‘Đừng làm hoen ố máu của những người đi trước…’

Câu nói nổi tiếng của AHLLVTND, liệt sỹ Vũ Xuân trong cuốn nhật ký được coi là phương châm hành động của nhiều lớp người: “Tôi chỉ muốn một câu nói được vang lên bên tai thế hệ sau là: Đừng làm hoen ố máu của những người đi trước”.

Sau 40 năm hy sinh trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, liệt sỹ Vũ Xuân đã được truy tặng danh hiệu AHLLVT Nhân dân vào ngày 9/10/2014. Người con anh hùng ấy, đã làm rạng danh cho chính mảnh đất nơi mình được sinh ra – cái nôi cách mạng vùng Việt Bắc: Thái Nguyên.

“Búp chè xuân đất Thái”

Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, liệt sỹ Vũ Xuân sinh ngày 25/4/1946, lớn lên tại Tiểu khu Hoàng Văn Thụ, TP Thái Nguyên. Nhập ngũ ngày 3 tháng 7 năm 1963, trước lúc hy sinh, anh là chính trị viên Tiểu đoàn 2311, Đoàn 6 Pháo binh Quân giải phóng Miền Nam.

'Đừng làm hoen ố máu của những người đi trước…'
Bìa cuốn Nhật ký Vũ Xuân do NXB Quân đội Nhân dân ấn hành (tháng 10/2005)

Trong 11 năm tuổi lính, Vũ Xuân đã 3 lần hành quân vào Nam chiến đấu với hơn 10.000 cây số, xuyên rừng, lội suối, tới những chiến trường khốc liệt nhất. Con đường hành quân anh qua là Thái Nguyên, Sơn Tây, Hà Nội, Vinh, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, xẻ dọc Trường Sơn sang Lào, Stungtreng, Crachiê, Công Pông Chàm, Công Pông Chnăng, Campot, Tà Keo, Châu Đốc, U Minh Thượng…

Anh đã tham gia những chiến dịch lớn, các chiến trường Quảng Trị, đường 9 Nam Lào, rồi dừng chân nhiều năm tại Đồng bằng Sông Cửu Long. Trong trận quyết chiến tiêu diệt đồn Kênh 2, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang sáng ngày 13/5/1974, người chính trị viên Tiểu đoàn đã dũng cảm dùng B40 tiêu diệt đồn thù. Đó cũng là thời điểm anh trúng đạn kẻ thù và anh dũng hy sinh. Sự ra đi đầy quả cảm của Vũ Xuân đã để lại sự khâm phục, niềm tiếc thương vô hạn đối với đồng đội, đồng bào nơi anh đóng quân và sau này là gia đình, bạn bè của anh.

Sau 6 năm nằm lại nơi rừng đước U Minh, năm 1980, Anh được đồng đội chuyển hài cốt về Nghĩa trang Liệt sỹ Dốc Lim (TP.Thái Nguyên).

Người liệt sỹ 28 tuổi đời, 11 tuổi quân anh dũng hy sinh để lại cuốn nhật ký ghi lại hành trình tham gia quân ngũ, những tư tưởng, hành động của một lớp người không ngại gian khổ, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ Quốc.

Tháng 10/2005, NXB Quân đội Nhân dân đã ấn hành cuốn sách “Nhật ký Vũ Xuân”. Cùng với các tác phẩm Nhật ký Mãi mãi tuổi 20 (Nguyễn Văn Thạc), Tài hoa ra trận, Chân trần chí thép… những tác phẩm này đã trở thành những lời nhắn nhủ quý giá với thế hệ trẻ ngày nay, để họ hiểu biết được suy nghĩ, hành động, tâm hồn, cuộc sống của thế hệ cha anh đi trước – những người nguyện mang xương máu để gìn giữ, vì nền độc lập, hòa bình của Tổ quốc.

Sự ra đời của tác phẩm “Nhật ký Vũ Xuân” là cả một sự tình cờ và may mắn, bởi trong cuộc đời 11 năm tuổi lính, liệt sỹ Vũ Xuân đã có hai cuốn nhật ký ghi lại hành trình của mình: một cuốn anh viết từ ngày 20/4/1969 đến ngày 12/11/1972. Cuốn thứ hai ghi lại trong giai đoạn cuối năm 1972 cho đến trước ngày anh hy sinh đã được gửi về gia đình, nay đã bị thất lạc.

Cũng trong thời điểm cuốn nhật ký của liệt sỹ Vũ Xuân được công bố và in thành sách, nhà báo Phan Hữu Minh, Giám đốc, Tổng biên tập Đài PT-TH tỉnh Thái Nguyên với vai trò Tổng đạo diễn, tác giả kịch bản, đã có cuộc hành trình theo nhật kỹ Vũ Xuân để hoàn thành loạt phim tài liệu 8 tập về cuộc đời của người con anh hùng quê hương cách mạng Việt Bắc.

Trong những bài báo viết về hành trình 8 năm “theo chân nhật ký Vũ Xuân”, nhà báo Phan Hữu Minh, cũng là người đồng hương của AHLLVTND Vũ Xuân, luôn đau đáu một niềm trăn trở: “Tám năm kể từ ngày bộ phim “Hành trình theo nhật ký Vũ Xuân”  được trình chiếu. Hơn một lần, với tư cách là Tổng đạo diễn, tác giả kịch bản, tôi được Quân khu 9, Lữ đoàn 6 Pháo binh hỏi ý kiến về việc truy tặng Anh hùng cho Vũ Xuân….Tôi vui mừng và mong chờ điều đó sẽ đến….Nhưng tại sao 40 năm sau ngày anh hy sinh việc ấy mới tới?”.

Trong loạt phim này, Phan Hữu Minh đã dùng hình ảnh “búp chè xuân đất Thái” để nói về thế hệ những người con Thái Nguyên, tuổi trẻ Thái Nguyên, liệt sỹ Vũ Xuân… lên đường theo tiếng gọi của Tổ quốc, non sông.

“Đừng làm hoen ố máu của những người đi trước”

Câu nói nổi tiếng của AHLLVTND, liệt sỹ Vũ Xuân trong cuốn nhật ký được coi là phương châm hành động của nhiều lớp người: “Tôi chỉ muốn một câu nói được vang lên bên tai thế hệ sau là: Đừng làm hoen ố máu của những người đi trước”.

'Đừng làm hoen ố máu của những người đi trước…'
Nhà báo Phan Hữu Minh, GĐ Đài PT-TH tỉnh Thái Nguyên, Tổng đạo diễn, Tác giả kịch bản bộ phim tài liệu 10 tập “Hành trình theo Nhật ký Vũ Xuân” tưởng niệm tại nơi liệt sỹ Vũ Xuân hy sinh.

Để những kỷ vật của liệt sỹ Vũ Xuân đến được với gia đình và trở thành một trong những tư liệu quý báu được xuất bản thành sách, có sự góp phần to lớn, nghĩa cử cao đẹp của đồng đội – Đại tá Đỗ Hà Thái, bạn chiến đấu của liệt sỹ Vũ Xuân.

“Lại nói câu chuyện của 40 năm qua. Vũ Xuân nhập ngũ năm 1963, hy sinh 13/5/1974, sau 6 năm nằm lại rừng đước U Minh Thượng, có gió rừng ru ngủ và tiếng sóng vỗ của con nước lớn, nước ròng, Anh đã được bạn chiến đấu là  Đỗ Hà Thái lặn lội ra Bắc vào Nam, vì lời hứa với bạn mà tìm mọi cách đưa hài cốt Vũ Xuân về quê nhà Thái Nguyên.

Nghĩa cử ấy của anh Đỗ Hà Thái được báo chí và đồng đội khâm phục. 30 năm sau, một mảng đề tài quan trọng thuộc về ký ức chiến tranh được nói đến –đó là những cuốn nhật ký. Anh Thái còn giữ một số kỷ vật của Anh Xuân trong đó có cuốn Nhật ký Vũ Xuân.

Khác với cuốn Nhật ký Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm, Nhật ký Vũ Xuân có tầm tư tưởng của một chính trị viên Tiểu đoàn. Anh Thái gửi đi xuất bản. Cuốn Nhật ký – kỷ vật chiến tranh của người con Thái Nguyên nhanh chóng trở thành tài liệu tuyên truyền vào những năm 2005 – 2008.” – Nhà báo Phan Hữu Minh viết.

Trước khi được Chủ tịch nước ký quyết định truy tặng danh hiệu AHLLVTND cho liệt sỹ Vũ Xuân, quê hương Thái Nguyên đã có nhiều hoạt động, sự kiện vinh danh người con anh hùng của mảnh đất Việt Bắc.

Tháng 11/2005, tỉnh Đoàn Thái Nguyên đã đề xuất thành lập một Quỹ học bổng mang tên liệt sỹ Vũ Xuân. Sau 10 năm thành lập, quỹ học bổng Vũ Xuân đã tổ chức trao tặng gần 500 suất học bổng dành cho các đoàn viên thanh niên, sinh viên ưu tú, có hoàn cảnh khó khăn…

Tháng 5/2015, UBND tỉnh Thái Nguyên đã thông qua đề án đặt tên một số tuyến đường, phố, công trình công cộng trên địa bàn TP Sông Công, thị xã Phổ Yên. Tuyến đường nối từ xã Thinh Đức – TP.Sông Công đã được đặt tên của AHLLVTND, liệt sỹ Vũ Xuân thay cho tỉnh lộ 262 (cũ).

Tôi chỉ muốn một câu nói được vang lên bên tai thế hệ sau là: Đừng làm hoen ố máu của những người đi trước…” – một dòng trong nhật ký của liệt sỹ Vũ Xuân đã được trích ở bìa sau cuốn Nhật ký Vũ Xuân được NXB Quân đội Nhân dân ấn hành. Dòng viết ấy đã khiến hàng triệu trái tim thế hệ trẻ thổn thức, bởi nó thể hiện tư tưởng, trách nhiệm, tình yêu thương…của cả một thế hệ anh hùng, cá nhân anh hùng – liệt sỹ Vũ Xuân.

Kiên Trung/Vietnamnet

Tin cùng chuyên mục: