Ra tù, liệu Ba sàm Nguyễn Hữu Vinh có “ngựa quen đường cũ”?

Với một bản lý lịch có “số má” nên không quá bất ngờ khi ngày ra tù của Nguyễn Hữu Vinh (tức Blogger Anh Ba Sàm) nhận được sự quan tâm rất lớn từ giới dân chủ giả cầy trong nước cùng các phương tiện truyền thông nước ngoài bằng Tiếng Việt (BBC, RFA, VOA…). Chính những sự “quan tâm” đặc biệt này đã khiến nhiều người không khỏi nghi ngại, liệu rằng Nguyễn Hữu Vinh có hoàn lương hay vẫn chứng nào tật nấy, “ngựa quen đường cũ”!?

Và những nghi ngại trên đây càng lớn hơn khi mà những phát biểu của Nguyễn Hữu Vinh trong bài phỏng vấn của Đài RFA mới đây cho thấy, Vinh lại tiếp tục con đường cũ với những luận điệu chống phá nhà nước. Trong bài “Blogger Anh Ba Sàm: Tôi phải cám ơn nhà tù!”, ngoài việc vu cáo, xuyên tạc những hoạt động của các cơ quan tố tụng (Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án) và Trại giam số 5 Thanh Hóa, Nguyễn Hữu Vinh đã không ngần ngại cảm ơn “sự hỗ trợ của gia đình, sức ép trên mạng, các đài, báo chí lề trái, cư dân mạng và quần chúng, cả quốc tế” trong quá trình phải thi hành án và công khai các dự định của bản thân cho thời gian tới.

 

Nguyễn Hữu Vinh được giới dân chủ giả cầy trong nước săn đón sau ngày ra tù (Ảnh Internet)

Nguyễn Hữu Vinh, SN 1956, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội, được sinh trưởng trong một gia đình có thể xem là “danh gia vọng tộc”. Nguyễn Hữu Vinh học cấp 3 tại Trường Chu Văn An rồi sau đó vào học tại Đại học An ninh (nay là Học viện An ninh nhân dân) từ năm 1974 đến năm 1979. 20 năm trong ngành Công an, Vinh được giao nhiệm vụ công tác tại nhiều đơn vị khác nhau, được biệt phái công tác tại Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao).

Tuy nhiên, năm 1999, Nguyễn Hữu Vinh xin ra khỏi ngành Công an và năm sau đó lập hồ sơ xin thành lập Công ty TNHH Điều tra và Bảo vệ V (viết tắt là VPI); trụ sở Cty này được đặt tại số 5, ngách 2 ngõ 4D Đặng Văn Ngữ, phường Trung Tự, Đống Đa, Hà Nội. Cũng kể từ đây, Nguyễn Hữu Vinh “tự diễn biến” và “lái” mình sang một ngã rẽ khác đầy nguy hiểm và tội lỗi.

Năm 2009, Nguyễn Hữu Vinh “sáng lập” ra trang thông tin cá nhân “anhbasam” với khẩu hiệu “phá vòng nô lệ” đặt ngay trên đầu trang. Trong trang này, Vinh đã liên tục có những tin, bài xuyên tạc lịch sử, bôi xấu chế độ, kích động chống phá chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Để tránh bị phát hiện khi mà trang “anhbasam” bị để ý bởi sự nổi tiếng vì nhiều lượt truy cập, đến tháng 9/2013, Nguyễn Hữu Vinh lập, quản trị và sử dụng 2 blog “Dân quyền”, “Chép sử Việt”, và dùng tên (Nickname) Anhbasam. Nguyễn Hữu Vinh cũng đã chia sẻ cho Nguyễn Thị Minh Thúy quyền viết bài, chỉnh sửa, xóa, đăng tải bài viết lên blog, kiểm duyệt phản hồi… để đăng tải nhiều bài viết mang luận điệu chống phá, đi ngược lại những chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước.

Ngày 5/5/2014, Cơ quan ANĐT Bộ Công an đã tiến hành bắt khẩn cấp Nguyễn Hữu Vinh về hành vi “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích hợp pháp của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” theo Điều 258 Bộ luật Hình sự năm 1999.

Từ khi Nguyễn Hữu Vinh bị bắt, các tổ chức nhân quyền quốc tế, Đại Sứ quán nước ngoài thiếu thiện chí đã nhiều lần lên tiếng yêu cầu trả tự do cho Nguyễn Hữu Vinh, bất chấp những hành vi vi phạm pháp luật đã rất cụ thể, rõ ràng của đối tượng này.

Ngày 23/3/2016, Hội đồng xét xử sơ thẩm TAND TP.Hà Nội đã tuyên phạt Nguyễn Hữu Vinh 5 năm tù giam. Ngày 22/9/2016, Tòa án cấp cao tại Hà Nội tuyên y án sơ thẩm đối với Nguyễn Hữu Vinh.

Nguyễn Hữu Vinh vừa mãn án tù hôm 5/5/2019 sau 5 năm thụ án.

Những được – mất chắc chắn Nguyễn Hữu Vinh là người thấm thía nhất. Hy vọng Nguyễn Hữu Vinh sẽ biết tỉnh ngộ sau tất cả những gì đã qua!.

Đắc Chí/ vnnew.net

Tin cùng chuyên mục: