Nghệ An sẽ đón khoảng 1.000 công dân từ TP. Hồ Chí Minh trở về quê trong đợt 1
Sáng 28/7, Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh tổ chức họp để nghe và cho ý kiến về công tác phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua và triển khai nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới.
GẦN 10.000 CÔNG DÂN ĐĂNG KÝ TRỞ VỀ
Tại cuộc họp, PGS, TS Dương Đình Chỉnh – Giám đốc Sở Y tế báo cáo, tính đến 7h sáng 28/7, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 194 ca nhiễm Covid-19 ở 14 địa phương. Có 9 địa phương đã trên 14 ngày không có ca nhiễm mới trong cộng đồng, gồm: TP. Vinh, Diễn Châu, Đô Lương, TX. Hoàng Mai, Nghi Lộc, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Tân Kỳ, Nam Đàn.
Sau nhiều ngày không xuất hiện ca bệnh, sáng 27/7, Nghệ An công bố thêm 2 ca nhiễm là nhân viên Bệnh viện Đa khoa Minh An (đóng tại huyện Quỳnh Lưu). Đến nay, chùm ca bệnh này đã ghi nhận 5 trường hợp dương tính với Covid-19. Ngành Y tế đã tổ chức lấy gần 5.200 mẫu của các trường hợp là F1 và trường hợp liên quan, đến nay đã có 4.500 mẫu cho kết quả âm tính.
Nhận định tình hình dịch trong thời gian tới, Giám đốc Sở Y tế cho biết, dịch Covid-19 tại các tỉnh phía Nam đang diễn biến hết sức phức tạp. Sở Y tế đã tăng viện 140 cán bộ y tế cho các tỉnh phía Nam. Dự kiến, trong tuần tới sẽ tiếp tục tăng viện thêm khoảng 60-80 cán bộ y tế.
Trong tỉnh, do lượng người về từ các tỉnh phía Nam bằng nhiều hình thức đang tăng lên, gây nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên địa bàn tỉnh là rất lớn. Chỉ tính riêng 4 ngày gần đây đã ghi nhận gần 3.000 người trở về từ các tỉnh, thành, đặc biệt là các địa phương phía Nam. Toàn tỉnh có 22.708 đã trở về từ các địa phương trên cả nước chưa qua 14 ngày.
Bên cạnh đó, ổ dịch tại huyện Quỳnh Lưu được nhận định là một ổ dịch phức tạp với thời gian ủ bệnh trong khoảng 7-10 ngày. Các trường hợp F0 có yếu tố tiếp xúc nhiều người, nguy cơ tiềm ẩn phát hiện các ca nhiễm mới trong cộng đồng là rất cao.
Hiện Sở LĐ-TB&XH đang phối hợp với UBND các huyện, thành, thị rà soát danh sách công dân để đảm bảo đúng đối tượng, đúng số lượng thực. Sở LĐ-TB&XH cũng đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng phương án đợt 1 đón công dân từ các tỉnh phía Nam có nguyện vọng trở về.
Tại cuộc họp, các thành viên Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh đã cho ý kiến vào những giải pháp trong thời gian tới; phương án đón công dân từ các tỉnh phía Nam trở về; biện pháp cách ly những công dân trở về; việc kiểm soát người và phương tiện ngoại tỉnh qua chốt kiểm soát…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long đề nghị ngành Công an tăng cường quản lý di biến động, lượng người vào, ra, phương tiện lưu thông đi qua địa bàn tỉnh, đặc biệt phải thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ tại các chốt kiểm soát. Ngành Quân sự rà soát, mở rộng thêm các điểm cách ly tập trung để chuẩn bị đón số lượng lớn công dân trở về. Ngành Y tế tập trung những cán bộ chuyên sâu nhất ở vùng có dịch để tham mưu UBND tỉnh ban hành giải pháp hiệu quả nhất.
Kết luận cuộc họp, đồng chí Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá, trong thời gian qua, tỉnh đã thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 khá hiệu quả. Mặc dù diễn biến dịch khá phức tạp nhưng đến nay, tình hình dịch đã cơ bản được kiểm soát, chỉ còn 1 điểm dịch mới phát sinh tại huyện Quỳnh Lưu đang khá phức tạp.
Trên tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, trong thời gian tới, chúng ta tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên tinh thần phát huy những kết quả đạt được nhưng không được chủ quan, lơ là.
Các cấp, ngành, địa phương phải tập trung cao độ, nghiêm túc, quyết liệt, đồng bộ, chủ động, kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch đã được chỉ đạo với phương châm “4 tại chỗ”. Bởi trong thời gian qua, công tác phòng, chống dịch tại một số địa phương đang có dấu hiệu chùng xuống, nhiều người dân có biểu hiện chủ quan.
Các địa phương phải tự đánh giá nguy cơ dịch trên địa bàn để điều chỉnh, cập nhật kịch bản, đưa ra các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương. Phải chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế, cá thể hóa trách nhiệm của từng cá nhân. Đặc biệt, phải tăng cường quản lý người trở về từ các địa phương, đặc biệt là các địa phương đang có dịch, đang thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Ngành Công an chịu trách nhiệm giám sát, quản lý biến động dân cư trên địa bàn toàn tỉnh. Trong công tác này, phải có sự tham gia của cấp ủy, chính quyền cấp cơ sở và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp cơ sở phải chịu trách nhiệm trong công tác quản lý địa bàn; đồng thời huy động sự tham gia tích cực của các tổ chức, đoàn thể, người dân.
Người đứng đầu UBND tỉnh cũng yêu cầu tổ chức tốt hoạt động kiểm soát người, phương tiện lưu thông qua các cửa ngõ vào thành phố Vinh và các địa phương. Phải đánh giá lại hoạt động của các chốt kiểm soát để điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế, mang lại hiệu quả cao hơn. Những địa phương dọc tuyến Quốc lộ 1 phải tăng cường kiểm soát việc cung cấp dịch vụ thiết yếu cho các lái xe đường dài, không bán ăn tại chỗ nhằm tránh lây lan dịch bệnh.
Tiếp tục thực hiện tốt công tác truyền thông tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của người dân về các biện pháp phòng, chống dịch, bởi người dân là phòng tuyến quan trọng nhất trên mặt trận phòng, chống dịch. Thực hiện nghiêm công tác đảm bảo ANTT, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Kêu gọi người dân chấp hành nghiêm và tích cực ủng hộ cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác phòng, chống dịch. Đặc biệt, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan Nhà nước phải thực hiện nghiêm để nêu gương.
Về phương án đón công dân người Nghệ An từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam có nhu cầu trở về, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung đề nghị thực hiện nghiêm túc theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia và phù hợp với tình hình thực tế tại các tỉnh, thành.
Khi triển khai đón công dân thì phải có văn bản thông báo cho các địa phương về số lượng người, thời gian, phương tiện, cách thức tổ chức đón. Tỉnh thống nhất chia thành từng đợt nhằm đảm bảo an toàn cho người dân, cho địa phương, phù hợp với tình hình thực tế và năng lực cách ly của tỉnh.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh, trước mắt tỉnh sẽ thực hiện đón đợt 1 với khoảng 1.000 người từ TP. Hồ Chí Minh trở về quê theo 2 nhóm. Nhóm thứ 1 là ưu tiên các đối tượng người có bệnh hiểm nghèo, ốm đau dài ngày; phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ; người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em với khoảng 600 người. Nhóm thứ 2 là những người có điều kiện, có khả năng tự chi trả kinh phí mua vé máy bay, cách ly, xét nghiệm và các chi phí khác.
Về phương tiện, tỉnh thống nhất đợt 1 sẽ vận chuyển các đối tượng này về quê bằng máy bay. Đối với nhóm thứ 1 sẽ được hỗ trợ toàn bộ tiền vé máy bay, từ các nguồn: Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh; các doanh nghiệp có tấm lòng đóng góp. Đối với nhóm thứ 2 thì phải tự chi trả tiền vé, về theo kế hoạch đã đăng ký và thống nhất với hãng hàng không.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung nêu rõ, những công dân đón trở về sẽ được cách ly tại các khu cách ly tập trung của tỉnh; tại các điểm cách ly có thu phí là khách sạn ở TP. Vinh, TX. Cửa Lò. Nhóm thứ 1 sẽ được hỗ trợ toàn bộ kinh phí ăn, ở, xét nghiệm. Tại các điểm cách ly có thu phí thì thông báo cho những người có nhu cầu để đăng ký.
Về thời điểm đón, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, cố gắng thực hiện trong đầu tháng 8. Các ngành, đơn vị phải bám kế hoạch, phương án để thực hiện đúng, đầy đủ nhiệm vụ được giao, phối hợp tích cực để triển khai đón công dân an toàn, hiệu quả. Bên cạnh đó, tăng cường truyền thông, thông tin để người dân hiểu về tính nhân văn, ý nghĩa tích cực của kế hoạch. Bộ Chỉ huy Quân sự dự phòng các phương án cách ly khi có trường hợp dương tính và đón công dân từ nước ngoài trở về khi có chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ./.