Trung Quốc có ý đồ gì khi đưa máy bay chống ngầm KQ-200 tới Trường Sa?
Theo trang tin Hoa ngữ Đa Chiều ngày 21/4, trong khi tiếp tục tăng tần suất hoạt động thăm dò tài nguyên ở Biển Đông và thiết lập đơn vị hành chính cấp huyện mới để tăng cường cái gọi là “chủ quyền của Trung Quốc”; Trung Quốc cũng đã tăng tốc các hành động quân sự ở Biển Đông. Thông tin chính xác mới nhất cho thấy Trung Quốc đã triển khai loại máy bay tuần tra chống ngầm kiểu mới trên đảo nhân tạo mà họ bồi đắp trái phép từ đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Đa Chiều cho rằng, điều này có thể tăng cường mạnh mẽ khả năng khống chế khu vực của quân đội Trung Quốc.
Các bức ảnh vệ tinh do công ty vệ tinh ISI của Israel chụp vào ngày 10/4 cho thấy Trung Quốc đã chính thức triển khai máy bay tuần tra chống ngầm có tên KQ-200 (空潜-200 hay Không Tiềm-200) trên đá Chữ Thập, một trong những hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp ở quần đảo Trường Sa. Trong ảnh, một chiếc KQ-200 đang đậu trên sân đỗ và một chiếc khác nằm trong hangar (nhà chứa máy bay) lớn, chỉ có phần đầu máy bay được lộ ra.
Hình ảnh KQ-200 trên đá Chữ Thập được vệ tinh của Công ty ISI chụp ngày 10/4 (Ảnh: southfront.org).
|
Máy bay tuần tra chống ngầm KQ-200, còn được gọi là Không Tiềm – 200, là máy bay tuần tra chống ngầm hiện đại đầu tiên do Trung Quốc thực sự nghiên cứu phát triển. Đây là một trong những phương tiện chống ngầm và quản lý tuần tra trên biển quan trọng nhất từ trên không của Hải quân Trung Quốc. Nó được phát triển trên cơ sở ba loại máy bay vận tải Yun-8, Yun-9 trong dự án “Cao tân” (Công nghệ cao); do đó, nó còn được gọi là “高新6” (Cao Tân 6 hay Y-8Q).
KQ-200 bay thử lần đầu tiên vào năm 2012 và được đưa vào sử dụng năm 2017. Hiện tại nó đã được trang bị cho cả 3 Hạm đội Nam Hải, Bắc Hải và Đông Hải. Máy bay được trang bị hệ thống tác chiến chống ngầm tổng hợp, hệ thống phát hiện bao gồm máy dò từ loại lớn, phao sonar, radar tìm kiếm mặt nước, khoang quang điện và hệ thống trinh sát điện tử. Máy bay có hành trình lên tới 5.000 km, có thể hoạt động liên tục trong 10 giờ và khu vực biển tuần tra có thể bao phủ hàng trăm nghìn km2.
Được biết, KQ-200 cũng có khả năng tấn công mạnh mẽ, trong bụng được thiết kế hai khoang bom, có thể mang các loại vũ khí như ngư lôi chống ngầm, thủy lôi, tên lửa chống hạm, bom chìm nước sâu…Hiện các thông số kỹ thuật của KQ-200 còn được Trung Quốc giữ bí mật.
Các nhà phân tích cho rằng với việc máy bay KQ-200 được đưa vào hoạt động với số lượng lớn cho phép hệ thống chống ngầm của hải quân Trung Quốc có thể vượt qua chuỗi đảo thứ nhất, thậm chí mở rộng tới chuỗi đảo thứ hai, để tăng cường giám sát, phát hiện và theo dõi liên tục các vùng biển và kênh chính mà tàu ngầm đối phương thường xuyên xâm nhập; cung cấp sự hỗ trợ cho hoạt động của cụm tác chiến tàu sân bay và các tàu ngầm hạt nhân chiến lược.
Một chiếc KQ-200 đang hoạt động trên biển (Ảnh: 6park).
|
Trong giai đoạn hiện nay, KQ-200 được triển khai ở đá Chữ Thập nhằm mấy mục đích: Một là để tìm kiếm tàu ngầm, bởi vì ở vùng nước sâu quanh quần đảo Trường Sa không chỉ có mỗi tàu ngầm hạt nhân của Mỹ hoạt động mà cả tàu ngầm của Việt Nam, Malaysia và Indonesia đều là mối uy hiếp của các tàu Trung Quốc. Thứ hai là dùng vào mục đích tuần tra. Hiện tại, tranh chấp mặt nước giữa Trung Quốc với các nước láng giềng và Mỹ rất khốc liệt, máy bay KQ-200 có thể giúp cung cấp trước các thông tin liên quan.
Trang Đa Chiều nhận xét, là một biểu hiện cụ thể của việc quân sự hóa Biển Đông, việc triển khai máy bay KQ-200 trên đá Chữ Thập chắc chắn sẽ gây nên sự bất bình và chỉ trích, làm sâu sắc thêm mâu thuẫn giữa Trung Quốc với các bên liên quan. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ vẫn thúc đẩy chiến lược đã có và sẽ có thêm các bố trí quân sự ở Biển Đông trong giai đoạn tới đây bất chấp sự phản đối với các lý do như “để bảo vệ sự an toàn của tuyến giao thông đường thủy và phát triển năng lượng”.
Theo các thông tin công khai, vũ khí hiện tại của Trung Quốc ở Biển Đông hiện bao gồm nhiều loại tàu chiến trên biển (biên đội tàu sân bay Liêu Ninh hiện cũng đang ở Biển Đông), nhiều loại máy bay chiến đấu trên không (khu vực tuần tra của máy bay ném bom chiến lược H-6K đã bao phủ toàn bộ Biển Đông) và trên các đảo nhân tạo có nhiều loại vũ khí phòng thủ khác nhau như tên lửa đất đối không HQ-9 (Hongqi-9).
Rõ ràng, đây là một bước đi nguy hiểm trong việc quân sự hóa Biển Đông mà Trung Quốc ra sức lấp liếm xưa nay nhằm đạt tới mục đích hiện thực hóa cái gọi là “Đường biên giới 9 đoạn” vô lý mà họ tự ý vạch ra, không dựa trên bất cứ cơ sở khoa học hay pháp lý nào, mưu đồ biến Biển Đông thành “ao nhà” của Trung Quốc.
Nguồn: VietTimes.vn