UNESCO vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh như thế nào?

Cách đây hơn 30 năm, khi nền kinh tế Việt Nam đang xóa bỏ bao cấp, kinh tế – xã hội dần hồi phục và phát triển thì ở bên kia địa cầu, từ ngày 20/10 đến ngày 20/11/1987, tại Thủ đô Paris tráng lệ của nước Cộng hòa Pháp đã diễn ra cuộc họp của Đại hội đồng UNESCO thế giới khóa 24, có gần 90 quốc gia thành viên Liên Chính phủ tham gia bàn nhiều nội dung về Văn hóa Hòa bình, về các môi trường đại dương, về Thập kỉ văn hóa giữa các nền văn minh, về khuyến cáo từ các di sản… trong đó có phần vinh danh các nhân vật nổi tiếng trong khoa học, văn hóa, lịch sử và giáo dục.

Đại hội đồng nhất trí thông qua bản Nghị quyết Vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh là: “Anh hùng giải phóng dân tộc; Danh nhân văn hóa kiệt xuất của Việt Nam”. Bác là người thứ 21 được vinh danh trên toàn cầu từ trước đến năm 1987.

Ðể có một văn bản dịch từ tiếng Anh, Pháp ra tiếng Việt chuẩn đưa ra làm căn cứ, giới thiệu cùng công chúng, Ủy ban quốc gia UNESCO của Việt Nam và các nhà hoạt động chuyên môn của Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam đã thẩm định lại bản gốc tiếng Pháp và tiếng Anh. Nay xin trân trọng giới thiệu toàn văn bản dịch này về Nghị quyết 24C/18.65 của UNESCO Thế giới Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (trích từ Tập biên bản của Đại hội đồng Khóa họp 24 tại Pari, ngày 20/10 đến 20/11/1987, do UNESCO xuất bản năm 1988. tr.144):

Phái đoàn Việt Nam tại phiên họp Đại hội đồng Unesco Thế giới khóa 24 ở Paris 1987. Hàng trước trái sang: Thứ trưởng, Đại sứ Hà Văn Lâu. Thứ trưởng, Đại diện UNESCO Việt Nam Nguyễn Di Niên và Phó trưởng ban thư ký Nguyễn Xuân Thắng (giữa hàng 2).

Dịch:

“18. 65 Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ðại hội đồng,

Nhận thấy việc tổ chức kỷ niệm ngày sinh các nhân vật trí thức lỗi lạc và các danh nhân văn hóa trên phạm vi quốc tế góp phần thực hiện các mục tiêu của UNESCO và đóng góp vào sự hiểu biết trên thế giới,

Nhắc lại Nghị quyết số 18 C/4.351 thông qua tại Khóa 18 Ðại Hội đồng UNESCO về việc tổ chức kỷ niệm ngày sinh của các danh nhân và việc kỷ niệm các sự kiện lịch sử quan trọng đã để lại dấu ấn trong quá trình phát triển của nhân loại,

Ghi nhận năm 1990 sẽ đánh dấu 100 năm Kỷ niệm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam,

Nhận thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh, một biểu tượng xuất sắc về sự tự khẳng định dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội,

Nhận thấy những đóng góp quan trọng và nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật chính là sự kết tinh của truyền thống văn hóa hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam, và những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc mong muốn được khẳng định bản sắc văn hóa của mình và mong muốn tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc,

1- Khuyến nghị các quốc gia thành viên cùng tham gia Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bằng việc tổ chức các hoạt động cụ thể để tưởng niệm Người, qua đó làm cho mọi người hiểu rõ tầm vóc vĩ đại của những tư tưởng và những cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của Người;

2- Ðề nghị Tổng Giám đốc UNESCO triển khai các biện pháp thích hợp để Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và hỗ trợ các hoạt động kỷ niệm được tổ chức nhân dịp này, đặc biệt là những hoạt động sẽ diễn ra ở Việt Nam”.

Và suốt 31 năm qua, đất nước Việt Nam đã tổ chức nhiều cuộc kỉ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và luôn nhắc đến sự kiện quan trọng này.

Tổng Giám đốc UNESCO Irina Bokova tại Hà Nội đã trao bản “Nghị quyết năm 1987 của UNESCO” tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh cho Bộ trưởng Bộ VH – TT và DL Hoàng Tuấn Anh tại Bảo tàng Hồ Chí Minh ngày 3/10/2010.

Sự có mặt của bà Tổng giám đốc Irina Bokova vào ngày 3/10/2010 tại Hà Nội càng thể hiện rõ ràng tính lịch sử và sự kiện quan trọng đối với phiên họp Đại hội đồng UNESCO lần thứ 24, kể từ ngày 20/10 đến 20/11/1987, tại Thủ đô Pari, do ngài Guillermo Putzeys Alvarez, người Guatemala được bầu làm chủ tọa, có mục xét các danh nhân kỷ niệm vào các năm “tuổi tròn”. Nội dung kỳ họp là: Trong 3 năm 1988, 1989, 1990, UNESCO đưa ra nghị quyết chọn xét những danh nhân đúng vào tuổi 100 để thế giới kỷ niệm. Kỳ này, có 3 nhân vật được đưa ra xét là: 1. Ông Neru, Ấn Độ; 2. Ông Hồ Chí Minh, Việt Nam; 3. Ông Hadara (nhà sử học) Liên Xô. Sau 7 tiếng hội thảo, Hồ Chí Minh được công nhận là người thứ 21 với nội dung vinh danh: “Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc; Danh nhân văn hóa kiệt xuất của Việt Nam”.

Lời phát biểu của bà Irina Bokova tại Bảo tàng Hồ Chí Minh còn nói rõ: “Cách nay 70 năm, các nước thuộc địa trên thế giới chìm trong một đêm dài nô lệ, chưa có nước nào giành được độc lập, thì nước Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, đã dám đương đầu với một nước có nhiều thuộc địa và giành thắng lợi, mở đầu cho thời kỳ giải phóng dân tộc. Chính vì vậy ngay từ năm 1960, UNESCO tuyên bố xác nhận việc xóa bỏ Chủ nghĩa thực dân toàn cầu, có công của Chủ tịch Hồ Chí Minh…”.

Họa sỹ, nhà báo Trịnh Yên

Ủy viên Thường vụ Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam

Trịnh Yên/ báo Thời nay

Tin cùng chuyên mục: