Bằng chứng khách quan Trung Quốc không có Hoàng Sa, Trường Sa
Các bản đồ Trung Quốc, khu vực và thế giới do phương Tây vẽ qua nhiều thế kỷ đều thể hiện rõ lãnh thổ phía nam nước này chỉ tới đảo Hải Nam.
Cũng như các bản đồ Trung Quốc do chính nước này ấn hành trước giai đoạn 1947 – 1948 (thời điểm “đường lưỡi bò” phi lý chính thức xuất hiện) đều dừng ở đảo Hải Nam, những bản đồ do phương Tây vẽ qua các giai đoạn lịch sử cũng xác định rõ biên cương cực nam này của Trung Quốc. Điều này cho thấy sự nhất quán của các bản đồ phương Tây, khi thể hiện một cách khách quan và khoa học về chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông.
Kho tư liệu quý
Trong số nhiều bản đồ do phương Tây vẽ, có thể kể đến bộ bản đồ Atlas Thế giới của nhà địa lý học người Bỉ Philippe Vandermaelen (1795 – 1869), thành viên Hội Địa lý Paris. Bộ Atlas Thế giới xuất bản năm 1827 gồm 6 tập với 7 bản đồ chung của 5 châu lục, 381 bản đồ chi tiết, 40 trang bảng thống kê và nhiều thông tin về địa lý tự nhiên, chính trị, khoáng sản. Bộ Atlas được hoàn chỉnh trên cơ sở những tấm bản đồ tốt nhất thế giới lúc đó, cùng những thông tin từ quan sát thiên văn hay những chuyến du hành ở nhiều nơi trên trái đất.
GS-TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, cùng các cộng sự đã đưa bộ Atlas về nước vào năm 2014, sau chuyến khảo sát ở Pháp và Bỉ từ những phát hiện ban đầu của một đồng nghiệp Việt Nam đang làm nghiên cứu tại Paris (Pháp). Ông Ngọc cho biết bên cạnh tấm bản đồ Partie de la Cochinchine thể hiện chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, bộ Atlas còn có các bản đồ Trung Quốc thể hiện rõ đảo Hải Nam là cực nam của nước này. Cụ thể, tiếp liền Partie de la Cochinchine ở phía trên là bản đồ Partie de la Chine trong khoảng vĩ độ 18 – 21 và kinh độ 106 – 114 vẽ khu vực Quảng Đông và đảo Hải Nam, cho thấy biên giới cực nam của Trung Quốc chưa chạm đến vĩ độ 18.
|
Theo Tạp chí Phương Đông của Viện Nghiên cứu phát triển phương Đông, các tổ chức địa lý, nhà hàng hải và công ty của các nước phương Tây khi vẽ bản đồ thế giới bao gồm lãnh thổ Trung Quốc đều coi biên thùy cực nam của Trung Quốc dừng lại ở đảo Hải Nam. Có thể kể đến các bản đồ Tanner’s Universal Atlas của Henry S.Tanner ấn hành ở Philadelphia, Mỹ vào năm 1836; Family Atlas của Johnson & Browning ấn hành tại New York, Mỹ (1860); Stieler’s Hand Atlas của Justus Perthes Gotha ấn hành tại Đức (1870); Encyclopedia Britannica của Johns Tom ấn hành tại Anh (1881) và China Inland Mission ấn hành tại Anh (1908).
Thông điệp từ những món quà
Chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như việc lãnh thổ cực nam của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam còn thể hiện qua những tấm bản đồ cổ được lãnh đạo các nước trao tặng nhau. Trong chuyến thăm chính thức Hà Lan vào năm 2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi đó được người đồng cấp Hà Lan Mark Rutte tặng tấm bản đồ Map of the Coastline of Quinam, Tonquin, Cochin-China and Aynam (Bản đồ Vùng duyên hải Quảng Nam, Đàng Ngoài, Đàng Trong và đảo Hải Nam). Bản đồ do một nhà địa lý Hà Lan vẽ năm 1695, trước đó được lưu tại Cơ quan Lưu trữ quốc gia Hà Lan ở The Hague. Bản đồ mô tả mối quan hệ địa lý giữa quần đảo “Paracel” (Hoàng Sa) và “Coastline of Quinam” (vùng bờ biển Quảng Nam), chứ không có một liên hệ địa lý nào với đảo “Aynam” (Hải Nam).
|
Theo Tạp chí Phương Đông, Thủ tướng Hà Lan khi đó muốn chuyển một thông điệp là “sự thực đanh thép tồn tại qua các chứng cứ lịch sử, không ai xuyên tạc được, đừng ai phí công ngụy tạo những chứng cứ và lập luận vô căn cứ”. Ông Rutte nói rõ đó là “một bằng chứng mà chúng tôi bảo quản trong kho lưu trữ quốc gia Hà Lan từ mấy thế kỷ, đã trải qua nhiều so sánh thực tế”.
Một tấm bản đồ khác được Thủ tướng Đức Angela Merkel tặng khi tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 28.3.2014. Tấm bản đồ cổ có tên China Proper 1735 thể hiện lãnh thổ Trung Quốc vào thời nhà Thanh với cương vực phía nam cũng chỉ kéo dài tới đảo Hải Nam. Theo tạp chí Foreign Policy, tấm bản đồ do nhà bản đồ học người Pháp Jean-Baptiste Bourguignon d’Anville vẽ dựa theo khảo sát địa lý của các nhà truyền giáo dòng Tên ở Trung Quốc và được in tại Đức năm 1735. Dù phó phát ngôn viên Georg Streiter của bà Merkel khẳng định “Đức không có ẩn ý gì” sau khi truyền thông phân tích về tấm bản đồ, nhưng giới quan sát cho rằng tấm bản đồ một lần nữa thể hiện rõ giới hạn biên cương của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam và hoàn toàn không có liên hệ với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Những minh chứng lịch sử
Bản đồ Trung Quốc do Herman Moll thực hiện, xuất bản tại London (Anh) năm 1723 thể hiện cực nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam.
Bản đồ Trung Quốc và Burma (nay là Myanmar) thể hiện phần lãnh thổ cực nam của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam, do A.H.Wray – Engraved vẽ, J.B.Allen & J. Rapkin xuất bản tại London (Anh) năm 1851.
Bản đồ châu Á thể hiện phần lãnh thổ cực nam của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam, do Philips New General Atlas xuất bản tại London (Anh), năm 1859.
Bản đồ Trung Quốc thể hiện phần lãnh thổ cực nam của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam, do Atlas of the World xuất bản tại London (Anh), năm 1914.
Bản đồ Trung Quốc và Nhật Bản thể hiện phần lãnh thổ cực nam của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam, do Commercial Atlas Rand McNally xuất bản tại Chicago (Mỹ), năm 1942.
Bản đồ Trung Quốc và Nhật Bản thể hiện phần lãnh thổ cực nam của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam, do C.S.Hammond & Company xuất bản tại New York (Mỹ), năm 1947.
Nguồn: Cục Thông tin đối ngoại thuộc Bộ Thông tin – Truyền thông.
Theo báo Thanh niên