Nghĩa đồng bào trên những chặng hồi hương

Làn sóng hồi hương thứ 2 của người lao động bắt đầu khi Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam nới lỏng các biện pháp chống dịch. Sau nhiều tháng chật vật bám trụ lại thành phố, không còn khả năng xoay xở, những người lao động Nghệ An và các tỉnh miền núi phía Bắc làm việc tại miền Nam trở về quê hương. Hành trình hồi hương tránh dịch của những người lao động bắt đầu đầy bất trắc, hiểm nguy thế nhưng không hề đơn độc.

Dù mới trải qua cuộc sinh nở được vài ngày nhưng không còn cái gì để ăn nên vợ chồng Và Bá Tồng (quê ở xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn) vẫn đánh liều chạy xe máy từ Bình Phước về Nghệ An cùng đứa con trai mới 7 ngày tuổi. Hai vợ chồng Tồng dắt díu nhau vào Bình Dương làm thuê từ hồi tháng 4. Công việc của họ là cạo mủ cao su với mức lương 7 triệu đồng/tháng. Dịch bùng phát, họ mất việc, sau một thời gian chật vật bám trụ, họ dắt díu nhau trở về. Xe dừng ở chốt kiểm soát Đà Nẵng, đứa bé mấy ngày tuổi khóc ngằn ngặt vì đói và mưa lạnh. Nghe thông tin về vợ chồng Và Bá Tông, nhà báo Hoàng Quân (phóng viên báo Công an nhân dân) đã tình nguyện chở hai mẹ con về Nghệ An. Đoạn đường dài hàng ngàn km tuy xa bỗng hóa gần bởi tình yêu thương, sự tử tế và đùm bọc của mọi người.

Dù sắp đến ngày vượt cạn nhưng vợ chồng Thò Ý Dũng (xã Tri Lễ, huyện Quế Phong) vẫn quyết định trở về quê. Về tới Quảng Trị, hai vợ chồng chẳng còn một xu dính túi, cậu con trai 2 tuổi đói khóc ngằn ngặt cũng là lúc Dũng chuyển dạ và đẻ rơi trên đường. Hai mẹ con chị được người dân đưa vào Trung tâm y tế huyện Hải Lăng. Các y bác sỹ đã chăm sóc cho 2 mẹ con đồng thời kêu gọi các nhà hảo tâm quyên góp, ủng hộ gia đình chị về tiền mặt cũng như quần áo, sữa… cho đứa trẻ. Tại quê nhà, sau khi thông tin về sản phụ đẻ rơi bên đường được chia sẻ, nhiều tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm trên địa bàn Nghệ An cũng đã nhanh chóng ủng hộ, kêu gọi trên mạng xã hội để kịp thời hỗ trợ mẹ con chị Dũng để họ sớm được trở về nhà.

Trong hơn 1 tuần qua, đã có gần 14.000 người lao động chạy xe máy từ phía Nam, vượt hàng ngàn cây số để về Nghệ An, Thanh Hóa và các tỉnh phía Bắc. Có những người mẹ mới sinh con chỉ vài ba ngày, có những người người mẹ vượt cạn ngay bên đường. Ra đi mang theo cả tuổi trẻ, cả những hi vọng về tương lai sẽ bớt khổ hơn thế nhưng chưa kịp vui mừng thì nay phải mang theo gánh nợ hồi hương. Phía trước họ là cả những lo toan bộn bề nơi ở quê nhà nhưng ít nhất họ tìm được sự bình an sau những chuỗi ngày dài phấp phỏm, âu lo. Trên những chiếc xe máy cũ kĩ, họ lầm lũi vượt hàng ngàn km chở theo gia đình, con cái, vật dụng cá nhân trở về nhà. Hành trình dài đầy rẫy hiểm nguy, bất trắc nhưng những ân tình họ nhận được trên những chặng đường, mỗi điểm dừng chân khiến hành trình ấy như được rút ngắn. Đó là những bát cháo nóng, những chiếc bánh mỳ giữa đêm mưa, là những chai nước, những hộp sữa hay những can xăng… thậm chí những bộ quần áo mới chia sẻ cho những em bé bị ướt nhẹp vì mưa lạnh.  Tất cả đều là những tấm chân tình, là sự sẻ chia, nghĩa đồng bào trong lúc khốn khó.

Những ngày này, để kịp thời hỗ trợ người lao động qua địa phận Nghệ An, lực lượng chức năng Nghệ An đã tăng cường lực lượng làm nhiệm vụ tại khu vực cầu Bến Thủy để đảm bảo ANTT và công tác phòng chống dịch. Lực lượng công an bố trí các điểm dừng chân, phân loại người ở các địa phương để tổ chức dẫn đoàn đi qua. Tại những điểm này lực lượng chức năng  bố trí đầy đủ nhu yếu phẩm, đồ ăn, nước uống để hỗ trợ bà con. Ngoài ra có rất đông đoàn thiện  nguyện, các tổ chức cá nhân có mặt hỗ trợ đồng bào “chia khó” cùng bà con để họ bớt đơn độc trên chặng đường hồi hương. Sở Giao thông – Vận tải Nghệ An cũng huy động  hàng trăm lượt phương tiện ưu tiên chở người già, và trẻ em, phụ nữ mang thai. Bên cạnh đó công dân các tỉnh phía Bắc được đưa đến khu cách ly nghỉ ngơi sau đó bố trí lực lượng hỗ trợ dẫn đoàn, bàn giao cho lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa.

Để kịp thời hỗ trợ người lao động, Nghệ An đang ưu tiên triển khai hỗ trợ cho các công dân mới trở về. Theo số liệu của Sở Lao động – Thương binh xã hội tỉnh Nghệ An có hơn 320.000 lao động làm việc ở các tỉnh, thành trong cả nước, trong đó đã có hơn 88.000 người trở về quê. Thời gian tới số lao động trở về sẽ còn tăng cao. Liên đoàn lao động tỉnh Nghệ An cũng đã ban hành quyết định hỗ trợ khẩn cấp cho lao động trở về từ phía Nam. Theo đó các lao động là đoàn viên công đoàn Nghệ An đặc biệt là các lao động có hoàn cảnh khó khăn sẽ được hỗ trợ 500.000 đồng trích từ kinh phí hoạt động công đoàn. Để ổn định đời sống, việc làm cho người lao động trong thời điểm này vẫn là một bài toán khó đối với các địa phương. Việc nghiên cứu sớm đưa ra các chính sách hỗ trợ người lao động kịp thời là việc nên làm ngay lúc này.

Hùng Minh

Tin cùng chuyên mục: