Vụ gian lận điểm thi: Có thể đình chỉ ngay các quan chức có con được sửa điểm

“Không còn niềm tin của xã hội, anh không còn nền tảng đạo đức để thực thi quyền lực công”, TS Nguyễn Sĩ Dũng nói về các quan chức có con được sửa điểm trong bê bối gian lận thi cử lớn nhất trong lịch sử Việt Nam.

TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội /// Ảnh Ngọc Thắng

TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

ẢNH NGỌC THẮNG
Trong bê bối thi cử vô tiền khoáng hậu này, bức xúc lớn nhất của dư luận là ở chỗ, rõ ràng theo logic thông thường, không ai tự dưng đi sửa điểm cho các thí sinh (mà tình cờ hơn, đa phần đều là con quan chức), nhưng chiểu theo các quy định lại không xử lý được gì, ngoài mỏi mòn chờ đợi Cơ quan điều tra.
Cắt nghĩa vấn đề này, TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho rằng vấn đề đáng lẽ không hề bế tắc trong xử lý.
“Ở các nước khác, vấn đề sẽ được giải quyết ngay, không phải bằng quyết định của một cơ quan chức năng nào, mà họ sẽ từ chức. Anh nắm giữ các chức vụ mang tính chất quyền lực công, anh phải có uy tín xã hội, anh phải có được niềm tin của xã hội. Không còn sự tín nhiệm của xã hội thì anh không còn căn cứ để đảm nhiệm quyền lực công, và thường thì trên nền tảng của đạo đức, bao giờ những người ấy cũng từ chức. Nó thành văn hóa rồi”, TS Dũng nói, và cho rằng đó là nền tảng mà người ta có thể xử lý rất nhanh những vụ việc như thế này, để bảo toàn được uy tín của nhà nước mà không bị bó tay bởi những quy định thành văn.
Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng, với những chức vụ chính trị, những người được bầu lên, sự từ chức còn diễn ra nhanh hơn, thậm chí không có lỗi họ cũng từ chức, vì uy tín là tất cả đối với họ (không ai bầu cho những người không có uy tín).
Còn với những người nắm quyền lực công như giám đốc sở, phó giám đốc sở, đó không phải là quyền lực của một người hay một gia đình, một doanh nghiệp, mà là quyền lực của tỉnh đó. Mô thức là anh thực thi quyền lực công thì đó không phải là quyền lực của anh, mà là quyền lực của người dân trao cho anh, mà người ta không tin anh nữa thì anh không còn nền tảng đạo đức để anh làm, và người ta từ chức vì như vậy.
“Tuy chúng ta chưa có quy định cán bộ chỉ có thể giữ chức, giữ quyền nếu anh còn lòng tin của công chúng, nhưng các nước văn minh đều có quy định trong quy chế đạo đức công vụ, và đó cũng là tiêu chuẩn nên theo”, TS Nguyễn Sĩ Dũng nhấn mạnh.
Kiến giải tình huống bế tắc, thậm chí bi hài hiện nay, là nhiều quan chức có con được/bị sửa điểm đang ứng xử như mình là nạn nhân, TS Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng: “Đúng là phải có chứng cứ mới xử lý được, đặc biệt là về hình sự. Cái sai của những người đó, cơ quan công an phải điều tra làm rõ. Người nào sử dụng quyền lực ép để sửa điểm thì người đó bị tội tham nhũng vì lợi dụng quyền lực công để tác động có lợi cho cá nhân. Người nào mua điểm cũng xử lý rất dễ dàng”.
Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Sĩ Dũng, những người đã bị bắt giữ vì sửa điểm ấy, không có ai tự dưng bất chấp tất cả các quy định, bật máy tính lên, sửa điểm cho người khác, để sau đó ngồi tù. Rõ ràng họ làm do được ai đó tác động, có thể là bởi quyền lực hoặc mua bán, cái đó chưa kết luận, nhưng họ không tự nhiên làm việc đó là chuyện hoàn toàn có thể kết luận được. Điều bây giờ các cơ quan có thể làm mà không vi phạm pháp luật, là tạm thời đình chỉ chức vụ của những người có liên quan, chưa phải vì cái gì cả, mà chỉ vì họ không còn uy tín để nắm giữ quyền lực công.
Động tác đó là có thể làm để đỡ ảnh hưởng đến uy tín của quyền lực công.
Ông Dũng cũng cho rằng, tình huống hiện nay cho thấy Việt Nam nên ban hành quy chế đạo đức công vụ, không phải là cái vẫn ban hành xưa nay về những tiêu chí không đo đếm được, mà là những tiêu chí đã thành thông lệ mà các nước vẫn làm. Đó là không được để xảy ra xung đột lợi ích (ví dụ anh đề bạt em, đề bạt người thân trong gia đình…); là có niềm tin của công chúng; và coi trọng lợi ích công.
 Có nên công khai tên các thí sinh?
“Có thể có việc con ông cháu cha được bố mẹ tác động để được sửa điểm, nhưng cũng có thể có những bạn thực chất không có lỗi trong đó, và như vậy thì các em không đáng phải chịu sự trừng phạt của dư luận (trong trường hợp bị công khai tên tuổi).
Còn trong trường hợp nếu rõ ràng có sai phạm, có can thiệp thì chắc chắn phải công khai, mà thời điểm hiện nay, tôi thiên về công khai bố mẹ nhiều hơn là công khai con. Tuy nhiên, cũng phải trong trường hợp đã chứng minh được họ có sai phạm, bởi vì theo nguyên tắc suy đoán vô tội, đến khi anh không vô tội thật thì mới công khai.
Ở nhiều nước, trong quá trình tòa xử các bị cáo họ vẫn không cho chụp mặt lên, cho đến khi bản án được công khai. Đó là chuẩn mực quốc tế mà tôi nghĩ mình cũng nên theo”.
(TS Nguyễn Sĩ Dũng)
Chưa đủ căn cứ để xử lý?
Hiện nay luật Cán bộ, công chức chưa có quy định về xử lý trong trường hợp này, hay những điều Đảng viên không được làm cũng chỉ có quy định như không được vi phạm pháp luật thôi.
Trong trường hợp Cơ quan điều tra đã chứng minh được sai phạm thì rất dễ, rõ ràng là anh vi phạm pháp luật rồi và có thể xử lý được. Còn hiện nay, thì chưa có căn cứ để xử lý. Nếu thực tiễn đặt ra các vấn đề như vậy thì tôi nghĩ các cơ quan liên quan sẽ nghiên cứu để bổ sung các quy định cho phù hợp.
(Ông Vũ Đăng Minh, Chánh văn phòng, người phát ngôn Bộ Nội vụ)

Theo báo Thanh niên

Tin cùng chuyên mục: