Chuyến công du của Thủ tướng mang thông điệp hòa bình, ổn định, chân thành, trách nhiệm
Xuyên suốt trong chuyến thăm, làm việc tại Hoa Kỳ lần này, Thủ tướng Phạm Minh Chính luôn nhấn mạnh thông điệp hợp tác vì hoà bình, ổn định, tinh thần chân thành, tin cậy, trách nhiệm của Việt Nam.
Khoảng 23h30 đêm 17/5 (giờ địa phương), chuyên cơ chở Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn lãnh đạo cấp cao Việt Nam đã rời Hoa Kỳ, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm và làm việc tại Hoa Kỳ và Liên Hợp Quốc (LHQ). Nhân dịp này, phóng viên VOV đã phỏng vấn Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn về chuyến công tác.
PV: Bộ trưởng cho biết kết quả nổi bật chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến Hoa Kỳ lần này?
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn: Có thể nói, đây là chuyến công tác “ba trong một” vừa dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN – Hoa Kỳ, vừa thăm làm việc với Hoa Kỳ và với LHQ, với hơn 60 hoạt động bao gồm song phương kết hợp đa phương ở các tầng nấc khác nhau: tầm khu vực trong ASEAN và tầm toàn cầu với Liên Hợp Quốc.
Ngoài ra, Lãnh đạo các bộ ngành tháp tùng có hơn 40 cuộc gặp, làm việc, toạ đàm với các đối tác Hoa Kỳ và quốc tế về các lĩnh vực kinh tế, thương mại, tài chính, ngân hàng, an ninh, quốc phòng, ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, khoa học công nghệ, đổi mới sang tạo.
PV: Thưa Bộ trưởng, dấu ấn quan trọng trong Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN – Hoa Kỳ là gì?
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn: Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ lần này mang nhiều ý nghĩa: kỷ niệm 45 năm quan hệ giữa ASEAN và Hoa Kỳ. Đây cũng là lần đầu tiên Lãnh đạo cấp cao hai bên gặp gỡ trực tiếp với đối tác sau 5 năm gián đoạn. Hội nghị đã thông qua được Tuyên bố tầm nhìn chung định hướng quan hệ hai bên trong thời gian tới; Ủng hộ nâng tầm quan hệ thành Đối tác chiến lược toàn diện ASEAN-Hoa Kỳ; Hợp tác ứng phó với các vấn đề an ninh truyền thống như tự do hàng không hàng hải trên các vùng biển và đại dương trong đó có Biển Đông cũng như phi truyền thống như phòng chống dịch bệnh, biến đổi khí hậu… Ngoài ra, ưu tiên hợp tác phục hồi sau dịch bệnh, phát triển bền vững, thu hẹp khoảng cách, nhất là khu vực tiểu vùng trong đó có tiểu vùng Mekong, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, phát triển kinh tế xanh và bền vững.
Việt Nam đã chủ động, tích cực, trách nhiệm tham gia cả quá trình chuẩn bị, tổ chức và xây dựng văn kiện, duy trì được đoàn kết, thống nhất trong ASEAN.
Các phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính được các nước ủng hộ, nhất là về nêu cao đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN, hợp tác vì hoà bình, ổn định, tinh thần chân thành, tin cậy, trách nhiệm.
PV: Hoạt động làm việc song phương với Hoa Kỳ của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đạt được những kết quả gì, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn: Với khoảng 45 hoạt động song phương của Thủ tướng diễn ra liên tục, xuyên suốt từ Washington, Boston, New York, San Francisco, có thể nói sau hơn 2 năm gián đoạn vì đại dịch, đây là những tiếp xúc, trao đổi trực tiếp ở cấp cao nhất và toàn diện nhất giữa hai nước.
Thủ tướng đã trực tiếp gặp Tổng thống Biden, Chủ tịch thường trực Thượng viện Hoa Kỳ Patrick Leahy, các Bộ trưởng quan trọng nhất trong nội các, giới học giả, các doanh nghiệp, tập đoàn hàng đầu và đông đảo đại diện bà con kiều bào ta.
Tất cả các giới đều bày tỏ coi trọng quan hệ với Việt Nam, khẳng định tôn trọng thể chế chính trị, ủng hộ Việt Nam mạnh, độc lập, thịnh vượng, mong muốn quan hệ song phương ngày càng phát triển sâu rộng, hiệu quả. Hai bên đã trao đổi thực chất về quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ và các định hướng phát triển trong thời gian tới, hợp tác chặt chẽ để triển khai các kết quả quan trọng của các chuyến thăm cấp cao trước đây, nhất là Tuyên bố chung về tầm nhìn quan hệ hai nước nhân chuyến thăm Hoa Kỳ năm 2015 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; khai thác tối đa tiềm năng, cơ hội hợp tác về kinh tế – thương mại, đầu tư giữa hai nước cũng như tiếp tục phối hợp giải quyết hiệu quả các vướng mắc, bảo đảm cán cân thương mại song phương hài hoà, bền vững…
Thủ tướng Phạm Minh Chính là lãnh đạo ASEAN duy nhất có phát biểu tại CSIS trong dịp này, và là lãnh đạo cấp cao đầu tiên của Việt Nam phát biểu tại Đại học Harvard. Chính giới sở tại, dư luận trong ngoài nước đánh giá cao, các giới đón nhận tích cực thông điệp về sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm trong hợp tác quốc tế, giải quyết các vấn đề toàn cầu cũng như thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ vì lợi ích thiết thực của nhân dân hai nước và vì hoà bình, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới; về mục tiêu của Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Thủ tướng cũng dành thời gian thăm trụ sở, dự toạ đàm và tiếp các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu của Hoa Kỳ, khẳng định tạo điều kiện thuận lợi, ưu tiên hơp tác, đầu tư trong các lĩnh vực kinh tế xanh, sạch, công nghệ mới, chuyển đổi số… Các tập đoàn đều khẳng định Việt Nam chiếm vị trí cao trong chiến lược kinh doanh là thị trường tiềm năng mà họ đang hướng tới, cam kết sẽ mở rộng đầu tư. Cụ thể 25 thoả thuận được ký kết và trao trong chuyến đi này.
Được gặp Thủ tướng và đoàn Việt Nam, các bạn bè lâu năm của Việt Nam tại Hoa Kỳ, những người đã dành nhiều thập kỷ để nhiệt thành ủng hộ Việt Nam cả trong bảo vệ và xây dựng, phát triển đất nước rất xúc động và trân trọng sự chân thành, thuỷ chung, trước sau như một của dân tộc Việt Nam.
Ở mỗi điểm đến, dù chương trình làm việc rất dày đặc nhưng Thủ tướng đều dành thời gian gặp gỡ đại diện cộng đồng người Việt sinh sống, học tập, làm việc, hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau, lắng nghe tâm tư tình cảm của bà con. Thủ tướng chuyển đến bà con thông điệp về sự hoà hợp hướng tới mục tiêu chung của dân tộc. Bà con xúc động trước sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, hưởng ứng mạnh mẽ “hiến kế” nhiều ý tưởng, đề xuất thiết thực về thu hút nhân tài, nguồn lực từ cộng đồng người Việt ở nước ngoài và xây dựng Việt Nam giàu mạnh.
PV: Các hoạt động đa phương với LHQ được diễn ra như thế nào và đạt kết quả gì thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn: Tuy thời gian có hạn song các cuộc gặp của Thủ tướng Chính phủ với lãnh đạo các cơ quan quan trọng hàng đầu của LHQ, gồm Phó Tổng Thư ký LHQ, Chủ tịch Đại Hội đồng, Giám đốc điều hành Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), Tổng Giám đốc Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) đều đạt những kết quả có ý nghĩa, nhất là vào dịp kỷ niệm 45 năm quan hệ Việt Nam-LHQ (1977-2022).
Qua trao đổi thực chất, hai bên ghi nhận thành quả hợp tác tích cực trong nhiều năm qua, nhất là sự vươn lên manh mẽ và tham gia ngày càng chủ động, tích cực và đóng góp hiệu quả của Việt Nam, đặc biệt là thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs), cam kết mạnh mẽ về ứng phó với biến đổi khí hậu, tham gia hoạt động gìn giữ hoà bình LHQ, hoàn thành xuất sắc nhiều trọng trách quốc tế.
Các lãnh đạo LHQ đều coi Việt Nam là bạn, là đối tác quan trọng, thành viên có trách nhiệm của LHQ và khẳng định các cơ quan LHQ sẽ tiếp tục đồng hành, tích cực hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực mà Việt Nam ưu tiên như ứng phó và phục hồi bền vững sau đại dịch, phát triển kinh tế xanh và chuyển đổi năng lượng sạch, tài chính khí hậu, chuyển đổi số, rà phá bom mìn và khắc phục hậu quả chiến tranh.
PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng./.
Vũ Khuyên/VOV