Panasonic dời dây chuyền tủ lạnh, máy giặt từ Thái Lan sang Việt Nam

Theo Nikkei, nhằm cắt giảm chi phí và tiếp cận tốt hơn thị trường Việt Nam, Panasonic sẽ sớm đóng cửa nhà máy tại Bangkok để dời đến cơ sở tại Hà Nội.

Theo nguồn tin của Nikkei, Panasonic sẽ đóng cửa một nhà máy sản xuất đồ gia dụng lớn ở ngoại ô Bangkok (Thái Lan) sớm nhất vào mùa thu 2020 và chuyển dây chuyền sản xuất tới một cơ sở lớn hơn tại Việt Nam nhằm cắt giảm chi phí và tăng tính hiệu quả.

Dây chuyền tại Thái Lan sẽ dừng sản xuất máy giặt vào tháng 9 và tủ lạnh vào tháng 10. Công xưởng này sẽ chính thức đóng cửa vào tháng 3/2021, trong khi tòa nhà phục vụ nghiên cứu và phát triển của hãng tại đây cũng sẽ bị phá hủy.

Nhà máy cùng khu nghiên cứu và phát triển của Panasonic tại ngoại ô Hà Nội. Ảnh: Panasonic.

Hiện có khoảng 800 công nhân làm việc tại cơ sở sản xuất này và lượng lao động sẽ được cho thôi việc cũng như hỗ trợ tìm công việc mới trong tập đoàn.

Với việc chuyển nhà máy về Việt Nam, Panasonic mong muốn giảm giá thành nhờ cải thiện việc sản xuất các chi tiết. Nhà máy tại Việt Nam, nằm ở ngoại thành Hà Nội, là trung tâm sản xuất lớn nhất của tập đoàn này tại Đông Nam Á với các sản phẩm như tủ lạnh, máy giặt và đang dư thừa công suất.

Việc dịch chuyển này cũng đánh dấu giai đoạn mới trong gia công sản xuất tại Đông Nam Á. Từ những năm 1970, các doanh nghiệp điện tử Nhật đã chuyển từ sản xuất nội địa sang sản xuất tại Singapore và Malaysia khi đồng yên Nhật tăng giá mạnh, làm giảm tính cạnh tranh về giá của Nhật Bản.

Sau đó, việc sản xuất được chuyển sang các nước như Thái Lan trong bối cảnh nhân công tại Singapore ngày càng đắt đỏ. Hiện các công ty Nhật tiếp tục tìm kiếm nơi rẻ hơn nữa để sản xuất cũng như tiếp cận dễ hơn những thị trường tiềm năng về tủ lạnh, máy giặt, lò vi sóng tại những nước Đông Nam Á đông dân như Indonesia, Philippines hay Việt Nam.

Với việc chuyển dây chuyền sang Việt Nam, dự kiến công suất của dây chuyền sẽ không đổi so với khi hoạt động tại Thái Lan.

Panasonic hiện có 8.000 lao động tại Việt Nam. Ngoài đồ gia dụng lớn, dây chuyền của hãng tại đây cũng sản xuất cả TV, điện thoại để bàn không dây, thiết bị thanh toán thẻ hay các thiết bị công nghiệp khác.

Panasonic đang trong quá trình tái cấu trúc với mục tiêu cắt giảm chi phí khoảng 100 tỷ Yên (khoảng 930 triệu USD) tới tháng 3/2022. Hãng đang tiếp tục cân nhắc nhiều thay đổi trong dây chuyền sản xuất đồ gia dụng.

Ngô Minh
Theo Nikkei Asia Review

Tin cùng chuyên mục: