Việt Nam lợi gì khi tổ chức thượng đỉnh Trump-Kim?

Có một số dấu hiệu cho thấy khả năng Việt Nam sẽ được hai bên Mỹ, Triều đề nghị tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh lần hai.

Việt Nam lợi gì khi tổ chức thượng đỉnh Trump-Kim? - Ảnh 1.

Tổng thống Trump phát biểu tại Đà Nẵng năm 2017. Ảnh: REUTERS

“Việc đứng ra tổ chức một sự kiện mang tầm quan trọng rất lớn với an ninh và ổn định ở khu vực như cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai sẽ là một bằng chứng không thể tốt hơn cho tư thế chủ động của Việt Nam (VN) trong các vấn đề quốc tế” – TS Nguyễn Việt Phương (ảnh), nghiên cứu viên tại Trung tâm Belfer, ĐH Harvard (Mỹ), nhận định.

Vì sao là Việt Nam?

. Phóng viên: Truyền thông Hàn Quốc và Mỹ đề cập nhiều đến việc VN có thể là nơi diễn ra hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Theo ông có những dấu hiệu nào cho thấy VN là một lựa chọn tiềm năng của Mỹ, Triều?

+ TS Nguyễn Việt Phương: Việc xem xét lựa chọn VN làm địa điểm cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai mới chỉ là đồn đoán qua báo chí, đặc biệt là qua một số báo Hàn Quốc. Tuy nhiên, có một số dấu hiệu cho thấy khả năng VN sẽ được hai bên Mỹ, Triều đề nghị tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh lần này.

Dấu hiệu rõ ràng nhất là việc Reuters, thông qua nguồn tin báo Hàn Quốc, cho biết quan chức Mỹ và Triều Tiên đã gặp nhau nhiều lần tại Hà Nội để thảo luận về việc tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai.

Dấu hiệu thứ hai là việc trong thời gian gần đây VN đã đón tiếp lãnh đạo cấp cao của cả hai nước Mỹ và Triều Tiên. Cụ thể là chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong Ho , Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis và trước đó là ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.

Dấu hiệu thứ ba là việc VN thời gian qua đã tỏ ý sẵn sàng góp phần thúc đẩy đàm phán về các vấn đề liên quan đến bán đảo Triều Tiên. Sau chuyến thăm của Bộ trưởng Ri Yong Ho, người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN đã tuyên bố: “VN sẵn sàng đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy đối thoại duy trì hòa bình, an ninh, ổn định trên bán đảo Triều Tiên”.

Có thông tin bên lề cho biết Bangkok (Thái Lan) hay Hawaii (Mỹ) cũng sẽ là nơi tiềm năng tổ chức thượng đỉnh Trump-Kim lần hai. Liệu VN có ưu thế hơn?

+ Ngay trước khi Singapore được lựa chọn làm nơi tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần đầu tiên, cá nhân tôi đã bày tỏ sự ủng hộ đối với việc VN chủ động đứng ra tổ chức cuộc gặp này vì nhiều lý do. Thứ nhất, VN đang có quan hệ tốt với cả ba bên liên quan chính trong đàm phán hạt nhân Triều Tiên thời gian qua. CHDCND Triều Tiên vốn là quốc gia gần gũi với VN về mặt ý thức hệ và có quan hệ nồng ấm trong thời gian dài với nước ta. Hàn Quốc là nhà đầu tư hàng đầu và là đối tác chiến lược của VN. Còn Mỹ là bạn hàng lớn của VN và có quan hệ ngoại giao ngày càng tốt đẹp với VN trong vòng một thập niên trở lại đây.

Cộng thêm vị trí địa lý không cách quá xa Bình Nhưỡng, thuận lợi cho việc di chuyển của lãnh tụ Triều Tiên và tình hình an ninh-chính trị cực kỳ ổn định, VN là một trong số ít địa điểm có điều kiện tối ưu cho một cuộc gặp có mức độ chính trị và an ninh phức tạp như hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim.

Theo tôi, Hà Nội hoặc Đà Nẵng – những nơi Tổng thống Donald Trump đều đã từng thăm viếng, rõ ràng là có chút ưu thế hơn Bangkok (Thái Lan), hay Hawaii – một trong số các bang của Mỹ nằm trong tầm bay tên lửa đạn đạo Triều Tiên và có rất ít sự ủng hộ với Tổng thống Donald Trump kể từ giai đoạn tranh cử.

Nhiều lợi ích cho VN

. Theo ông, nếu được đăng cai hội nghị này, VN sẽ nhận được lợi ích gì về chính trị, ngoại giao, hay hình ảnh trên trường quốc tế?

+ Nếu quả thực hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai được tổ chức tại VN một cách suôn sẻ, VN sẽ nhận được nhiều lợi ích về mặt song phương và đa phương. Cụ thể, về mặt song phương, việc thúc đẩy đối thoại Mỹ-Triều một cách tích cực thông qua vai trò chủ nhà cuộc gặp sẽ giúp VN trở thành đối tác tin cậy hơn nữa đối với không chỉ Mỹ và Triều Tiên mà còn cả Hàn Quốc. Trong bối cảnh VN đang rất cần những đối tác chiến lược thực sự tin cậy để đối phó với các thách thức về kinh tế, về vấn đề biển Đông, có được sự tin tưởng từ Mỹ và Hàn Quốc sẽ là sự khích lệ rất quan trọng đối với ngoại giao VN.

Với riêng Triều Tiên, đây sẽ là cơ hội rất tốt để VN chia sẻ bài học về thành công trong cải cách kinh tế ở VN những năm 1980 có một phần đóng góp không nhỏ của chính sách ngoại giao đa dạng hóa, đa phương hóa – và sự phát triển vượt bậc của kinh tế VN sau đổi mới chính là mô hình mà Triều Tiên đang theo đuổi dưới sự lãnh đạo của chủ tịch Kim Jong-un.

Về mặt đa phương, với phương châm “muốn làm bạn với tất cả quốc gia trên thế giới” và thực sự đã hưởng lợi về mặt kinh tế, chính trị, và văn hóa từ quá trình toàn cầu hóa, đa phương hóa, VN rõ ràng cần phải chủ động hơn nữa trong việc duy trì các thể chế quốc tế vốn đang chịu sự đe dọa của chủ nghĩa dân tộc, chính sách “thu mình” của nhiều quốc gia. Một vị thế chủ động, tích cực trên trường quốc tế đồng thời cũng sẽ giúp VN trong chiến lược trở thành một “cường quốc tầm trung” và đặc biệt là giúp VN dễ dàng kêu gọi sự chú ý của quốc tế trong các vấn đề tranh chấp đa phương như vấn đề biển Đông.

Việc đứng ra tổ chức sự kiện mang tầm quan trọng rất lớn với an ninh và ổn định ở khu vực như cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai sẽ là một bằng chứng không thể tốt hơn cho tư thế chủ động của VN trong các vấn đề quốc tế.

Khi cân nhắc có đứng ra đề nghị đăng cai sự kiện này hay không, VN cũng đã phải tính đến mức độ nhạy cảm rất cao về mặt chính trị của sự kiện này và kịch bản nào cho VN nếu sự kiện được tổ chức nhưng đổ vỡ giữa chừng. Dù vậy, theo tôi thì nếu có điều kiện VN vẫn nên chủ động đề cập đến việc đăng cai cuộc gặp này đối với cả ba phía Mỹ, Triều Tiên và Hàn Quốc.

TS NGUYỄN VIỆT PHƯƠNG

vp

 

Cuối cùng, như đã thấy từ việc Singapore đứng ra tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ nhất thì đây là một cơ hội quảng bá miễn phí hình ảnh của quốc gia chủ nhà trên cả mạng xã hội Facebook, Twitter và kênh truyền thông lớn như CNN, BBC. Nếu VN trở thành địa điểm gặp gỡ giữa hai ông Donald Trump và Kim Jong-un, chắc chắn hình ảnh các danh thắng của VN sẽ trở thành đề tài nóng hổi của truyền thông quốc tế trước, trong và sau cuộc gặp.

Nếu VN không được đăng cai thì có thể vì lý do gì?

+ Trong bối cảnh không ai biết được đường đi nước bước của cả ông Trump và ông Kim, sẽ không lạ nếu địa điểm tổ chức không phải là VN, thậm chí cuộc gặp có thể sẽ không diễn ra.

Ngoài ra, Trung Quốc (TQ) cũng là một nhân tố cần nhắc tới. TQ vẫn bày tỏ thái độ tích cực trong việc thúc đẩy đàm phán Hàn-Triều, Mỹ-Triều về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và gỡ bỏ cấm vận đối với Triều Tiên.

Tuy nhiên, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Trung-Mỹ tuy đã hạ nhiệt nhưng chưa có dấu hiệu chấm dứt, có khả năng TQ sẽ không thực sự cảm thấy thoải mái khi một sự kiện lớn như hội đàm Mỹ-Triều lần thứ hai diễn ra ở ngay nước láng giềng của TQ mà không có sự đóng góp chính thức hoặc không chính thức nào của TQ. Nếu quan ngại này là có thật, chắc chắn trong chuyến thăm Bắc Kinh vừa qua của ông Kim Jong-un, chủ tịch Tập Cận Bình đã đề cập đến vấn đề này.

Mỹ, Triều sẽ khó có đột phá

Vì vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên chứa đựng nhiều mâu thuẫn không thể giải quyết trong thời gian ngắn, rất ít có khả năng cuộc gặp lần thứ hai giữa lãnh đạo hai nước có thể đạt được đột phá đáng kể. Ví dụ, Mỹ sẽ tiếp tục đòi hỏi Triều Tiên phải đảm bảo tiến trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên trước khi dỡ bỏ cấm vận, trong khi ông Kim Jong-un chắc chắn sẽ chỉ ra rằng Bình Nhưỡng đã có nhiều nhượng bộ trong việc tạm dừng thử vũ khí, phá bỏ một số bãi thử, trong khi Mỹ vẫn chưa có bất cứ một nhượng bộ nào về việc nới lỏng cấm vận.

Thêm vào đó, việc ông Trump chuyển sự chú ý từ vấn đề Triều Tiên trong giai đoạn cuối năm 2017, đầu năm 2018 sang các vấn đề đối nội cho thấy bản thân tổng thống Mỹ không còn nhiều quyết tâm giải quyết ngay và triệt để vấn đề hạt nhân bán đảo Triều Tiên. Khi xét tất cả yếu tố kể trên thì tình trạng bế tắc trong việc tìm giải pháp cho khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên vẫn nhiều khả năng sẽ tiếp diễn trong thời gian tới.

Theo Minh Phạm

Pháp luật TPHCM

Tin cùng chuyên mục: