Bỏ phạm trù “Ngụy quân”, “Ngụy quyền”, công nhận chế độ “Việt Nam Cộng hòa” – Một âm mưu lật sử!
Thiếu tướng Hoàng Kiền – tác giả của bài viết
Vừa qua trên mạng xã hội đăng lời nói của PGS – TS Nguyễn Mạnh Hà – Nguyên viện trưởng viện Lịch sử Đảng thuộc Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là bỏ các cụm từ “ ngụy quân”, “ ngụy quyền “ của một tập giai đoạn 1954 – 1975 trong bộ quốc sử Việt Nam 25 tập đang biên soạn. Ông Hà đưa ra lời biện minh là:
Việt Nam cộng hoà là một chế độ tồn tại thực tế, có chính quyền, có quốc kỳ, có quốc ca có mục đích lí tưởng.
Chính quyền Việt Nam cộng hoà đã chiến đấu bảo vệ Hoàng Sa.
Có công nhận Việt Nam cộng hoà mới có cơ sở pháp lý để đấu tranh đòi lại Hoàng Sa và một số đảo ở Trường Sa.
Tôi cho rằng ý kiến này là hết sức sai trái, một âm mưu lật sử rất nguy hiểm cần bác bỏ.
Cách đây hơn một năm, một cựu sĩ quan quân ngụy Sài Gòn di tản sang Mỹ, sống ở Califocnia, sau một thời gian kết bạn trên facebook có tranh luận với tôi về vấn đề này. Mấy vấn đề ông ấy nêu ra là:
Năm 1954 tôi đã chạy vào Nam, hai miền Bắc, Nam đất của ai người ấy ở cớ gì các ông vào xâm chiếm của chúng tôi, xâm lược Việt Nam cộng hoà.
Các ông nói vượt Trường Sơn vào Nam đánh Mỹ, thực chất là vào xâm lược Việt Nam cộng hoà.
Các ông nói “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, câu nói ấy là miệt thị.
Chúng tôi chiến đấu vì quốc gia dân tộc, chúng
tôi thua cuộc, mất nước nên lại phải chạy một lần nữa sang Hoa Kì, sống nơi đất khách quê người.
Chúng ta chỉ có hoà giải chứ không có hoà hợp.
Nay nghe lại lời nói của ông Nguyễn Mạnh Hà, tôi cảm nhận giống hệt như suy nghĩ và phát biểu của cựu sĩ quan ngụy Sài Gòn đã tranh luận với tôi trước đây.
Đã có nhiều bài viết phê phán, phản đối, nhất là bài của Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn và thượng tá Công An Nguyễn Quang Thiệu.
Mấy năm nay một số nhà sử học đã đưa ra vấn đề này, nó là vấn đề quan điểm, tư tưởng chứ không đơn thuần là câu nói đơn giản. Đã đến mức độ nguy hiểm.
Tôi xin nêu mấy nét về bài đã viết tranh luận với ông cựu sĩ quan ngụy quân Sài Gòn trước đây. Đồng thời cũng gửi tới ông Nguyễn Mạnh Hà lời chỉ ra những sai trái trong lời nói của ông.
* Vấn đề thứ nhất: Ông cựu sĩ qua ngụy nói: Tôi ở miền Bắc ông ở Miền Nam, đất ai người ấy giữ, tại sao các ông còn vào xâm lược miền Nam tức là Việt Nam cộng hoà. Tôi cho rằng nói như vậy là không khách quan, không thuyết phục, không phù hợp với truyền thống lịch sử đấu tranh thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam.
Xuyên suốt hơn bốn nghìn năm lịch sử của dân tộc Việt Nam là một quá trình đấu tranh mở mang bờ cõi và thống nhất đất nước. Nhìn lại lịch sử cận đại và hiện đại để cùng xem xét. Nước ta đã giành được độc lập sau 1000 năm Bắc thuộc do Ngô Quyền chiến thắng quân Nam Hán năm 938 trên sông Bạch Đằng thật vẻ vang. Thế rồi đến giai đoạn tình hình nội bộ lộn xộn 12 xứ quân nổi lên cát cứ, chia cắt đất nước. Đinh Bộ Lĩnh đã phất cờ bông lau dẹp loạn thống nhất non sông lấy tên là Đại Cồ Việt, lập ra triều đại nhà Đinh, Đinh Tiên Hoàng lên ngôi vua vào năm 968, Ông đã lên ngôi thật vẻ vang. Đến triều đại nhà Lê, vua Lê – chúa Trịnh, Trịnh- Nguyễn phân tranh lấy sông Gianh làm giới tuyến, hai miền Nam Bắc chia đôi, Đàng trong do chúa Nguyễn cai trị, Đàng Ngoài do chúa Trịnh cai trị, chiến tranh kéo dài hơn 100 năm không phân thắng bai. Nguyễn Huệ phất cờ khởi nghĩa dẹp Trịnh, dẹp Nguyễn giúp nhà Lê thống nhất đất nước, ông còn đưa quân đánh bại quân nhà Thanh do Lê Chiêu Thống hèn hạ rước về vào năm 1789. Sau đó ông lên ngôi Hoàng Đế lấy tên hiệu là Quang Trung, thật vẻ vang. Thời kỳ Pháp đô hộ, xâm lược Việt Nam kéo dài gần một trăm năm. Nguyễn Ái Quốc đã ra đi tìm đường cứu nước, sau 30 năm bôn ba hải ngoại, Ông về nước lãnh đạo nhân dân Việt nam kháng chiến. Đã phát động cuộc tổng khởi nghĩa vũ trang trên toàn quốc vào 19/8/1945 giành chính quyền từ tay phát xít Nhật, lập ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, nhà nước Công-Nông đầu tiên ở Đông nam Á. Pháp quay trở lại cướp nước ta lần thứ hai, Hồ Chí Minh đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam kháng chiến 9 năm giành thắng lợi, sau chiến dịch Điện Biên Phủ, hiệp định Giơ-Ne-Vơ được ký kết vào tháng 7 năm 1954. Quốc tế công nhận nước Việt Nam độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ. Chỉ tạm thời chia Việt Nam thành hai miền Nam – Bắc lấy vỹ tuyến 17 làm ranh giới tạm thời và sẽ tổng tuyển cử vào tháng 7 năm 1956. Thắng lợi Điện Biên Phủ các ông có thể không được phổ biến đầy đủ về vai trò ý nghĩa của nó. Lẽ ra năm 1956 sẽ tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Ba giai đoạn của lịch sử là ba cuộc đấu tranh thống nhất đất nước đều do những người nông dân, xuất thân từ nông dân áo vải phất cờ khởi nghĩa. Họ là những người đại diện cho nguyện vọng ý chí của nhân dân về một nước Việt Nam thống nhất. Ông nói miền Nam của các ông, miền Bắc của chúng tôi là trái với nguyện vọng của tuyệt đại đa số nhân dân Việt Nam.
Miền Nam, miền Bắc đã có hai thời kỳ chia cắt nhưng không thể chia cắt vĩnh viễn. Ông đã đăng ảnh đền thờ Quốc tổ Hùng Vương tôi hoan nghênh. Nước ta có từ thời Hùng Vương, trung tâm ở khu vực Phú Thọ ngày nay, tổ tiên ta mở mang bờ cõi tiến về phương nam. Thời nhà Nguyễn mở mang mạnh mẽ nhất vào phía nam. Người miền Nam đều là con cháu vua Hùng mở mang ra cả, gốc gác miền Nam cũng từ phía bắc tiến vào.
Dòng họ Huỳnh cũng gốc từ miền bắc vào, khi vào Nam theo chúa Nguyễn Hoàng, để khỏi phạm huý đã đổi họ từ Hoàng sang Huỳnh. Hoàng – Huỳnh là một, ông đang vận động kết nối các thành viên dòng họ Hoàng – Huỳnh mà lại bảo miền Nam của các ông, miền Bắc của chúng tôi là mâu thuẫn với chính ông và trái với lòng dân.
Từ khi Nguyễn Ánh “cõng rắn cắn gà nhà”, năm 1858 Pháp nổ phát súng đầu tiên đánh vào Đà Nẵng, đến năm 1884 họ đã thực hiện xong mưu đồ đô hộ Việt Nam, cả dân tộc ta sống trong lầm than đau khổ. Các phong trào đấu tranh của các sỹ phu yêu nước đều thất bại, bị đàn áp dìm trong biển máu. Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã ra đi tìm đường cứu nước, lãnh đạo kháng chiến thành công. Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, hiệp định Giơ-Ne-Vơ được ký kết lập lại hoà bình ở Đông Dương. Theo hiệp định năm 1956 tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Ngô Đình Diệm và người Pháp, người Mỹ đã có âm mưu phá hoại bầu cử ngay từ sau khi ký hiệp định. Lúc đó dân số miền Bắc nhiều hơn miền nam ba triệu người, nếu bầu cử ông Ngô Đình Diệm sẽ thua ông Hồ Chí Minh. Chính vì thế họ đã đưa ra chiêu bài Chúa vào Nam, xúi dục, cưỡng bức 1 triệu giáo dân miền Bắc di cư vào Nam để hòng chống lại việc thống nhất đất nước và có lợi khi bầu cử, vì những người di cư đều là Thiên chúa giáo sẽ bầu cho Ngô Đình Diệm, ông ta là người Công giáo cuồng nhiệt, chống Cộng điên cuồng. Ngô Đình Diệm được quốc trưởng Bảo Đại đưa lên làm thủ tướng, ông đã cho tay chân bí mật tổ chức bầu cử thử ở Vĩnh Trà (Nam bộ) kết quả Hồ Chí Minh được 95% số phiếu, Bảo Đại chỉ được 5%, thấy uy tín của Bảo Đại thấp ông Diệm tổ chức trưng cầu dân ý vào năm 1955, phế truất Bảo Đại để lên làm quốc trưởng đổi tên nước ở miền Nam từ Quốc gia Việt Nam thành Việt Nam cộng hoà. Từ đó ông tuyên bố bác bỏ tổng tuyển cử và bất hợp tác với người Pháp buộc Pháp phải rút quân đội viễn chnh khỏi Dông Dương mở đường cho quân Mỹ vào Miền Nam. Sau đó ông cùng với người Mỹ phá hoại hiệp định Giơ ne vơ. Nếu ông Diệm không phá hoại tổng tuyển cử thì tôi và ông không cầm súng ở hai bên chiến tuyến trực chờ bắn nhau. Quốc tế công nhận Việt Nam độc lập thống nhất thông qua tổng tuyển cử. Nếu bầu cử ông Diệm sẽ thua, mặc dù ông cũng là người có tính dân tộc chống lại nước Pháp, nhưng lại thân Mỹ, tư tưởng đường lối của ông không được đa số nhân dân ủng hộ.
Vấn đề phân chia hai miền Nam – Bắc là do tội lỗi của Ngô Đình Diệm cầm đầu cùng những người thuộc hạ của ông, được người Mỹ hậu thuẫn. Việt Nam cộng hoà là do người Mỹ dưng tên tay sai bán nước Ngô Đình Diệm lên lập ra, điều đó hoàn toàn bất hợp pháp, trái với hiệp định Gioneve.
* Vấn đề thứ hai : Ông nói chúng tôi là SINH BẮC TỬ NAM, năm 1960 theo đường Trường Sơn vào để xâm lược miền Nam.
Sau năm 1954 miền Bắc nghiêm chỉnh chấp hành hiệp định Giơ-Ne-Vơ và thực hiện giải trừ quân bị cho phục viên chuyển ngành tới mười vạn quân, hừng hực khí thế xây dựng sau chiến tranh,
chuẩn bị cho tổng tuyển cử vào tháng 7/1954 để thống nhất đất nước. Nhưng ở miền Nam ông Ngô Đình Diệm tuyên bố bác bỏ hiệp định Giơ- Ne-Vơ, không thực hiện tổng tuyển cử, bất hợp tác với chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà. Uỷ ban giám sát quốc tế về bầu cử gồm ba nước: Ấn Độ dẫn đầu, Ca na đa và Ba Lan, nhưng ông Diệm bất hợp tác nên không tiến hành tổng tuyển cử được, Uỷ ban bị vô hiệu hoá.
Ông Diệm đã mở ra một chiến dịch “Tố Cộng, diệt Cộng” với chỉ thị: Thấy Cộng sản là bắn bỏ, thấy ai ủng hộ Cộng sản là bắn bỏ. Ông đã ban hành đạo luật 10/59 lê máy chém đi khắp miền Nam truy lùng bắt bớ chém giết những người yêu nước, với chỉ thị chỉ xét trong vòng 3 ngày là xử ngay, giết nhầm còn hơn bỏ sót. Hàng chục vạn người yêu nước đã bị hãm hại. Ông còn dồn dân vào các ấp chiến lược với âm mưu tát nước bắt cá, thực chất là đưa nhân dân miền Nam vào các trại tập trung để quản thúc. Phong trào đấu tranh của nhân dân miền Nam sôi sục để lật đổ chế độ Diệm – Nhu. Ông Diệm còn lớn tiếng hô lấp sông Bến Hải Bắc tiến vv. Ông kêu gọi người Mỹ đưa quân vào miền Nam Việt Nam. Thế rồi họ đã vào và gây ra cuộc chiến tranh phá hoại tàn khốc đối với miền Bắc Việt Nam, thực hiện các chiến lược chiến tranh ở miền Nam Việt Nam với hơn nửa triệu quân Mỹ và quân chư hầu gây ra bao nhiêu đau khổ hy sinh, mất mát cho nhân dân miền Nam.
Hồ Chí Minh nói: Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn song chân lý đó không bao giờ thay đổi. Trước sự đau khổ và lời kêu gọi của đồng bào miền Nam, miền Bắc đã chi viện cho miền Nam chống Mỹ cứu nước. Ngày 19/5/1959 đoàn 559 được thành lập để bắt nối liên lạc và chi viện cho nhân dân miền Nam đánh Mỹ chứ không phải năm 1960 . Đoàn 559 sau này phát triển thành Bộ Tư lệnh Trường Sơn, tôi có 6 năm chiến đấu ở đây nên hiểu rõ vấn đề này. Tôi đã hành quân bộ hai tháng vượt Trường Sơn vào chiến trường chiến đấu, có người đi bộ 6 tháng mới vào đến chiến trường Nam Bộ. Vô cùng khó khăn gian khổ ác liệt nhưng vẫn hăng hái lên đường. Trường Sơn là một chiến trường mà Mỹ đã huy động lực lượng không quân đánh phá bom đạn với quy mô và mức độ ác liệt nhất trong lịch sử chiến tranh của nhân loại. Trong cuộc chiến chống Mỹ cứu nước hơn một triệu chiến sỹ đã hy sinh trên chiến trường miền Nam vì sự nghiệp giải phóng miền Nam thốmg nhất đất nước. Không như ông nói chúng tôi là SINH BẮC TỬ NAM, mà phải nói là sinh ra từ miền Bắc vào chiến đấu giải phóng miền Nam hy sinh vì Tổ quốc. Nếu không có Ngô Đình Diệm cùng bè lũ tay sai bán nước phá hoại hiệp định Giơ-Ne-Vơ thì không có sự hy sinh xương máu này.
* Vấn đề thứ ba: Ông nói “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào” là miệt thị chế độ Việt Nam cộng hoà.
Tôi xin nói về từ Ngụy: Ngụy là một từ gốc Hán trong tiếng Việt có nhiều nghĩa tùy thuộc vào văn cảnh và từ ghép với nó. Nghĩa hay gặp có nghĩa là làm một cách giả tạo như trong từ ngụy trang, ngụy tạo. Một nghĩa khác là chỉ sự không chính thống, không được công nhận, bất hợp pháp như là trong từ ngụy triều, ngụy binh, ngụy quân, ngụy quyền.
Tại Việt Nam, Trong chính trị, từ này được dùng để chỉ một triều đình hoặc chính quyền do soán đoạt mà có, hoặc do quân xâm lược nước ngoài dựng lên để hợp thức hóa sự xâm lược, đô hộ và phục vụ cho sự đô hộ, xâm lược đó. Còn bản thân chính quyền đó không có thực quyền, thực lực, hữu danh vô thực, không đủ tiêu chuẩn, phẩm chất của một chính quyền hay triều đình đúng nghĩa, mang tính chất bất hợp pháp và không chính danh. Trong lịch sử các nước Đông Á như Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam, từ ngụy được sử dụng nhiều trong các văn bản lịch sử.
Ở phương Tây, thuật ngữ “ngụy quyền” có cách gọi khác là chính quyền tay sai, hoặc Chính phủ bù nhìn (Puppet State).
Theo Từ điển bách khoa quân sự Việt Nam (2007) thì: “Ngụy quyền là chính quyền bản xứ do thế lực nước ngoài dựng lên, nuôi dưỡng, sử dụng làm công cụ xâm lược, nô dịch của họ. Ở Việt Nam, chính quyền Bảo Đại (1949-1954) và chính quyền Sài Gòn (1954-1975) đều là ngụy quyền (do Pháp và Mỹ dựng lên)”
Với phân tích như trên, chính quyền Sài Gòn là ngụy quyền, quân đội Sài Gòn là hoàn toàn chính xác.
Trong bài thơ chúc tết Kỷ Dậu năm 1969 của Hồ Chí Minh đối với toàn thể dân tộc Việt Nam. Toàn văn bài thơ như sau:
Năm qua thắng lợi vẻ vang
Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to
Vì độc lập, vì tự do
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào
Tiến lên chiến sỹ đồng bào
Bắc Nam xum họp xuân nào vui hơn.
Đánh cho Mỹ cút: Người Mỹ đã thua, hiệp định Pa Ri được ký kết . Mỹ đã rút quân khỏi Việt Nam vì họ sang xâm lược.
Đánh cho nguỵ nhào: Quân ngụy Sài Gòn đã sụp đổ tan rã, Đại tướng Dương Văn Minh tổng thống Nguỵ quyền Sài Gòn đã tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Nhưng chúng tôi chỉ đánh cho nhào thôi tức là tan rã tuỳ nghi di tản, tháo chạy. Quân đội nhân dân Việt Nam theo lời dạy của lãnh tụ Hồ Chí Minh rất nhân nghĩa, không sát hại những người thua cuộc. Không có sự trả thù đẫm máu sau chiến thắng. Đại tướng Dương Văn Minh đã được thả tự do cùng với tất cả sỹ quan binh lính ngụy quân sau khi được cải tạo giáo dục. Chưa có nơi nào trên thế giới đối xử nhân đạo văn minh như vậy. Về tổng thể là như thế, tuy vậy cũng có thể có nơi có chỗ có vấn đề thực hiện chưa hoàn chỉnh.
* Vấn đề thứ tư: Anh nói tương lai của dân tộc Việt Nam nằm trong tay những người ở quốc nội, nhận định của anh là hoàn toàn đúng, chỉ có người Việt Nam mới quyết định được tương lai của mình, không ai có thể can thiệp được. Đảng và nhà nước Việt Nam khuyến khích đồng bào ta ở nước ngoài hướng về xây dựng đất nước với các chính sách thông thoáng bình đẳng tạo điều kiện thuận lợi trong sản xuất kinh doanh. Người Việt Nam ở nước ngoài có quyền tham gia xây dựng đất nước như ông Nguyễn Cao kỳ đã từng là trung tướng – phó tổng thống Việt Nam cộng hoà là một ví dụ. Còn về tình hình đất nước sau 43 năm thống nhất đã đạt được những thành tựu quan trọng, được quốc tế thừa nhận và đánh giá cao. Tuy vậy cũng còn nhiều vấn đề phải giải quyết nhất là tham nhũng tiêu cực lãng phí có nơi có chỗ nghiêm trọng. Đảng Cộng sản, chính phủ và toàn thể nhân dân Việt Nam đang quyết tâm khắc phục để xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh văn minh.
Chiến tranh đã kết thúc, cả thế giới đều có đánh giá tốt về Việt Nam. Hồ Chí Minh được UNESCO tôn vinh là Danh nhân văn hoá thế giới, Võ Nguyên Giáp được xếp vào một trong những vị tướng tài hàng đầu trong lịch sử chiến tranh của nhân loại. Phía ngụy quyền, ngụy quân ông xem được thế giới đánh giá các tổng thống các tướng lĩnh như thế nào.?
Tại hội nghị Pa ri, Việt Nam dân chủ cộng hoà công nhận Việt Nam công hoà và yêu cầu Mỹ – Thiệu cũng phải công nhận Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hoà Miền Nam Việt Nam. Đây là vấn đề sách lược tài tình của Đảng Lao Động Việt Nam và lãnh tụ Hồ Chí Minh nhằm đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào.
Chung qui các vấn đề, các phát biểu đưa ra mục đích cuối cùng là cho bộ sử mới ra đời bỏ cụm từ “ngụy quân”, “ngụy quyền”, công nhận chế độ Việt Nam Cộng hoà song song tồn tại với Việt Nam dân chủ cộng hoà trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Như vậy là họ đã ghi vào lịch sử dân tộc : Miền Bắc là Việt Nam dân chủ cộng hoà xâm lược Miền Nam là Việt Nam cộng hoà. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước là phi nghĩa.
VẤN ĐỀ Công nhận Việt Nam cộng hoà vì họ đã chiến đấu bảo vệ Hoàng Sa. Là viện trưởng Viện lịch sử Đảng mà PGS – TS Nguyễn Mạnh Hà nói như vậy thì hoàn toàn sai lầm.
HOÀNG SA
Theo hòa ước San Francisco buộc Nhật từ bỏ sự chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa.
Lợi dụng tình hình rối ren Nhật đầu hàng đồng minh, quân Tưởng Giới Thạch được giao phó giải giáp quân Nhật từ vĩ tuyến 16 trở ra Bắc theo hiệp định Potsdam.
Ngày 29/11/1946 Trung Hoa Dân Quốc đưa bốn chiến hạm xuất phát từ cảng Ngô Tùng tới đảo Hoàng Sa và đổ bộ lên đây chiếm giữ đảo Phú Lâm. Lúc này Trung Hoa còn gọi Hoàng Sa là Đoàn Sa, chưa phải mang tên Nam Sa.
Chính phủ Pháp chính thức phản đối sự chiếm đóng bất hợp pháp trên của Trung Hoa Dân Quốc và ngày 17-10-1947.
Đến năm 1950 do thất bại chạy khỏi lục địa Trung Hoa, quân Trung Hoa Dân Quốc đã rút khỏi Hoàng Sa.
Chính phủ Pháp chính thức chuyển giao cho chính phủ Bảo Đại quyền quản lý các quần đảo Hoàng Sa. Thủ hiến Trung phần là Phan Văn Giáo đã chủ tọa việc chuyển giao quyền hành ở quần đảo Hoàng Sa. Thủ tướng kiêm ngoại trưởng Trần Văn Hữu của chính phủ Bảo Đại đã tuyên bố rằng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ Việt Nam. Sau năm 1950, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không còn quân nước ngoài chiếm đóng ngoài lực lượng trú phòng Việt Nam của chính quyền Bảo Đại.
Hiệp định Geneve ký kết năm 1954 chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương, công nhận độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất của nước Việt Nam. Điều 1 qui định đường ranh tạm thời về quân sự được ấn định bởi sông Bến Hải (ở vĩ tuyến 17). Đường ranh tạm thời này cũng được kéo dài ra trong hai phần bằng một đường thẳng từ bờ biển ra ngoài khơi theo điều 4 của hiệp định. Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở biển Đông ở dưới vĩ tuyến 17 sẽ đặt dưới sự quản lý hành chính của phía chính quyền quản lý miền Nam.
Như thế, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được đặt dưới sự quản lý hành chính của chính quyền Bảo Đại tiếp theo là ngụy quyền Sài Gòn, lúc ấy hai quần đảo này chưa có sự chiếm đóng của bất cứ quân đội nước nào ngoài quân đội Pháp.
Việc Pháp thua trận ở Điện Biên Phủ và ký Hiệp định Gênvo ngày 20 tháng 7 năm 1954, buộc quân Pháp phải rút khỏi Việt Nam vào tháng 4 năm 1956 và để khoảng trống bố phòng ở Biển Đông.
Lợi dụng lúc này Trung Quốc đã đánh chiếm nhóm phía Đông quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
TRUNG QUỐC ĐÁNH CHIẾM HẾT QUẦN ĐẢO HOÀNG SA CỦA VIỆT NAM
Lợi dụng tình sau hiệp định Pa ri, Mỹ rút quân khỏi Việt Nam, Trung Quốc thực hiện âm mưu đánh chiếm hết các đảo phía tây quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Ngày 15 tháng 1 năm 1974, sau khi tuyên bố lên án ngụy quyền Sài Gòn đã “xâm lấn đất đai của Trung Quốc”, “tất các quần đảo Nam Sa, Tây Sa, Đông Sa và Trung Sa là lãnh thổ của Trung Quốc”… Trung Quốc đã đưa quân đổ bộ và cắm cờ Trung Quốc lên các đảo Hữu Nhật, Quang Ảnh, Quang Hòa và Duy Mộng thuộc nhóm đảo phía Tây quần đảo Hoàng Sa.
Ngày 16 tháng 01 năm 1974, Tuần dương hạm Lý Thường Kiệt của hải quân ngụy đã đưa phái đoàn quân lực ra Hoàng Sa và phát hiện hai chiến hạm số 402 và 407 của Hải quân Trung Quốc đang ở gần đảo Hữu Nhật, xác nhận quân Trung Quốc đã chiếm đóng, cắm cờ trên các đảo Quang Hòa, Duy Mộng, Quang Ảnh… Lập tức Ngoại trưởng Vương Văn Bắc họp báo tố cáo Bắc Kinh đã huy động tàu chiến vi phạm vùng biển quần đảo Hoàng Sa và đưa binh lính đổ bộ xâm chiếm các đảo Hữu Nhật, Quang Ảnh, Quang Hòa, Duy Mộng thuộc nhóm phía tây quần đảo Hoàng Sa.
Ngày 17 tháng 01 đến ngày 20 tháng 01 năm 1974, trận hải chiến giữa lực lượng hải quân ngụy và lực lượng hải, lục, không quân của Trung Quốc xảy ra. Quân ngụy Sài Gòn thua trận, nhiều binh sĩ đã tử trận, quân ngụy Sài Gòn đã không thể giữ được các đảo thuộc nhóm phía Tây quần đảo Hoàng Sa. Trong trận Hải chiến này 4 tàu chiến của hải quân ngụy HQ4 , HQ5 không bắn vào tàu TQ mà bắn vào hai tàu HQ10 và16 . Có lẽ không muốn bắn vào tàu mình nên HQ 4 báo cáo pháo hỏng không chỉnh bắn được còn HQ5 nã pháo vào các tàu HQ10;16 . HQ10 bị chìm và HQ16 bị thương nặng lếch về Đà Nẵng , công binh QĐ1 xuống kiểm tra phát hiện một quả đạn pháo 127 ly từ tàu HQ5 bắn nhưng không nổ . Đây là nhân chứng khẳng định cuộc ngụy chiến ở Hoàng Sa. Chỉ HQ-10 bị bắn chìm. HQ-16 bị thương nhưng vẫn chạy được về Đà Nẵng sửa chữa rồi về SG nhận vinh danh. HQ-04 và HQ-05 không hề hấn gì nên mới chạy tuốt sang Su bích, bỏ mặc chiến hữu cho quân TQ bắt, 74 binh sĩ bị chết.
Có tin nói rằng đã có thoả thuận giữa Mỹ với Trung Quốc về việc Trung quốc đánh chiếm nốt phía tây quần đảo Hoàng Sa, Mỹ không phản đối và không ủng hộ mà còn khống chế quân đội ngụy Sài Gòn đánh chiếm lại.
TÓM LẠI quân ngụy Sài Gòn đã để mất toàn bộ quần đảo Hoàng Sa vào tay Trung Quốc do sự bạc nhược, hèn nhát trong chiến đấu.
Việc ông Nguyễn Mạnh Hà ca ngợi chế độ Sài Gòn chiến đấu bảo vệ Hoàng Sa là lố bịch.
TRƯỜNG SA
1. ĐÀI LOAN CHIẾM ĐẢO BA BÌNH
Lợi dụng tình hình rối ren Nhật đầu hàng đồng minh, quân Tưởng Giới Thạch được giao phó giải giáp quân Nhật từ vĩ tuyến 16 trở ra Bắc theo hiệp định Postdam, họ đã chiếm giữ đảo Ba Bình (Itu Aba) thuộc quần đảo Trường Sa vào đầu năm 1947. Do áp lực của Pháp và do thua phải bỏ chạy khỏi lục địa Trung Hoa chạy ra Đài Loan, năm 1950 Tưởng Giới Thạch rút quân khỏi đảo Ba Bình. Năm 1956 lợi dụng lúc Pháp rút quân khỏi Việt Nam, Đài Loan tái chiếm đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa, cho đến nay Đài Loan vẫn chiếm giữ trái phép đảo Ba Bình (Itu Aba), là đảo lớn nhất thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam
2. PHI LIP PIN CHIẾM 7 ĐẢO
Năm 1933, nhà cầm quyền Pháp sáp nhập một số đảo chính và các đảo phụ thuộc của chúng trong quần đảo Trường Sa – bao gồm cả các đảo Song Tử Đông và Song Tử Tây – vào địa phận tỉnh Bà Rịa của Nam Kỳ, Đông Dương thuộc Pháp.
Năm 1956 ngụy quyền Sài Gòn ra đời và cử tàu đi thị sát quần đảo Trường Sa. Năm 1963, Hải quân ngụy đưa ba tàu là HQ-404 Hương Giang, HQ-01 Chi Lăng và HQ-09 Kì Hoà ra xây dựng lại bia chủ quyền Việt Nam tại một số đảo thuộc Trường Sa. Sách trắng năm 1975 về quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Bộ Ngoại giao nguy quyền Sài Gòn nêu rõ ngày xây dựng lại bia chủ quyền ở 6 đảo: ngày 19-5-1963, ở đảo Trường Sa; ngày 20-5-1963, ở đảo An Bang; ngày 22-5-1963, ở đảo Thị Tứ và Loại Ta; ngày 24-5-1963 ở đảo Song Tử Đông và đảo Song Tử Tây.
Đến năm 1970. Philippines đã tổ chức chiếm giữ đảo Song Tử Đông, đảo Thị Tứ, đảo Loại Ta và 4 đảo nữa. Domingo Tucay là một trung úy trẻ tham gia cuộc hành quân đó kể lại, họ mang theo mật lệnh, được dặn đến tọa độ nhất định mới được mở ra. Có 7 đảo, bãi hoàn toàn hoang vắng, họ chiếm đóng dễ dàng. Chỉ khi tới đảo Song Tử Tây, họ thấy quân ngụy Sài Gòn đóng. “Chúng tôi báo về sở chỉ huy, được chỉ thị cứ để mặc họ”.
Trong những đảo Philipines chiếm dịp đó có 7 đảo nổi, Thị Tứ là đảo lớn thứ nhì, Bến Lạc (Đảo Dừa) là đảo lớn thứ ba, Song Tử Đông là đảo lớn thứ năm ở quần đảo Trường Sa.
Theo như bài báo đăng lời Tucay, nhiều tháng sau khi Philippines chiếm đóng 7 đảo ở quần đảo Trường Sa, các nước khác mới biết. Như vậy, Philippines đã chiếm nhiều đảo lớn của Việt Nam bao gồm Song Tử Đông mà không gặp kháng cự nào đồng thời không được công bố ra, cho thấy sự che giấu thông tin từ các bên có liên quan mà trực tiếp là ngụy quyền Sài Gòn đang quản lý và đóng quân trên quần đảo này vào thời điểm đó.
Đến năm 1975, khi ngụy quyền Sài Gòn sụp đổ Philippines vẫn chiếm đóng 7 đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
TÓM LẠI
Nguỵ quyền Sài Gòn đã để mất 8 đảo nổi ở Trường Sa, trong đó 7 vào tay Phi lip pin,1 vào tay Đài Loan.
VẤN ĐỀ CÔNG NHẬN VIỆT NAM CỘNG HOÀ để có pháp lý quốc tế đấu tranh bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa là sai lầm.
Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam từ khi Pháp chưa sang lược, không phải khi có chế độ tay sai bán nước ngụy quyền Sài Gòn mới có Hoàng Sa và Trường Sa. Thực tế họ không giữ được mà để các nước chiếm mất. Họ có tội chứ không phải có công. Lý luận của ông Hà là ngụy biện.
KẾT LUẬN
Bỏ “ ngụy quân” , “ ngụy quyền “ công nhận “Việt Nam cộng hoà” là một âm mưu, một sai lầm lịch sử của những nhà sử học đang lật sử và sẽ lật tiếp…
Ngày 9/11/2018