Bộ kit do Học viện Quân y phối hợp Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á nghiên cứu và sản xuất. Đây là kết quả của đề tài nghiên cứu trọng điểm cấp Nhà nước “Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm real-time RT-PCR và RT PCR phát hiện virus corona chủng mới (nCoV)” do Bộ KH&CN phê duyệt, cấp vốn.

WHO thông báo, bộ kit này đã được chấp nhận theo tiêu chuẩn của WHO. Quá trình đánh giá bộ kit được thực hiện một cách nghiêm ngặt, kiểm soát chặt chẽ và không bị cản trở hay tác động bởi yếu tố bên ngoài. Dù đánh giá này không phải là cấp phép lưu hành nhưng theo Bộ KH&CN, việc có thêm sự chấp thuận của WHO sẽ giúp sản phẩm dễ dàng được xuất khẩu ra các nước trên toàn thế giới. “Các tổ chức như Ngân hàng Thế giới, quỹ CHAI dự kiến sẽ mua sản phẩm này để đưa vào chương trình tài trợ cho các nước trên toàn thế giới”, Bộ KH&CN cho biết.

Trước đó, Bộ Y tế và Chăm sóc xã hội Anh cũng cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn châu Âu và cấp giấy chứng nhận lưu hành tự do cho bộ kit xét nghiệm COVID-19 của Việt Nam. Như vậy, bộ kit  này sẽ được lưu hành ở 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU), theo Luật Dược phẩm của EU. Bộ kit đã được một đối tác đặt mua độc quyền để phân phối tại Anh, Ấn Độ, Mexico, Mỹ và một số quốc gia châu Âu với số lượng cam kết ít nhất 1 triệu test/tháng.

Theo GS Nguyễn Văn Kính, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bộ kit của Việt Nam được đánh giá có nhiều ưu điểm hơn so với sản phẩm của WHO và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, như thời gian cho kết quả nhanh hơn, dễ sử dụng hơn…

Tiền phong