Đừng làm hại Thủy Tiên và đừng dựng chuyện chửi Nhà nước!
Vừa qua, trước cơn lũ dữ ở miền Trung, với tấm lòng đồng cảm của mình, Thuỷ Tiên bỏ tiền túi mình ra và kêu gọi những tấm lòng hảo tâm tài trợ.
Trước việc làm vô tư trong sáng đó thì có nhiều bạn lợi dụng việc Thủy Tiên kêu gọi từ thiện để có cớ chửi nhà nước. Họ cho rằng nhà nước đang rất thèm muốn số tiền hơn 100 tỷ, muốn “ép chết” Thủy Tiên, muốn chiếm đoạt số tiền rồi chia nhau, rồi một số đơn vị báo chí suy diễn thông tin sai sự thực về Nghị định 64/2008 để người dân lao vào chửi bới chính quyền thậm tệ. Thậm chí, một số người thiếu hiểu biết còn chỉ trích Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân vì bà đang là người đứng đầu kì họp quốc hội đang diễn ra, họ cho rằng việc tổ chức các kì họp quốc hội trong thời điểm mà miền Trung gặp bão lũ là vô lý. Họ bình luận rằng Thủy Tiên xứng đáng vào ghế Chủ tịch Quốc hội thay cho bác Nguyễn Thị Kim Ngân.
Nếu ai còn nhớ năm 2016 thì MC Phan Anh từng được tung hô lên tận mây xanh bằng cách chửi nhà nước, người ta cho rằng bộ máy chính quyền hiện tại là vô dụng. Người dân mất lòng tin vào chính quyền nên mới ủng hộ cho các ngôi sao. Không ít người cho rằng anh xứng đáng là “thủ tướng tương lai” của Việt Nam. Nhưng sau những rắc rối liên quan đến số tiền từ thiện, bây giờ, cụm từ “thủ tướng” ấy lại là cụm từ mang hàm ý chỉ trích, đả kích và châm biếm.
Thủy Tiên và Công Vinh ra ngân hàng rút tiền đưa vào miền Trung ủng hộ bà con.
Nghị định 64/2008 nhằm mục đích minh bạch các khoản tiền từ thiện, quản lý chặt chẽ luồng tiền từ thiện, nhằm tránh việc các đơn vị, cơ quan, cá nhân lợi dụng danh tiếng để kêu gọi từ thiện nhưng không “đưa tiền đến nơi cần đến”, hoặc ngăn chặn các hành vi rửa tiền.
Bao nhiêu lâu nay, đã có rất nhiều hội nhóm học sinh – sinh viên, các cá nhân hay các ngôi sao… kêu gọi quyên góp, nhưng đã ai bị làm khó dễ, truy tố hay bị bắt chưa? Mục tiêu từ thiện là chuyện tốt, nhưng đã có rất nhiều trường hợp lợi dụng danh nghĩa cá nhân, tổ chức để kêu gọi từ thiện nhưng lại vì tư lợi. Trong khi nghị định hoạt động đang rất tốt, các hành vi “núp bóng từ thiện” hay “lợi dụng chiếm đoạt tài sản” có căn cứ để xử lý, bây giờ, cánh báo chí lại suy diễn, áp đặt, lợi dụng Thủy Tiên để đòi hủy bỏ nghị định.
Như câu chuyện chỉ trích Quốc hội hay cá nhân bác Nguyễn Thị Kim Ngân, đó là một chỉ trích rất vô lý.
Miền Trung gặp bão lũ, đó là điều không vui vẻ gì, nhưng thấy miền Trung khó khăn, thì các miền khác phải lao động, phải làm việc bù vào để hỗ trợ miền Trung. Đất nước còn có bao nhiêu công việc hệ trọng khác, Quốc hội cần phải họp để đưa ra những quyết sách quan trọng. Đợt đại dịch vừa rồi, ngay cả lúc khó khăn nhất thì Quốc hội vẫn họp, nếu không họp, thì làm sao cho ra được các quy định hỗ trợ người dân trong đại dịch? Gói 62 ngàn tỷ từ đâu mà ra?
Về khoản tiền hơn 100 tỷ, không phải là câu chuyện đơn giản như chúng ta vẫn nghĩ. Trong khoản tiền ấy, không loại trừ việc có những cá nhân thù địch, phản động gửi tiền về, chúng sẽ trực tiếp “đẩy” Thủy Tiên vào thế đối đầu với chính quyền. Nếu chính quyền giải quyết, truy thu hay niêm phong số tiền đó, chính quyền sẽ bị người dân tế sống, Thủy Tiên thì lại bị đưa vào thế khó vì chị ấy hoàn toàn không biết và vô tội.
Hoặc một giả sử khác đặt ra, là việc các nguồn tiền không rõ nguồn gốc, như rửa tiền, tiền từ phạm tội mà có, được gửi vào tài khoản của Thủy Tiên. Lúc ấy, Thủy Tiên sẽ phải nhờ cơ quan chức năng giúp đỡ, không loại trừ việc những khoản đó sẽ bị truy thu hay niêm phong.
Đó là vì sao Thủy Tiên có viết rằng không loại trừ trường hợp Thủy Tiên “trở thành miếng mồi ngon cho các tổ chức phản động chống phá nhà nước”.
Trong một đoạn trực tiếp, Thủy Tiên có chia sẻ sẽ tặng tiền hoặc xây nhà cộng đồng chống lũ cho đồng bào. Đó là một việc rất đáng quý. Nhưng nếu xem trực tiếp, vẫn có những vết gợn, như có một số người dân đề nghị Thủy Tiên xây cho mỗi hộ một căn nhà có gác lửng để chống lũ, nếu vậy, thì khoản tiền 100 tỷ sẽ bay hết veo. Ngoài ra, có người bình luận rằng sao nhà này cũng nghèo khó mà không thấy Thủy Tiên cho tiền. Rồi vùng này chưa có Thủy Tiên đến.
Chính Thủy Tiên cũng chia sẻ trên cá nhân rằng có rất nhiều trường hợp lừa đảo Thủy Tiên, dẫn Thủy Tiên đến gia đình khó khăn rồi ăn “hoa hồng” của gia đình chia lại. Nếu trường hợp đó không được điều tra sớm, thì người ta sẽ “tố” ngược lại Thủy Tiên vì không làm tròn trách nhiệm, không đưa tiền đến đúng nơi cần đến.
Cô Tiên của chúng ta cũng chỉ là người bình thường, không phải là một cô Tiên có phép màu để mà hỗ trợ được toàn thể mọi người. Người ta bắt đầu dồn những áp lực vô cớ vào Thủy Tiên, dần coi như việc từ thiện là một Thủy Tiên phải làm, nếu không làm, thì bị chửi.
Làm ơn, đừng dùng những cụm từ như chỉ có Thủy Tiên mới xông pha còn chính quyền thì mặc kệ. Vậy những ngày trước, những cán bộ hi sinh ở Rào Trăng hay đoàn 337, họ là ai? Là những người trong bộ máy chính quyền, là lực lượng quân đội nhân dân, có cả lãnh đạo, có cả nhà báo, họ là đại diện cho cái gọi là cơ quan chức năng hay nhà nước chứ đâu?
Chính cô Tiên của chúng ta khi đi từ thiện cũng có chính quyền hỗ trợ, có nhiều chiến sĩ, cán bộ đi theo hướng dẫn, đưa cô Tiên đến đúng nơi, tìm đúng người. Có cán bộ, chiến sĩ còn nhường áo phao cho cô Tiên, cô Tiên ăn mì gói, họ cũng vậy.
Rồi hàng chục ngàn chiến sĩ bộ đội khác, biết bao nhiêu lãnh đạo xã, huyện, tỉnh… cũng lao vào cứu trợ. Nhiều người lao đến vùng yếu, vùng cao, có những vùng không có mạng, không có sóng viễn thông, nên chúng ta không biết, và không biết, chúng ta lại chỉ trích. Đã bao giờ chúng ta đặt câu hỏi, nếu họ thờ ơ, không cứu trợ thì bây giờ miền Trung sẽ thế nào?
Mới hôm trước, phía Thủ tướng quyết định xuất kho hơn 4000 tấn gạo và hỗ trợ 500 tỷ cho người dân miền Trung. Đấy là con số ở đợt đầu tiên, sẽ còn những đợt khác nữa, đó cũng mới chỉ là những khoản hỗ trợ từ cấp cao nhất, ngoài ra, còn có những khoản hỗ trợ từ cấp tỉnh, huyện, xã nữa.
Ngoài ra, còn những khoản tiền khắc phục hậu quả sau lũ lụt, dùng xây dựng lại hệ thống điện, đường, trường, trạm… Riêng việc khử khuẩn nguồn nước sạch cũng đã tốn những khoản tiền rất lớn. Bên cạnh đó, phía chính quyền còn giúp đỡ bằng chính sách liên quan bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, hỗ trợ học phí cho con em, hỗ trợ thuế cho các hộ dân chẳng hạn… Lực lượng nào đưa ra dự báo thời tiết? Lực lượng nào lao đầu vào bão lũ? Lực lượng nào lên vùng cao, vùng sâu? Lực lượng nào hi sinh cứu dân?
Hay như câu chuyện “ăn chặn”, mới đây thôi, phía Thông tin Chính phủ cho biết sẽ tăng cường việc kiểm tra, giám sát, lập kế hoạch và danh sách hỗ trợ đồng bào bị lũ lụt. Mục tiêu là đưa hàng hóa hỗ trợ đến đúng người, đúng nơi.
Thực tế, phải thẳng thừng nhìn nhận rằng, có một bộ phận cán bộ suy thoái bòn rút tiền qua đợt cứu trợ, phân chia cho bà con người thân mình không đúng đối tượng, nhưng đó không phải là tất cả. Thấy tiêu cực thì mình cùng lên tiếng đấu tranh, chứ không phải đánh đồng rồi chửi bới các cấp chính quyền, đoàn thể.
Như chủ tịch huyện Phong Điền, một người thiệt mạng trong lúc tham gia cứu trợ, trong nhà chẳng có gì đáng giá. Như tướng Man, người ta đồn thổi về cái cổng nhà của ông, nhưng vào trong thì chỉ là một căn nhà bình thường như bao căn nhà khác gần đó.
Thời gian qua, Thủy Tiên làm từ thiện ở miền Tây, hỗ trợ công nhân, hỗ trợ chống dịch, chính quyền giúp đỡ Thủy Tiên rất nhiều. Bản thân Thủy Tiên cũng được tạo điều kiện làm việc ở những nơi đi qua, chứ làm gì có ai cấm cản, làm gì có chính quyền nào ngửa tay xin tiền Thủy Tiên?
Hồi trước, chưa có mạng xã hội, chưa có những lời kêu gọi trực tuyến, thì ai giúp đỡ nhân dân? Hay là chính quyền mặc kệ?
Hơn 10 triệu gia đình và hơn 3 triệu hộ bị ảnh hưởng vì mưa lũ, một thân cô Tiên lo làm sao được? Tại sao lại cứ dồn áp lực vào cô Tiên? Có phải cô có “ba đầu sáu tay” đâu mà có thể đến mọi nơi, gặp tất cả, rồi cúi chào từng người được?
Rồi stream phát quà, đi vào vùng lũ cũng bị chửi, không làm thì cũng bị chửi bị giấu giếm. Má, ăn mì tôm thì bảo là làm màu, cho tiền thì bị bảo “cho cần chứ không nên cho cá”.
Mà có vẻ như, nhiều người chúng ta quên nhanh như vậy nhỉ, mới trước đây thôi, bao nhiêu ngày tháng chống dịch, cả bộ máy chính quyền vào cuộc, từ bộ đội, công an… đến các y bác sĩ, đến những nhân viên công chức.
Vụ việc ăn chặn tiền máy xét nghiệm cũng được đưa ra điều tra, vụ đưa người trong gia đình để ăn tiền hỗ trợ cũng được làm rõ… Có đơn vị quân đội kêu gọi người dân đóng góp thì gần như ngay lập tức lãnh đạo đơn vị đó bị cho ra khỏi ngành.
Chúng ta chiến thắng đại dịch là nhờ đâu? Nhờ chính chúng ta, chúng ta đoàn kết và sáng suốt hành động, nhờ đội ngũ báo chí thông tin và trên hết là nhờ sự “lãnh đạo tài tình” của Đảng, Chính phủ – nói hơi sách giáo khoa một tý, nhưng đúng mà.
– Theo Phạm Đình Hiếu –