Xóm đạo vùng cửa biển thờ ảnh Bác Hồ
Không khí đón Tết Độc lập tại xóm giáo thôn Phúc Hải (xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên) thật đặc biệt. Mỗi gia đình đều tất bật sửa soạn, bày biện hoa quả, bánh kẹo dâng lên bàn thờ Bác Hồ. 5 năm qua, tập tục này vẫn được người dân nơi đây gìn giữ và nhân rộng trong toàn thôn.
Phong trào rước ảnh Bác về thờ trong nhà tại thôn Phúc Hải có từ 5 năm năm lại đây. Hiện nay, đã có hơn 70% hộ dân thực hiện. Trong mỗi ngôi nhà của họ, bên cạnh tượng Chúa, bàn thờ gia tiên, thì bàn thờ Bác Hồ luôn được nhang khói chu đáo.
Thôn Phúc Hải có hơn 250 hộ dân với hơn 1.100 nhân khẩu. Hơn 90% dân số trong thôn là giáo dân thuộc giáo xứ Nhượng Bạn. Trước đây, một số hộ dân Phúc Hải đã chủ động rước ảnh Bác về thờ với sự tôn kính.
Tùy vào điều kiện của từng hộ gia đình mà lập bàn thờ Bác khác nhau, nhưng tất cả đều được đặt ở nơi trang trọng trong nhà. Tuy đơn sơ nhưng đã thể hiện được lòng biết ơn sâu sắc của người dân nơi đây đối với vị cha già dân tộc.
“Rước ảnh Bác về thờ tại nhà là việc làm hết sức có ý nghĩa, nhằm khơi dậy ý thức, lòng tự hào dân tộc, thể hiện lòng tôn kính đối với Bác Hồ, tạo khí thế thi đua sôi nổi. Đến nay, đã có hơn 70% gia đình người dân trong thôn lập bàn thờ Bác tại nơi trang trọng trong nhà”, ông Trần Ánh Sương (Phó Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh thôn Phúc Hải) cho hay.
Gia đình ông Sương cũng là một trong những người tiên phong đưa ảnh Bác về thờ tại gia. Khi ông đề xuất việc này với người nhà, vợ con hết sức ủng hộ. Bàn thờ của Bác được ông Sương lập một phòng riêng trên tầng 2.
Không chỉ vào Tết Độc lập 2/9, mà những ngày mùng 1, rằm hàng tháng hay những ngày lễ lớn của đất nước, ông Sương đều bày biện thắp hương lên bàn thờ Bác. Đặc biệt, trước mỗi chuyến vươn khơi, ông Sương lại thắp hương vừa vững tâm và cầu mong sự may mắn cho chuyến đi của mình.
Trong ngôi nhà bà Tôn Thị Tuyết (69 tuổi), bàn thờ Bác Hồ cũng được bà đặt ngay ngắn bên cạnh bàn thờ gia tiên. Ngoài thờ ảnh Bác, bà Tuyết cũng lập bàn thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Trên bàn thờ Bác, đến ngày này bà Tuyết còn đặt thêm một gói thuốc lá. “Qua các thước phim tư liệu, thấy bác thường hút thuốc, nên tôi cũng đặt một gói thuốc trên bàn thờ cho Người”, bà Tuyết cười.
Từ khi nghe chính quyền địa phương phát động phong trào thờ ảnh Bác Hồ, gia đình bà Tuyết đều đồng tình. Trước khi rước ảnh về nhà, bà cùng con cháu dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị làm sẵn bàn thờ để rước ảnh Bác ở nơi trang trọng trong nhà. Do diện tích bàn thờ hơi nhỏ nên các con bà Tuyết đã mua một chiếc đĩa bằng đá in hình Bác về đặt.
Sau khi tướng Giáp mất, bà Tuyết cũng rước ảnh về thờ chung với bàn thờ của Bác.
Gia đình ông Trần Đình Phúc (73 tuổi) cũng dành riêng một nơi trang trọng trong nhà để thờ Bác. Theo ông Phúc, gia đình lập bàn thờ Bác với lòng thành kính nhất của người con Việt Nam đối với vị cha già kính yêu của dân tộc.
Lau lại bức ảnh Bác, ông Phúc xúc động: “Trong tâm thức của mỗi người giáo dân chúng tôi, Bác Hồ luôn có vị trí như một vị thánh sống. Không chỉ những đóng góp to lớn của Người trong phong trào giải phóng dân tộc, mà chính đạo đức của Người là tấm gương mà chúng tôi luôn tự răn mình và con cháu”.
Vào mỗi dịp 2/9, gia đình ông Phúc lại nấu mâm cơm khá tươm tất để dâng lên và tưởng nhớ đến Bác.
“Không chỉ riêng thôn Phúc Hải mà phong trào thờ ảnh Bác đã được nhân rộng trong toàn xã. Hiện nay, toàn xã có 774 hội viên cựu chiến binh đều hưởng ứng phong trào này, trong đó có nhiều người là bà con vùng giáo. Việc rước ảnh Bác Hồ về thờ trong nhà không chỉ thể hiện tấm lòng ngưỡng mộ, yêu mến của bà con giáo dân đối với Người. Qua đó, còn giúp các con cháu trong gia đình, những thế hệ trẻ hiểu hơn về lịch sử hào hùng của cha ông”, ông Nguyễn Công Thành – Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Cẩm Nhượng nhấn mạnh.
Phượng Vũ/ báo Dân trí