Ông Lý Hiển Long: Đang luyến tiếc một chế độ dã thú mang bộ mặt người
Trong một đoạn post trên Fanpage Facebook chính thức của mình vào hôm 31/5/2019, Thủ tướng Lý Hiển Long đã phản đối việc Việt Nam can thiệp quân sự vào Campuchia vào năm 1979, đồng thời phủ nhận tính chính danh của chính quyền dân chủ Campuchia Heng Samrin vào thập niên 1980.
Thủ tướng Lý ca ngợi một viên tướng Thái Lan mới qua đời. Ông nói rằng viên tướng này làm Thủ tướng Thái Lan từ năm 1980-1988, đúng thời kỳ 5 nước ASEAN khi đó đang cùng nhau chống lại điều mà ông gọi là việc Việt Nam chiếm đóng Campuchia cũng như chống lại chính phủ thay thế chế độ Khmer Đỏ.
Được ngoại bang giúp sức, những kẻ “tâm thần” chính trị như Pol Pot, Ieng Sary, Khieu Samphan… đã gây ra thảm kịch núi xương sông máu ngay tại chính đất nước Campuchia, đặt dân tộc Campuchia bên bờ diệt vong, và đẩy an ninh bán đảo Đông Dương vào chỗ bị đe dọa nghiêm trọng.
Sau khi lên cầm quyền ở Campuchia vào tháng 4/1975, Khmer Đỏ đã phạm các tội ác trời không dung đất không tha, giết hại dã man không chỉ người Campuchia mà còn cả người nước ngoài ở Campuchia và người Việt Nam sống gần biên giới với nước này. Bọn chúng đã thi hành chính sách diệt chủng đối với trí thức, người thành thị, người dân tộc thiểu số, và kể cả nhiều đảng viên, công chức và binh lính của chế độ. Người dân Campuchia dễ dàng bị hành quyết vì những lý do rất nhỏ nhặt. Khmer Đỏ vừa dìm nhân dân Campuchia trong bể máu vừa tiến hành thanh trừng nội bộ một cách tàn bạo.
Ở một phương diện nào đó, có thể thấy lực lượng Khmer Đỏ cầm quyền ở Campuchia man rợ hơn cả phát xít Đức bởi vì chúng tự hủy diệt chính dân tộc mình. Xét về tỷ lệ người bị sát hại trên tổng số dân của đất nước thì mức độ diệt chủng của Khmer Đỏ cao hơn hẳn. Đã vậy chúng còn áp dụng các biện pháp hành hình tàn bạo thời trung cổ, sử dụng phổ biến các công cụ thô sơ để làm điều này (chẳng hạn, dùng cuốc xẻng đập nát sọ nạn nhân). Trong khi đó, phát xít Đức ưa giết người hàng loạt bằng súng và hơi ngạt.
Dưới chính thể “Campuchia Dân chủ”, người dân Campuchia không chỉ chết vì bạo lực của Khmer Đỏ mà còn chết vì bị bỏ đói, bị mất mùa, bị ép lao động quá sức và phải dùng thuốc tự chế trong dân gian. Các chính sách của Khmer Đỏ dẫn tới cái chết của khoảng 2 triệu người dân Campuchia, chiếm 1/4 dân số nước này khi đó.
Một điều trớ trêu là, những tên đồ tể ở vị trí quyền lực cao nhất như Pol Pot và Ieng Sary cổ xúy việc giết hại trí thức trong khi chính chúng cũng là những trí thức có nhiều điều kiện học hành tử tế nhất Campuchia. Những tên như thế này không bị đụng chạm đến trong cuộc “cải tạo” xã hội đẫm máu do chúng phát động
Hôm 5/1 vừa qua, chính đương kim Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia Heng Samrin đã khẳng định: “Chế độ diệt chủng Pol Pot là chế độ tàn bạo chưa từng có trên thế giới. Dưới sự cầm quyền của chế độ vô cùng dã man này, nhân dân Campuchia đã phải hứng chịu muôn vàn thống khổ, không khác gì súc vật, bị cấm đoán quyền tự do, bị tàn sát hàng loạt. Chúng đem chính nhân dân mình ra làm thí nghiệm để thực hiện học thuyết chính trị đen tối của chúng”.
Với “đồng bào” của mình mà Khmer Đỏ còn đối xử như vậy nên chuyện vong ơn bội nghĩa đối với những người bạn nước ngoài là hoàn toàn dễ hiểu. Tập đoàn Pol Pot đã thay đổi thái độ, từ chỗ coi Việt Nam là người bạn số 1 sang coi Việt Nam là kẻ thù số 1.
Việt Nam không tiếc của cải, phương tiện và xương máu giúp Khmer Đỏ giải phóng Phnom Penh, giải phóng Campuchia khỏi chế độ ngụy của Mỹ. Nhưng ngay sau thắng lợi này, chúng đã lập tức phản bội, quay súng bắn thẳng vào các đồng chí Việt Nam thủy chung, thân thiết từng sát cánh với chúng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc trên cõi Đông Dương.
Khmer Đỏ đã xua quân đánh chiếm đảo Phú Quốc vào ngày 3/5/1975, đảo Thổ Chu ngày 10/5/1975, xâm phạm nhiều vùng lãnh thổ nước ta dọc biên giới từ Hà Tiên đến Tây Ninh. Sang năm 1977, tập đoàn Pol Pot bên trong thì đẩy mạnh thanh trừng nội bộ, bên ngoài thì hô hào kích động hằn thù dân tộc với Việt Nam, tăng cường lấn chiếm lãnh thổ nước ta. Cuối năm 1978 chúng liều lĩnh huy động tới 23 sư đoàn tấn công đại quy mô vào Việt Nam.
(Nguồn NHK)