Bi kịch của những gia đình Afghanistan phải bán con để có tiền mua thức ăn
Các gia đình kiệt quệ ở Afghanistan đã phải dứt ruột bán con để có tiền trang trải cuộc sống sau khi Taliban lên nắm quyền và các chính phủ nước ngoài dừng viện trợ, đẩy nền kinh tế vốn mong manh trên bờ vực sụp đổ.
Theo trang Daily Mail (Anh), phóng viên Yogita Limaye của đài BBC đã đến thăm một ngôi làng ở ngoại ô thành phố Herat, ở phía tây Afghanista. Cô đã trò chuyện với một người mẹ phải bán đi đứa con gái sơ sinh của mình với giá 500 USD để có tiền mua thức ăn cho những đứa con khác.
Người mua là một người đàn ông giấu tên, cho biết ông muốn nuôi bé gái này để sau này gả cho con trai mình. Tuy nhiên, không có gì đảm bảo rằng ông ta sẽ thực hiện ý định đó. Người đàn ông này đã trả trước 250 USD, đủ để nuôi cả gia đình bé gái trong vài tháng và sẽ trả phần còn lại khi quay lại đón đứa trẻ vào lúc bé gái có thể đi.
Người mẹ chia sẻ: “Những đứa con khác của tôi đang chết đói, vì vậy chúng tôi phải bán con gái mình. Làm sao tôi không buồn được? Đứa bé là con tôi dứt ruột sinh ra. Tôi ước gì mình không phải bán con”.
Cha của bé gái từng kiếm sống bằng cách thu gom rác, nhưng hiện cũng gặp khó khăn với công việc này. Ông giải thích rằng gia đình không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải bán con.
“Chúng tôi đang chết đói. Hiện giờ chúng tôi không có bột mì, không có dầu ăn trong nhà. Chúng tôi không còn gì cả. Con gái tôi không biết tương lai sẽ thế nào. Tôi không biết nó sẽ cảm thấy thế nào. Nhưng tôi buộc phải làm điều đó”, người cha cho biết.
Afghanistan – một quốc gia nghèo khó bị tàn phá bởi các cuộc xung đột hàng thập kỷ và tham nhũng tràn lan – chủ yếu phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài, chiếm khoảng 40% GDP của đất nước. Tuy nhiên đại dịch COVID-19, hạn hán, sự sụp đổ nhanh chóng của chính phủ cũ và sự tiếp quản của Taliban cách đây 3 tháng, đã khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn bao giờ hết. Quốc gia này đang trên bờ vực suy thoái kinh tế.
Giá trị đồng nội tệ đã sụt giảm trong khi giá lương thực tăng vọt, viện trợ bị gián đoạn, người lao động không được trả lương, các doanh nghiệp đóng cửa và các gia đình buộc phải bán đi tất cả những gì họ sở hữu, thậm chí cả con cái, chỉ để mưu sinh qua ngày.
Nạn tảo hôn đã xuất hiện ở Afghanistan trong nhiều thế kỷ, nhưng tình hình kinh tế tồi tệ của đất nước đã khiến nhiều gia đình, như trường hợp ở Herat, phải sử dụng đến các thỏa thuận cưới hỏi từ sớm đối với trẻ em gái.
Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) cảnh báo hơn một nửa dân số Afghanistan (khoảng 22,8 triệu người) có nguy cơ bị suy dinh dưỡng cấp tính và tử vong trong những tháng tới. Một triệu trẻ em có nguy cơ tử vong nếu không được điều trị suy dinh dưỡng ngay lập tức.
WFP cho biết sẽ cần hàng triệu USD để ngăn chặn tình huống xấu nhất, nhưng các chính phủ nước ngoài vẫn chần chừ trong việc viện trợ cho Afghanistan vì lo ngại các khoản tiền này sẽ rơi vào tay Taliban.
Trong khi đó, một báo cáo của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em cảnh báo rằng các gia đình đang bán tất cả những gì họ có để mua thức ăn hay buộc con cái đi làm sớm. 8 đứa trẻ được cho là đã chết đói ở thủ đô Kabul trong tuần này. Mohammad Ali Bamiyani, nhà thuyết giáo tại một nhà thờ Hồi giáo, nói với phóng viên rằng những đứa trẻ này đã mồ côi trong những tháng gần đây sau khi cha qua đời vì bệnh ung thư, còn mẹ chết vì bệnh tim.
“Cả 8 đứa trẻ đều đã chết. Rõ ràng là chúng đã chết đói. Chúng đói đến mức không thể duỗi thẳng chân”, ông Bamiyani cho biết.
WFP cảnh báo rằng nghèo đói trước đây chỉ xảy ra ở các vùng nông thôn của Afghanistan, đã tấn công cả các thành phố lớn, tất cả đều phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực trong mùa đông năm nay.
“Thất nghiệp gia tăng và khủng hoảng thanh khoản sẽ khiến các trung tâm đô thị lớn đều phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực, bao gồm cả những người thuộc tầng lớp trung lưu trước đây”, một báo cáo hôm 26/10 cho biết.
Trong khi đó, mùa đông khắc nghiệt đang đe dọa sinh kế của người dân các vùng nông thôn, nơi 7,3 triệu người đang phải phụ thuộc vào nguồn lương thực viện trợ sau khi các trang trại bị ảnh hưởng nặng nề bởi hạn hán.
WFP đang khẩn cấp kêu gọi tài trợ cho Afghanistam và cho biết nước này có thể cần khoảng 220 triệu USD mỗi tháng để đảm bảo người dân không chết đói. Hơn nữa, việc không có viện trợ nước ngoài cũng có tác động nguy hiểm đến hệ thống y tế của quốc gia này. Nhân viên y tế không được trả lương và không có tiền để mua vật tư y tế.
Một bà mẹ của 2 đứa trẻ sinh đôi đang điều trị tại bệnh viện Médecins Sans Frontières ở Herat nói với Limaye: “Hai đứa con của tôi có thể sẽ phải chết vì chùng tôi không có tiền. Tôi muốn thế giới giúp đỡ người dân Afghanistan. Tôi không muốn bất kỳ người mẹ nào khác phải nhìn thấy con mình khổ sở như thế này”.
Các nhà lãnh đạo thế giới đã cam kết viện trợ khoảng 1 tỷ USD cho Afghanistan nhưng đang phải vất vả để tìm cách đưa khoản tiền đó vào nước này mà không rơi vào tay Taliban. Ông Alex Zerden, một cựu quan chức Bộ Tài chính và là thành viên của Trung tâm An ninh Mỹ mới, cảnh báo vào tháng trước rằng khả năng tham nhũng trong lực lượng Taliban là rất lớn.
HSV