, Sài Gòn
Hàng chục nghìn du khách và người dân Sài Gòn đổ về công viên nước Đầm Sen, quận 11, vui chơi, giải nhiệt, sáng 30/4. Từ sáng sớm, khu vực cổng vào công viên trên đường Hòa Bình luôn trong tình trạng tắc nghẽn, nhiều người phải xếp hàng dưới trời nắng 35 độ C để mua vé. Do lối chính đông đúc, công viên nước phải mở thêm cổng phụ và bãi giữ xe trên vỉa hè đường Kênh Tân Hóa.
Gần trưa, các bãi xe của công viên chật kín chỗ, nhiều người phải gửi phương tiện đi lại của mình ở các con hẻm bên ngoài.
Anh Thạo, nhân viên cứu hộ của công viên nước, cho biết có khoảng 20.000 lượt người đến đây mỗi ngày trong dịp nghỉ lễ này. 30/4 có thể coi là ngày đông nhất, cao điểm vào lúc 13h.
Để tham gia trò chơi, mỗi người phải đợi từ 15-30 phút. “Quá đông so với tưởng tượng của tôi nhưng ngày lễ phải chấp nhận thôi, mọi người đều vui vẻ, thoải mái là được”, anh Hồ Văn Nghị đưa gia đình từ Huế vào TP.HCM để nghỉ lễ nói.
Vùng núi Sa Pa, Đà Lạt cũng quá tải
Không chỉ các vùng biển đắt khách, những điểm du lịch trên vùng cao cũng thu hút rất đông người dân từ các tỉnh, thành đổ về vui chơi. Đêm 27/4, hàng chục nghìn lượt khách tập trung tại thị trấn Sa Pa (Lào Cai) đi dạo, hóng mát và xem văn nghệ.
Các tuyến phố trung tâm như Fansipan, Cầu Mây… thường xuyên bị ùn tắc giao thông. Lực lượng chức năng phải tổ chức phân luồng từ xa, hạn chế phương tiện di chuyển để nhường đường cho khách du lịch. Phần lớn khách tại Sa Pa những ngày nghỉ lễ đều lâm vào tình trạng khan hiếm phòng, giá phòng cũng tăng trung bình từ 20-30%.
Những điểm vui chơi nổi tiếng của Đà Lạt (Lâm Đồng) rơi vào tình trạng đông nghẹt người đến tham quan.
Sáng sớm 29/4, tại các bến xe, lượng khách đổ lên Đà Lạt rất đông, phần lớn là các gia đình, nhóm bạn trẻ đi du lịch. Còn tại cao tốc Long Thành – Dầu Giây một trong những trục đường chính từ TP.HCM đi Đà Lạt, các phương tiện giao thông di chuyển rất chậm, có thời điểm tắc nghẽn. Tại các tuyến đường dẫn vào Đà Lạt, nhiều xe khách đậu và trả khách ngay giữa lòng đường.
Gia đình anh Công Thành (Vũng Tàu) chia sẻ: “Cả năm chỉ có dịp lễ này là được nghỉ nhiều, nên tôi muốn cả gia đình cùng đi chơi với nhau, đông một chút cũng được, chủ yếu là vui”.
Từ 18h, khách du lịch bắt đầu đổ về chợ truyền thống. Tại cây cầu chữ Y (khu vực hồ Xuân Hương), nhiều bạn trẻ đứng xếp hàng để chụp hình cả buổi sáng lẫn ban đêm. Do lượng người đông, nhiều bạn trẻ phải xếp hàng để chờ tới lượt. Ông Minh Toản (thợ chụp hình) chia sẻ: “Đợt này với Giáng sinh là thời gian cao điểm khách của Đà Lạt. Dịp lễ 30/4 và 1/5, du khách đi theo gia đình nhiều hơn”.
Khu vực vườn hoa cẩm tú cầu trước Ấp Ánh Sáng cũng chen đầy người chụp hình. Theo đó, để có không gian rộng rãi cho các bức ảnh toàn cảnh sẽ là điều khó khăn với các du khách.
Anh Hoàng Thanh (Đồng Nai) chia sẻ bản thân bạn bè phải di chuyển theo kiểu đoàn tàu để không bị lạc nhau.
Cây cầu kính gây thất vọng, du khách dẫm đạp lên đèn trang trí gây phản cảm
Sáng 28/4, hàng chục nghìn người đổ về khu du lịch thác Dải Yếm (Mộc Châu, Sơn La) để được trải nghiệm cầu kính đầu tiên ở Việt Nam. Cây cầu cao dài 80 m, rộng 2 m, vừa được khánh thành ngày 25/4. Để vào khu du lịch, mỗi du khách phải bỏ ra 50.000 đồng và thêm 100.000 đồng nếu muốn đi qua cầu kính đầu tiên của Việt Nam.
Trên cầu kính có 3 khu vực trải nghiệm 5D với hiệu ứng kính vỡ và thảm hoa. Tuy nhiên, hiệu ứng kính vỡ không thật. Khi một người dẵm vào chỗ này, kính lại vỡ điểm khác. Với độ cao chỉ 22 m, cây cầu khó có thể tạo nên sự sợ hãi như các cầu kính khác trên thế giới. Nhiều du khách có mặt tại đây tỏ ra thất vọng với công trình này, họ cho rằng không đẹp, không ấn tượng như quảng cáo trước đó.
Công viên Ánh sáng Pha Luông được xây dựng trên khu đất rộng gần 1 ha với hàng triệu bóng đèn, khai trương ngày 20/4 và trở thành điểm vui chơi buổi tối hiếm hoi của thị trấn Nông trường Mộc Châu (Sơn La).
Tối 27/4, hàng nghìn người dân đổ về vui chơi trong ngày đầu tiên của dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5. Ở một số khu vực, đèn Led được trải khắp mặt đất để mô phỏng đồng cỏ hay đồi chè. Dù đã có biển cấm nhưng nhiều người, đặc biệt là trẻ em, vẫn bước qua để chụp ảnh. Các bãi trống với hàng nghìn bóng đèn Led bị du khách dẫm đạp thoải mái như ngồi trên cỏ.
Đường qua Cần Giờ kẹt cứng, người Sài Gòn chờ hơn 4 giờ để lên phà
Nhiều du khách đi qua Cần Giờ vui chơi, nghỉ lễ, khiến lượng xe đổ về phà Bình Khánh (huyện Nhà Bè) tăng đột biến, gây kẹt xe kéo dài hàng km, sáng 30/4. Người dân vất vả chờ đợi dưới nắng nóng hơn 4 giờ vẫn chưa qua được phà để đến Cần Giờ. Nhân viên bán vé phải đi ngược ra, cách bến phà hơn 1 km để bán vé cho người dân.
Anh Lê Thanh Bình, nhân viên của phà Bình Khánh, cho hay lượng người đổ về đây dịp lễ gấp 4-5 lần ngày thường. Anh cùng đồng nghiệp đã ra đường làm việc từ 8h nhưng vẫn không xuể.
Lượng người đổ về đông, trong thời tiết nắng nóng, khiến các nhân viên của bến phà, những người phải làm việc ngoài trời trong thời gian dài, trở nên đuối sức và phải tiếp nước liên tục. Còn anh Trần Thanh Ba, nhân viên phà Bình Khánh, cho biết ngày thường, đội của anh có 10 người làm việc ở bờ phía huyện Nhà Bè, riêng 30/4 phải tăng cường thêm 10 người nữa mới có thể đáp ứng được khối lượng công việc.
“Tôi chờ ở đây gần 4 giờ rồi mà chưa tới đâu hết trơn. Tới đây từ lúc 8h mà vẫn chưa qua được phà, cứ nhích nhích từng chút một, chịu không nổi. Trời thì nóng quá, tôi phải mở mui xe lên cho máy mát”, ông Nguyễn Trọng Lễ (ngụ quận 12), tài xế chở khách đi Cần Giờ cho hay.
Hà Nội vắng vẻ, thanh bình, không có cảnh vui chơi chen lấn
Trái ngược với sự ồn ào, quá tải tại các tỉnh thành khác, 5 ngày nghỉ lễ ở thủ đô không có cảnh ùn tắc, chen lấn nào xảy ra. Thời tiết mát mẻ, chỉ từ 26 đến 30 độ C.
Tận dụng khoảng thời gian hiếm hoi, nhiều gia đình tranh thủ ra hè phố uống cà phê, ngồi hưởng những làn gió mát. Các khu vực vườn hoa, lác đác giới trẻ đi chơi, chụp ảnh.
Ngay cả công viên nước hồ Tây, công viên Thủ Lệ, do tiết trời mát mẻ nên nơi này cũng vắng khách hơn so với những ngày nóng nực. Tại các khu vực “bến Nhật Bản”, đường ven hồ, các cặp đôi tay trong tay tình tứ đi dạo tận hưởng không khí vắng vẻ, thanh bình mà một năm chỉ có vài lần.