Dịch bệnh Nga bùng phát nhanh chóng, ông Putin bộc lộ thiếu sót trong điều hành
Số người bị bệnh đang tăng mạnh, nhưng tỷ lệ tử vong không cao
Theo trang tin Đa Chiều ngày 19/5, một số cơ quan truyền thông đã tìm cách tìm hiểu vì sao dịch bệnh ở Nga lại “bùng nổ với tốc độ không thể tin được”. Câu trả lời được họ tìm ra là: Nga đã chặn được nguồn lây từ phía Trung Quốc, nhưng không chặn được từ phía châu Âu; khả năng phòng dịch trong nước yếu và năng lực xét nghiệm gần đây được tăng cường khiến số người nhiễm bệnh được phát hiện tăng lên nhiều.
Số lượng người bị bệnh được xác nhận ở Nga tăng vọt, nhưng điều khiến họ cảm thấy “được an ủi” là tỷ lệ tử vong tương đối thấp. Tính đến ngày 18/5, số người chết là 2.722 và tỷ lệ tử vong là 0,9%. Con số này thấp hơn nhiều so với Vương quốc Anh (khoảng 14%), Pháp (khoảng 15%), cũng thấp hơn Mỹ (khoảng 6%), và thậm chí thấp hơn tỷ lệ tử vong ước tính 3,4% của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Tỷ lệ tử vong của Nga và Nga đã gây ra sự nghi ngờ ở phương Tây. Financial Times của Anh và New York Times của Mỹ đều cho rằng Nga che giấu số liệu và cố tình hạ thấp tỷ lệ tử vong. Nga đã bác bỏ điều này, gọi các tin này là là “trò lừa đảo chống Nga giật gân”.
Tình hình dịch bệnh ở Nga lây lan nhanh chóng do không chặn được nguồn dịch lây từ các nước châu Âu (Ảnh: AP).
|
Số người chết ở Nga có đúng là rất thấp như thế hay không vẫn còn phải xem xét. Trung Quốc và Vương quốc Anh cũng có tiền lệ sửa đổi thông tin về số người tử vong. Bỏ qua những điều này, từ sự ứng phó của Nga, người ta thấy có nguyên nhân vì sao tỷ lệ tử vong lại thấp.
Phát hiện sớm, chuẩn bị sớm và cách ly sớm là những biện pháp quan trọng để giảm tỷ lệ tử vong. Nhiều quốc gia có số lượng tử vong lớn do COVID-19, nguyên nhân là do bệnh không được phát hiện sớm dẫn đến trở nên nghiêm trọng hoặc thậm chí tử vong. Nga đã bắt đầu xét nghiệm quy mô lớn vào tháng 4, điều đó có nghĩa là một số lượng lớn bệnh nhân được phát hiện ở giai đoạn đầu, khiến họ có thể được điều trị sớm. Thị trưởng Moscow, ông Sergey Sobyanin đã đề cập rằng các bệnh nhân của thành phố chủ yếu là bị nhẹ.
Ngoài ra, Nga đã tham khảo kinh nghiệm của Trung Quốc. Ngay từ cuối tháng 2, đã lên kế hoạch bắt đầu xây dựng một bệnh viện dã chiến tương tự như Lôi Thần Sơn ở Vũ Hán, Trung Quốc trong hơn 40 ngày ở vùng ngoại ô Moscow. Nga cũng đã mua một lượng lớn vật tư từ Trung Quốc. Chỉ riêng khẩu trang, ông Putin ngày 20/4 nói đã nhận được 150 triệu chiếc từ Trung Quốc. Ngoài ra, việc đóng cửa đất nước đã ngăn chặn sự lây lan của virus ở một mức độ nhất định.
Tổng thống Putin thị sát bệnh viện ở Moscow khi dịch bệnh bắt đầu xuất hiện ở Nga (Ảnh: AP).
|
Những biện pháp này của Nga có thể là nguyên nhân khiến số người tử vong thấp. Vả lại, vì sao Nga nhất thiết phải che giấu tỷ lệ tử vong thấp? Tại sao số người chết hơn 2.000 lại nói là “thấp”? Mạng sống của con người rất quan trọng. lẽ nào mỗi quốc gia phải chết hàng chục ngàn người mới được coi là bình thường?
Những thách thức đối với Nga và Tổng thống Putin
Đa Chiều nhận xét, do cuộc khủng hoảng ở Ukraine quan hệ giữa Nga và phương Tây trở nên tồi tệ, Nga đã bị phương Tây trừng phạt trong nhiều năm và sự phát triển kinh tế của không mấy lạc quan. Giá dầu giảm (đặc biệt là sự sụt giảm thê thảm trong tháng 4) đã khiến Nga khốn khổ. Mặc dù Nga tuyên bố tỷ lệ tử vong của họ là tương đối thấp, nhưng tình hình dịch bệnh đang xấu đi chắc chắn sẽ làm nền kinh tế Nga đã khó khăn lại càng khốn khó thêm.
Đợt phong tỏa cả nước kéo dài sáu tuần đã ảnh hưởng lớn nền kinh tế trong nước. Bộ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế Nga Maxim Reshetnikov cho biết do ảnh hưởng của dịch bệnh, Nga đã mất khoảng 100 tỷ rúp mỗi ngày. Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán rằng nền kinh tế Nga sẽ bị giảm 5,5% trong năm 2020 và chính phủ Nga cũng dự kiến tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng từ 4,6% năm 2019 lên 10%. Ngân hàng Alfa của Nga cũng ước tính một cách bi quan rằng thu nhập thực tế của người dân Nga sẽ giảm 5%, còn thấp hơn 7,5% so với năm khó khăn 2014.
Đa Chiều cho rằng, tác động của dịch bệnh đối với Nga cũng khiến giới quan sát đặt ra câu hỏi về ông Putin. Ông Putin được người dân Nga rất ngưỡng mộ với hình ảnh người đàn ông mạnh mẽ, nhưng dịch bệnh dường như đang thay đổi quan điểm của công chúng về ông. Theo thông tin do cơ quan thăm dò dân ý Nga Levada Center công bố, tỷ lệ ủng hộ của ông Putin đã giảm từ 69% hồi tháng 2 xuống 59% trong tháng 4, thấp hơn 4% so với mức thấp nhất hồi năm 2013.
Cơ quan thăm dò dân ý Nga Levada Center công bố, tỷ lệ ủng hộ của ông Putin đã giảm từ 69% hồi tháng 2 xuống 59% trong tháng 4, thấp hơn 4% so với mức thấp nhất hồi năm 2013 (Ảnh: AP).
|
Quyết định của ông Putin về việc giao quyền phục hồi công việc cho các địa phương cấp bang đã gây ra tranh cãi, cho rằng ông đã lấy các quan chức địa phương làm vật tế thần cho việc đối phó dịch bệnh không tốt. Ông Putin làm việc tại Dinh thự tổng thống Novo-Ogaryovo ở ngoại ô Moscow và hiếm khi xuất hiện trước công chúng. Ông thậm chí còn nghịch với cây bút của mình khi tổ chức một cuộc họp video về dịch bệnh COVID-19 với các quan chức, hành vi được coi là thể hiện không mấy nhiệt tình với việc khống chế dịch bệnh.
Dịch bệnh lần này là một cuộc thử thách quan trọng đối với tất cả các quốc gia, kể cả Nga. Sự nghiêm trọng của dịch bệnh ở Nga đã tập trung bộc lộ các vấn đề lâu dài của nước này, như mối quan hệ giữa chính quyền trung ương và địa phương, cũng như mâu thuẫn đối với phương Tây.
Đa Chiều bình luận: dân chúng Nga kì vọng rằng người hùng Putin sẽ giúp họ thoát khỏi cuộc khủng hoảng. Trong trò chơi địa chính trị toàn cầu, ông Putin có thể nói đã rất thoải mái dụng võ. Các vấn đề Ukraine và Syria đã chứng minh mưu lược và tính quyết đoán của ông. Từ góc độ này mà nói, ông Putin là một chiến lược gia.
Nhưng phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh là sự thử thách khả năng của người lãnh đạo trong việc kiểm soát, xử lý vấn đề cụ thể. Ông Putin đã không cho thấy sự giỏi giang và biện pháp mạnh mẽ của mình như trong việc xử lý các vấn đề quốc tế. Là người có uy tín cao trong nhân dân, ông Putin có lẽ cần phải xem xét lại những thiếu sót, bất cập của mình trong điều hành khi dịch bệnh bất ngờ bùng phát.
VietTimes