Địa chấn chính trị Nga: Tổng thống Putin đã lên kế hoạch rời Kremlin
Ngày đọc thông điệp liên bang 2020 của Tổng thống Putin đã bất ngờ trở thành một trong những ngày đáng nhớ nhất lịch sử chính trị nước Nga.
Tổng thống Nga Putin và Thủ tướng Medvedev. Ảnh: Sputnik
Ngày 15/1, chính phủ Nga từ chức. Dmitry Medvedev rời khỏi vị trí Thủ tướng. Bản thân Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng xác nhận ông sẽ rời khỏi vị trí Tổng thống vào cuối nhiệm kỳ hiện nay của ông, và Mikhail Mishustin sẽ trở thành Thủ tướng mới của Nga.
Ngày 15/1, một tuần sau khi nước Nga đón Giáng sinh Chính thống giáo và nửa tháng kể từ khi họ chào đón Năm mới, cũng không mất quá lâu khi công việc vừa thực sự trở lại.
Vào buổi sáng ngày 15/1, ông Mishustin vẫn còn chưa được biết đến ở ngoài nước Nga, tới mức ông không có trang tiểu sử bằng tiếng Anh trên Wikipedia và hồ sơ của ông ở trong nước cũng khá ít ỏi, dường như nằm ngoài thế giới chính trị và quản lý kinh tế.
Nhưng cũng không nghi ngờ gì việc ông Mishustin là một nhà quản lý hiệu quả. Với tư cách là người đứng đầu Cơ quan thuế của Nga, ông đã có một thành công khá lớn. Doanh thu tăng 20% dưới sự giám sát của ông bất chấp bản thân gánh nặng thuế quan chỉ tăng 2%. Quả thực, mới chỉ năm 2019, Financial Times còn mô tả ông là “người thuế của tương lai” khi nói về vai trò của ông trong việc tái thiết hệ thống thu thế của Nga trở thành một trong những hệ thống hiệu quả và tiên tiến nhất thế giới.
Là một người Muscovite, Mishustin cũng giống như chính ông Putin, rất thích chơi hockey, được mô tả là “thành phần chính trị ít được biết đến ở Nga… một công chức hoàn thành công việc của mình”.
Đây cũng là những gì mà người ta mô tả ông Putin năm 1999.
Lời chào tạm biệt
Ngày 15/1, Tổng thống Putin đã đặt ra lộ trình để rời khỏi điện Kremlin, bắt đầu quá trình chuyển giao quyền lực. Ông sẽ phục vụ đến hết nhiệm kỳ hiện nay, kết thúc vào năm 2024 hoặc thậm chí có thể sớm hơn. Ông có ý định xóa bỏ hệ thống Tổng thống nắm quyền – điều đã cho phép ông nắm nhiều quyền lực ở vị trí này.
Ông Putin muốn gia tăng quyền lực cho Quốc hội, đặc biệt là Thủ tướng trong việc điều hành đất nước. Ông cũng muốn tăng cường vai trò của Hội đồng Nhà nước.
Ông Putin có thể sẽ đóng vai trò như “chính khách cao niên” trong Hội đồng Nhà nước sau khi rời khỏi văn phòng Tổng thống. Hội đồng Nhà nước sẽ bao gồm những người đứng đầu các vùng của Nga, các thành viên trong chính quyền Tổng thống và thực hiện vai trò cố vấn.
Để đạt được những mục tiêu này, ông Putin muốn giảm bớt quyền lực của Tổng thống và đưa ra hạn chế chỉ 2 nhiệm kỳ. Điều này có nghĩa là Tổng thống tương lai sẽ chỉ có tối đa 12 năm ở điện Kremlin. Viễn cảnh xa hơn là sự cân bằng, với quyền lực tổng thống suy yếu đi và các nhánh khác của chính phủ được tăng thêm.
Không một sai lầm, Mục tiêu của ông Putin là bảo hệ hệ thống mà ông đã thừa hưởng từ Yeltsin và sau đó thay đổi nó. Với tất cả những khuyết điểm, sau “ca sinh khó”, nó đã cho người Nga tự do lớn nhất và thịnh vượng nhất mà họ từng biết đến, ngay cả khi vẫn còn nhiều việc phải làm trong việc phân chia các thành tựu kinh tế một cách công bằng hơn.
Đi ngược với tiền lệ?
Vị trí của ông Putin trong lịch sử nước Nga cũng tương tự như Franklin Delano Roosevelt ở nước Mỹ – Tổng thống duy nhất phục vụ 4 nhiệm kỳ, người đã thay đổi đất nước sau thảm họa kinh tế và xã hội (trường hợp của nước Nga là sự sụp đổ của Liên bang Xô viết và thảm họa những năm 1990). Điều này cũng phù hợp với những gì mà giới chính khách ở Moscow thường nói: Putin muốn để lại tiếng tốt trong lịch sử, điều mà không nhiều nhà lãnh đạo của Nga có được.
Một gợi ý đáng kể khác là các Tổng thống trong tương lai của Nga sẽ phải sống ở Nga 25 năm liên tiếp trước khi cầm quyền và chưa bao giờ có hộ chiếu nước ngoài hoặc giấy phép cư trú nước ngoài. Điều này sẽ ngăn chặn khá nhiều thành viên đối lập thân phương Tây tranh cử.
Điều thú vị là nếu quy định này từng tồn tại năm 2000, chính bản thân ông Putin cũng sẽ không thể trở thành Tổng thống Nga. Ông từng sống ở Đức giai đoạn 1985-1990, mặc dù là vì nhiệm vụ của nhà nước.
Những đề xuất sửa đổi Hiến Pháp nhiều khả năng sẽ trải qua cuộc trưng cầu ý dân để đảm bảo có sự nhất trí rộng rãi. Thậm chí những đề xuất sửa đổi này còn phải được Duma quốc gia (hạ viện) thông qua. Dư luận cho rằng cuộc bỏ phiếu có thể được tiến hành vào tháng 9/2020.
Về phía Medvedev, ông không bị gạt sang một bên. Thay vào đó, người từng đảm nhiệm vị trí Tổng thống Nga này sẽ được chuyển sang vai trò “bán nghi thức”, nhưng dẫu sao cũng vẫn kết thúc 12 năm “cỗ xe song mã” mà ông quản lý nước Nga cùng với Putin.
Khi họ bắt tay và Medvedev rời khỏi Kremlin trong lần cuối cùng với tư cách Thủ tướng, Tổng thống Putin nói với ông rằng “không phải mọi thứ đều hiệu quả nhưng sẽ không bao giờ có chuyện mọi thứ đều tốt”.
Hơn nữa, ông Putin hy vọng “mọi thứ đều ổn” cho sự chuyển giao quyền lực ở Nga, quá trình giờ mới chỉ bắt đầu./.
Hoàng Phạm/VOV.VN (biên dịch) Theo RT