Chặn đứng nguy cơ xâm lăng văn hóa
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam. Người cũng chính là biểu tượng của cốt cách, tâm hồn văn hóa Việt Nam. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tổ chức tháng 11-1946, Bác đưa ra luận điểm “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, như vậy chúng ta đã hiểu được văn hóa có vị trí, vai trò hết sức quan trọng bởi nó là gốc rễ, là cội nguồn làm nên sức mạnh của mỗi dân tộc, đồng thời, văn hóa là cách nhận biết rõ nét nhất giữa dân tộc này với dân tộc khác.
Việt Nam hiện nay đang trong quá trình phát triển kinh tế và hội nhập với thế giới ngày càng sâu rộng, bên cạnh việc tiếp thu, hấp thụ những giá trị, tinh hoa văn hóa của nhân loại, nước ta đang phải đối mặt với những nguy cơ, thách thức, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc đang bị đảo lộn, ngày càng nhiều hành vi phản văn hóa, phi giáo dục diễn ra ở mọi lúc, mọi nơi như:
– Một bộ phận giới trẻ đang sa đà vào lối sống thực dụng, “sống gấp”, “sống thử”, “sống ảo”, thay vì xem, đọc các tài liệu, cuốn sách có giá trị giáo dục đạo đức, lịch sử, văn học lại nghiện game, nghiện xem phim hành động bạo lực, thậm chí phim sex, không quan tâm tới những gì đang diễn ra xung quanh, bàng quan, vô trách nhiệm với chính những người thân yêu, ruột thịt của mình
– Các vụ li hôn trong các gia đình trẻ ngày càng nhiều, tình trạng vi phạm pháp luật ở tuổi vị thành niên ngày càng tăng cả về số lượng và tính chất nghiêm trọng của vụ án, lớp trẻ ngày càng sa vào chủ nghĩa cá nhân, lối sống thực dụng, xa rời lý tưởng, vô cảm với thành quả mà các thế hệ cha ông đã phải đổ bao xương máu mới có được cơ đồ như hôm nay.
– Tình trạng lợi dụng các giá trị văn hóa trong hoạt động nghệ thuật, tôn giáo, tín ngưỡng để chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, gây nhiễu loạn trong nhân dân: Liên quan đến các hành vi chống phá Đảng, Nhà nước có một số cá nhân đội lốt tôn giáo làm ảnh hưởng đến phật giáo và gây gây bức xúc trong nhân dân như hoạt động ở Tịnh thất Bồng Lai, gần đây nhất là ca khúc Cô gái mở đường với phiên bản mới đang gây bức xúc trong dư luận
Vậy nguyên nhân của những thưc trạng nêu trên là gì? Có rất nhiều nguyên nhân, trong đó cơ bản nhất là do “Cuộc xâm lăng văn hóa” đang nhằm vào nước ta bằng nhiều con đường, nhiều hình thức với những âm mưu và thủ đoạn cực kỳ thâm độc, đặc biệt, chúng lợi dụng triệt để internet để truyền bá các tư tư tưởng lai căng, các sản phẩm văn hóa và thông tin xấu độc, trong khi chúng ta chưa có đủ kiến thức, tâm thế, bản lĩnh để nhận diện; năng lực, trình độ một số cán bộ làm công tác văn hoá chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển văn hóa trong thời kỳ mới, thậm chí làm công tác văn hoá nhưng vi phạm đạo đức văn hoá; việc giới thiệu, quảng bá văn hóa Việt Nam ở trong nước và nước ngoài chưa mạnh, chưa thực sự cuốn hút và chưa có sức lan tỏa; Hệ thống thông tin đại chúng còn nhiều hạn chế, một số cơ quan báo chí xa rời tôn chỉ và có biểu hiện thương mại hóa; việc in ấn, xuất bản thiếu kiểm soát dẫn đến có những bài báo vừa đăng buộc phải gỡ bài và bị đình bản, sách vừa xuất bản đã lập tức vấp phải sự phản đối gay gắt bởi các sự kiện bị cắt xén, xuyên tạc, điển hình như cuốn Gạc Ma – Vòng tròn bất tử…
Trước thực trạng và nguyên nhân nêu trên, cần sự vào cuộc kịp thời, quyết liệt, hiệu quả của các cấp từ Trung ương đến địa phương; sự nhiệt tình, trách nhiệm của tất cả các ngành, trong đó ngành văn hóa đóng vai trò chủ đạo trong công tác tuyên truyền, định hướng và tạo thành phong trào rộng khắp trong nhân dân, để mỗi người dân thực sự là một chiến sĩ trên mặt trận văn hóa. Có như vậy mới thực hiện thắng lợi mục tiêu trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa. Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”.
Như vậy khẳng định, văn hóa có vai trò vô cùng to lớn, do vậy cùng với việc làm tốt công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng, an ninh thì việc “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc…” có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tiến trình phát triển chung của đất nước. Theo đó, cần nhận thức một cách thống nhất rằng: Còn văn hóa là còn tất cả. Mất văn hóa là mất tất cả.
Đình Anh