‘Việt Nam không mua sắm vũ khí tiến công chiến lược’

Để phù hợp với chiến lược “quốc phòng tự vệ”, Việt Nam chú trọng trang bị vũ khí có tính năng phòng thủ, không mua sắm vũ khí tiến công chiến lược.

Nhân 75 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân, Thiếu tướng, Giáo sư Nguyễn Hồng Quân, nguyên Phó viện trưởng Viện chiến lược quốc phòng đã trả lời VnExpress về mục tiêu, chiến lược quốc phòng của Việt Nam hiện nay.

Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Hồng Quân, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng Việt Nam. Ảnh: Hoàng Thùy

Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Hồng Quân, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng Việt Nam. Ảnh: Hoàng Thùy

 Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019 nói Việt Nam duy trì nền Quốc phòng tự vệ. Vậy Quốc phòng tự vệ nghĩa là thế nào, thưa ông?

– Chính sách quốc phòng tự vệ của Việt Nam là không gây chiến với ai, không xâm lược ai, nhưng giữ quyền tự vệ khi bị xâm lược; giữ quyền giáng trả mạnh mẽ khi bị tấn công để bảo vệ cuộc sống hòa bình.

Chính sách quốc phòng hòa bình và tự vệ thể hiện ở chiến lược quốc phòng, tiến hành chiến tranh nhân dân. Khi đất nước có giặc, toàn dân là chiến sĩ. Khi đất nước hòa bình, chỉ đội quân rất nhỏ được giữ lại làm nòng cốt. Các khu vực phòng thủ, lực lượng dân quân, tự vệ được xây dựng rộng khắp, có trọng tâm, trọng điểm; lực lượng dự bị động viên cũng được nâng cao chất lượng, sẵn sàng chống chiến tranh xâm lược.

Khi chiến tranh xảy ra, dân quân tự vệ là lực lượng đầu tiên nổ súng để bảo vệ địa phương và tạo thế cho lực lượng chủ lực tác chiến. Trong thời bình, dân quân tự vệ cũng là lực lượng đầu tiên được huy động phối hợp với bộ đội chủ lực tham gia các nhiệm vụ như khắc phục hậu quả thiên tai, giữ vững an ninh chính trị, trật tự trên địa bàn hoặc tham gia phát triển kinh tế.

Chính sách quốc phòng hòa bình và tự vệ cũng thể hiện qua mức đầu tư cho quốc phòng của quốc gia, phù hợp với tốc độ phát triển kinh tế đất nước. Ngân sách quốc phòng Việt Nam trong vòng 10 năm qua chưa khi nào đạt mức 3% GDP, cao nhất là 2,88% năm 2012. Năm 2018 là 2,36% (khoảng 5,8 tỷ USD).

Với ngân sách hạn hẹp ấy, chúng ta tập trung đảm bảo vũ khí trang bị cho bộ đội, huấn luyện cũng như chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người lính… Ngân sách ấy là sự cố gắng, chắt chiu nhưng mới chỉ cải thiện so với thập kỷ trước, chưa nói là tiến kịp cùng quân đội các nước tầm trung khác trong khu vực.

Chính sách quốc phòng hòa bình và tự vệ còn thể hiện ở chỗ kiên quyết, kiên trì đấu tranh giải quyết mọi tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hoà bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế.

– Việc mua sắm, sản xuất vũ khi như thế nào thì phù hợp với điều kiện Việt Nam cũng như mục tiêu “Quốc phòng tự vệ”?

– Để phù hợp với mục tiêu hoà bình, tự vệ, quân đội Việt Nam chú trọng trang bị những vũ khí phòng thủ là chính, không mua sắm vũ khí tiến công chiến lược, không nhất thiết phải xây dựng các quân chủng chiến lược có tầm hoạt động vươn ra toàn cầu. Chúng ta không chạy đua vũ trang.

Sách Trắng Quốc phòng năm 2009 nhấn mạnh phải xây dựng quân đội hiện đại hóa, có trang bị vũ khí tiên tiến, đồng thời phát triển công nghiệp quốc phòng. Những năm qua, Việt Nam đã từng bước mua sắm, sản xuất, cải tiến, bổ sung vũ khí, trang bị hiện đại cho quân đội. Các lực lượng Hải quân, Phòng không-Không quân, Thông tin liên lạc, Tác chiến điện tử, Trinh sát kỹ thuật được xây dựng tiến thẳng lên hiện đại, đủ khả năng sẵn sàng đối phó với các tình huống quốc phòng, quân sự đột xuất xảy ra.

Bên cạnh đó, chúng ta coi trọng nâng cao chất lượng các loại vũ khí, trang bị hiện có, đảm bảo tăng cường sức mạnh chiến đấu của quân đội, sẵn sàng đánh thắng mọi loại hình chiến tranh và mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch.

Cụ thể, Hải quân được đầu tư mua sắm, bổ sung vào biên chế nhiều loại vũ khí, trang bị, phương tiện hiện đại; có thêm Lữ đoàn Tàu pháo-Tên lửa, có thể tác chiến độc lập hoặc hiệp đồng tác chiến trong chiến dịch của Quân chủng và hiệp đồng quân binh chủng; có 4 tàu hộ tống Gepard; 6 tàu ngầm Kilo; 2 hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển K-300P Bastion-P.

Phòng không-Không quân, đặc biệt là Không quân, có những chuyển biến mạnh mẽ, tiến thẳng lên hiện đại. MiG-21, Su-22 đã được thay thế bằng các loại máy bay thế hệ mới hiện đại, đa năng tiên tiến như Su-30MK2 mang được các loại tên lửa không đối không, không đối hải, không đối đất, góp phần tăng cường đáng kể sức mạnh chiến đấu, khả năng tuần tra, giám sát, kiểm soát bầu trời; nâng cấp radar, chế tạo tên lửa vác vai…

Công nghiệp quốc phòng cũng phải phát triển mạnh để tự chủ trang bị vũ khí, khí tài cho quân đội. Hiện nay, chúng ta đã chế tạo thành công tàu tên lửa tấn công nhanh, tàu pháo, tàu tuần tra cao tốc, tàu cứu hộ cứu nạn (có lượng giãn nước đến 2.000 tấn), đóng, hạ thủy tàu ngầm cứu hộ phục vụ cho Hải quân và Cảnh sát biển. Các loại radar tầm trung sóng mét; radar thụ động; máy hỏi đáp cho các tổ hợp tên lửa phòng không, máy bay tiêm kích; hệ thống quản lý vùng trời quốc gia; máy bay không người lái tính năng cao… cũng đã được sản xuất.

Việt Nam đã xuất khẩu một số vũ khí, khí tài như súng trường, thuốc nổ… trên cơ sở không vi phạm các điều ước, cam kết quốc tế mà ta ký kết hoặc lệnh cấm vận vũ khí của Liên Hợp Quốc. Điều này góp phần duy trì nguồn lực công nghiệp quốc phòng, đóng góp vào ngân sách quốc phòng của đất nước.

-Việt Nam không mua sắm vũ khí tấn công chiến lược, vậy vũ khí tấn công chiến lược là gì, khác với vũ khí tự vệ ra sao, thưa ông?

– Vũ khí tiến công chiến lược hiểu nôm na là vũ khí hạt nhân hay “bộ ba hạt nhân”. Quân đội một số cường quốc như Mỹ, Nga có biên chế “bộ ba hạt nhân”, tức là có sự hiện diện của ba cấu phần, gồm tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm hạt nhân, và không quân chiến lược. Chỉ khi hội tụ đủ các thành tố đó mới bảo đảm gây tổn thất không thể khắc phục cho kẻ thù tiềm năng – giáng đòn tấn công hạt nhân ngay cả trong bối cảnh xung đột quy mô lớn. Trung Quốc có binh chủng tên lửa chiến lược và theo một số nhà quan sát, Trung Quốc có thể nằm trong số các cường quốc có “bộ ba hạt nhân”.

Các loại vũ khí chiến thuật, chiến dịch như chúng ta đang sở hữu đều không phải là vũ khí tiến công chiến lược, mà chỉ là vũ khí để tự vệ.

 Nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông đang đặt ra hết sức cấp bách. Việt Nam cần làm gì để có đủ sức mạnh thực hiện nhiệm vụ này?

– Biển Đông trở thành một trong những điểm dễ bùng nổ, tác động đến chủ quyền, an ninh của Việt Nam. Để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông, chúng ta cần thực hiện đồng bộ hàng loạt giải pháp, trong đó, phải đảm bảo kết hợp phát triển kinh tế với quốc phòng, an ninh.

Việc này cần tiến hành trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế tỉnh, thành phố ven biển với xây dựng các khu vực phòng thủ then chốt, các cụm chiến đấu, các xã phường chiến đấu; rà soát bố trí lực lượng quốc phòng, an ninh cho phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội. Ở đâu có đất, có dân, có biển, đảo, ở đó phải có lực lượng quốc phòng, an ninh và phải có kế hoạch cũng như phương tiện cần thiết để bảo vệ cuộc sống bình yên và bảo vệ Tổ quốc.

Chúng ta cũng cần tiếp tục triển khai đánh bắt xa bờ, kết hợp bảo vệ chủ quyền vùng biển; đóng tàu đủ tiêu chuẩn để ngư dân yên tâm hoạt động dài ngày trên biển; có chính sách bao tiêu sản phẩm, bảo đảm hậu cần, hỗ trợ cho tàu thuyền các doanh nghiệp và ngư dân khi có tình huống thiên tai, cướp biển, nguy cấp về sức khỏe.

Quy hoạch, lựa chọn những thành phố, thị xã ven biển có vị trí thích hợp xây dựng thành các trung tâm kinh tế, các hải cảng lớn vừa là “bàn đạp” tiến ra biển, vừa là “đầu tàu” lôi kéo các vùng kinh tế khác cùng phát triển là rất cần thiết. Đồng thời, nhà nước cần có chính sách thu hút ngày càng nhiều dân cư đến ở và lập nghiệp lâu dài trên các đảo, quần đảo, nhất là quần đảo xa bờ.

Bên cạnh đó, chúng ta cần đầu tư xây dựng lực lượng quốc phòng trên biển, đảo vững mạnh, chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang, đủ sức làm nòng cốt trong nhiệm vụ phòng thủ, bảo đảm an ninh, trật tự xã hội trên biển, đảo. Lực lượng dân quân biển, các hải đoàn tự vệ, các lực lượng chấp pháp (cảnh sát biển, kiểm ngư, biên phòng…) phải được củng cố; kiện toàn Hải quân về tổ chức biên chế, theo hướng tinh gọn, cơ động, linh hoạt cao, có sức chiến đấu mạnh; đồng thời, nghiên cứu, vận dụng nghệ thuật tác chiến của Hải quân và các lực lượng vũ trang khác trên chiến trường biển, đảo một cách sáng tạo, linh hoạt để sẵn sàng đánh thắng trong mọi tình huống.

Tôi cho rằng, rất cần phát triển dân quân biển thành lực lượng đấu tranh trên biển. Đây là một thành phần của lực lượng vũ trang, đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng. Lực lượng này không những được trang bị phương tiện chắc chắn, ngày càng hiện đại, mà còn cần được tổ chức, liên kết chặt chẽ, thông tin thông suốt, có nguồn tài trợ từ ngân sách nhà nước.

Khu vực phòng thủ các tỉnh, thành phố ven biển cũng phải được coi trọng, đặc biệt là xây dựng các đảo trở thành “pháo hạm” kiên cố; tăng cường hợp tác chiến lược toàn diện với các cường quốc, hợp tác quốc phòng trong ASEAN; tích cực bổ sung, hoàn thiện kế hoạch phòng thủ bảo vệ biển, đảo để giữ vững chủ quyền, ngăn chặn xung đột vũ trang…

Việt Nam cần kiên quyết, kiên trì đấu tranh giữ vững chủ quyền, bằng các biện pháp hòa bình, tránh sử dụng vũ lực, tránh để bị viện cớ “nạn nhân” để lấn tới.

– Các nước trên thế giới, đặc biệt là một số nước lớn và các nước ở ASEAN xác định nền quốc phòng của họ ra sao?

– Mỹ, Canada và 26 nước khác (hầu hết là các nước EU) duy trì khối liên minh quân sự Bắc Đại Tây dương (NATO) từ 70 năm nay. Chức năng của NATO ban đầ là “đối trọng” , kiềm chế Liên Xô. Suốt 40 năm đầu tiên (1949-1989), NATO là công cụ phục vụ cuộc Chiến tranh Lạnh và chịu sự chi phối rõ rệt của Mỹ. Sau khi khối Hiệp ước Vácsava và Liên Xô tan rã, NATO không ngừng mở rộng, chuyển đổi thành công cụ quân sự toàn cầu, đồng thời là phương tiện để Mỹ mở rộng ảnh hưởng và thể hiện sức mạnh.

Ngày 25/6/2018, theo sáng kiến của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Bộ trưởng Quốc phòng 9 nước châu Âu (Pháp, Đức, Bỉ, Anh, Đan Mạch, Hà Lan, Estonia, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha) đã ký văn bản thành lập lực lượng can thiệp Châu Âu, nhằm triển khai và phối hợp các lực lượng quân sự để nhanh chóng ứng phó với các cuộc khủng hoảng xảy ra trên thế giới. Ngoài 9 nước trên, các nước không phải thành viên Liên minh Châu Âu (EU) có thể tham gia lực lượng này trong tương lai.

Trong khối ASEAN, các nước Singapore và Malaysia đã cùng Anh, Australia, New Zealand, hình thành Hiệp ước Phòng thủ năm cường quốc (FPDA). Đây là cơ chế hợp tác quốc phòng để ứng phó với các thách thức an ninh. Đối với Singapore và Malaysia, mục tiêu thực sự của hai nước này là ngăn chặn gây hấn hoặc xâm lược trực tiếp từ nước láng giềng. Mặt khác, Singapore còn có một mục tiêu nữa là răn đe và giảm thiểu khả năng bị đe dọa hay xâm lược từ chính Malaysia. Điều này được phản ánh trong tư duy chiến lược của Singapore, theo đó nước này luôn sẵn sàng cho một kịch bản chiến tranh và củng cố thế trận phòng thủ liên hoàn dọc biên giới tiếp giáp với Malaysia.

vnexpress.net

Tin cùng chuyên mục: