Lầu Năm Góc xem xét chuyển giao tàu tuần duyên loại biên thứ 2 cho Việt Nam
Phát biểu tại hội thảo “Việt Nam – Mỹ: Hướng tới hợp tác chiến lược” diễn ra tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở thủ đô Washington ngày 3.4 (giờ Mỹ), Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách vấn đề an ninh khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, ông Randall G. Schriver nói: “Chúng tôi hy vọng rằng một tàu tuần duyên thứ hai (cung cấp cho Việt Nam) đã sẵn sàng”.
Hồi năm 2017, Mỹ đã cung cấp cho Cảnh sát biển Việt Nam 1 tàu tuần duyên lớp Hamilton loại biên là chiếc Morgenthau (WHEC 722), lượng choán nước 3.250 tấn. Tàu này sau đó được đổi tên là CSB 8020. Đây được xem là lần chuyển giao thiết bị quốc phòng quan trọng nhất của Mỹ cho Việt Nam từ khi Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam, và con tàu “hiện hoạt động rất tích cực trong việc thúc đẩy an ninh hàng hải”, theo nhận định của ông Schriver. Ông cũng nhấn mạnh: “Việc xây dựng quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam là rất quan trọng đối với những nỗ lực của chúng tôi nhằm duy trì trật tự trong khu vực”, theo Inside Defense.
|
Bộ Quốc phòng Mỹ đang tập trung vào việc thực hiện các thỏa thuận được nêu trong bản ghi nhớ (MOU) năm 2011 giữa Việt Nam và Mỹ, theo ông Schriver. Bản ghi nhớ này nhấn mạnh việc hợp tác an ninh giữa hai nước về an ninh hàng hải, hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa, hoạt động gìn giữ hòa bình, giáo dục quân sự chuyên nghiệp, đào tạo tiếng Anh, y học quân sự và tìm kiếm cứu nạn.
Tuy vậy theo cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam là ông David Shear, Việt Nam mua sắm thiết bị quân sự của Mỹ không được nhiều do ngân sách hạn hẹp. Tuy nhiên điều này không cản trở Việt Nam quan tâm các thiết bị khác như máy bay không người lái hoặc tàu tuần duyên.
Trong khi đó dự kiến ngân sách tài khóa 2020 của Bộ Ngoại giao Mỹ có khoản hỗ trợ tài chính quân sự nước ngoài (FMF) trị giá 45 triệu USD cho Việt Nam, tăng mạnh so mức 12 triệu USD của năm tài khóa 2019, theo Inside Defense. FMF cung cấp tài chính cho các nước dùng mua sắm thiết bị và dịch vụ quân sự của Mỹ.
Ngày 29.3 qua, Mỹ cũng đã cung cấp 6 xuồng tuần tra cao tốc loại Metal Shark 45 feet (14 m) cho Cảnh sát biển Việt Nam. Đây là lần giao xuồng thứ 3 sau 2 lần trước đó (12 chiếc). Như vậy Việt Nam sẽ còn nhận thêm 6 chiếc nữa trong tổng số 24 xuồng tuần tra loại này, vốn thuộc chương trình FMF của Bộ Ngoại giao Mỹ đối với Việt Nam trị giá 65 triệu USD trong thời gian từ 2013 – 2018. Cùng thời gian này FMF cũng đã cung cấp tín dụng cho việc chuyển giao tàu tuần duyên Morgenthau cho Cảnh sát biển Việt Nam.
|
Lực lượng Tuần duyên Mỹ có 12 tàu tuần duyên lớp Hamilton đóng từ những năm 1960 đến đầu 1970. Sau khi hết hạn phục vụ, đã có 9 chiếc được chuyển giao cho các nước theo chương trình bán vũ khí dư thừa, hiện Mỹ còn sử dụng 3 chiếc. Theo kế hoạch của Tuần duyên Mỹ, năm 2019 sẽ loại biên tàu John Midgett (WHEC 726, đóng năm 1971), năm 2020 là chiếc Mellon (WHEC 717) và 2021 là Munro (WHEC 724).
Tàu tuần duyên Midgett hiện phục vụ tại khu vực tây bắc của Mỹ, với căn cứ tại cảng Seattle, bang Washington. Trong thông báo mời chào cung cấp thiết bị phục vụ sửa chữa bảo trì tàu Midgett mới đây, Bộ An ninh nội địa Mỹ cho biết việc xét thầu sẽ diễn ra vào tháng 4.2019, và việc sửa chữa bảo trì là vào quý 3.2019. Như vậy, nếu phía Mỹ chuyển giao cho Cảnh sát biển Việt Nam tàu Midgett thì việc này có lẽ sẽ tiến hành vào cuối năm 2019.
Tàu tuần duyên lớp Hamilton dài 115 m, ngang rộng nhất 13 m, mớn nước 4,6 m, lượng choán nước 3.250 tấn, tầm hoạt động 22.530 km, có 2 động cơ diesel và 2 động cơ turbin khí, tốc độ tối đa 29 knot (53,7 km/giờ). Tàu có thể mang theo đến 160 sĩ quan và thủy thủ, hoạt động liên tục 45 ngày trên biển. Tàu còn có nhà chứa trực thăng dạng mái vòm có thể kéo ra thu vào được. Tàu có chức năng tuần tra lãnh hải, cứu hộ cứu nạn, khảo sát đại dương, và có thể hoạt động ở mọi vùng biển trên thế giới, chịu được sóng to gió lớn, nên lớp tàu này còn có tên là tàu tuần duyên cỡ lớn có độ bền cao (high endurance cutter). Thời chiến tranh lạnh, một vài tàu lớp Hamilton còn được trang bị vũ khí chống tàu nổi và tàu ngầm, sau chiến tranh lạnh tất cả loại vũ khí này đều được tháo dỡ. Theo thông lệ, các tàu tuần duyên Mỹ khi chuyển giao cho các nước đều bị tháo gỡ các thiết bị điện tử quan trọng cùng các khí tài “nhạy cảm” như radar, hệ thống pháo bắn nhanh tầm gần Phalanx điều khiển bằng radar ở phía đuôi tàu… Vũ khí còn lại chủ yếu là khẩu pháo Otobreda 76 mm phía mũi cùng radar khóa mục tiêu và dẫn bắn, cùng một số súng máy hạng nhẹ. Nguồn: báo Thanh niên |