Nhận diện hành vi xuyên tạc mục tiêu công bằng xã hội ở Việt Nam

 

Thời gian qua, các thế lực thù địch, phản động đã phát tán nhiều thông tin xấu độc xuyên tạc vấn đề công bằng xã hội ở Việt Nam. Chúng lợi dụng một bộ phận nhỏ người dân gặp khó khăn về nhà ở, việc làm, lao động, thu nhập…, để thổi phồng nhằm bôi nhọ thể chế. Tuy nhiên, thực tế hoàn toàn ngược lại.

Âm mưu ‘tung hỏa mù’ thông tin để chống phá

Việc xuyên tạc mục tiêu công bằng xã hội ở Việt Nam không phải là mới, mà nó là cách thức chống phá xuyên suốt trong chiến lược “diễn biến hòa bình”. Hễ Việt Nam có mục tiêu, chính sách gì là các thế lực thù địch lại ra sức bôi lem, xuyên tạc nhằm chống nước ta. Tuy nhiên, mỗi giai đoạn, cách thức, cường độ, thủ đoạn chống phá cũng khác nhau.

Hiện nay, các thế lực thù địch triệt để lợi dụng mạng xã hội để “tung hỏa mù” thông tin, xuyên tạc về mục tiêu công bằng xã hội mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đang ra sức phấn đấu.

Lợi dụng một bộ phận nhỏ người dân gặp khó khăn trong đời sống xã hội như nhà ở, việc làm, lao động, thu nhập…, chúng thổi phồng để bôi nhọ thể chế. Chúng vu cáo rằng, chế độ độc đảng ở Việt Nam gây ra tồn tại bất công xã hội, người dân bị phân biệt, đối xử; chính quyền không quan tâm đến các đối tượng yếu thế; công bằng xã hội chỉ dành cho quan chức chứ không thuộc về “dân đen”…

Với mỗi trường hợp, chúng cắt ghép hình ảnh từ mạng internet rồi dàn dựng thành nhiều clip để đăng tải lên facebook, youtube, tiktok,…để lôi kéo người xem. Cùng với đó, chúng tạo ra hàng trăm tài khoản ảo để chia sẻ lại các nội dung trên nhiều nền tảng khác nhau. Từ đó, mỗi khi clip tiếp cận được người xem thì cỗ máy tìm kiếm trí tuệ nhân tạo (AI) của phần mềm sẽ liên kết đến những clip có nội dung tương tự. Thế nên, người xem dần bị lạc giữa ‘ma trận’ thông tin về việc mất công bằng xã hội, về những hoàn cảnh oan ức, đáng thương,…

Dựa trên vài trường hợp cá biệt như trên, chúng tập trung bình luận, công kích việc thực hiện mục tiêu công bằng xã hội ở Việt Nam chỉ là khẩu hiệu suông, không có trong hiện thực. Đồng thời, chúng ca ngợi thể chế chính trị ở phương Tây, cho rằng chỉ có chủ nghĩa tư bản mới có công bằng xã hội, mới là đích đến; còn CNXH “chỉ là hư ảo, lừa mị dân”. Các đối tượng suy diễn, ngụy biện xảo trá rằng, do chế độ “độc tài”, “toàn trị” nên xã hội không có quyền bình đẳng, người dân không có quyền đòi hỏi, chỉ biết chấp nhận “an phận”. Sâu xa hơn, chúng kêu gọi người dân muốn có cơm no, áo ấm, muốn có công bằng, dân chủ, văn minh thì phải đấu tranh để thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, phải “xoá bỏ độc tài”…

Mục đích lâu dài của chúng là nhằm kích động tâm lý hoài nghi, lung lay niềm tin về con đường đi lên CNXH, nhất là đối với giới trẻ. Từ đó, hướng tới phá vỡ khối đại đoàn kết dân tộc; làm suy giảm ý chí đồng lòng, quyết tâm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, hướng tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, lật đổ chế độ XHCN ở nước ta.

Thành tựu to lớn về công bằng xã hội ở Việt Nam

Lãnh đạo tỉnh Nghệ An trao bằng khen cho các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong công tác nhân đạo, từ thiện

 

Mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, trong đó vấn đề công bằng xã hội luôn được Đảng và Nhà nước ta xác định là mục tiêu đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển.

Chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước là tăng trưởng kinh tế phải gắn liền chặt chẽ với tiến bộ và công bằng xã hội. Tăng trưởng kinh tế đóng vai trò là điều kiện, tiền đề thiết yếu để thực hiện công bằng xã hội và ngược lại, công bằng xã hội chính là động lực cho sự phát triển kinh tế. Công bằng xã hội không chỉ bảo đảm sự phân phối thu nhập hợp lý mà còn bảo đảm sự công bằng trong việc tiếp cận cơ hội và quyền lợi cho mọi tầng lớp nhân dân.

Đảng và Nhà nước đã ban hành và thực hiện được nhiều chính sách xã hội như chính sách an sinh xã hội, chính sách xóa đói, giảm nghèo… để mọi người dân đều được thụ hưởng, đó chính là thực hiện công bằng xã hội cho mọi người dân. Thực tế cho thấy, công tác đảm bảo an sinh xã hội tương đối toàn diện, hiệu quả, điển hình là chính sách xóa đói, giảm nghèo đạt thành tựu nổi bật. Tỉ trọng chi ngân sách cho an sinh xã hội tăng dần trong các năm qua, từ 2,85% GDP năm 2005 lên 4,14% GDP năm 2010 và 4,67% GDP năm 2011 và khoảng 6,7% GDP năm 2021. Chỉ số thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh (năm 2020, đạt 3.512 USD), tăng hơn 31,5 lần trong vòng hơn ba thập niên. Tuổi thọ trung bình cũng tăng nhanh, từ 70,5 (năm 1990) lên 75,4 (năm 2019), cao nhất trong các quốc gia nằm trong khu vực có mức thu nhập tương đương.

Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng về giảm nghèo, từ 60% dân số nghèo đói (năm 1990) đến năm 2022, tỷ lệ nghèo chỉ còn 2,23%.  Từ một trong những quốc gia nghèo, chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh, thu nhập bình quân đầu người khoảng 100 USD những năm 90 thế kỷ XX, đến năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đạt 3.900 USD. Năm 2023 thu nhập bình quân đầu người mỗi năm là 4.284 USD, tăng 6,2% so với năm 2022.

Đảng, Nhà nước luôn quan tâm chăm lo cho người lao động, bằng chính sách hỗ trợ việc làm, hỗ trợ người thất nghiệp. Trong đại dịch COVID-19, các đối tượng yếu thế luôn được Nhà nước, Chính phủ, cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, chú trọng, hơn 38.000 tỷ đồng từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp đã được chi để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động. Công tác khám, chữa bệnh, bảo vệ sức khoẻ cho mọi tầng lớp nhân dân cũng được chú trọng, tỷ lệ bao phủ BHYT tăng từ 60,9% dân số (2010) lên 90,7% dân số (2020). Người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi và người cao tuổi được cấp BHYT miễn phí. Chỉ số phát triển con người Việt Nam (HDI) phát triển mạnh mẽ và nằm ở nhóm cao: năm 2017: 0,687; năm 2018: 0,700; năm 2019: 0,703 và năm 2020: 0,702.

100% số đối tượng bảo trợ xã hội được hưởng trợ cấp hằng tháng; 100% số người dân bị thiệt hại do thiên tai, thiếu đói được trợ giúp kịp thời, không để ai bị đói; 99% số hộ người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú, 99% số xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ; hơn 90% số người khuyết tật khó khăn được trợ giúp xã hội, chăm sóc, phục hồi chức năng; hơn 90% số người cao tuổi khó khăn được trợ giúp xã hội, phụng dưỡng, chăm sóc. Cơ cấu mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội của cả nước ngày càng mở rộng đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ trợ giúp xã hội của đối tượng cần trợ giúp xã hội.

Tại Việt Nam, hệ thống chính sách xã hội được thực hiện bảo đảm được tính công bằng, bao trùm, tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế, góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế. Từ đó, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao, “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh: “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội… Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và huỷ hoại môi trường”.

Vì vậy, người dân cần tỉnh táo sàng lọc thông tin, nhận diện, đấu tranh với chiêu trò chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch, đoàn kết đồng lòng xây dựng đất nước Việt Nam thịnh vượng.

Tác giả: Lâm Vũ

Tin cùng chuyên mục: