Cập nhật Covid-19 ngày 22/12: Hơn 1,7 triệu ca tử vong toàn cầu; Czech phát hiện biến thể; Brazil chứng nhận tiêu chuẩn sản xuất vaccine Trung Quốc
Tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp ở Mỹ và châu Âu, bất chấp các chương trình tiêm chủng vaccine đang bắt đầu được triển khai.
* Mỹ tiếp tục là tâm dịch lớn nhất của thế giới, với 18.473.716 ca nhiễm bệnh, trong đó có 326.772 trường hợp tử vong. Trong 24 giờ qua, Mỹ ghi nhận hơn 200.000 ca mắc mới, trong đó, bang New York, từng là điểm nóng dịch bệnh trong làn sóng lây nhiễm trước, tiếp tục chứng kiến hơn 6.000 bệnh nhân nhập viện do Covid-19 mỗi ngày kể từ ngày 15/12.
Thống đốc Andrew Cuomo đã hối thúc giới chức liên bang cấm các chuyến bay đến từ Anh hoặc yêu cầu hành khách trên các chuyến bay này phải xét nghiệm Covid-19 khi nhập cảnh sau khi Anh phát hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây đại dịch Covid-19.
Sau Mỹ là Ấn Độ với 10.075.422 ca mắc, 146.145 ca tử vong; Brazil với 7.264.221 ca mắc, 187.322 ca tử vong; Nga với 2.877.727 ca mắc, 51.351 ca tử vong.
* Tại châu Âu, tâm điểm trong 24 giờ qua xoay quanh biến thể mới của virus SARS-CoV-2 bị cho là có liên quan đến sự gia tăng đột biến các ca mắc mới ở Anh.
Theo các số liệu công bố ngày 21/12, Anh có thêm hơn 33.300 ca xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc Covid-19 lên 2,07 triệu. Số ca tử vong cũng tăng 215 ca lên 67.600 ca.
Trước tình hình dịch nóng lên ở Anh, Thụy Điển thông báo sẽ tạm thời không cho phép những người nước ngoài từ Anh và Đan Mạch nhập cảnh.
Chính phủ Bỉ cũng quyết định gia hạn lệnh cấm đi lại bằng máy bay và tàu hỏa từ Anh thêm 24 tiếng, cho đến hết ngày 22/12. Bên cạnh đó, chỉ những người sinh sống tại Bỉ mới được phép nhập cảnh từ ngày 23 – 31/12. Kể từ ngày 1/1/2021, những đối tượng khác sẽ được phép nhập cảnh nếu có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong thời gian gần đây.
Chính phủ Thụy Sỹ cũng thông báo hoạt động hàng không giữa nước này với Anh và Nam Phi tạm ngừng hoạt động.
Trong khi đó, tại Czech, ngày 21/12, Đài Phát thanh quốc tế Prague dẫn thông báo của Trung tâm Thí nghiệm tham chiếu quốc gia cho biết, đã phát hiện biến thể của virus SARS-CoV-2 trong số bệnh nhân mắc Covid-19 tại nước này vào đầu mùa Thu vừa qua tại nhiều địa phương, nhất là tại Prague và vùng Trung Czech.
Các nhà khoa học cho rằng, đây có thể là lý do khiến một số người bị nhiễm Covid-19 lần thứ hai.
Tuy nhiên, trao đổi với báo Novinky, nhà virus học Pavel Plevka cho rằng, biến thể của virus SARS-CoV-2 được phát hiện đồng nghĩa với việc có một sự thay đổi nhỏ trong chất đạm protein tăng đột biến trong cơ thể bệnh nhân và biến thế này không thể làm giảm hiệu quả của vaccine ngừa Covid-19.
Chính phủ Czech đã quyết định cấm các chuyến bay đến từ Anh từ trưa ngày 21/12 do lo ngại biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có tốc độ lây lan nhanh.
* Ngày 21/12, nhiều nước Mỹ Latinh cũng đã quyết định dừng các chuyến bay hai chiều tới quốc châu Âu này.
Theo đó, Venezuela sẽ không cho phép những người từng có mặt ở Anh trong thời gian gần đây nhập cảnh, trong khi Chile tạm dừng các chuyến bay hai chiều trực tiếp tới Anh kể từ ngày 22/12 và cấm nhập cảnh đối với người nước ngoài không sinh sống tại Chile đã từng có mặt tại Anh trong hai tuần trở lại đây.
Các công dân Chile hoặc người nước ngoài thường trú tại đây được phép nhập cảnh, nhưng bắt buộc phải thực hiện cách ly 14 ngày.
Chính phủ Peru cũng tạm dừng tất cả chuyến bay hai chiều tới châu Âu trong hai tuần. Trước đó, Colombia, Argentina cũng đưa ra quyết định tương tự.
Dù vậy, hai quốc gia đông dân nhất và chịu tác động nhiều nhất của đại dịch Covid-19 ở Mỹ Latinh là Brazil và Mexico vẫn tiếp tục mở cửa cho các chuyến bay đến và đi Anh.
* Trong bối cảnh nhiều nước đã đóng cửa biên giới với Anh, cố vấn khoa học Chiến dịch Thần tốc của Mỹ, Tiến sĩ Moncef Slaoui nhận định, có khả năng biến thể này đã xuất hiện tại Anh từ lâu, nhưng các nhà khoa học chưa để ý, dẫn đến cảm giác số ca nhiễm tăng vọt khi biến thể được phát hiện.
Nhà khoa học này nhấn mạnh, chưa có bằng chứng rõ ràng nào cho thấy biến thể của virus SARS-CoV-2 có khả năng lây nhiễm cao hơn, mà chỉ có dữ liệu cho thấy nó xuất hiện nhiều hơn trong cộng đồng.
* Tại Bắc Mỹ, hôm 21/12, chính quyền tỉnh Ontario, địa phương đông dân nhất của Canada, đã quyết định triển khai lệnh phong tỏa kéo dài trong 2 tuần trên phạm vi toàn tỉnh, bắt đầu từ 00h01 ngày 26/12 (theo giờ địa phương) nhằm kiểm soát tình trạng lây lan của dịch bệnh Covid-19
Theo quy định mới, người dân Ontario được khuyến cáo ở nhà nhiều nhất có thể. Tất cả các doanh nghiệp hoạt động trong những lĩnh vực không thiết yếu phải đóng cửa, trong khi các doanh nghiệp thiết yếu sẽ phải chịu giới hạn nghiêm ngặt về công suất hoạt động.
Trong giai đoạn phong tỏa, các trường tiểu học trên toàn tỉnh và các trường trung học ở khu vực phía Bắc sẽ áp dụng hình thức dạy và học trực tuyến tới ngày 11/1/2021, trong khi các trường trung học ở khu vực phía Nam sẽ tiếp tục hình thức dạy và học trực tuyến tới ngày 25/1.
Các biện pháp mới được đưa ra sau khi giới chức y tế Ontario nhận định biện pháp “phong tỏa cứng” kéo dài từ 4 đến 6 tuần có thể hạn chế đáng kể số ca Covid-19, trong bối cảnh các đơn vị chăm sóc đặc biệt được dự báo có thể sẽ phải tiếp nhận tới 1.500 bệnh nhân vào giữa tháng 1/2021.
Đến nay, Canada đã ghi nhận 515.314 người mắc Covid-19, trong đó 14.332 trường hợp tử vong.
* Liên quan tình hình vaccine ngừa Covid-19 và tiêm chủng, ngày 21/12, Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden đã tiêm liều đầu tiên công khai trực tiếp trên truyền hình nhằm củng cố niềm tin của người dân Mỹ đối với chương trình tiêm chủng.
Phát biểu sau khi được tiêm vaccine, ông Biden ca ngợi đội ngũ nhân viên y tế là “những người hùng”, đồng thời khuyến khích người dân Mỹ nên sẵn sàng khi được tiêm vaccine và “không có gì phải lo lắng”.
Cũng theo ông Biden, trong thời gian chờ đợi để được tiêm vaccine ngừa Covid-19, người dân nên tiếp tục đeo khẩu trang và thực hiện các biện pháp phòng dịch theo khuyến cáo của các chuyên gia.
Cùng ngày, hai tướng lĩnh quân đội Mỹ gồm Tướng Mark Milley – Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân, và Tướng Không quân John Hyten – Phó Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân, cũng được tiêm vaccine phòng Covid-19 của Pfizer/BioNTech.
Tại Đức, ngày 21/12, Bộ trưởng Y tế Jens Spahn cho biết sẽ bắt đầu triển khai chương trình tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên tại các viện dưỡng lão từ ngày 27/12.
Chính quyền liên bang Đức có kế hoạch phân phối hơn 1,3 triệu liều vaccine tới các cơ quan y tế địa phương tại 16 bang của Đức vào cuối năm nay và đến tháng 1/2021, sẽ có thêm ít nhất 670.000 liều vaccine được phân phối mỗi tuần.
Cùng ngày 21/12, Tổng thống Colombia Ivan Duque thông báo nước này dự định triển khai tiêm chủng đại trà vaccine ngừa Covid-19 vào tháng 2/2021.
Cũng theo nhà lãnh đạo Colombia, những đối tượng không được tiêm chủng trong chiến dịch lần này là những bệnh nhân mắc Covid-19, phụ nữ mang thai, trẻ em dưới 16 tuổi và những người nước ngoài không cư trú hợp pháp tại Colombia.
Cũng trong ngày 21/12, Cơ quan quản lý y tế Brazil (Anvisa) đã cấp chứng nhận tiêu chuẩn sản xuất vaccine CoronaVac ngừa Covid-19 của hãng dược phẩm Sinovac (Trung Quốc). Vaccine này hiện đang trong quá trình thử nghiệm tại Brazil.
Anvisa lưu ý rằng họ chỉ chứng nhận chất lượng theo các tiêu chuẩn sản xuất vaccine của hãng dược phẩm Sinovac, mà chưa cấp phép sử dụng loại vaccine này.
Ngày 22/12, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin cho biết, nước này đã ký thỏa thuận mua 6,4 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 của AstraZeneca.
Malaysia kỳ vọng mua đủ lượng vaccine cung cấp cho hơn 80% dân số trong khoảng 31,5 triệu người của nước này.
Nguồn: TGVN