Một Ấn Độ chết chóc và ‘man di’ vì Covid-19

Bệnh viện hết giường, lượng oxy cạn kiệt, xe cứu thương hết chỗ, lò hỏa thiêu hoạt động hết công suất đã khiến một bà mẹ phải chở xác con bằng xe ba gác, một người con vứt mẹ bên đường và nhiều bệnh nhân nhảy lầu tự tử.

Người mẹ di chuyển thi thể con trai chết vì Covid-19 bằng xe ba gác ở Bharat Samachar. Ảnh: Twitter.

Người mẹ di chuyển thi thể con trai chết vì Covid-19 bằng xe ba gác ở Bharat Samachar. Ảnh: Twitter.

Ấn Độ – đất nước 1,4 tỷ dân – đang chìm trong hỗn loạn vì đại dịch Covid-19 đã ngoài tầm kiểm soát. Từ đây, những câu chuyện kinh hoàng bắt đầu xuất hiện. Một trong số đó là hình ảnh một bà mẹ ngồi trên xe ba gác, đặt dưới chân mình là thi thể con trai với bàn tay chìa ra ngoài bởi không tìm thấy xe cứu thương. Những bức ảnh này được phóng viên Devvesh Pandey, thường trú ở Bharat Samachar, chia sẻ trên BSTV Live hôm 26/4 và đã gây nên một làn sóng hoang mang vô cùng lớn trong lòng người dân cả ở Ấn Độ và toàn thế giới.

Trong một câu chuyện đau lòng khác ở Tây Bengal, một người đàn ông được cho đã nhảy từ tầng thượng của bệnh viện và tử vong vào hôm 24/4 sau khi được xét nghiệm dương tính với Covid-19.

Người phụ nữ mắc Covid-19 bị con trai bỏ lại trên đường ở Kanpur. Ảnh: Twitter.

Người phụ nữ mắc Covid-19 bị con trai bỏ lại trên đường ở Kanpur. Ảnh: Twitter.

Ở Patna – thành phố ở bang Bihar, phía đông bắc Ấn Độ, một nhân viên đường sắt đã chặt đầu vợ sau khi cô này xét nghiệm dương tính với Covid-19. Sau khi thực hiện hành vi giết người, người chồng cũng nhảy lầu tự tử.

Một trường hợp khác, ở Kerala – miền nam đất nước – một tài xế xe buýt đã đâm một công nhân nhập cư vì không đeo khẩu trang. Đoạn video về vụ việc được lan truyền trên mạng xã hội cho thấy công nhân lớn tuổi bị đánh và sau đó nằm trên sàn nhà với bê bết máu.

Ngoài ra, một đoạn video được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội ghi lại cảnh một thi thể bệnh nhân Covid-19 rơi khỏi xe cứu thương trên đường đưa đến lò thiêu ở quận Vidisha, Madhya Pradesh. Theo The Times of India, gia đình người chết đã rất sốc khi thấy xác người thân của họ rơi từ cửa phụ của xe cấp cứu khi nó cua ở góc đường. Người ta nghi ngờ rằng có quá nhiều xác chết bị chồng trong chiếc xe đã cũ nát nên mới dẫn đến sự việc trên.

Kênh truyền hình NDTV phát đi hình ảnh ba nhân viên y tế ở bang Bihar, dùng tay kéo một thi thể trên đường để đi hỏa thiêu vì hết cáng. Họ phải vật lộn với cái xác bọc trong ga trải giường trong khi đã sức cùng lực kiệt vì không biết đã phải làm vậy với bao nhiêu thi thể rồi.

Tuy nhiên, “được đưa đi hỏa táng” vẫn còn là may mắn bởi nhiều người bị chính người thân bỏ lại ven đường vô thừa nhận. Cảnh sát bang Uttar Pradesh hôm cuối tuần đã cáo buộc tội một người đàn ông bỏ rơi mẹ mình bên vệ đường sau khi bà này xét nghiệm dương tính với Covid-19. Người dân địa phương đã đưa bà này đến bệnh viện nhưng người phụ nữ không qua khỏi.

Không chỉ khan hiếm xe cấp cứu, thân nhân của các bệnh nhân mắc Covid-19 còn đang trong cơn tuyệt vọng cùng cực để tìm nguồn cung cấp oxy và thuốc men. Họ đã phải chi số tiền gấp 5 gấp 10 bình thường ở “chợ đen” để tìm cách điều trị cho người thân tại nhà.

Một người đàn ông chạy qua bãi hỏa táng nơi thi thể một người thân của mình đang được đốt. Ảnh: Reuters.

Một người đàn ông chạy qua bãi hỏa táng nơi thi thể một người thân của mình đang được đốt. Ảnh: Reuters.

Giá của một bình oxy thường là 80 USD, nhưng do nhu cầu quá lớn trong khi lượng dự trữ không đủ cung nên trong một số trường hợp, một bình oxy bị tính giá lên tới 1.300 USD.

Với những người không thể tìm được oxy, phần lớn đều xác định rằng cái chết đang chờ đón họ. Một số để cho chính mình bị chết ngạt, một số tìm đến phương pháp tự tử.

Đoàn tàu chở các xe oxy xuất phát từ Delhi hôm 26/4. Ảnh: AFP.

Đoàn tàu chở các xe oxy xuất phát từ Delhi hôm 26/4. Ảnh: AFP.

Để giải quyết khủng hoảng, hôm 26/4, chính phủ Ấn Độ thông báo sẽ triển khai lực lượng quân đội hỗ trợ hệ thống y tế đang sụp đổ của đất nước này. Đồng thời, một chuyến tàu có tên “Oxygen Express” chở 64,55 tấn oxy y tế lỏng (LMO) đã rời Delhi cùng ngày để đến một số địa phương.

Trước đó, hôm 25/4, bác sĩ Gautam Singh làm việc tại một trong những khu cấp cứu ở New Delhi, đã phải đăng lời cầu xin oxy lên mạng xã hội khi thấy bệnh viện của mình cạn kiệt kho dự trữ. Vị bác sĩ 43 tuổi viết: “Xin hãy gửi oxy cho chúng tôi. Bệnh nhân của tôi đang chết dần chết mòn”.

Sau bài đăng này, Singh đã nhận được 20 bình oxy vào hôm 26/4 – số lượng chỉ để duy trì trong một ngày cho bệnh viện.

Singh nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại: “Tôi cảm thấy bất lực vô cùng khi chứng kiến bệnh nhân của mình tử vong mỗi giờ. Một lần nữa, tôi cầu xin và hy vọng ai đó sẽ gửi oxy để giúp bệnh nhân của tôi sống sót thêm dù chỉ trong một ngày nữa thôi”.

Một lò hỏa táng của Ấn Độ hoạt động không ngưng nghỉ trong đại dịch. Ảnh: AFP.

Một lò hỏa táng của Ấn Độ hoạt động không ngưng nghỉ trong đại dịch. Ảnh: AFP.

Ngoài nguồn cung cấp oxy cạn kiệt, các khoa chăm sóc đặc biệt trên toàn Ấn Độ cũng đang hoạt động hết công suất và gần như tất cả các máy thở đều được sử dụng. Khi số người chết tăng lên, bầu trời ban đêm của một số thành phố ở Ấn Độ cũng chuyển thành ngày vì ánh sáng từ các lò hỏa táng ngoài trời.

Các chuyên gia tin rằng số người chết thực sự ở Ấn Độ có thể cao hơn nhiều số liệu báo cáo chính thức. Họ cũng cho biết, đỉnh dịch của làn sóng thứ hai sẽ vào tháng 5 với 500.000 ca mỗi ngày. Có nghĩa là sẽ có khoảng 5.000 người Ấn Độ tử vong vì dịch bệnh mỗi ngày theo tỷ lệ số ca tử vong hiện nay là 1,14%.

Người dân xếp hàng chờ phát lương thực ở Hyderabad hôm 26/4. Ảnh: AFP.

Người dân xếp hàng chờ phát lương thực ở Hyderabad hôm 26/4. Ảnh: AFP.

Nguyên nhân khiến làn sóng dịch bệnh đang tàn phá Ấn Độ nặng nề được cho là do biến thể mới của nCoV có khả năng lây nhiễm cao hơn. Bênh cạnh đó, việc mở cửa trở lại quá sớm của các địa điểm công cộng cũng như các cuộc tụ tập tôn giáo đông người và biểu tình cũng khiến dịch bệnh bùng phát dữ dội.

Tính đến nay, trên toàn cầu đã có gần 150 triệu người mắc Covid-19, hơn 3,1 triệu người tử vong vì đại dịch này. Riêng tại Ấn Độ, số lượng ca mắc được ghi nhận là 17.625.000 ca, số người chết là 197.880. Số người mắc Covid-19 của Ấn Độ hiện đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ (gần 33 triệu ca).

Tùng Anh (CNN, Times of India, NDTV, Reuters)

Tin cùng chuyên mục: