Lợi dụng vụ tranh chấp quyền sử dụng đất ở đan viện Thiên An để kêu gọi biểu tình, kích động mâu thuẫn tôn giáo
Gần đây, nhiều nhóm Công giáo bất mãn đã lợi dụng vụ tranh chấp quyền sử dụng đất ở đan viện Thiên An để kêu gọi biểu tình, đồng thời kích động mâu thuẫn tôn giáo. Xin chuyển đến các bạn bài viết đánh giá góc nhìn của chúng tôi về vụ việc này.
Trước năm 1975, dưới thời thực dân Pháp và chế độ Việt Nam Cộng hòa cũ, đan viện Thiên An sở hữu một khu đất và rừng thông rộng hơn 107 ha ở đồi Thiên An, xã Thủy Bằng, tỉnh Thừa Thiên Huế. Năm 1976, Ủy ban Nhân dân Cách mạng tỉnh Thừa Thiên Huế đã thu hồi khu đất đó, rồi giao cho Lâm trường Tiền Phong sử dụng làm đất canh tác lâm nghiệp, trên tinh thần của chính sách “xóa bỏ tàn tích chiếm hữu ruộng đất và các hình thức bóc lột thực dân phong kiến ở miền Nam Việt Nam”. Từ đó đến nay, Lâm trường Tiền Phong đã chuyển đổi quyền sở hữu của một số lô đất thuộc đồi Thiên An cho các chủ sở hữu cá nhân, theo đúng thủ tục mà pháp luật quy định. Trong khi đó, đan viện Thiên An tiếp tục phủ nhận hiệu lực của quyết định thu hồi đất năm 1976, và khẳng định rằng họ là chủ sở hữu hợp pháp của cả 107 ha đất trên đồi Thiên An.
Từ năm 2016, các tu sĩ ở đan viện Thiên An đã có nhiều va chạm với chính quyền địa phương và những hộ gia đình đang sử dụng khu đất. Chẳng hạn, khi đan viện xây một cây thánh giá trong phần đất đồi, chính quyền xã khẳng định rằng đó là “công trình xây dựng trái phép” và yêu cầu phá dỡ. Ngược lại, khi chính quyền xã xây đường xá, hoặc cư dân địa phương xây nhà ở trên phần đất đồi, Đan viện cũng cho người phá phách hoặc ngăn cản. Trong các vụ việc này, tờ báo của tỉnh viết rằng đan viện Thiên An đang “phá rừng, chiếm đất, tấn công người dân”; còn Đan viện nói với truyền thông Công giáo và báo chí, chính giới nước ngoài rằng Nhà nước Việt Nam đang “đập phá thánh giá”, “đánh đan sĩ”, “lấn chiếm đất của tôn giáo”.
Đan viện Thiên An
Đầu năm 2017, đan viện Thiên An hưởng ứng phong trào biểu tình “cách mạng cá” do Giáo phận Vinh phát động. Đổi lại, vào tháng 07/2017, Giáo phận Vinh tổ chức thắp nến cầu nguyện cho đan viện Thiên An… Có lẽ nhờ những hoạt động truyền thông đó, đan viện Thiên An đã nhận được thêm sự chú ý của chính giới nước ngoài. Chẳng hạn, trong các báo cáo nhân quyền, báo cáo về tự do tôn giáo được công bố hồi đầu năm 2018, Bộ Ngoại giao Mỹ đã mô tả Thiên An như một trường hợp vi phạm quyền tự do tôn giáo, và một vụ “tịch thu đất, định giá và bồi hoàn thiếu công bằng”, dẫn đến “thiếu minh bạch” và “tham nhũng”.
Khoảng tháng 08/2018, ông Nguyễn Đăng Tuấn, chủ sử dụng mới của một lô đất từng được chuyển cho nông trường Tiền Phong, đã bắt đầu dùng phần đất này để xây nhà thờ tổ. Vì nhà thờ này có tường bao dọc theo lối đi vào đan viện Thiên An, các đan sĩ cho rằng ông Tuấn đang lấn đất, đồng thời làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đến cảnh quan của đan viện. Sau nhiều lần lời qua tiếng lại, ngày 01/11/2018, các đan sĩ chuyển sang phản đối công trình mới bằng một đợt biểu tình dài 01 tuần. Như những lần trước, họ phản đối mọi hoạt động của cư dân, doanh nghiệp và chính quyền địa phương trên khu đất đồi mà họ cho là của họ, đồng thời đòi quyền sử dụng khu đất. Các đan sĩ đã đưa tin, ảnh, clip về cuộc biểu tình này qua 3 trang Facebook là “Đan viện Thiên An”, “Nụ Cười Trái Tim” và Hung Tran, cùng các cuộc phỏng vấn trên VOA và RFA. Ngoài ra, linh mục Nguyễn Văn Đức, người từng giữ chức Bề trên tại đan viện Thiên An, cũng tuyên bố rằng Vatican đang thu thập thông tin về vụ việc, và sẽ đến thị sát tại Thiên An vào tháng 02/2019.
Các vụ tranh chấp, va chạm thường xảy ra tại đây
Chiều 02/11, Ban Tôn giáo tỉnh Thừa Thiên Huế đã cử đại diện đến đan viện Thiên An để thuyết phục họ ngừng biểu tình, và hứa sẽ trả lời họ bằng văn bản vào ngày 06/11. Đáp lại, đan viện đã tạm ngừng biểu tình, đồng thời đăng tin này kèm ảnh chụp đơn khiếu nại của họ lên Facebook.
Dường như đan viện Thiên An đang áp dụng “giá trị kép” trong vụ việc này. Họ vừa đòi Nhà nước Việt Nam tuân thủ pháp luật, vừa phủ nhận giá trị của các luật về quyền sử dụng đất hình thành từ năm 1976. Mặt khác, họ cũng quá tham lam khi muốn đòi lại toàn bộ vùng đồi mình từng sở hữu, trong khi phần đất mà Nhà nước giao cho họ sử dụng đến nay vẫn đủ dùng. Thái độ tham lam và hằn học này sẽ chỉ khiến đan viện Thiên An biểu tình đòi đất từ năm này đến năm khác, để trở thành con tốt của các nhóm chống Cộng và Công giáo cực đoan, chứ không bao giờ được hài lòng, yên ổn để tu tập.
Nếu đan viện Thiên An tỉnh táo, họ sẽ đề nghị Nhà nước dùng đồi Thiên An làm công viên cây xanh, rồi phối hợp trồng và chăm sóc các cây thông ở vùng đồi này. Làm vậy, họ vừa bảo vệ được cảnh quan tại nơi ở của mình, vừa thoát khỏi một cuộc xung đột không có hồi kết, chỉ làm lợi cho các nhóm cơ hội chính trị khắp nơi đóng vai kền kền, nhảy vào trục lợi.
Loa phường