Thủ tướng Bangladesh từ chức, lên trực thăng rời đất nước

Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina từ chức và lên trực thăng rời khỏi đất nước, sau những cuộc biểu tình phản đối chính phủ dẫn tới bạo lực nghiêm trọng.

Người biểu tình Bangladesh hôm nay phá cổng, tràn vào Phủ Thủ tướng ở thủ đô, sau khi truyền thông đưa tin bà Sheikh Hasina, 76 tuổi, đã từ chức và lên trực thăng quân sự tới Ấn Độ. Quan chức cấp cao của Bangladesh tại New Delhi sau đó xác nhận thông tin này.

Đám đông xô đổ đồ đạc, đập phá cửa kính và mang đi những cuốn sách cùng nhiều thứ khác trong Phủ Thủ tướng. Nhà báo Bangladesh Yeasir Arafat cho hay hơn 1.500 người đã tràn vào dinh thự này.

Thủ tướng Bangladesh từ chức, lên trực thăng rời đất nước

Trực thăng chở Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina rời khỏi thủ đô Dhaka ngày 5/8. Video: X/Aditya Raj Kaul

“Thủ tướng muốn ghi âm một bài phát biểu nhưng không có cơ hội thực hiện”, một nguồn tin cho hay.

Binh lính và cảnh sát cùng xe bọc thép ở Dhaka đã rải hàng rào thép gai chặn các tuyến đường dẫn đến văn phòng của bà Hasina, nhưng đám đông được cho là lên tới hàng trăm nghìn người vẫn tràn ra đường, phá bỏ rào chắn.

Trong bài phát biểu trên truyền hình sau đó, Tư lệnh quân đội Waker-Uz-Zaman thông báo Thủ tướng đã từ chức và kêu gọi người dân giữ vững niềm tin vào quân đội.

Người biểu tình hoan hô sau khi Thủ tướng Hasina từ chức. Ảnh: Reuters

Người biểu tình hoan hô sau khi Thủ tướng Hasina từ chức. Ảnh: Reuters

Ông cho biết đang thảo luận với các đảng đối lập để thành lập chính phủ lâm thời. “Tôi sẽ đảm nhận trách nhiệm toàn bộ”, tướng Waker nói, nhưng không rõ ông có phải là người đứng đầu chính phủ lâm thời hay không. “Đất nước đã phải chịu đựng quá nhiều, nền kinh tế bị tàn phá, nhiều người thiệt mạng. Đã đến lúc chấm dứt bạo lực”.

Trước khi người biểu tình xông Phủ Thủ tướng, Sajeeb Wazed Joy, con trai bà Hasina, đã kêu gọi lực lượng an ninh ngăn chặn nỗ lực lật đổ bà.

“Nhiệm vụ của lực lượng an ninh là giữ an toàn cho người dân, đất nước và bảo vệ hiến pháp”, Wazed Joy, hiện sống tại Mỹ, đăng trên Facebook. “Điều đó đồng nghĩa không cho phép bất kỳ ai không được dân bầu lên nắm quyền dù chỉ một phút, đó là nhiệm vụ của các ngài”.

Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina phát biểu với truyền thông ngày 25/7. Ảnh: AFP

Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina phát biểu với truyền thông ngày 25/7. Ảnh: AFP

Biểu tình bùng phát ở Bangladesh tháng trước để phản đối hạn ngạch viên chức, trong đó ưu tiên tuyển dụng cho con cháu cựu chiến binh. Sinh viên và thanh niên Bangladesh xuống đường biểu tình vì cho rằng quy định này bất công với họ.

Tòa án Tối cao Bangladesh ngày 21/7 ra phán quyết điều chỉnh hệ thống tuyển dụng viên chức dựa trên lý lịch, với hạn ngạch dành cho con cháu cựu chiến binh giảm từ 30% xuống còn 5%. Tuy nhiên, các cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn để kêu gọi Thủ tướng từ chức, bất chấp lệnh giới nghiêm và những cuộc đụng độ với lực lượng an ninh.

Người biểu tình và người ủng hộ chính phủ đụng độ nhau bằng dao, gậy gộc trên toàn quốc và lực lượng an ninh đã nổ súng để đối phó tình trạng bất ổn. Hôm 4/8, ít nhất 94 người thiệt mạng, trong đó có 14 cảnh sát, trong ngày đẫm máu nhất từ khi biểu tình bùng phát. Theo thống kê của AFP, ít nhất 300 người đã thiệt mạng sau một tháng biểu tình.

Tư lệnh Waker cuối tuần qua nói rằng quân đội “luôn sát cánh cùng người dân”. Quân đội Bangladesh từng ban bố tình trạng khẩn cấp vào tháng 1/2007 trong bối cảnh tình trạng bất ổn chính trị lan rộng và thành lập chính phủ lâm thời do quân đội hậu thuẫn trong hai năm.

Thủ tướng Hasina đã lãnh đạo Bangladesh kể từ năm 2009 và giành chiến thắng nhiệm kỳ thứ tư liên tiếp trong cuộc bầu cử hồi tháng 1.

vnexpress.net

Tin cùng chuyên mục: