40 năm ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam (7-1-1979 – 7-1-2019)
Bài 1: Sự phản bội của tập đoàn Pôn Pốt và chế độ Khmer Đỏ
Việt Nam và Campuchia là 2 quốc gia láng giềng gần gũi. Tình đoàn kết truyền thống giữa những dân tộc anh em cùng uống nước nguồn từ nhiều con sông chảy từ Tây sang Đông càng gắn bó hơn trong những năm tháng kề vai sát cánh trong 2 cuộc kháng chiến giành độc lập, tự do cho dân tộc. Nhưng do bị các thế lực phản động, thù địch nước ngoài kích động, lợi dụng, cũng như những tư tưởng chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, chế độ Khmer Đỏ mà đứng đầu là tập đoàn phản động Pôn Pốt đã phá hoại truyền thống tốt đẹp; thực hiện chính sách diệt chủng ở Campuchia và xâm lược biên giới Tây Nam của Việt Nam.
Tội ác chất chồng
Quân Pôn Pốt đã tiến hành một số vụ tiến công, bắt cóc giết hại cán bộ, bộ đội Việt Nam hoạt động ở chiến trường Campuchia, đồng thời gây chia rẽ nội bộ những người cộng sản Campuchia. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 1973, tập đoàn tội ác này đã sát hại và làm bị thương 103 bộ đội Việt Nam, cướp hàng chục tấn lương thực và vũ khí.
Ở trong nước, tháng 4-1975, sau khi lên nắm quyền, Pôn Pốt thực thi chính sách diệt chủng tàn khốc, cưỡng bức lao động khổ sai, tra tấn hành hạ dã man người dân Campuchia; biến trường học, nhà chùa thành nhà tù, khắp mọi nơi đầy những hố chôn người tập thể… Trong 3 năm 8 tháng 20 ngày nắm quyền, chế độ Pôn Pốt đã giết hại gần 3 triệu người dân Campuchia vô tội, xóa bỏ mọi cơ sở xã hội, Campuchia đứng trước thảm họa diệt vong.
Đối với Việt Nam, tập đoàn phản động Pôn Pốt phá nát mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị truyền thống lâu đời giữa Việt Nam và Campuchia; ra sức vu khống Việt Nam, kích động tư tưởng dân tộc hẹp hòi; kích động xét lại quan hệ 2 nước, đòi hoạch định lại biên giới Việt Nam – Campuchia, vô cớ coi Việt Nam là kẻ thù số 1 và tiến hành hàng loạt cuộc xâm lấn biên giới, giết hại dân thường.
Năm 1975, khi đất nước Việt Nam vừa thống nhất, Pôn Pốt đã cho quân xâm lược các đảo, biên giới đất liền Tây Nam nước ta. Ngày 3-5-1975, chúng đánh chiếm đảo Phú Quốc. Ngày 10-5-1975, chúng tiếp tục đánh chiếm đảo Thổ Chu, bắt và giết hơn 500 dân thường. Trên đất liền, chúng khiêu khích bộ đội biên phòng ta, di dời cột mốc biên giới ở một số điểm thuộc các tỉnh Tây Ninh, Kon Tum, Đắk Lắk.
Tháng 10-1975, chúng xâm nhập khu vực Pa Chàm (Lổ Cồ), xâm canh các khu vực Mộc Bài, Khuốc, Vạt Sa, Tà Nốt, Tà Bạt. Cuối năm 1975, đầu năm 1976, quân Pôn Pốt bất ngờ tiến hành một số vụ xâm nhập vào sâu lãnh thổ Việt Nam, có nơi hơn 10km, như ở vùng sông Sa Thầy thuộc các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, gây ra những tộc ác với nhân dân Việt Nam.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, cho biết, đầu năm 1976, Pôn Pốt xác định: “Tai họa nhất cần phải chú ý là Việt Nam…”. Đi đôi với hành động xâm lược, tập đoàn phản động Pôn Pốt ra sức tuyên truyền, bôi nhọ hình ảnh Việt Nam, kích động tâm lý chống Việt Nam, coi Việt Nam là “kẻ thù truyền kiếp”, “kẻ thù số 1”. Lấy cớ làm sạch nội bộ, chúng tiến hành phân loại dân, thực hiện nhiều cuộc thanh trừng đẫm máu, trong đó tập trung vào số cán bộ trước đây được đào tạo ở Việt Nam.
Từ 30-4-1975 đến 30-4-1977, Pôn Pốt ráo riết chuẩn bị chiến tranh khi phân chia lại đơn vị hành chính, tổ chức bộ máy chính quyền thôn, xã, huyện, tỉnh theo kiểu quân sự, thanh trừng những người chống đối, kích động tâm lý chống Việt Nam; xây dựng lực lượng, phát triển quân chủ lực từ 7 sư đoàn khi mới giải phóng lên 12 sư đoàn quân chính quy với đầy đủ thành phần binh chủng, hàng chục ngàn quân địa phương, trong đó điều động 41% quân số và trang thiết bị áp sát biên giới Việt Nam.
làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Ảnh: T.L
Những nỗ lực ngoại giao bất thành
Trước hành động khiêu khích và mở rộng chiến tranh của tập đoàn Pôn Pốt, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn nhất quán quan điểm mong muốn chính sách hòa bình, tiếp tục phát triển tình hữu nghị đoàn kết giữa nhân dân 2 nước; các quân khu, tỉnh có đường biên giới với Campuchia nhận được chỉ thị tăng cường hữu nghị với nhân dân Campuchia, tránh mọi sự khiêu khích.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, tháng 12-1976, Đảng, Nhà nước Việt Nam tiếp tục khẳng định lập trường của mình: “Ra sức bảo vệ và phát triển mối quan hệ đặc biệt giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân Lào và nhân dân Campuchia, tăng cường tình đoàn kết chiến đấu, lòng tin cậy, sự hợp tác lâu dài và giúp đỡ lẫn nhau về mọi mặt giữa nước ta với 2 nước anh em trên nguyên tắc hoàn toàn bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau; làm cho 3 nước vốn đã gắn bó với nhau trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc sẽ mãi mãi gắn bó với nhau trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, vì độc lập và phồn vinh của mỗi nước”.
Quán triệt tinh thần chỉ đạo chung của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương đã chỉ thị các quân khu, quân đoàn, các tỉnh có đường biên giới với Campuchia tăng cường đoàn kết với nhân dân nước bạn, tránh mọi sự khiêu khích, xung đột. Lãnh đạo Bộ Quốc phòng còn chủ trương giảm số lượng lớn quân thường trực sang làm nhiệm vụ kinh tế, trong đó có cả các quân khu 5, 7, 9 có đường biên giới giáp Campuchia.
Tuy nhiên, chính quyền Khmer Đỏ liên tục vu cáo Việt Nam xâm phạm biên giới. Trước sự vu cáo của Khmer Đỏ, ngày 29-4-1977, Bộ Ngoại giao Việt Nam có công hàm trả lời phía Khmer Đỏ, bác bỏ sự vu khống của họ, đồng thời nêu rõ lập trường của Việt Nam là mong muốn giải quyết tốt vấn đề biên giới giữa 2 nước cũng như tiếp tục củng cố, mở rộng mối quan hệ giữa 2 nước.
Đêm 30-4-1977, lợi dụng lúc quân và dân ta kỷ niệm 2 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, tập đoàn Pôn Pốt đã mở cuộc tiến công trên toàn tuyến biên giới tỉnh An Giang, chính thức bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược biên giới Tây Nam của Việt Nam.
Là người trực tiếp tham gia cuộc chiến, Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng, nhớ lại và khẳng định, thực chất Pôn Pốt đã tiến hành các hoạt động chống phá Việt Nam từ năm 1972. Ngay sau khi Khmer Đỏ tấn công biên giới Tây Nam, ngày 1-5-1977, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 họp khẩn cấp với chỉ huy các đơn vị bộ đội và các tỉnh có đường biên giới giáp với Campuchia. Bộ Tư lệnh nhận định, cuộc tiến công vào địa bàn tỉnh An Giang lần này có thể là trận mở đầu cho một cuộc chiến tranh lớn đã được tập đoàn Pôn Pốt – Iêng Xari chuẩn bị; đồng thời, chỉ thị các đơn vị kiên quyết bằng mọi giá chiến đấu, đẩy lùi lực lượng xâm lấn, bảo vệ đất đai, tài sản cho nhân dân ở vùng biên giới Tây Nam.
Tháng 9-1977, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phan Hiển đã có cuộc gặp Pôn Pốt tại Bắc Kinh. Tại đây, Thứ trưởng Phan Hiển đã nêu rõ lời đề nghị của lãnh đạo Đảng, Chính phủ Việt Nam về việc nối lại đàm phán vấn đề biên giới giữa 2 nước. Đáp lại việc chính quyền Campuchia Dân chủ công khai đưa vấn đề chiến tranh biên giới giữa 2 nước ra trước dư luận thế giới, ngày 31-12-1977, Chính phủ Việt Nam ra Tuyên bố về vấn đề biên giới Việt Nam – Campuchia. Tuyên bố bác bỏ những vu khống của chính quyền Khơme Đỏ; vạch rõ sự thật về những vụ Campuchia tiến công Việt Nam từ tháng 5-1975; nêu rõ thiện chí, lập trường, nguyên tắc của Việt Nam. Tuyên bố bày tỏ mong muốn 2 bên sẽ gặp nhau càng sớm càng tốt, ở bất cứ cấp nào để giải quyết vấn đề biên giới 2 nước trên tinh thần “Hữu nghị anh em”.
Để tỏ rõ thiện chí, Việt Nam đã rút lực lượng vào sâu lãnh thổ, đồng thời liên tiếp đưa ra các đề nghị đàm phán với Campuchia Dân chủ. Ngày 5-2-1978, Chính phủ Việt Nam ra tuyên bố về quan hệ Việt Nam và Campuchia. Qua đó tiếp tục bày tỏ thiện chí giải quyết vấn đề biên giới bằng phương pháp hòa bình.
Cũng trong ngày 5-2-1978, Bộ Ngoại giao Việt Nam ra Tuyên bố lập trường 3 điểm để giải quyến vấn đề biên giới Việt Nam – Campuchia: 1. Chấm dứt ngay mọi hoạt động thù địch ở vùng biên giới. Lực lượng vũ trang mỗi bên đóng sâu trong lãnh thổ mình, cách đường biên giới 5km. 2. Hai bên gặp nhau ngay tại Hà Nội và Phnôm Pênh, hoặc một địa điểm nào trên biên giới giữa 2 nước để bàn bạc và ký một hiệp ước hữu nghị, cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực trong quan hệ với nhau. Không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Không tiến hành các hoạt động lật đổ, chống đối nhau. Đối xử bình đẳng, sống hòa bình, hữu nghị trong quan hệ láng giềng tốt. 2 bên sẽ ký một hiệp ước về biên giới giữa 2 nước trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, lãnh thổ của 2 nước trên đường biên giới hiện tại. 3. Sẽ thỏa thuận một hình thức thích hợp đảm bảo quốc tế và giám sát quốc tế.
Sau tuyên bố lập trường 3 điểm, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã liên tục gửi công hàm cho Bộ Ngoại giao của Campuchia Dân chủ để nói rõ quan điểm, lập trường của Việt Nam; lên án sự vu cáo, bác bỏ những đề nghị vô lý của họ và đề nghị lãnh đạo cấp cao 2 nước nhanh chóng gặp gỡ, giải quyết vấn đề biên giới bằng phương pháp hòa bình. Tuy nhiên, phía Campuchia Dân chủ bỏ qua mọi đề nghị của Việt Nam, tiếp tục cho quân tiến công đánh chiếm, tàn sát nhân dân địa phương ở các tỉnh biên giới của Việt Nam.
Tháng 6-1978, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương họp đánh giá tình hình ở biên giới Tây Nam, xác định quyết tâm giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam; chủ trương phối hợp tác chiến quân sự, chính trị, ngoại giao, ra sức giúp đỡ lực lượng cách mạng Campuchia chân chính, đánh đổ tập đoàn phản động Pôn Pốt – Iêng Xari đang nắm quyền ở Campuchia.
Bài 2: Thực hiện quyền tự vệ chính đáng và làm nghĩa vụ quốc tế
Từ ngày 23-12-1978, Quân tình nguyện Việt Nam cùng lực lượng vũ trang của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia mở cuộc tổng phản công – tiến công, lần lượt phá vỡ toàn bộ hệ thống phòng thủ của quân Pôn Pốt.
Nhân dân thủ đô Phnôm Pênh tiễn quân tình nguyện Việt Nam về nước. Ảnh: TTXVN
Ngày 2-12-1978, Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia được thành lập do Hiêng Xomrin làm Chủ tịch, đã công bố cương lĩnh 11 điểm để tập hợp nhân dân Campuchia đứng lên đánh đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt Iêng Xari; kêu gọi các chính phủ, các tổ chức quốc tế giúp đỡ mọi mặt cho cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Campuchia để hồi sinh đất nước. Đáp lời kêu gọi này, từ ngày 23-12-1978, Quân tình nguyện Việt Nam cùng lực lượng vũ trang của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia mở cuộc tổng phản công – tiến công, lần lượt phá vỡ toàn bộ hệ thống phòng thủ của quân Pôn Pốt, giải phóng nhân dân Campuchia khỏi chế độ diệt chủng.
Tổng phản công trên toàn tuyến biên giới Tây Nam
Trước đó, ngày 27-7-1978, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 4 khóa IV đã ra Nghị quyết “Về tình hình, nhiệm vụ mới, xác định
Việt Nam vừa có hòa bình, vừa có chiến tranh trên một bộ phận đất nước”; yêu cầu khẩn trương xây dựng, rèn luyện bộ đội chủ lực tinh nhuệ, tăng cường trang bị cho bộ đội địa phương, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ rộng khắp để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
Thực hiện mệnh lệnh của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, ngày 17-12-1978, Tiền phương Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ và thông qua quyết tâm chiến đấu cho các đơn vị tham gia cuộc tổng phản công trên toàn tuyến biên giới Tây Nam. Từ ngày 24-12-1978 đến tháng 1-1979, các đơn vị lực lượng vũ trang ở miền Nam thuộc Quân khu 9, Quân khu 7, Quân khu 5… đã liên tiếp phản công tiêu diệt quân Pôn Pốt trên địa bàn các tỉnh dọc tuyến biên giới Tây Nam.
Theo Trung tướng, PGS-TS Trần Việt Khoa, Giám đốc Học viện Quốc phòng, giai đoạn này ta chủ trương tiến công mạnh, quy mô tác chiến hiệp đồng quân binh chủng lớn hơn. Chiến trường đã sử dụng một bộ phận chủ lực đột phá, thọc sâu đánh nhanh, bao vây chặt và dùng lực lượng đặc công ém trước, đánh chiếm các đầu cầu quan trọng, bảo đảm cho lực lượng bộ binh, quân chủng, binh chủng đánh thẳng vào các mục tiêu chiến lược của địch. Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định sử dụng 18 sư đoàn của các Quân đoàn 2, 3, 4; lực lượng vũ trang các Quân khu 5, 7, 9 cùng 600 xe tăng, xe thiết giáp, 173 máy bay các loại, 160 tàu thuyền chiến đấu và vận tải, 7.000 ô tô, do Bộ Tổng Tham mưu trực tiếp chỉ huy.
Quân khu 5 sử dụng một bộ phận lực lượng có xe tăng, pháo binh và hỏa lực không quân chi viện đã tiêu diệt và làm tan rã Sư đoàn 801 của địch, làm chủ khu vực dọc theo đường 19 từ biên giới kéo dài đến Stung Treng, sau đó phát triển lên phía Tây Bắc, hiệp đồng với các cánh quân của Quân khu 7, Quân đoàn 3 giải phóng một phần vùng Đông Bắc Campuchia; Quân khu 7 sử dụng một bộ phận lực lượng tiến công tiêu diệt và làm tan rã Sư đoàn 260 và 2 trung đoàn ở Vùng 505, mở rộng địa bàn, phát triển tiến công theo đường 13, từng bước đánh chiếm Công Pông Thom. Quân khu 9 và Quân đoàn 2 mở đợt tiến công đánh chiếm khu vực núi Thái Sơn, tiêu diệt và làm tan rã các Sư đoàn 210, 250 của địch, sau đó phát triển theo 3 hướng. Hướng thứ nhất, phát triển theo trục đường 2, 3 giải phóng thị xã Takeo, tiến công đánh chiếm sân bay Pôchentông, khu vực Côngpông Chơnăng, Puôcxát. Hướng thứ 2, các Sư đoàn 304, 325 của Quân đoàn 2 hiệp đồng với Quân chủng Hải quân tiến công giải phóng khu vực cảng Ream. Hướng thứ 3, sử dụng một bộ phận tàu, thuyền tiến theo dọc sông Mê Công lên phối hợp đánh chiếm các bến cảng.
Quân đoàn 3 sử dụng toàn bộ lực lượng tiến công tiêu diệt và làm tan rã các Sư đoàn 174, 603, 310, 225, 280 và Mặt trận đường số 7, từng bước giải phóng Công Pông Chàm, mở rộng địa bàn làm chủ đường số 7, vượt sông đánh xuống khu vực phà Korenh Dung. Quân đoàn 4 sử dụng toàn bộ lực lượng, kết hợp với lực lượng vũ trang tỉnh Tây Ninh tiến công tiêu diệt và làm tan rã các Sư đoàn 271, 460, 340, 703, 221 của địch, giải phóng nhiều khu vực thuộc tỉnh Xvây Riêng, đường số 1 từ Prasốt đến bến phà Niếc Lương.
Quân chủng Hải quân sử dụng một bộ phận lực lượng hải quân hiệp đồng với Sư đoàn Bộ binh 325 và Sư đoàn Bộ binh 304 của Quân đoàn 2, tiến công tiêu diệt và làm tan rã Sư đoàn 164 Hải quân địch, giải phóng một phần cảng Ream, cảng Công Pông Xom. Sau đó sử dụng lực lượng tiến công tiêu diệt Sư đoàn 101 và tàn quân địch rút chạy về đảo Cô Công, giải phóng đảo và tỉnh lỵ Cô Công. Quân chủng Không quân hiệp đồng với lực lượng phòng không đánh địch trên không và đánh thẳng vào các sân bay địch; bảo vệ bộ đội lục quân, hải quân trong các chiến dịch; bảo vệ các mục tiêu chiến lược như TPHCM, Biên Hòa, các thị xã, thị trấn đông dân gần biên giới; chi viện hỏa lực cho các quân khu, quân đoàn trong tiến công, chủ yếu cho các lực lượng tiến công trên hướng chính; chi viện hỏa lực cho bộ đội hải quân tiến công theo đường sông, đường biển. Tổ chức các trận đánh sâu trong hậu phương địch, bảo đảm đánh trúng, đánh hủy diệt một số mục tiêu chiến lược, làm tê liệt các hoạt động của địch, tham gia bao vây tiêu diệt và bắt sống bọn cầm đầu phản động Campuchia. Tổ chức vận chuyển lực lượng, phương tiện cấp cứu, tải thương trong quá trình chiến dịch. Sau gần 2 tháng rưỡi liên tục tiến công trên toàn tuyến biên giới, quân ta đã đánh thiệt hại nặng nhiều đơn vị quân Pôn Pốt.
Giải phóng Phnôm Pênh
Thời cơ giành thắng lợi quyết định đã mở ra, Bộ Tổng tư lệnh tập trung lực lượng, phương tiện phản công trên 3 hướng: Hướng chủ yếu Bắc Tây Ninh; hướng quan trọng theo quốc lộ 1 và tỉnh lộ 24; hướng bổ trợ theo đường 19 kéo dài. Cuộc tổng phản công và tiến công chiến lược hiệp đồng quân chủng, binh chủng tiêu diệt địch, giải phóng thủ đô Phnôm Pênh được chia thành 2 đợt.
Đợt 1, phản công đánh chiếm một số khu vực trên đất địch, tạo bàn đạp cho các hoạt động tiếp theo. Trong đợt hoạt động từ ngày 10-8 đến ngày 23-12-1978, lực lượng vũ trang các Quân khu 5, 7, 9 và các Quân đoàn 8, 4 đã loại khỏi vòng chiến đấu nhiều đơn vị của địch, thu nhiều phương tiện, vũ khí đạn dược; giải phóng một vùng rộng lớn từ Đông Xvây Riêng, đường 7, đến Salathông (đường 19 kéo dài), làm bàn đạp cho tiến công khi có thời cơ. Đồng thời góp phần giúp lực lượng cách mạng Campuchia hình thành và phát triển lực lượng. Ngày 28-12-1978, khi địch mở cuộc tiến công sang khu vực biên giới tỉnh Tây Ninh, Sư đoàn 841, Quân đoàn 4 đã chủ động bao vây và tiến công tiêu diệt phần lớn quân địch ở khu vực Bến Sỏi, tạo bàn đạp vững chắc cho phát triển tiến công đánh chiếm các mục tiêu tiếp theo.
Đợt 2, ngày 24-12-1978 lực lượng vũ trang Quân khu 7 đánh chiếm các trục đường 10, 13 ở Bắc và Tây Bắc Xoài Chia, phát triển về hướng thị xã Krachiê và giải phóng thị xã Krachiê. Ngày 25-12-1978, Quân đoàn 4 tiến công địch theo hướng đường 1, tiến vào giải phóng thị xã Xvây Riêng.
Cùng ngày, Quân đoàn 3 theo đường 7, đánh chiếm Suông Chúp, phát triển vào thị xã Công Pông Chàm. Lưc lượng vũ trang Quân khu 5 tiến công theo đường 19, phát triển theo hướng Ratanakiri và Stung Treng.
Ngày 30-12-1978, trước sức tiến công mạnh mẽ của ta, địch rút chạy khỏi đường 19 và thị xã Krachiê. Ngày 31-12-1978, Quân đoàn 2 và Quân khu 9 đánh chiếm núi Xôm, Túcmía, nhanh chóng phát triển vào thị xã Takeo, Sư đoàn 4, Quân khu 9 phát triển về hướng thị xã Campốt.
Ngày 2-1-1979, các cụm quân chủ lực địch, mỗi cụm từ 4 đến 5 sư đoàn án ngữ các đường 1, 2, 7 bị đập vỡ, một số bị tiêu diệt, số còn lại tan rã và bỏ chạy. Nắm được thời cơ, chiến trường đã điều chỉnh lực lượng, sử dụng các quân đoàn chủ lực và các sư đoàn, lữ đoàn binh chủng chiến đấu, bảo đảm triển khai thế trận vững chắc trên các khu vực trọng điểm, kết hợp chặt chẽ với thế trận của lực lượng vũ trang địa phương tiến công vào các thành phố, thị xã lớn của địch. Ngày 6-1-1979, quân ta được lệnh bắt đầu tổng công kích vào thủ đô Phnôm Pênh.
Quân đoàn 4 được Tiền phương Bộ giao nhiệm vụ là hướng tiến công chủ yếu vào Phnôm Pênh. Thực hiện quyết tâm của trên, Quân đoàn 4 quyết định sử dụng Sư đoàn bộ binh 7 làm lực lượng chủ yếu, Sư đoàn Bộ binh 341 làm lực lượng dự bị, các đơn vị hành quân bằng cả đường bộ, đường sông, nhanh chóng giúp bạn giải phóng thủ đô Phnôm Pênh.
Đúng 0 giờ ngày 6-1-1979, trong đội hình tiến công chung của toàn mặt trận, Sư đoàn Bộ binh 7 đánh chiếm mở rộng bàn đạp phía Đông Niếc Lương. 5 giờ ngày 7-1-1979, Trung đoàn Hải quân 926 triển khai xong phương tiện bảo đảm vượt sông, đến 7 giờ, đội hình còn lại của sư đoàn vượt gọn sang bờ sông bên kia. Một bộ phận của Sư đoàn Bộ binh 7 hiệp đồng cùng Trung đoàn Giang thuyền và Trung đoàn Đặc công ngược sông Mê Công, phối hợp với Binh đoàn 1 của bạn đánh vào Phnôm Pênh.
Trước sức tiến công hiệp đồng quân binh chủng trên các hướng, đúng 12 giờ ngày 7-1-1979, ta và lực lượng vũ trang yêu nước Campuchia đã làm chủ hoàn toàn thủ đô Phnôm Pênh, chiến thắng chế độ diệt chủng, giải phóng nhân dân Campuchia, giúp nhân dân Campuchia hồi sinh đất nước!
Ngày 8-1-1979, Hội đồng nhân dân cách mạng Campuchia được thành lập và ra tuyên bố: Xóa bỏ hoàn toàn chế độ diệt chủng của tập đoàn Pôn Pốt, thành lập chế độ Cộng hòa nhân dân Campuchia. Việt Nam cùng nhiều nước đã công nhận nước Cộng hòa nhân dân Campuchia. Ngày 17-1-1979, toàn bộ đất nước Campuchia được giải phóng; phần lớn lực lượng Pôn Pốt bị tiêu diệt và tan rã, số còn lại lẩn trốn vào rừng trên tuyến biên giới phía Tây, Tây Bắc Campuchia.
Trong cuộc chiến đấu vô cùng khó khăn, gian khổ và ác liệt đó luôn sáng ngời tình đoàn kết quốc tế thủy chung, trong sáng giữa hai dân tộc. Trung tướng Triệu Xuân Hòa, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Tư lệnh Quân khu 7, nhớ lại: “Dân ta đói, nhưng chúng ta vẫn tập trung bạn lại, cung cấp lán, trại, lương thực, thực phẩm, tạo điều kiện cho đồng bào Campuchia sinh sống. Cùng với các đồng chí cách mạng chinh chiến Campuchia vận động, tuyển chọn, huấn luyện, xây dựng lực lượng cách mạng Campuchia từ không thành có, từ nhỏ đến lớn. Từ đó, chúng tôi sống, công tác với các đồng chí cán bộ Campuchia, cảm nhận được nghĩa tình của đồng bào, đồng chí Campuchia đối với chúng ta như anh em ruột thịt, kể từ đó đến bây giờ”. |
Bài 3: Thắng lợi của tinh thần quốc tế cao cả
Từ ngày 23-12-1978 đến 17-1-1979, Quân tình nguyện Việt Nam cùng với lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia đã tiêu diệt và làm tan rã 18 sư đoàn quân Pôn Pốt, diệt 12.000 tên, bắt 8.800 tên, gọi hàng 3.200 tên và làm tan rã tại chỗ 44.000 tên; giải phóng trên 4 triệu dân Campuchia, thu hồi toàn bộ cơ sở vật chất và phương tiện kỹ thuật quân sự của quân Pôn Pốt; đập tan bộ máy thống trị của tập đoàn phản động Pôn Pốt từ trung ương đến cơ sở.
Thắng lợi của cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Việt Nam đã đập tan âm mưu, thủ đoạn thâm độc của tập đoàn Pôn Pốt – Iêng Xary và các thế lực phản động quốc tế, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; xóa bỏ chính quyền phản động Pôn Pốt – Iêng Xary, cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi bờ vực của thảm họa diệt chủng, giành lại quyền được sống, quyền làm người và bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do thật sự; chặn đứng mưu đồ chia rẽ truyền thống đoàn kết lâu đời của 3 nước Đông Dương.
Chiến thắng của tình đoàn kết – hữu nghị
Chiến thắng ngày 7-1-1979 là thắng lợi chung của nhân dân 2 nước Việt Nam và Campuchia; thắng lợi của tinh thần quốc tế cao cả, sự giúp đỡ vô tư, chí nghĩa, chí tình của Đảng, Nhà nước, nhân dân và quân đội nhân dân Việt Nam đối với nhân dân Campuchia. Quan hệ Việt Nam – Campuchia chuyển sang thời kỳ mới, thời kỳ phát triển hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa 2 nước dựa trên nguyên tắc hòa bình, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, vì sự phát triển và phồn vinh của mỗi nước. Đồng thời góp phần giữ vững hòa bình, ổn định ở khu vực Đông Nam Á và trên thế giới; vạch trần bản chất phản động của tập đoàn Pôn Pốt – Iêng Xary, cảnh báo cho nhân loại nguy cơ xuất hiện chủ nghĩa diệt chủng, chủ nghĩa phát xít mới.
Đối với Việt Nam, thắng lợi trong cuộc đấu tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc có ý nghĩa rất to lớn đối với Việt Nam: Một lần nữa khẳng định, nhân dân Việt Nam với ý chí độc lập, tự chủ và tinh thần đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế trong sáng, sẵn sàng đập tan bất kỳ âm mưu và hành động chống phá nào của các thế lực phản động, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; đồng thời thể hiện tinh thần quốc tế cao cả, mối quan hệ truyền thống gắn bó thủy chung, lâu đời, sự giúp đỡ trong sáng, chí nghĩa, chí tình của Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân Việt Nam đối với nhân dân Campuchia.
Đối với Campuchia, chiến thắng ngày 7-1-1979 có ý nghĩa lịch sử đặc biệt to lớn đối với vận mệnh đất nước Campuchia: Đã xóa bỏ hoàn toàn chế độ diệt chủng của tập đoàn Pôn Pốt, thành lập chế độ Cộng hòa Nhân dân Campuchia; cứu nhân dân Campuchia ra khỏi thảm họa diệt chủng, giành lại quyền được sống, quyền làm người và bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do thật sự, hồi sinh đất nước và dân tộc, xây dựng cuộc sống hòa bình, tươi đẹp. Đối với quốc tế, thắng lợi vĩ đại ngày 7-1-1979 là thắng lợi chung của nhân dân 2 nước Việt Nam – Campuchia, thể hiện sức mạnh của tinh thần đoàn kết quốc tế, sự thủy chung, trọn nghĩa vẹn tình giữa 2 dân tộc Việt Nam – Campuchia.
Với thắng lợi ngày 7-1-1979, quan hệ 2 nước Việt Nam – Campuchia chuyển sang thời kỳ mới – thời kỳ khôi phục, vun đắp tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện giữa 2 nước dựa trên nguyên tắc hòa bình, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau vì sự phát triển và phồn vinh của mỗi nước. Chiến thắng chế độ diệt chủng Pôn Pốt đã góp phần giữ vững hòa bình, ổn định ở khu vực Đông Nam Á và trên thế giới; đấu tranh vạch trần bản chất của chế độ phân biệt chủng tộc, sắc tộc, chế độ độc tài và cảnh báo cho nhân loại cảnh giác trước nguy cơ của chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi và chủ nghĩa phát xít mới.
Theo Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam: Thắng lợi trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam có ý nghĩa vô cùng to lớn. Chúng ta không chỉ bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, mà còn cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, giành lại quyền được sống, quyền làm người và bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do thật sự; tạo điều kiện để khôi phục lại tình hữu nghị và tình đoàn kết chiến đấu vốn có giữa 2 Đảng và nhân dân 2 nước Việt Nam – Campuchia.
Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định: “Phải kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ phát triển đất nước với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Chúng ta phải bảo vệ Tổ quốc bằng sức mạnh tổng hợp, kể cả lực lượng vũ trang làm nòng cốt, kể cả xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, tăng cường hợp tác, xây dựng tình đoàn kết hữu nghị với bạn bè quốc tế, với các nước trong khu vực, đặc biệt là đối với các nước láng giềng và các nước có mối quan hệ hữu nghị truyền thống. Phải làm sao tăng cường quan hệ đoàn kết chặt chẽ với các nước, đối với Campuchia. Đây là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên; là nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Và việc đoàn kết hữu nghị Việt Nam – Campuchia vừa là truyền thống, mà cũng là đòi hỏi tất yếu trong tình hình hiện nay”.
Giúp Campuchia hồi sinh đất nước
Sau thắng lợi vĩ đại ngày 7-1-1979, tuy bộ máy thống trị của tập đoàn Pôn Pốt từ trung ương đến cơ sở đã bị đánh đổ nhưng tàn quân Pôn Pốt còn khoảng 4 vạn tên do bọn đầu sỏ chỉ huy rút chạy ẩn náu ở các vùng biên giới phía Tây, Tây Bắc và một số nơi trong nội địa, dựa vào sự giúp đỡ của bên ngoài tiếp tục chống phá cách mạng Campuchia. Chúng đẩy mạnh các hoạt động chính trị, ngoại giao, hòng tạo sức ép đẩy Quân tình nguyện Việt Nam ra khỏi Campuchia trong khi lực lượng cách mạng của bạn còn yếu, hy vọng phản công chiếm lại thủ đô Phnom Penh với ảo tưởng lập lại chính quyền Campuchia dân chủ diệt chủng.
Ngày 18-2-1979, tại thủ đô Phnom Penh, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phạm Văn Đồng và Chủ tịch Heng Samrin thay mặt Hội đồng Nhân dân cách mạng Campuchia ký Hiệp ước hòa bình, hữu nghị và hợp tác. Hai bên cam kết hết lòng ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau về mọi mặt, bằng mọi hình thức cần thiết nhằm tăng cường khả năng bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và công cuộc lao động hòa bình của nhân dân mỗi nước.
Thực hiện những cam kết ghi trong hiệp ước, sau ngày chiến thắng, Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân Việt Nam lại tiếp tục sát cánh cùng các lực lượng yêu nước và nhân dân Campuchia ngăn chặn sự quay trở lại của chế độ diệt chủng, mang lại sự hồi sinh cho đất nước Chùa Tháp, vì hòa bình, ổn định ở khu vực. Đây là việc làm phù hợp với luật pháp quốc tế, đáp ứng nguyện vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân Campuchia, thể hiện sâu sắc tinh thần quốc tế cao cả, trong sáng của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, được nhân loại tiến bộ và những người có lương tri trên toàn thế giới hoan nghênh. 10 năm (1979 – 1989) làm nhiệm vụ quốc tế cao cả ở Campuchia, cán bộ, chiến sĩ Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã thể hiện rõ ý chí kiên cường, hết lòng vì sự nghiệp cách mạng của nhân dân Campuchia, vượt qua những thử thách hết sức gay go, quyết liệt, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ; hàng vạn cán bộ, chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam đã anh dũng hy sinh trên đất bạn vì nghĩa vụ quốc tế cao cả.
Ngày 26-9-1989, trước sự chứng kiến của giới truyền thông quốc tế, các đơn vị cuối cùng của Quân tình nguyện Việt Nam rút quân về nước trong sự lưu luyến của nhân dân Campuchia. Đánh giá sự giúp đỡ to lớn, trong sáng, chí nghĩa, chí tình, kịp thời và có hiệu quả của Việt Nam đối với Campuchia, lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ Vương quốc Campuchia khẳng định: “Trong khi nhân dân Campuchia đang phải hứng chịu bao đau khổ thì có nhiều nước trên thế giới tự cho mình là người bảo vệ công lý, tôn trọng nhân quyền và quyền tự do bày tỏ chính kiến nhưng họ đã không đoái hoài, không đến giúp giải phóng nhân dân Campuchia chúng tôi thoát khỏi chế độ dã man này. Chỉ có đất nước Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã tự nguyện đưa con cháu và những người thân yêu của mình đến giúp giải phóng và cứu tính mạng của người dân Campuchia trong lúc vô cùng nguy nan và khẩn cầu các nước đến cứu giúp… Nếu không có ngày 7-1-1979, nhân dân Campuchia chúng tôi cũng không thể có được những gì trong ngày hôm nay. Đây là chân lý lịch sử không một thế lực phản động nào có thể phủ nhận… Không có sự giúp đỡ của Việt Nam thì Campuchia không có ngày nay, dứt khoát là thế”.
Theo Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, nhân kỷ niệm 40 năm chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc, chúng ta ôn lại những trang sử hào hùng, vẻ vang của quân và dân ta trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, hồi sinh đất nước. Tự hào, biết ơn công lao và sự hy sinh to lớn của các thế hệ cha anh, chúng ta phải luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, nắm chắc mọi diễn biến của tình hình, xác định rõ đối tượng, đối tác của cách mạng, tăng cường xây dựng, củng cố lực lượng và thế trận quốc phòng toàn dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn xâm phạm độc lập, chủ quyền của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Đồng thời tiếp tục xây dựng, củng cố và tăng cường mối quan hệ “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” giữa Việt Nam và Campuchia vì hòa bình, độc lập dân tộc và sự ổn định, phát triển trong khu vực và trên thế giới!