Người Việt sẽ sẵn sàng chết vì một chế độ ít nhất cũng thực sự của người Việt.
(Bài viết của nhà báo Neil Sheehan (Mỹ) đăng trên tờ The New York Times Magazine, số ra ngày 9/10/1966).
“Mặc cho bị dội bom liên tục vào hệ thống đường bộ và đường sắt cũng như Đường mòn Hồ Chí Minh sát Lào, Hà Nội vẫn tiếp tục đưa người vào miền Nam. Những thanh niên này đã chiến đấu rất tốt, và tỉ lệ đào ngũ rất thấp cho dù gian khổ và tổn thất nặng nề vì bệnh tật và chiến sự. Du kích QGPMN cũng liên tục tăng cường được lực lượng của mình bằng cách tuyển mộ và động viên gia nhập lực lượng.
Chính quyền Sài Gòn, ngược lại, đã gặp khó khăn lớn trong việc tăng cường quân số vì tỉ lệ đào ngũ rất cao. Mức đào ngũ trong tầng lớp lính quân dịch là cao nhất, đây là dấu hiệu cho thấy người ta ít hoặc không, cảm thấy gắn bó gì với cuộc chiến.
Khoảng 85% quân đội Sài Gòn là lính cầm vũ khí chỉ để kiếm tiền. Điều này khiến quân đội VNCH có tính chất đánh thuê rõ rệt và nó đã ảnh hưởng đến cả thái độ của họ đối với dân chúng lẫn chất lượng trong chiến đấu, không kể một ít đơn vị thiện chiến.
Từ lối ứng xử trái ngược lẫn nhau của hai bên, tôi chỉ có thể kết luận rằng người Việt sẽ sẵn sàng chết vì một chế độ ít nhất cũng thực sự của người Việt, vì nó có thể cho họ một hi vọng cải thiện đời mình, hơn là chết vì một chế độ gắn liền với một nguyên trạng đáng chán và là con đẻ của Washington.
Sự nhận định chính thức cho rằng người lính QGPMN chịu đựng những điều kiện sống kinh khủng và hành xử một cách đáng nể trong chiến đấu là do khiếp sợ cấp trên đã trở nên quá khôi hài với những ai từng chứng kiến một trận đánh.
Sự khiếp sợ có thể khiến người ta tiến về mũi súng quân thù, nhưng nó không thể khiến người ta chiến đấu kiên cường. Cuộc xung đột đã cho thấy rõ QGPMN có thể khơi dậy và khai thác khả năng chịu gian khổ và quật cường của người Việt và thuyết phục đám đông rằng bên họ có chính nghĩa.
Ở miền Nam, một số người, do những giá trị của cái xã hội họ đang sống, đều không có khả năng nhìn xa hơn quyền lợi gia đình và bản thân. Quan tâm bao trùm của họ về “bản thân tôi và họ hàng nhà tôi” đã khiến xã hội không có được một ý thức xã hội và chủ nghĩa dòng tộc vốn tràn lan khắp guồng máy cai trị.
Căn bệnh tham nhũng có vẻ tăng tiến theo tỉ lệ thuận với lượng viện trợ đổ vào VNCH ngày càng nhiều. Những câu chuyện về biển thủ công quỹ thì quá tràn lan và liên tục khiến người Mỹ cay đắng.
Các ghế quận trưởng và tỉnh trưởng thường được những kẻ giữ việc bổ nhiệm bán cho kẻ trả giá cao nhất. Các quan chức như vậy tất sẽ gỡ lại phí tổn mua chức tước bằng cách tham nhũng hoặc trả lễ cho các nhân viên cao hơn đã giao chức đó cho họ.
Một số viên chức Mỹ ở VNCH lâu năm đánh giá rằng khoảng 20% viện trợ Mỹ cho những chương trình chống du kích ở nông thôn đã lọt vào tay QGPMN và từ 30% đến 40% nữa bị quan chức VNCH tẩu tán. Xi măng, tôn lợp, sắt thép và những vật liệu xây dựng khác dành cho trường học và trại tạm cư đã chui ra chợ trời một cách bí ẩn, hay biến thành những biệt thự và cao ốc riêng”.