Góc tâm sự bạn học: “Tôi và Đặng Hữu Nam”
Linh mục Đặng Hữu Nam và tôi từng ở với nhau 3 trong 4 năm học đại học; cùng sinh hoạt trong Bút nhóm thơ văn Dòng Xanh.
Hồi đó (hơn 20 năm trước), Nam trắng trẻo thư sinh với hàng ria con kiến và nụ cười hút mắt các sinh viên nữ. Tính tình hiền lành, có phần nhút nhát. Nhiều em thích lắm nhưng vì đã chọn nghiệp tu nên Nam hầu như không đoái hoài gì. Nam sinh ra trong một gia đình giáo dân nghèo ở xã Đô Thành (Yên Thành, Nghệ An), có bố là thầy dạy giáo lý. Tôi sinh ra trong gia đình viên chức bình thường ở Hà Tĩnh. Hai đứa cùng cảnh ngộ gặp nhau, góp gạo thổi cơm chung phòng trọ suốt 3 năm trời. Tôi làm đủ thứ linh tinh phụ vào tiền ăn học; Nam mua chiếc máy ảnh Zennit chụp ảnh dạo kiếm tiền đong gạo. Cùng dựa vào nhau mà sống qua ngày.
Đời sinh viên nhiều kỷ niệm. Hồi đó chúng tôi thành lập Bút nhóm thơ Dòng Xanh do bạn Lê Thanh Nga – bây giờ là Tiến sĩ công tác ở Đại học Vinh – làm Nhóm trưởng. Tôi và bạn Trần Bá Chung làm Nhóm phó. Nhóm sinh hoạt rất sôi nổi, có nhiều thơ văn đăng báo, tạp chí. Rồi sau đó thành lập CLB sáng tác thơ văn của trường do Nga làm chủ nhiệm, tôi làm phó, nòng cốt là các thành viên Bút nhóm Dòng Xanh. Nhiều đêm thơ được tổ chức tại trường thu hút rất đông các thầy cô và sinh viên tham gia. Nam làm thơ, tuy không nhiều nhưng có đôi bài cũng được. Có lần Nam viết thế này:
“Giáo đường chiều và dòng sông thuở ấy
Người ở xa thăm thẳm nhớ trong lòng
Hoa sứ rụng trắng đường đi lễ
Giáng sinh này ai có đợi ai không?”
Hồi ấy, có một người con gái thường đến chỗ trọ chúng tôi chơi. Nàng đẹp lắm, con nhà gia thế nữa. Trong khi chúng tôi đi xe đạp rách thì nàng đã vi vu trên con Dream II bóng loáng. Nàng đến chơi, nghe chúng tôi đọc thơ, sắp xếp vài thứ trong phòng cho gọn gàng rồi về. Nhiều hôm đến không gặp chúng tôi, nàng cài một bông ngọc lan ngoài khe cửa. Cũng chẳng biết nàng thích Nam hay tôi? Hay cả hai? Hehe! Chỉ biết là lãng mạn lắm. Lại có một chị tên Nga, có tiệm cắt tóc gội đầu cạnh trường, quen chúng tôi trong lớp học ngoại ngữ buổi tối. Chị Nga khoảng 27 tuổi, đã có chồng nhưng đi xa. Chị rất đẹp theo kiểu đài các, quý phái, lại nói giọng Bắc êm như nhung. Có dịp 14/2, chị mang 1 bông hoa hồng đến trong lúc cả 2 chúng tôi ở nhà. Chị lặng lẽ cắm hoa vào lọ. Tôi hỏi “Chị tặng ai đấy?”. Chị bảo “Tùy các cậu nghĩ”. Rồi một thời gian sau chị chuyển ra Bắc. Nam theo nghiệp tu, thường trốn lánh những tình cảm nam nữ. Sáng 4h30 đã dậy ngồi đọc kinh. Tôi thì lại là một thằng sống rất bệ rạc và tùy tiện. Suốt ngày tụ tập thơ phú, nhậu nhẹt. Mà lạ, 2 đứa vẫn sống được với nhau những 3 năm trời.
Rồi ra trường, mỗi đứa một nơi. Sau này, qua linh mục Nguyễn Hồng Ân – bạn học cùng lớp hồi Đại học – tôi được biết Nam làm linh mục ở Giáo xứ Tân Hội (Hương Khê, Hà Tĩnh). Nam có mời lên chơi mấy lần mà tôi bận không lên được. Rồi sau đó Nam chuyển ra Nghệ An, làm linh mục quản xứ ở mấy chỗ, sau chuyển về giáo xứ Mỹ Khánh (xã Khánh Thành, Yên Thành, Nghệ An).
Cách nay mấy năm, nhân có việc ở Yên Thành, tôi ghé Nam chơi và dùng bữa trưa. Nam thay đổi khá nhiều so với hồi trước – mập và đen. Chúng tôi và mấy người bạn ngồi ăn và ôn lại chuyện cũ. Kỷ niệm vẫn vẹn nguyên trong cuộc tiếp xúc mày tao chi tớ ồn ào. Chúng tôi thực sự sống lại thời sinh viên sôi nổi.
Ra về, tôi nói với Nam rằng: ông “Ăn cơm Chúa múa tối ngày”, tôi “Ăn cơm Dân mặc áo Đảng”. Ông và tôi không thể tô hồng hay bôi đen được nhau. Nhưng tôi nghĩ, ông có 10 điều răn của Chúa, trong đó đặc biệt là điều răn thứ 8 dạy ta sống thành thật, làm chứng cho sự thật và tôn trọng danh dự mọi người: “Không làm chứng dối để hại người”. Còn tôi có 19 điều Đảng viên không được làm, trong đó điều thứ nhất là kim chỉ nam. Nếu vi phạm, làm trái những điều đó thì chắc chắn sẽ bị trừng phạt.
Mỗi người có một số phận và lý tưởng riêng. Gặp gỡ hôm nay đã khác xưa về quan điểm, lý tưởng, nhận thức, chính kiến, đường đi lối đến… nhưng tình bạn thì mãi vẫn là tình bạn. Và đến với nhau không phải để tranh cãi đúng sai, luận về thời cuộc mà để hồi tưởng lại những kỷ niệm trong quá khứ tươi đẹp. Nơi đó chỉ có tình bạn, tình yêu trong sáng, vô tư.
Đúng hay sai xin dành sự phán xét từ ngôi cao và từ nhân dân. Ai giữ được cái Tâm công chính người đó sẽ được hưởng hồng ân và ngược lại nếu chúng ta đi ngược với lợi ích của dân tộc, của giống nòi, của giáo luật, pháp luật,… chúng ta sẽ phải trả giá. Cái giá đó đôi khi lớn hơn cả lao tù giam hãm, đó chính là Lương tâm và cái Đạo làm người.
Thế thôi!.
Tác giả Trần Đức Cường (người trong ảnh chụp cùng với LM Đặng Hữu Nam)