COVID-19 sẽ tăng cấp số nhân nếu không hạn chế tiếp xúc
Mô hình phát triển số mắc COVID-19 đang được một số bác sĩ tính toán cho thấy: nếu không hạn chế đi lại, tiếp xúc, từ 1 người bệnh sau 5 ngày sẽ lây thành 2,5 người nhiễm, lây tiếp theo cấp số nhân sau 30 ngày sẽ thành 406 người nhiễm.
Nếu 50% người dân hạn chế đi lại, tiếp xúc, từ 1 người nhiễm sau 5 ngày chỉ phát triển lên 1,25 người nhiễm, sau 30 ngày có 15 người nhiễm. Nếu 75% người dân hạn chế đi lại, tiếp xúc, sau 30 ngày chỉ có 3 người nhiễm từ 1 người ban đầu.
Nói về mô hình này, nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu cho biết ông chưa tính toán về mức độ lây lan vì còn tính tùy theo khu vực tiếp xúc có biện pháp phòng hộ hay không, nhưng chắc chắn nếu không hạn chế tiếp xúc trong mùa dịch, tốc độ lây lan sẽ theo cấp số nhân, đặc biệt là ở các cuộc hội họp, tiệc… có tiếp xúc gần dưới 1m.
“Các ca lây nhiễm gần đây cho thấy lây lan đều do tiếp xúc mà không có bảo hộ, như trường hợp nhân viên siêu thị điện máy ở Đà Nẵng chỉ tiếp xúc với bệnh nhân người Anh trong 20 phút và không đeo khẩu trang đúng quy cách là lây nhiễm ngay” – ông Phu nhận xét.
Truy tìm mầm bệnh ngoài cộng đồng
Một chuyên gia khác của ngành y tế đã đưa ra hướng dẫn hạn chế tiếp xúc “đứng yên khi Tổ quốc cần” từ cách đây khoảng 3 tuần. Chuyên gia này cho rằng kiểm soát tần suất tiếp xúc là quan trọng trong giai đoạn bệnh nhân “vẫn giới hạn trong một số cụm” như tình huống Việt Nam hiện nay.
Theo thông báo của Bộ Y tế, tính đến 24-3, Việt Nam ghi nhận 134 ca mắc, đứng thứ 79 trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ có bệnh nhân và phần lớn bệnh nhân Việt Nam từ nước ngoài về.
Trong số 24 chuyến bay với 4.000 hành khách có khách mắc COVID-19, chỉ còn gần 100 người là cơ quan y tế chưa tiếp cận được, tức là mầm bệnh ngoài cộng đồng đã được tìm và cách ly đại đa số; nếu nghiêm túc thực hiện hạn chế tiếp xúc trong 2 tuần tới như yêu cầu của Chính phủ, nguy cơ lây lan sẽ giảm, cơ quan chức năng có thời gian tìm được và cách ly những người có nguy cơ ngoài cộng đồng.
Phòng hộ cá nhân rất quan trọng
Trong giai đoạn này cần làm gì? Ông Phu cho biết nhiều quốc gia đã ban hành chính sách cấm ra ngoài đường nếu không có việc cần thiết như đi làm, đi siêu thị hoặc mua thuốc, đi bệnh viện… Ở Việt Nam, hiện chúng ta có khuyến cáo hạn chế tiếp xúc, ở nhà nhiều nhất có thể và làm việc, hội họp trực tuyến, tuy nhiên chưa bị cấm ra ngoài đường.
Ông Phu hướng dẫn khi có việc cần ra ngoài nên thực hiện các biện pháp phòng hộ cá nhân: đeo khẩu trang, rửa tay sạch, và nên đứng, ngồi cách nhau tối thiểu 2m để phòng bệnh hiệu quả.
“Hội họp cũng cần tổ chức ghế theo vòng, có nhiều vòng, các ghế song song cách nhau 2m” – ông Phu nói.
Bên cạnh đó, ông Phu cũng cho rằng người dân cần sớm khai báo tờ khai sức khỏe; những người có ho, sốt được thăm khám tại nhà, lấy mẫu xét nghiệm ngay như mô hình hiện nay ở Quảng Ninh; sàng lọc rộng hơn sẽ phát hiện sớm hơn và từ đó giúp dập dịch tốt hơn.
Nguồn: Tuổi trẻ