Kế hoạch Phản gián CM12: Kỳ tích chói lọi của lực lượng An ninh
Ngày 5/9, tại Khu di tích Hòn Đá Bạc, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, Bộ Công an và UBND tỉnh Cà Mau tổ chức Gặp mặt kỷ niệm 35 năm thực hiện thắng lợi Kế hoạch phản gián CM12 (9/9/1984 – 9/9/2019).
Trung tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an chủ trì buổi họp mặt. Dự buổi họp mặt còn có các tướng lĩnh, lãnh đạo Tổng cục III, Tổng cục V (Bộ Công an) và trên 100 cán bộ, chiến sĩ Công an đã từng trực tiếp tham gia thực hiện thắng lợi Kế hoạch phản gián CM12.
Tại buổi họp mặt, các cán bộ an ninh trực tiếp tham gia Kế hoạch phản gián CM12 năm xưa đều nhắc tới những kỷ niệm của kế hoạch với tất cả sự tự hào về một chiến công lẫy lừng của lực lượng An ninh.
Ngược dòng lịch sử, sau ngày 30/4/1975, miền Nam hoàn toàn được giải phóng, đất nước thống nhất, đối tượng Lê Quốc Túy, Mai Văn Hạnh tiếp tục ở lại miền Nam móc nối với tổ chức phản động và các cơ sở được cài cắm theo “Kế hoạch hậu chiến” nhằm phối hợp “trong”, “ngoài”, thực hiện âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng.
Đến tháng 7/1975, Lê Quốc Túy, Mai Văn Hạnh sang Pháp, đứng ra thành lập tổ chức phản động gọi là “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam”. Năm 1979, tổ chức phản động của Túy và Hạnh được chính quyền cực hữu của một quốc gia trong khu vực cho mượn đất, tạo điều kiện hoạt động. Chúng thành lập trụ sở gọi là “Tổng hành dinh”, có sự liên lạc chặt chẽ với bọn phản động quốc tế và các căn cứ, lực lượng phản động trong nước, lập hai mật cứ có tên “Tự thắng” và “Quyết tiến”, đủ sức huấn luyện, thao diễn, làm doanh trại. Đội tàu của chúng gồm 4 chiếc, dùng để đưa bọn gián điệp biệt kích cùng với phương tiện, vũ khí xâm nhập về nước.
Cuối năm 1980, Túy và Hạnh tung toán gián điệp biệt kích đầu tiên gồm 23 tên xâm nhập vào nước ta bằng đường bộ, qua Campuchia vào tỉnh An Giang. Tuy nhiên, toán biệt kích mang mật danh “Minh Vương I” này bị ta phát hiện, truy lùng, bắt gần hết (trong đó 1 tên đã bị tiêu diệt) và thu giữ điện đài, vũ khí cùng nhiều phương tiện hoạt động khác. Từ thời điểm này, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) đã chỉ đạo lập kế hoạch đấu tranh. Kế hoạch CM 12 ra đời.
Qua phân tích và nhận định tình hình, ta xác định có nhiều khả năng bọn phản động này thay đổi hướng xâm nhập. Chúng sẽ đi bằng đường biển vào các tỉnh phía Nam Tổ quốc.
Chiều 15/5/1981, trinh sát kỹ thuật phát hiện làn sóng lạ ở bờ biển tỉnh Minh Hải (nay là tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu). Lực lượng Vũ trang tỉnh Minh Hải được huy động cùng với lực lượng An ninh, Quân đội tổ chức truy lùng biệt kích. Được sự hỗ trợ, giúp đỡ tích cực của quần chúng nhân dân, lực lượng làm nhiệm vụ đã nhanh chóng bắt gọn toán xâm nhập. Đây là toán xâm nhập mở đầu cho một “Kế hoạch lớn” của Túy và Hạnh cùng bọn phản động quốc tế. Một số trinh sát của ta đã thâm nhập vào các tổ chức của địch, với những vai diễn là “đặc phái viên” và “cơ sở” của chúng trong “quốc nội”.
Trong hơn 3 năm đấu tranh, Chuyên án CM12 (1981-1984), lực lượng An ninh Việt Nam đã lập nên một kỳ tích: Đón bắt 18 chuyến xâm nhập, 189 tên biệt kích, 300 tấn vũ khí, 14 tấn tiền giả, 2 tàu vận tải; triệt phá thành công cuộc nhập biên phá hoại của bọn phản động lưu vong do Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh cầm đầu, bóc gỡ 10 tổ chức phản động trong nước. Kế hoạch CM 12 là một chiến dịch phản gián có quy mô lớn về thời gian, không gian và bố trí lực lượng đấu tranh.
Từ ngày 9/9/1981 đến ngày 9/9/1984, địch xâm nhập 17 lần bằng tàu biển vào huyện Trần Văn Thời. Mỗi chuyến xâm nhập đều mang theo hàng chục tấn vũ khí, thuốc nổ cực mạnh, gián điệp biệt kích và đều thực hiện đúng ý đồ, đúng địa điểm do ta chuẩn bị trước. Trong đó, Mai Văn Hạnh nhiều lần trực tiếp xâm nhập về nước để kiểm tra “kho tàng”, “mật cứ”, gặp gỡ số gián điệp biệt kích đã xâm nhập từ trước cùng với những tên cầm đầu các tổ chức phản động trong nước vạch các kế hoạch đánh phá cách mạng.
Sau khi câu nhử hầu hết số gián điệp biệt kích đã được huấn luyện với vũ khí, phương tiện đưa về nước, lực lượng An ninh Việt Nam quyết định kết thúc Kế hoạch CM 12 bằng trận đánh cuối cùng đúng vào đêm 9/9/1984 tại Hòn Đá Bạc.
Chiến công CM12 là chiến thắng của trí tuệ Việt Nam, sự sắc sảo về chiến lược, chiến thuật của các nhà lãnh đạo Công an Nhân dân dưới, sự mưu trí, sáng tạo của các chỉ huy điều hành chuyên án, sự dũng cảm của đội ngũ chiến sĩ được giao nhiệm vụ và sự phối hợp tuyệt vời của các lực lượng với nhân dân.
“Thắng lợi trọn vẹn của kế hoạch phản gián CM 12 có tầm vóc, ý nghĩa lịch sử hết sức to lớn. Nó đánh dấu sự thất bại ý đồ thâm độc, xảo quyệt của địch; khẳng định tinh thần đấu tranh quyết liệt, mưu trí, dũng cảm, sự sáng tạo và trình độ nghiệp vụ của lực lượng Công an nhân dân”, Trung tướng Lương Tam Quang chia sẻ.