Cần tỉnh táo trước tin giả, tin xấu về công tác phòng, chống tham nhũng
Công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta luôn được triển khai thường xuyên, kiên tục, kiên quyết, kiên trì, chủ động, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tuy nhiên, các thế lực thù địch, phản động lại thường xuyên đưa ra những luận điệu sai trái, xuyên tạc, cố tình phủ nhận thành quả, lấy cớ kích động chống phá. Vì vậy, chúng ta cần tỉnh táo trước “ma trận” thông tin xấu độc.
Nhận diện “ma trận” tin giả, tin xấu độc
Có thể nói, một trong những chiêu bài mà các thế lực thù địch ‘nhai đi nhai lại’ hàng chục năm trời là kêu gọi Việt Nam phải đa nguyên đa đảng. Chúng lồng ghép, áp đặt chiêu bài này một cách sáo rỗng, cũ mòn vào mọi mặt của đời sống kinh tế – xã hội nước ta. Trên lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chúng cho rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam không thể chống tham nhũng, tiêu cực thành công nếu không thực hiện đa nguyên, đa đảng. Chúng nêu lí lẽ rằng, chỉ có mâu thuẫn mới tạo nên sự phát triển, các đảng đối lập nhau sẽ tăng cường khả năng giám sát lẫn nhau, huy động được trí tuệ tập thể cho sự phát triển của đất nước. Từ đó, Việt Nam sẽ trở thành hình mẫu về phòng chống tham nhũng và phát triển kinh tế – xã hội, sớm đưa Việt Nam thành “rồng châu Á” trong thời đại 4.0.
Để thuyết phục hơn, chúng vu cáo rằng, vì “độc đảng” nên chính quyền hạn chế quyền người dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Chúng quy kết rằng, xã hội thiếu dân chủ nên “càng chống tham nhũng thì càng tham nhũng, tiêu cực”. Đan xen với đó, chúng ca ngợi thuyết “tam quyền phân lập”, ra sức rêu rao tư tưởng “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập”. Chúng ra sức truyền bá mô hình chính trị giống như ở một số nước phương Tây, như vậy mới có là dân chủ, là hiệu quả cao trong chống tham nhũng.
Để tăng cường chống phá Việt Nam, các thế lực thù địch triệt để lợi dụng các vụ án liên quan đến tham nhũng, tiêu cực để suy diễn, xuyên tạc. Mỗi khi có một vị án về tham nhũng tiêu cực được khởi tố điều tra, xét xử, thì chúng lại suy diễn, rêu rao là do “đấu đá nội bộ”, “phe phái thanh trừng”… Khi các bản án nghiêm minh được công bố, chúng lại vu cáo là do “bị triệt hạ”, “bịt mồm”. Hoặc nếu bản án áp dụng các tình tiết giảm nhẹ thì chúng lại mỉa mai “có tiêu chuẩn kép”, “tham nhũng chỉ tắm từ cổ”,… Nói chung, chúng không từ thủ đoạn nào để vu cáo, xuyên tạc, đổi trắng thay đen công cuộc phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta. Chúng tung ra nhiều quan điểm, luận điệu xuyên tạc hết sức tinh vi, xảo trá nhằm làm giảm sút, xói mòn niềm tin của nhân dân trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Đảng ta lãnh đạo. Từ đó, đòi phủ nhận, tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, kích động tâm lý bất mãn trong một bộ phận quần chúng, gây rối an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Thành quả phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Việt Nam là không thể phủ nhận
Rõ ràng, thành quả đạt được trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua của Việt Nam là không thể phủ nhận. Điều đó đã khẳng định những mục tiêu, quan điểm, chủ trương, giải pháp của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là hoàn toàn đúng đắn, kịp thời, phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm đã được xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật, có tác dụng cảnh báo, răn đe, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước.
Những kết quả đó không chỉ là do Nhân dân nghi nhận, mà được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden bày tỏ ấn tượng trước nỗ lực trong cuộc chiến chống tham nhũng Việt Nam: “Tôi hoan nghênh nỗ lực chống tham nhũng và thúc đẩy quản trị tốt của ngài Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Giải quyết nạn tham nhũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hòa bình và an ninh trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới”.
Hãng thông tấn nổi tiếng của Mỹ là Bloomberg ghi nhận: “Tham nhũng có thể làm chệch hướng phát triển bền vững và không có ngoại lệ. Các quốc gia không đề phòng sẽ đi vào vòng xoáy của nó. Nhận thấy những nguy cơ phát sinh từ tệ nạn này, Chính phủ Việt Nam và Đảng Cộng sản Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều biện pháp chống tham nhũng một cách có hệ thống và bền vững. Kể từ khi mở cửa vào giữa những năm 1980, Việt Nam chuyển từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường, đất nước đã duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao ngay cả trong thời kỳ đại dịch. Đảng Cộng sản Việt Nam, đặc biệt là người đứng đầu – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận thức rõ các vấn đề phát sinh từ tham nhũng. Những nỗ lực đó đã cải thiện đáng kể chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) của Việt Nam. Chiến dịch chống tham nhũng của Việt Nam do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lãnh đạo đã nhận được sự chú ý của quốc tế”.
Còn tờ Le Monde (trang tin hàng đầu ở Pháp) bình luận: “Cuộc chiến chống tham nhũng của Việt Nam đã tăng tốc mạnh mẽ và giờ đây không loại trừ ai, từ các đại gia ở khu vực kinh tế tư nhân cho tới các đảng viên là quan chức cấp cao”.
Rất nhiều chính khách, hãng thông tấn các quốc gia, đại diện các tổ chức quốc tế bày tỏ sự khâm phục về công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Đảng ta lãnh đạo thời gian qua. Đó là minh chứng bác bỏ những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Chống tham nhũng, tiêu cực là cuộc chiến bền bỉ, lâu dài. Trong cuộc chiến chống “giặc nội xâm” này, đòi hỏi quyết tâm chính trị cao nhất của mọi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Trong đó, nhiệm vụ thường xuyên là phải tỉnh táo, cảnh giác, bài trừ tin giả, tin xấu về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Lâm Vũ