Người phụ nữ bỏ trốn khỏi khu vực cách ly dịch virus corona hiện đang ở Trung Quốc
Thông tin mới nhất về người phụ nữ bỏ trốn khỏi khu cách ly dịch virus corona tại Trung đoàn 123 thuộc Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Lạng Sơn, chiều ngày 11/2, đại tá Nguyễn Trung Thực, Giám đốc Công an tỉnh Lạng Sơn cho biết đã xác định được vị trí bà N.T.D. (44 tuổi, ở huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng). Theo đó, bà D. hiện đã trốn sang Trung Quốc.
Giám đốc Công an tỉnh Lạng Sơn cho hay, lý do bỏ trốn là do bà D. sang bên cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn thăm chồng và được các cơ quan chức năng của Việt Nam cho cách ly. Tuy nhiên, trong thời gian cách ly bà D đã bỏ trốn về Pò Chai, Trung Quốc (đối diện của khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn), để về trông hàng hóa.
Đại tá Thực nói rằng, bà D có giải thích: “Nếu bị lực lượng chức năng của chúng ta cách ly 14 ngày thì sợ kẻ xấu trộm hết hàng hóa ở một kiot ở bên Trung Quốc, nên mới trốn về bên đó”.
Đồng thời, đại tá Nguyễn Trung Thực cho biết, đã gọi điện báo với cơ quan Công an tỉnh Quảng Tây về trường hợp này. “Bà D cũng nói là không về Việt Nam lại trong thời gian dịch bệnh nCov đang bùng phát”, ông Thực nói.
Trước đó, vào sáng 10/2, lực lượng chức năng phát hiện bà D. vắng mặt tại khu cách ly cùng 2 người khác. Sau khi tìm kiếm, 2 trong 3 người vắng điểm danh vẫn có mặt, còn bà D. thì mất tích. Sau đó, Công an tỉnh Lạng Sơn đang phối hợp với Công an Hải Phòng truy tìm bà N.T.D. bỏ trốn khỏi khu cách ly vào sáng qua, đến nay chưa quay lại.
Chánh văn phòng UBND huyện Thủy Nguyên Bùi Mạnh Hưng cho biết, bà D. chưa xuất hiện tại địa bàn huyện. Công an địa phương sau đó đã truy tìm người phụ nữ này, đồng thời tìm hiểu các mối quan hệ gia đình, người thân, bạn bè của bà D.
Hiện, Trung đoàn 123 đang phụ trách cách ly hơn 400 người từ Trung Quốc trở về Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (tỉnh Lạng Sơn). Tại đây, các chế độ sinh hoạt đều do cán bộ, chiến sỹ hỗ trợ, việc cách ly kéo dài 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh vào Việt Nam.
Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng VPLS Tinh Thông Luật, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, ngày 1/2/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra thuộc nhóm A (nhóm có mức độ nguy hiểm cao nhất).
Căn cứ vào Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007 thì bệnh truyền nhiễm được chia làm ba loại A, B và C.
Theo đó, bệnh truyền nhiễm nhóm A là mức độ nghiêm trọng nhất gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm, có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỉ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh. Đối với các bệnh thuộc nhóm A, khai báo y tế, cách ly người bệnh là một trong những biện pháp hành chính đầu tiên khi có dịch để đảm bảo an toàn cộng đồng nhằm ngăn chặn lây lan dịch bệnh.
Điều 8 Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm nghiêm cấm các hành vi như: Cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm. Người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm và người mang mầm bệnh truyền nhiễm làm các công việc dễ lây truyền tác nhân gây bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật.
Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật. Cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm. Phân biệt đối xử và đưa hình ảnh, thông tin tiêu cực về người mắc bệnh truyền nhiễm. Không triển khai hoặc triển khai không kịp thời các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo quy định của Luật này. Không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Ngoài ra người bệnh, người nhà người bệnh nhân trong phòng lây nhiễm bệnh truyền nhiễm tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh còn phải có trách nhiệm: Khai báo trung thực diễn biến bệnh; Tuân thủ chỉ định, hướng dẫn của thầy thuốc, nhân viên y tế và nội quy, quy chế của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A ngay sau khi xuất viện phải đăng ký theo dõi sức khỏe với y tế xã, phường, thị trấn nơi cư trú. Người nhà người bệnh có trách nhiệm thực hiện chỉ định, hướng dẫn của thầy thuốc, nhân viên y tế và nội quy, quy chế của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Tại Điều 6 Nghị định 176/2013 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế, cá nhân nào phát hiện người mắc bệnh truyền nhiễm nhưng không khai báo sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đến 500.000 đồng.
Ngoài mức phạt cho hành vi không khai báo bệnh, còn ở mức độ nặng hơn nữa là hành vi che giấu bệnh dịch của mình hoặc người khác. Khoản 2 Điều 6 Nghị định 176/2013 quy định cá nhân che giấu hiện trạng bệnh truyền nhiễm của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A sẽ bị xử phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng.
Mức phạt này cũng được áp dụng với hành vi không thực hiện việc xét nghiệm phát hiện bệnh truyền nhiễm nhóm A theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cá nhân nào phát hiện trường hợp mắc bệnh dịch mà không khai báo hoặc che giấu tình trạng bệnh của mình hoặc của người khác thì đều bị xử phạt theo quy định như trên. Quy định này nhằm góp phần ngăn chặn bệnh truyền nhiễm lây lan ra cộng đồng.
Bên cạnh đó, hành động bỏ trốn khỏi nơi cách ly này đã thu hút được sự quan tâm lớn từ phía dư luận, nhiều người tỏ ra lo lắng và cho rằng cơ quan chức năng cần phải có những chế tài để xử lý đối với những trường hợp nêu trên.
Điều 10 của nghị định 176/2013 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế, mức phạt có thể lên đến 10 triệu đồng.
Cụ thể, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Không tổ chức thực hiện việc cách ly y tế đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; Từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế theo khoản 3 của điều luật nêu trên.
Hành vi không khai báo, trốn khỏi nơi cách ly…còn có thể xử lý về hình sự theo Điều 315 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017 về Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác.
Theo đó, tùy theo mức độ gây thiệt hại mà có thể bị phạt tù từ 01 năm đến 10 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.