Kỷ niệm 76 năm ngày thành lập QĐND Việt Nam – Cùng đọc lại hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về ngày 30/4/1975 lịch sử

“10h00′ sáng, 30/4/1975, đồng chí Nguyễn Thanh – Trưởng phòng 70 thuộc Cục Tình báo chạy vào báo cáo Tổng hành dinh: “Đài Phát thanh Nhật Bản loan tin quân giải phóng có xe tăng dẫn đầu đang tiến vào Sài Gòn”. Tin về dồn dập. Đến 10h50′, Cục Tình báo báo cáo Tổng hành dinh: “Quân ta đã vào dinh Tổng thống ngụy,”….11h30′: “Ta đã giải phóng Sài Gòn, Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng”.

Ảnh màu của: Dương Minh Trí.

Khu vực nhà D67 và “Nhà con rồng” tại Hà Nội rộn lên những tiếng hô vang mừng chiến thắng. Các đồng chí trong Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương vui mừng, phấn khởi, nghẹn ngào và xúc động ôm chầm lấy nhau. Trước đó vài phút thôi, Sở chỉ huy tiền phương chiến dịch Hồ Chí Minh reo mừng trong niềm vui chiến thắng. Không còn là chuyện bất ngờ mà ai nấy đều giàn giụa nước mắt, siết chặt tay nhau, phấn khởi, tự hào. Các đồng chí Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Văn Tiến Dũng xúc động ôm hôn mọi người. Đồng chí Đinh Đức Thiện, vui tính là thế, mà giờ lại là người khóc ra tiếng to nhất. Đồng chí Trần Văn Trà, đôi mắt đỏ hoe, nghẹn ngào sung sướng. Riêng đồng chí Phạm Hùng, mở phanh chiếc áo bà ba, vừa cười to vừa bình luận sảng khoái, vừa ra lệnh chuẩn bị tiếp quản Sài Gòn.” Ở tiền tuyến, khi các đơn vị của các quân đoàn 1, 2, 3, 4 và Đoàn 232 đang khẩn trương chiếm giữ các mục tiêu đã định, thì ở hậu phương càng hồi hộp, náo nức, đợi chờ. Khi Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam vang lên “Sài Gòn đã giải phóng”, thì từ các nhà, các dãy phố của Hà Nội, ai ai cũng đổ ra đường. Khoảnh khắc biết bao năm chờ đợi, nay đã đến.

Dòng người, dòng xe đạp quanh Hồ Hoàn Kiếm vang lên tiếng reo hò giòn giã. Có người ôm hôn nhau thắm thiết. Có người “vui sao nước mắt lại trào”. Mặt trời đã khuất bóng sau rặng cây xà cừ trên đường Hoàng Diệu. Hà Nội đã lên đèn. Còn lại một mình Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong phòng làm việc với niềm vui náo nức, mà sao nước mắt Đại tướng cứ trào ra. Giá như còn Bác… Tư tưởng cách mạng và tư tưởng quân sự của Người đã mang về thắng lợi trọn vẹn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Câu thơ xuân “đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào” đã vạch đường đi nước bước để có thắng lợi hôm nay. Bác hiểu ý chí thống nhất đã ngấm vào máu thịt của mỗi người dân yêu tổ quốc, cho nên Nam – Bắc nhất định sum họp một nhà.

Tôi có đọc và xem một số hồi ký, tư liệu lịch sử nói về cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân ta và điều đọng lại trong tôi có một câu nói rất đắt giá: “2 GIỜ = 20 NĂM”… Bởi vì sao ??? Từ Hà Nội cho đến Sài Gòn chưa đầy 2 GIỜ bay. Nhưng cũng là “số hai” đó và cũng trên quãng đường đó, biết bao người lính đã phải đi hơn 20 NĂM trên dải Trường Sơn tột cùng gian khổ để tiến tới ngày toàn thắng. Cái giá của độc lập, thống nhất to lớn biết chừng nào. Biết bao gia đình Việt Nam phải chấp nhận một cuộc chia ly dài dằng dặc, phải nén hàng triệu nỗi đau riêng để có một niềm vui chung cho cả dân tộc. Biết bao bà mẹ Việt Nam đã khóc cạn nước mắt khi “ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ”. Sự chia ly và mất mát đã làm héo hon biết bao cuộc đời người.

Cách đây không lâu tại Hà Nội – thành phố vì hòa bình, Mỹ và Triều Tiên tiến hành hội đàm ngoại giao để mong muốn tiến tới hòa bình, thống nhất trên bán đảo Triều Tiên nhưng mọi việc thật đâu có dễ dàng. Có người đặt câu hỏi: Hòa bình, độc lập, tự do của một dân tộc đắt giá đến mức nào ? Xin thưa là hàng ngàn, hàng vạn nghĩa trang liệt sỹ trên khắp mọi miền đất nước. Trên thế giới này, hiếm có dân tộc nào như dân tộc Việt Nam, khi chúng ta trải bước qua bất cứ vùng miền nào từ Bắc chí Nam, thì mỗi xã là một đài tưởng niệm tổ quốc ghi công, mỗi huyện là một nghĩa trang liệt sỹ. Lịch sử dân tộc Việt Nam trong hơn mấy ngàn năm qua là một dòng chảy bất tận của tinh thần yêu nước, đoàn kết, nhân nghĩa, kiên cường, bất khuất, trên dưới một lòng, đấu tranh anh dũng để dựng nước và giữ nước, xây dựng nên nền văn hiến Việt Nam. Trải qua hơn 1000 năm Bắc thuộc, rồi “Thắng Tống, bình Nguyên, diệt Minh, phá Thanh”, đánh thắng các chủ nghĩa thực dân, đế quốc hùng mạnh nhất, Việt Nam đã đi vào lịch sử thế giới với tư cách một dân tộc không bao giờ chịu khuất phục, luôn giữ vững được độc lập, tự chủ của mình. Vì điều đó, thế hệ trẻ như chúng ta ngày hôm nay có thể đứng bên bờ biển Đông mà tự hào hô vang ngàn dặm như thế hệ cha ông đánh Mỹ từng ngẹn ngào xúc động: “Con ra thưa với Bác Hồ, Đất này chỉ một ngọn cờ vàng sao”…

* Bài viết có trích một số đoạn trong hồi ký của Đại tướng “Tổng hành dinh những ngày mùa xuân toàn thắng” và bộ phim “Mùa xuân toàn thắng” của Điện ảnh QĐND.

Tuấn Long

Tin cùng chuyên mục: