Bộ Y tế đề xuất cho F0 và F1 làm việc, tạm dừng thông báo số ca nhiễm COVID-19 mỗi ngày
Bộ Y tế đã có báo cáo chi tiết về tình hình dịch bệnh, đồng thời xin ý kiến Ban Chỉ đạo tạm dừng thông báo số ca nhiễm SARS-CoV-2 hàng ngày.
Đây là đề xuất do Bộ Y tế đưa ra tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 mới đây nhất.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, so với tháng 2, số ca mắc COVID-19 trong cộng đồng trên cả nước tăng 197,9%. Tuy nhiên, số ca tử vong, số ca đang điều trị tại bệnh viện và số ca nặng, nguy kịch đều giảm. Do đó, Bộ Y tế xin ý kiến Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 cho phép tạm dừng việc thông báo số ca nhiễm SARS- CoV-2 hàng ngày để tránh gây hoang mang, vì số ca nhiễm chỉ là một trong 8 chỉ số để đánh giá tình hình cấp độ dịch.
Đây là đề xuất tạm ngừng thông báo ra đại chúng, còn việc thống kê số ca mắc mới vẫn được ngành y tế thực hiện.
Cũng trong cuộc họp nói trên, Bộ Y tế đã đề xuất cho phép trường hợp F0 không có triệu chứng và F1 đang trong thời gian cách ly (nếu tự nguyện) có thể quay lại nơi làm việc nếu đáp ứng đủ điều kiện và thực hiện nghiêm quy định phòng dịch, cụ thể:
Đối với các F0: Người có thể đi làm phải là người nhiễm SARS-CoV-2 không có triệu chứng, đang trong thời gian cách ly và tự nguyện tham gia làm việc. Các đơn vị, địa phương có thể xem xét bố trí thực hiện những công việc trực tuyến, không tiếp xúc trực tiếp với người xung quanh; hoặc được phép tham gia hỗ trợ chăm sóc, theo dõi, điều trị người nhiễm SARS-CoV-2 trong gia đình, cơ sở lưu trú hoặc tại các cơ sở điều trị bệnh COVID-19 phù hợp với trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Riêng những người được bố trí làm việc tại cơ sở điều trị COVID-19 phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng hộ theo quy định, thường xuyên theo dõi sức khỏe, xét nghiệm COVID-19. Không được chăm sóc hoặc tiếp xúc với người bệnh bị suy giảm miễn dịch hoặc có nguy cơ cao (người có bệnh nền, phụ nữ mang thai, người trên 50 tuổi).
F0 được phép di chuyển bằng phương tiện cá nhân nhưng lưu ý phải đi thẳng từ nơi cách ly đến khu vực làm việc đã bố trí sẵn và ngược lại. Trong quá trình di chuyển, làm việc, không tiếp xúc với người xung quanh; thực hiện nghiêm thông điệp 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang, giữ khoảng cách.
Bộ Y tế đãđề xuất tạm dừng thông báo số ca mắc COVID-19 mỗi ngày. (Ảnh: Báo Người lao động)
Đối với các F1: Những người là F1 nếu làm việc trực tiếp, cơ sở làm việc phải bố trí, thiết lập khu vực làm việc dành riêng, đảm bảo khoảng cách làm việc, không tập trung đông người và thoáng khí để giảm nguy cơ lây nhiễm.
Theo báo cáo này, hiện số ca mắc COVID-19 tại Việt Nam đã vượt 4 triệu ca, hiện có trên 1,5 triệu người đang điều trị, nhưng số chuyển nặng đã thấp hơn rất nhiều so với giai đoạn trước đây. Tại Hà Nội, địa phương liên tục dẫn đầu về số ca mắc mới hàng ngày, trên 95% số đang điều trị là ở thể nhẹ hoặc không có triệu chứng.
Với số ca mắc tăng cao như trên, nhiều cơ quan, đơn vị, đặc biệt là khối bệnh viện, cơ sở y tế đã phải cho phép F0 không triệu chứng, chỉ số virus thấp về mức không còn nguy cơ lây nhiễm (CT > 30) đi làm trở lại do thiếu nhân lực.
Nhiều ý kiến cũng đã đề nghị rút ngắn thời gian cách ly F1 hoặc bãi bỏ cách ly F1, thay bằng hình thức khác. Nếu đề xuất kể trên của Bộ Y tế được thông qua, khái niệm F1 (người tiếp xúc gần với người nhiễm) sẽ thay đổi gần như hoàn toàn.
Nguồn VTV