Ngày 12/11, Đại sứ Việt Nam tại Liên hợp quốc Nguyễn Hồng Thao đã tái đắc cử vị trí thành viên Ủy ban Luật quốc tế của Liên hợp quốc (ILC) nhiệm kỳ 2023-2027.

Đại sứ Nguyễn Hồng Thao tái đắc cử trong cuộc bỏ phiếu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 76 ở New York (Mỹ) với 145/191 phiếu bầu, xếp thứ 4 trong số 11 ứng cử viên của khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại trụ sở Liên hợp quốc ngay sau khi trúng cử, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao bày tỏ tự hào được tiếp tục đóng góp cho vị thế đang đi lên của Việt Nam, đáp ứng sự mong đợi của bạn bè quốc tế đối với Việt Nam trong vai trò xây dựng luật pháp quốc tế để giải quyết tất cả các tranh chấp và thúc đẩy tăng cường hợp tác giữa các dân tộc.

Đại sứ cam kết sẽ nỗ lực hơn nữa trong nhiệm kỳ thứ hai của mình để làm rạng danh Việt Nam trên trường quốc tế.

Trước đó, trong nhiệm kỳ 2017-2022, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao là người Việt Nam đầu tiên được bầu vào ILC và ông đã tham gia tích cực, đóng góp vào nhiều chủ đề thảo luận quan trọng của Ủy ban này như bảo vệ môi trường trong xung đột vũ trang, bảo vệ bầu khí quyển, mực nước biển dâng và luật pháp quốc tế.

Đại sứ Nguyễn Hồng Thao tốt nghiệp Tiến sĩ luật tại Trường Paris I, Đại học Sorbonne (Pháp) và từng đảm nhiệm các vị trí quan trọng như Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia, Trưởng đoàn đàm phán các hiệp định biên giới với các nước láng giềng của Việt Nam.

ILC là cơ quan chuyên môn độc lập của Liên hợp quốc, có chức năng nghiên cứu các vấn đề pháp điển hóa, phát triển luật pháp quốc tế và báo cáo lên Ủy ban Pháp lý của Đại hội đồng Liên hợp quốc. ILC có 34 thành viên và cứ mỗi 5 năm sẽ được các nước thành viên Liên hợp quốc bầu chọn lại thông qua bỏ phiếu kín.
Những nước có đại diện trong ILC nhiệm kỳ 2023-2027 gồm: Sierra Leone, Senegal, Kenya, Bờ biển Ngà, Ai Cập, Maroc, Algeria, Burkina Faso, CHDC Conggo (đại diện khu vực châu Phi); Việt Nam, Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Síp, Mông Cổ (đại diện khu vực châu Á – Thái Bình Dương); Nga, Rumani, Latvia (đại diện khu vực Đông Âu); Chile, Brazil, Ecuador, Argentina, Peru, Nicaragua (đại diện châu Mỹ Latinh và Caribe); Anh, Pháp, Italia, Áo, Na Uy, Bồ Đào Nha, Thổ Nhĩ Kỳ và New Zealand (đại diện Tây Âu và các nước khác).

(Nguồn TTXVN)