“Ngục trung nhật ký” – một kiệt tác thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tập thơ chiến đấu vì sự nghiệp giải pháp dân tộc
PGS,TS Đàm Đức Vượng
Trên mạng xuất hiện bài “HCM dứt khoát không phải là tác giả của Ngục trung nhật ký (NTNK), của một người xa lạ, không biết và không nghiên cứu gì về thân thế và sự nghiệp của CT HCM.
Tác giả của bài HCM không phải là tác giả của NTNK, đưa ra những dẫn chứng vu vơ, không xác thực, chủ yếu là dựa vào bài của Lê Hữu Mục: “HCM không phải là tác giả của NTNK” đã bị dư luận xã hội phê phán và các bài của một vài người khác, rồi nói thêm ra, đơm đặt một cách ác ý, vô căn cứ. Tác giả bài này đã viết những câu xúc phạm đến CT HCM mà tôi không tiện dẫn ra. Người viết bài này cho rằng, tác giả của NTNK là một đại úy (không dẫn tên viên đại úy này), người của Quốc dân Đảng Trung Hoa bị buộc tội làm gián điệp cho quân đội Nhật, chứ không phải là của HCM. Đây là sự ngộ nhận, võ đoán, không có sự thật.
Chúng ta đã có đủ cơ sở khoa học để khẳng định chắc chắn NTNK là của Hồ Chí Minh.
Thực hiện Quyết định số 93-QĐ/TW, ngày 22-12-1994 của Ban Bí thư khóa VIII, về việc xuất bản bộ “HCM Toàn tập”, năm 1995, NXBCTQGST xuất bản lần thứ hai bộ HCM Toàn tập, 12 tập (trước đó cũng đã xuất bản lần thứ nhất bộ HCM Toàn tập, 10 tập); sau đó, đến năm 2011, bộ HCM Toàn tập được xuất bản lần thứ ba, gồm 15 tập. Cả bộ HCM Toàn tập, 12 tập và bộ HCM Toàn tập, 15 tập đều đăng đầy đủ các bài thơ trong Nhật ký trong tù của HCM. Trước khi xuất bản, tái bản bộ HCM Toàn tập, đều có họp Hội đồng Xuất bản để đối chiếu các tài liệu, thẩm định về các văn kiện của Người. NTNK được đưa ra thảo luận khá kỹ, các chuyên gia chuyên nghiên cứu về HCM đã đối chiếu với nhiều nguồn tài liệu, văn bản và được khẳng định Nhật ký trong tù chắc chắn là của HCM, chứ không phải ai khác.
Tháng 8-1942, Nguyễn Ái Quốc lấy lên là HCM, Người từ Cao Bằng, VN, sang Trung Quốc với danh nghĩa đại biểu của VN Độc lập Đồng minh và Phân bộ Quốc tế của VN chống xâm lược để tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế. Sau khi đến phố Túc Vinh, Thiên Bảo, một thị trấn thuộc huyện Tĩnh Tây, Quảng Tây, Trung Quốc, Người bị chính quyền địa phương của Tưởng Giới Thạch bắt giam. Trong hơn một năm, Người lần lượt bị giam trong khoảng 30 nhà tù của 13 huyện ở tỉnh Quảng Tây.
Trong thời gian này, Người đã viết tập thơ NTNK bằng chữ Hán. Tập thơ NTNK gồm 134 bài (kể cả bài ở bìa ngoài), được ghi vào một cuốn sổ tay, bìa màu xanh, trang đầu có hình hai cánh tay bị xích xiềng kèm theo 4 câu thơ:
“Thân thể tại ngục trung
Tinh thần tại ngục ngoại.
Dục thành đại sự nghiệp
Tinh thần cánh yếu đại”.
(Thân thể ở trong lao
Tinh thần ở ngoài lao.
Muốn nên sự nghiệp lớn
Tinh thần càng phải cao).
Trong nguyên bản, bốn câu thơ này không có đầu đề, chép ở bìa ngoài tập thơ NTNK cùng hình vẽ hai tay bị xích xiềng, có lẽ được Người coi như một lời đề từ cho toàn tập NTNK.
Phía trên cùng của tờ bìa ngoài ghi 4 chữ Hán: “NTNK”.
Dòng dưới đề là:
“29-8-1932
10-9-1933”.
NTNK viết năm 1942, nhưng trên tờ bìa lại đề ngày 28-8-1932 – 10-9-1933, qua nghiên cứu, tôi thấy có thể Người muốn ghi vào để nhớ lại một kỷ niệm nào đó trong quãng thời gian Người bị bắt và vào tù lần thứ nhất từ năm 1931 đến năm 1933 tại Hồng Kông. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, dưới chế độ thực dân, Người đã hai lần bị bắt và vào tù. Tuy nhiên, dưới bài thơ cuối cùng của tập thơ NTNK, bài “Kết luận” lại đề ngày “29-8-1942-10-9-1943”, đúng với ngày, tháng đã ghi trên tờ bìa ngoài, chỉ khác năm. Trong “Bách khoa Toàn thư mở – Wikipedia” viết rằng: “Để tránh rắc rối với chính quyền Tưởng Giới Thạch, ở bìa đầu cuốn sổ (bản thảo của tập thơ – ĐĐV), HCM đã cẩn thận viết chệch thời gian sáng tác đi 10 năm (29-8-1932 – 10-9-1933, nhưng đến cuối tập thơ, trang 53, trên chữ “Hoàn” (Hết), HCM đã dùng cùng một thứ chữ để ghi lại thời gian sáng tác chính xác: 29-8-1942 – 10-9-1943”.
Trong lần xuất bản bằng tiếng Việt (dịch ra chữ Quốc ngữ), Người đã trực tiếp sửa lại một số chữ, như “Thủ Dương”, Người chữa lại là “Thú Dương”. Thú Dương là tên một ngọn núi thuộc tỉnh Hà Nam, Trung Quốc.
Có một bằng chứng xác thực nhất để khẳng định NTNK là của HCM viết là trong tập thơ này, có nhiều bài thơ Hồ Chí Minh viết về các nhà tù mà Người đã phải trải qua, như phố Túc Vinh, Tĩnh Tây, Thiên Bảo, Long Tuyền, Điền Đông, Quả Đức, Ung Ninh, Nam Ninh, Vũ Minh, Bào Hương, Quả Đức, Long An, Đồng Chính, Tân Dương, Quế Lâm, Thiên Giang, Lai Tân, Liễu Châu,… Chỉ có Người mới trải qua hàng chục nhà lao ở tỉnh Quảng Tây và đã làm thơ ở các nhà lao này. Người khác không qua hàng chục nhà tù trên, nên không thể có những vần thơ như vậy:
“Túc Vinh mà để ta mang nhục
Cố ý dằng dai, chậm bước mình;
Bịa chuyện tình nghi là gián điệp,
Cho người vô cớ mất thanh danh”1.
(Bị bắt ở phố Túc Vinh – HCM: NTNK)
“Trong lao tù cũ đón tù mới
Trên trời mây tạnh đuổi mây mưa;
Tạnh, mưa, mây nổi bay đi hết,
Còn lại trong tù khách tự do”.
(Vào nhà ngục huyện Tĩnh Tây – HCM: NTNK)
“Nhà nhà hoa kết với đèn giăng,
Quốc khánh vui reo cả nước mừng;
Lại đúng hôm nay ta bị giải,
Oái oăm gió cản cánh chim bằng”.
(Tết song thập bị giải đi Thiên Bảo – HCM: NTNK)
“Đôi ngựa ngày đi chẳng nghỉ chân
Món “gà năm vị”, tối thường ăn;
Thừa cơ rét, rệp xông vào đánh,
Oanh sớm, mừng nghe hót xóm gần”.
(Đêm ngủ ở Long Tuyền – HCM: NTNK).
“Cháo tù mỗi bữa chia lưng bát,
Cái bụng luôn luôn rên rỉ sầu;
Cơm nhạt ba đồng ăn chẳng đủ,
Củi thì như quế, gạo như châu”.
(Điền Đông – HCM: NTNK)
“Nhà lao mà giống tiểu gia đình,
Gạo, củi, muối, dầu tự sắm sanh;
Trước mỗi phòng giam bày một bếp,
Suốt ngày lụi hụi với cơm, canh”.
(Nhà lao Quả Đức – HCM: NTNK)
“Làm việc đúng thay Lưu sở trường
Ai ai cũng bảo bác (Lưu – ĐĐV) công bình;
Đồng tiền, bát gạo đều công bố,
Sạch sẽ lao tù rất vệ sinh”.
(Sở trường Long An họ Lưu – HCM: NTNK)
“Binh mã thế nào Đồng Chính vậy,
Bữa lưng bát cháo bụng cồn cào;
Nước và ánh sáng thì dư dật,
Ngày lại hai lần mở cửa lao”.
(Đồng Chính – HCM: NTNK)
“Đáp thuyền thẳng xuống huyện Ung Ninh
Lủng lẳng chân treo tựa giảo hình;
Làng xóm ven sông đông đúc thế,
Thuyền câu rẽ sóng nhẹ thênh thênh”.
(Giữa đường đáp thuyền đi Ung Ninh – HCM: NTNK)
“Muôn cay nghìn đắng đâu vô hạn,
Mồng chín ta vừa đến Liễu Châu;
Ngoảnh lại hơn trăm ngày ác mộng,
Tỉnh ra, trên mặt vẫn vương sầu”.
(Đến Liễu Châu – HCM: NTNK)
“Liễu Châu, Quế Lâm lại Liễu Châu,
Đá qua đá lại, bóng chuyền nhau;
Quảng Tây đi khắp, lòng oan ức,
Giải đến bao giờ, giải tới đâu?”.
(HCM: NTNK)
Trong NTNK, người nói rõ:
“Ta là đại biểu dân VN,
Tìm đến Trung Hoa để hội đàm;
Ai ngờ đất bằng gây sóng gió,
Phải làm “khách quý” tại nhà giam”.
(HCM: NTNK)
“Nhà lao xây dựng kiểu tân thời,
Đèn điện thâu đêm sáng rực trời;
Nhưng mỗi bữa ăn lưng bát cháo,
Cho nên cái bụng cứ rung hoài
(Nhà ngục Nam Ninh – HCM: NTNK)
V.v..
HCM đi tới nhà ngục nào, làm thơ tại nhà ngục đó. Thơ rơi nước mắt, nhưng tinh thần cách mạng, ý chí giải phóng dân tộc không bao giờ phai nhòa trong tâm trí Người. Đó là cái tư chất cách mạng của HCM.
Trên đường giam cầm, HCM đã được nhiều người giúp đỡ, điều này được thể hiện trong một số bài thơ của Ngục trung nhất ký, trong đó có bài “Dương Đào bệnh trọng”:
“Sóng dậy đất bằng hỏi cớ sao,
Đẩy anh vào ngục, anh Dương Đào;
Cháy thành lây vạ, buồn khôn xiết,
Nay lại thương anh mắc chứng lao”.
(HCM: NTNK)
Dương Đào là một nông dân ở biên giới Quảng Tây, người dẫn đường cho HCM, bị bắt và bị giam cầm cùng với Người. Sau khi HCM ra tù được ít lâu, Dương Đào cũng được ra tù và chết tại Liễu Châu vì bệnh lao. HCM rất thương tiếc người bạn tù, coi như anh em. Tháng 8-1963, HCM đã mời 7 vị có công giúp đỡ cách mạng VN ở hai huyện Tĩnh Tây và Na Pha, Quảng Tây, sang thăm VN, trong đó có Dương Thắng Cường, em ruột Dương Đào. Dương Thắng Cường nói với CT HCM rằng, Dương Đào đã từng kể cho Dương Thắng Cường nghe về CT HCM, người đã từng sáng tác thơ trong nhà tù của Tưởng Giới Thạch.
NTNK không chỉ ghi lại những cảnh sinh hoạt trong tù, mà còn có ý nghĩa tố cáo chế độ lao tù khắc nghiệt của chính quyền Tưởng Giới Thạch ở Trung Quốc.
Năm 1960, tác phẩm này được dịch từ chữ Hán sang chữ Việt. Đến nay đã được xuất bản nhiều lần, dưới nhiều hình thức khác nhau. Tập thơ được dịch và giới thiệu ở nhiều nước trên thế giới bằng thư pháp chữ Hán, Việt, Nhật Bản, Triều Tiên, Lào,… Ngày 1-10-2012, Thủ tướng Chính phủ VN đã ra quyết định công nhận bảo vật quốc gia cho tác phẩm NTNK (Nhật ký trong tù) của HCM.
Vấn đề là như vậy. Mọi luận điệu xuyên tạc NTNK cũng như những luận điệu xuyên tạc, hạ thấp sự nghiệp và tư tưởng HCM đều phải phê phán và bác bỏ.