Lý do Chủ tịch Kim Jong-un chọn đi tàu 60 tiếng đến Việt Nam
Chuyên gia cho rằng đi tàu là “lựa chọn tuyệt vời” giúp lãnh đạo Triều Tiên quảng bá hình ảnh và đảm bảo an ninh.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un xuống tàu tại ga Đồng Đăng sáng 26/2. Ảnh: Reuters. |
Đoàn tàu bọc thép chở Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un sáng nay tới ga Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn, ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều dự kiến diễn ra ngày 27-28/2. Đoàn tàu của ông khởi hành từ thủ đô Bình Nhưỡng vào lúc 16h30 ngày 23/2 (giờ địa phương) và trải qua hành trình khoảng 60 tiếng qua nhiều tỉnh thành của Trung Quốc để tới Việt Nam.
Sau khi xuống ga Đồng Đăng, ông Kim tiếp tục di chuyển thêm ba tiếng nữa bằng ôtô về thủ đô Hà Nội. Tổng quãng đường từ Bình Nhưỡng đến Hà Nội là 4.500 km.
Tờ Korea Herald của Hàn Quốc dẫn lời các chuyên gia và quan chức cho rằng một trong những lý do khiến lãnh đạo Triều Tiên chọn đi tàu mà không sử dụng máy bay là vì muốn đi theo hành trình mà cố lãnh đạo Kim Nhật Thành, ông nội của Chủ tịch Kim Jong-un, từng băng qua khi ông đến thăm Hà Nội bằng tàu vào năm 1958 và 1964.
Theo truyền thông Hàn Quốc, Chủ tịch Kim Jong-un thường được cho là muốn xây dựng hình ảnh bản thân theo khuôn mẫu của cố chủ tịch Kim Nhật Thành. Trong hành trình này, đoàn tàu bọc thép của ông Kim phần lớn đi qua lãnh thổ Trung Quốc, góp phần khẳng định mối quan hệ đồng minh giữa Bình Nhưỡng và Bắc Kinh.
Đoàn tàu còn chạy qua nhiều khu vực trù phú về nông nghiệp và phát triển về công nghiệp của Trung Quốc, như thành phố cảng Thiên Tân, tỉnh nông nghiệp và công nghiệp công nghệ cao Hồ Nam.
Một chuyên gia Trung Quốc nhận định lựa chọn hành trình này, ông Kim có thể nhìn ngắm phong cảnh đồng bằng ở phía bắc Trung Quốc và vùng nông thôn phía nam Trung Quốc, tận mắt chứng kiến thành tựu cải cách và mở cửa của Trung Quốc trong 40 năm. Điều này giúp tăng cường lòng tin của phái đoàn Triều Tiên về việc thúc đẩy các chính sách tương tự ở Triều Tiên, đưa ra ý tưởng cụ thể hơn cho sự phát triển kinh tế Triều Tiên, cũng như nội dung đàm phán với Mỹ.
Quan trọng hơn cả, tàu bọc thép được coi là lựa chọn an toàn hơn so với máy bay. Chuyên cơ Chammae-1 của Triều Tiên được hoán cải từ máy bay IL-62M sản xuất từ thời Liên Xô, có khả năng bay xa tới 10.000 km nhưng độ tin cậy là một câu hỏi lớn. Năm 2018, khi đến Singapore dự hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều lần thứ nhất, ông Kim Jong-un di chuyển bằng máy bay của hãng hàng không Trung Quốc.
Tak Hyun-min, cố vấn của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, nhận định đi tàu là “lựa chọn tuyệt vời” của đội ngũ phụ trách hậu cần của Chủ tịch Triều Tiên. “Việc đi tàu thu hút sự chú ý của công chúng”, ông Tak nói về hiệu ứng truyền thông giúp quảng bá hình ảnh của lãnh đạo Triều Tiên và ý nghĩa lịch sử đằng sau chuyến đi.
“Thế giới và người dân Hàn Quốc được chứng kiến một sự thật đơn giản là có đường tàu nối thẳng từ Bình Nhưỡng đến Việt Nam. Điều đó khiến cho chúng ta hào hứng nghĩ về tương lai có một chuyến tàu xuất phát từ Busan đi qua Bình Nhưỡng đến khu vực Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam”, ông Tak nhận định.
Hành trình tới Hà Nội của Chủ tịch Kim Jong-un và Tổng thống Donald Trump. Bấm vào đây để xem chi tiết. |
Đoàn tàu bọc thép của lãnh đạo Triều Tiên thường được biết đến như “một khách sạn đặc biệt” di động. Đoàn tàu với số hiệu DF-0002 khác mẫu tàu DF-0001 mà cố chủ tịch Kim Jong-il, cha của lãnh đạo Kim Jong-un, từng sử dụng.
Bên trong tàu lắp ghế bọc da hồng, rèm cửa màu trắng kem, tiệp với màu tường, trên trần và trên cửa sổ là hệ thống đèn chiếu sáng. Những con tàu chuyên chở lãnh đạo Triều Tiên được bọc thép và sở hữu nhiều tiện nghi. Tàu có phòng họp và phòng ngủ, điện thoại vệ tinh và TV được lắp đặt để các lãnh đạo nhận báo cáo từ cấp dưới và có thể ra lệnh trong khi di chuyển.
Tàu của lãnh đạo Triều Tiên thường di chuyển với tốc độ 60 km/h. Để đảm bảo an ninh, đoàn tàu sẽ đi giữa hai đoàn khác. Tàu đi đầu có nhiệm vụ kiểm tra độ an toàn của tuyến đường sắt và tàu đi cuối chở các nhân viên an ninh cùng hàng hóa, hậu cần phục vụ chuyến đi.
An Hồng/vnexpress.net