Cẩn thận với những thông tin xuyên tạc về nhân sự Đại hội Đảng các cấp
Trên mạng xã hội tiếp tục có nhiều bài công kích về tình hình nhân sự cấp cao của Đại hội theo kiểu đồn đoán, tung ra các vị trí chủ chốt được sắp đặt, nội bộ đang đấu đá, triệt hạ lẫn nhau. Nếu không phải là công dân được sinh ra và trưởng thành ở chế độ này thì có người đọc sẽ rất dễ bị hoang mang về những kiểu tung tin giật gân, bóp méo sự thật ấy. Do vậy tôi cũng xin có đôi lời bàn luận.
1. Về thời gian Đại hội, nếu không có gì thay đổi thì còn khoảng 06 tháng nữa diễn ra Đại hội. Cán bộ cấp chiến lược đã được quy hoạch trước đó và làm các quy trình rất chặt chẽ theo quy định của Đảng và từ nay đến đó chắc chắn sẽ có ít nhất 02 Hội nghị Trung ương nữa diễn ra vì Trung ương tiếp tục còn tiếp thu các ý kiến đóng góp vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội và bàn tiếp về nhân sự của Đại hội. Khi phát biểu về phương án nhân sự Đại hội, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói đây là vấn đề khó, phức tạp, nhạy cảm do vậy chuẩn bị nhân sự cấp cao cho Đại hội hay là các nhân sự chủ chốt theo kiểu “sắp đặt”, “đấu đá” “triệt hạ lẫn nhau” là hoàn toàn xa lạ với bản chất và truyền thông của Đảng.
Ngay từ khi mới ra đời và trong quá trình lãnh đạo nhân dân tiến hành sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, Đảng luôn hoạt động theo “Điều lệ Đảng” và các quy định của Đảng. Nếu nói nhân sự chủ chốt đã có sự “sắp đặt”, “đấu đá”, “triệt hạ lẫn nhau” thì có khác nào nói về hoạt động của băng nhóm “xã hội đen” chứ không phải của một Đảng cầm quyền có hơn 5 triệu đảng viên. Hơn nữa, quá trình chuẩn bị nhân sự có lộ trình theo những quy định chặt chẽ theo tinh thần dân chủ chứ không phải là công việc của một vài người mà quyết định vấn đề hệ trọng của đất nước.
2. Tôi lại càng hết sức ngạc nhiên khi tác giả trên mạng viết về vị trí “Tổng Bí thư của Đảng” là cuộc “tranh giành quyết liệt” giữa nhiều nhân sự cấp cao. Nói như vậy, người ta có thể hiểu rằng khi chọn ra người lãnh đạo cao nhất của Đảng không khác gì như kiểu bầu cử Tổng thống ở các nước tư bản. Ngay ở nước Mỹ khi bầu Tổng thống bao giờ cũng là cuộc “đấu” giữa hai Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa – ở đó người ta có thể thoá mạ, moi móc cả đời tư của nhau miễn là tranh thủ cử tri bầu phiếu cho mình. Ở đất nước ta không thể thế, việc chọn ra người đứng đầu Đảng theo những quy định mà Đảng đã ban hành. Đó là người có uy tín cao trong Đảng, trong nhân dân, có phẩm chất và năng lực nổi trội nhất trong số các đồng chí lãnh đạo cấp cao hiện nay. Đặc biệt là có sự kiên định, vững vàng, sáng suốt trước những tình huống “ngàn cân treo sợi tóc” liên quan đến vận mệnh của Đảng, của dân tộc, của đất nước. Do đó, tác giả trên mạng viết là cuộc “tranh giành quyết liệt” giữa nhiều nhân sự cấp cao là vấn đề không thể xảy ra ở đất nước này.
3.Tôi càng không thể tán thành với ý kiến của tác giả trên mạng khi nói rằng: Phải thay đổi thể chế chính trị, thực hiện đa nguyên, đa đảng, áp dụng tam quyền phân lập, phát triển mô hình “xã hội dân sự” ở Việt Nam. Tuy tác giả không nói trắng ra nhưng ý đồ của người viết muốn đất nước ta phát triển theo con đường tư bản chủ nghĩa. Nếu làm vậy là phản bội lại lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Điều đó không thể và không bao giờ xảy ra ở đất nước này. Năm nay, hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ vừa kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, mặc dù còn có nhiều điều khác biệt, nhưng cả hai chính phủ đều nói quan hệ hiện nay là tốt nhất, trong đó Mỹ thừa nhận thể chế chính trị của Việt Nam do Đảng Cộng sản lãnh đạo.
Thiết nghĩ có ý kiến xây dựng. đóng góp cho Đảng cầm quyền là việc làm thiết thực nhưng nếu xuyên tạc, bóp méo sự thật thì những việc ấy sẽ trở nên vô nghĩa trong bối cảnh hiện nay. Còn nhớ nhân Đại hội X của Đảng, ông Bùi Tín đã có bài viết dự đoán về 10 điều thay đổi sau Đại hội này nhưng từ đó đến nay đã 15 năm không thể làm cho Đảng yếu đi mà còn phát triển mạnh mẽ hơn. Do vậy, nếu là công dân nước Việt thì hãy có tiếng nói xây dựng vì Đảng luôn tôn trọng những ý kiến khác biệt để xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Nguồn: Hương Sen Việt