Đằng sau nỗi sợ hãi bất thường mang tên “Samsung bỏ Việt Nam sang Ấn Độ”!

Những ngày nay, mạng xã hội Tiktok bỗng rộ lên hàng trăm video xoay quanh việc Samsung rời bỏ Việt Nam sang Ấn Độ với những quan điểm rất tiêu cực. Thậm chí, có nhiều thông tin cho rằng đây chỉ là việc khởi đầu cho làn sóng các doanh nghiệp nước ngoài rời bỏ Việt Nam…

4 nhà máy ở Việt Nam mang về cho Samsung hơn 70 tỷ USD năm 2022

Đầu tiên cần phải khẳng định, kế hoạch dịch chuyển một phần công nghệ của Samsung đã manh mún từ tháng 8/2020 khi Chính phủ Ấn Độ triển khai kế hoạch PLI. Có nghĩa là một chương trình ưu đãi sản xuất nội địa PLI cho các hãng sản xuất đồ điện tử và thiết bị điện tử có quy mô lớn. Chương trình dành các ưu đãi 4-6% trên doanh số tích lũy trong 5 năm. Mỗi hãng có thể có được mức hỗ trợ cao nhất lên đến 1,1 tỉ đô la trong vòng 5 năm, tức là khoảng 220 triệu đô la/năm. Tuy nhiên, hãng công nghệ này vẫn chưa có kế hoạch cụ thể.

Việc chuyển đổi một số dây chuyền sang Ấn Độ được lên kế hoạch từ giữa năm 2021 khi đại dịch Covid-19 và chi phí sản xuất tăng cao tại Việt Nam. Điều này đã khiến Samsung phải lên kế hoạch dịch chuyển một số hoạt động sản xuất sang các nước khác để đảm bảo nguồn cung cho các đơn hàng lớn. Vào tháng 2/2022, Samsung chuyển hai dây chuyền sản xuất linh kiện điện tử điện thoại thông minh (smartphones) ở Thái Nguyên, Việt Nam, về nhà máy Gumi, Bắc Gyeongsang.

Trên thực tế, việc “không bỏ cả trứng vào một giỏ” là một trong những nguyên tắc khá phổ biến của những nhà đầu tư. Lập kế hoạch kinh doanh, đầu tư vốn vào nhiều loại hình khác nhau, không tập trung toàn bộ sản xuất vào một địa điểm, điều này sẽ giúp các nhà đầu tư dàn trải rủi ro và tránh bị động khi có biến cố về tài chính hay là sản xuất.

Công nhân Việt Nam làm việc tại nhà máy của Samsung

Hơn nữa, cần phải nhìn nhận rằng, Samsung đang có kế hoạch thay thế Trung Quốc ở thị trường 1.4 tỷ dân. Các công ty đang để mắt đến các cơ hội ở Ấn Độ bởi quốc gia này có thể đóng vừa vai trò là cơ sở sản xuất vừa là thị trường tiêu dùng. Không chỉ có Samsung mà Hyundai Motor, LG Electronics và POSCO Holdings, Apple,… đang chuyển hoạt động kinh doanh sang Ấn Độ. Giống như đối thủ Apple, Samsung cũng đang hưởng ứng tham gia vào nỗ lực chính sách khuyến khích sản xuất của Thủ tướng Narendra Modi nhằm biến Ấn Độ thành một trung tâm xuất khẩu.

Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận rằng việc rút dây chuyền điện thoại ra khỏi Việt Nam cũng nằm trong kế hoạch để là để Samsung tập trung nguồn lực vào các mảng điện máy, bán dẫn, chip và R&D… Bởi vậy, không phải ngẫu nhiên mà cuối năm 2022 vừa qua, Samsung vừa khánh thành trung tâm R&D lớn nhất châu Á tại Việt Nam trị giá 300 triệu USD và đón làn sóng kỹ sư chất lượng cao sang Việt Nam làm việc. Samsung nhấn mạnh trong các tuyên bố chính thức rằng, Việt Nam không chỉ là cứ điểm sản xuất toàn cầu lớn nhất của tập đoàn điện tử lớn nhất thế giới này mà còn sẽ trở thành trung tâm chiến lược về R&D. Và bản thân Samsung vẫn đang tăng cường đầu tư thêm vào Việt Nam lên tới 22 tỷ USD cho đến cuối năm nay.

Ngoài ra, lý do Samsung dịch chuyển dần một bộ phận sản xuất sang Ấn Độ là vì chi phí nhân công của Việt Nam đang tăng, mặt bằng lương và thu nhập của Việt Nam đang vươn lên. Cách đây hơn chục năm, Việt Nam đánh bại Thái Lan, đón được Samsung về Việt Nam một phần là vì thu nhập bình quân của Việt Nam chỉ bằng 1/3 của Thái Lan. Hiện nay, thu nhập bình quân của Ấn Độ chỉ bằng gần 2/3 so với Việt Nam nên việc Samsung dịch chuyển để tối ưu chi phí là việc bình thường.

Từ các lý do trên thì rõ ràng việc dịch chuyển này là điều hết sức bình thường và đã được dự báo từ trước. Thế nhưng, không hiểu sao lại dấy lên một nỗi sợ hãi bất bình thường trên mạng xã hội? Phải chăng có ai đó đang vẽ rồng vẽ rắn để hù dọa dư luận nhằm câu view, câu like?

Công Luân

Tin cùng chuyên mục: