Tự do lựa chọn, cái đúng, cái sai!
Đúng là cứ mỗi khi có một sự kiện nào đó thì giới truyền thông, cánh nhà báo, nhất là những cây viết có bề dày kinh nghiệm với “báo mạng” tha hồ săn tin, giật tít và đăng tải khắp chốn cùng tận không bỏ sót thứ gì, kể cả những vấn đề thầm kín, riêng tư của cá nhân ai đó cũng được khai thác, phơi bày không mảy may ngượng ngùng. Quả tình là vô vàn các loại thông tin, không biết tin nào là đúng nữa, bởi có nhiều tác giả cứ viết, rồi đăng mà chẳng có căn cứ gì, số liệu đưa ra nhiều khi chẳng có cơ sở nào hết. Chúng tôi là người đọc đôi khi thấy mình bị coi thường, bị lợi dụng, bị xúc phạm.
Không phải tôi nói chơi đâu nhé, ví như đọc bài viết “Hãy từ bỏ đảng Cộng sản” của tác giả Phạm Chí Dũng trên trang Chân Trời Mới, có lẽ tác giả muốn lấy sự kiện ông Chu Hảo nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ bị đề nghị kỷ luật để viện dẫn nhiều thông tin không đúng sự thật, để vận động mọi người “bỏ Đảng”, từ bỏ con đường nhân dân lựa chọn; rồi chia sẻ, gắn kết với những nhân vật “nổi tiếng” trong giới đã có khuynh hướng không thực hiện những điều mà họ trước đây đã hứa trước Đảng, trước dân, từ lâu tự rời bỏ Đảng nên mới “đồng cảm” cho rằng “Rất chia sẻ và xin chúc mừng nhà khoa học Chu Hảo, nhà văn Nguyên Ngọc …quyết từ bỏ ‘đường về nô lệ’ và ‘phản dân hại nước’. Rồi tác giả còn đưa ra con số thống kê là “đã có ít nhất 11 người tuyên bố bỏ đảng”và lại bình luận rằng “Con số từ bỏ quá ít ỏi so với gần 4 triệu đảng viên…”. Rồi tác giả lại đưa ra con số “Năm 2013, một con số thống kê chính thức của một cơ quan đảng đã cho thấy có đến 40% đảng viên nằm trong những dạng thoái đảng… Cho tới nay, hẳn tỷ lệ này còn phải cao hơn – có thể lên đến 50 – 60% …”. Như thế đã thấy mâu thuẫn giữa hai thông tin nêu trên. Vấn đề là mục đích của tác giả đưa ra trong bài viết này đã rõ. Vậy nên với những độc giả như chúng ta cũng cần nhìn nhận cho thật khách quan, công tâm để phận biệt rõ hơn đối với những thông tin kiểu như thế này. Đi vào cụ thể bài viết chúng ta thấy:
Nói về thông tin “11 người tuyên bố bỏ đảng” của tác giả Phạm Chí Dũng trong đó có giáo sư Chu Hảo và nhà văn Nguyên Ngọc, đây lại là những trí thức, nhà văn có tư tưởng thoái trào từ khá lâu rồi, không phải bây giờ mới tuyên bố mà do họ tự thoái hóa, tự diễn biến. Bây giờ tác giả lại nhân cơ hội việc ông Chu Hảo bị kỷ luật để đưa thông tin này, thực ra cố tình tạo ra “tính thời sự” mà thôi, trên thực tế nhiều người đã biết từ nhiều năm nay ông Chu Hảo đã có những bài viết “động trời” và liên kết chỗ nọ, chỗ kia để đưa ra một số sản phẩm gọi là “minh chứng” cho chủ đích của ông. Chưa dừng ở đó ông còn đi vận động một số người nữa tham gia nhóm này, nhóm kia (nhóm kiến nghị 72, 61). Cộng đồng cũng đặt câu hỏi vì sao mấy ông đảng viên cao niên, có trình độ học vấn cao hẳn hoi, được nhà nước đãi ngộ như thế mà lại thay đổi, làm trái hoàn toàn với những gì trước kia họ từng làm và từng hứa trước nhân dân, giờ lại còn có tư tưởng chống Đảng, chống Nhà nước. Riêng đối với ông Chu Hảo còn là Tổng Biên tập báo Tri thức, ông có những bài viết, phát ngôn có nội dung trái với cương lĩnh chính trị, với quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, tác động xấu tới tư tưởng trong xã hội. Thử hỏi hành xử như vậy, có xứng tầm trí tuệ, có xứng với tư cách một đảng viên đứng trong tổ chức đảng nữa hay không?
Nói về nhà văn Nguyên Ngọc trước đây từng là một nhà văn nổi tiếng với nhiều tác phẩm văn học để đời, như “Đất nước đứng lên”, “Rừng Xà nu”… ca ngợi về sự hy sinh của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến giành độc lập, tự do,… Nhiều thứ trên đời thật khó lý giải, với chúng tôi nghĩ đơn giản có lẽ do tuổi đã cao, kém phần “minh mẫn” nên ông đã nói ngược hoàn toàn với những gì ông đã chứng kiến và cho ra những sản phẩm để đời trước đây. Những độc giả đã từng yêu mến ông cảm thấy thất vọng vô cùng với những hành xử ngược đời của chính ông, liên tiếp từ chối nhận các giải thưởng về văn học nghệ thuật nhưng với cái cách từ chối “không giống ai”; sau đó ông được đề cử giải thưởng Hồ Chí Minh, nhưng không đủ số phiếu bầu, nên ông tỏ thái độ dằn dỗi, không thèm nhận Huân chương Độc lập. Sau đó ông lại nhận, y như “một đứa trẻ con đòi quà” vậy; rồi lại từ chối nhận giải thưởng Hồ Chí Minh. Ông còn tham gia vào đủ thứ chuyện khác, cùng ký tên kiến nghị tước quyền của Đảng, rồi kích động chiến tranh với Trung Quốc, bây giờ ông cầm đầu nhóm vận động thành lập cái gọi là “Văn đoàn độc lập” gồm một phường gian manh, tục tĩu, cơ hội, chuyên vu cáo xuyên tạc, đả kích chế độ, phủ nhận sạch trơn những gì mà dân tộc ta và ngay chính ông đã từng gây dựng cho nền văn hóa của dân tộc. Xâu chuỗi lại toàn bộ những gì ông đã làm, thì có thể thấy ông Nguyên Ngọc không hoạt động đơn thuần về văn chương mà đã có mưu đồ chính trị rõ nét. Chẳng những thế, ông giữ khư khư cái nhìn lệch lạc, thiếu công bằng về xã hội. Những người mà ông tụ tập xung quanh, dù ông dẫn đầu hoặc ông đi theo, không ít thì nhiều đều có cái nhìn hằn học với Đảng và Nhà nước Việt Nam. Thử hỏi tác giả đồng tình, ca ngợi những con người như thế liệu có đúng không?.
Đã vậy, tác giả còn viện dẫn rằng “…Chính vào lúc này, nền kinh tế Việt Nam đang đặt một chân vào vực thẳm khủng hoảng, và chỉ cần thêm ít năm nữa thôi, cơn ung hoại sẽ lan ra toàn thân để không thể một liều thuốc đặc trị nào còn tác dụng…”. Nói như thế mà không biết ngượng, vì có lẽ chính tác giả không chịu cập nhật thông tin thời sự hoặc cố tình lấp liếm, chủ ý đưa thông tin xiên xẹo, vu khống. Mọi người đều biết rằng, những ngày vừa qua, trên các phương tiện truyền thông đều đưa tin về tình hình kinh tế xã hội của Việt Nam, với những con số thống kê khá thuyết phục. Ví như năm 2018 khả năng đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7%, kiểm soát lạm phát ở mức dưới 4%; 9 tháng đầu năm 2018, tăng trưởng GDP đã đạt 6,98%, là mức cao nhất so với cùng kỳ hàng năm kể từ năm 2011 trở lại đây. Cùng với đó, nhiều tập đoàn kinh tế lớn làm ăn hiệu quả, nhiều quốc gia đã đầu tư vào Việt Nam; Chính trị – xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường, chủ quyền quốc gia được giữ vững, vị thế đất nước ngày càng nâng cao; văn hóa, xã hội có bước phát triển; bộ mặt đất nước và đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Nhìn rộng ra một chút, thêm vài dẫn chứng nữa để thấy rõ hơn, theo báo cáo của Viện Toàn cầu McKinsey (MGI), công bố ngày 12/9 vừa qua tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Hà Nội, Việt Nam nằm trong 18 nền kinh tế được đánh giá là “đạt hiệu quả vượt trội hơn” trong vòng 50 năm qua; Ngân hàng Trung ương Qatar (QNB) đã nhận định rằng “con hổ” mới nhất của châu Á hiện nay là Việt Nam; Payoneer, một công ty thanh toán điện tử lớn của Mỹ đánh giá “Việt Nam cho thấy tiềm năng đặc biệt trong không gian thương mại điện tử nhờ vào kinh tế và lịch sử sản xuất”; Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) nhận định, nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng tốt trong ngắn hạn nhờ nhu cầu trong nước tiếp tục mạnh lên… Truyền thông quốc tế đánh giá kinh tế Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ. Theo Bloomberg, Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ từ một quốc gia chỉ xuất khẩu dầu thô, cà phê và giày dép nay trở thành một trung tâm sản xuất thu hút những tập đoàn lớn của thế giới điển hình như Samsung Electronics. Tờ Financial Times của Anh đưa ra dẫn chứng cụ thể về những con số tăng trưởng ấn tượng trên nhiều lĩnh vực, ví dụ như Việt Nam dẫn đầu khu vực Đông Nam Á khi thu hút được 6 tỷ USD vào thị trường chứng khoán…
Những minh chứng trên chưa thật là đây đủ, nhưng cũng để thấy rằng thông tin mà tác giả Phạm Chí Dũng đưa ra trong bài viết là không đúng sự thật, có chủ ý tạo dung, hư cấu đưa vào bài viêt, xuyên tạc, bóp méo, bịa đặt, thiếu khách quan trong phân tích cũng như đưa ra con số thống kê thiếu thực tế, nhằm lợi dụng lòng tin của cộng đồng mạng để lôi kéo, kích động gây mất niềm tin của người dân với Đảng, Nhà nước; kêu gọi mọi người tẩy chay, thoái Đảng là một việc làm thiếu công tâm, không trong sáng chắc có lẽ cũng sẽ bị cộng đồng mạng lên án, tẩy chay mà thôi.
Nguyễn Văn Đại