Trung Quốc chính thức biên chế tàu sân bay nội địa Sơn Đông

Tàu sân bay đầu tiên do Trung Quốc sản xuất, được đưa vào biên chế tại cảng Tam Á, tỉnh Hải Nam với tên gọi Tàu sân bay Sơn Đông (Type 001A).

Tàu sân bay Sơn Đông, trước đó gọi là Type-001A, được bàn giao cho lực lượng hải quân thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) ở thành phố Tam Á trên đảo Hải Nam.

Lễ biên chế tàu có sự tham gia của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, được Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) mô tả là cột mốc quan trọng trong nỗ lực xây dựng sức mạnh hải quân của đất nước.

Trước đó, tàu được lên kế hoạch biên chế vào tháng 4/2019 nhưng giai đoạn thử nghiệm mất nhiều thời gian hơn so với dự kiến, dường như do một số vấn đề kỹ thuật.

Con tàu bắt đầu chạy thử nghiệm từ tháng 5-2018 và từng đi qua eo biển Đài Loan.

Tàu Sơn Đông được Trung Quốc chế tạo từ năm 2013 dựa trên thiết kế của Liêu Ninh, tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc thuộc lớp Kuznetsov, mua từ Ukraine năm 1998 rồi hoán cải trước khi đi vào hoạt động năm 2012.

Li Jie, chuyên gia hải quân tại Bắc Kinh, cho biết tàu Sơn Đông có thể chở tổng cộng 40 máy bay, bao gồm các trực thăng Z-9 và máy bay cảnh báo sớm KJ-600.

Ông nói thêm rằng việc biên chế tàu là “món quà lớn” để kỷ niệm 20 năm Macau được trao trả cho Trung Quốc.

“Bắc Kinh chọn Tam Á để biên chế tàu bởi các chỉ huy quân đội muốn nêu bật tầm quan trọng về địa chiến lược của căn cứ tàu sân bay thứ hai này”, Li giải thích.

Tam Á là tổ hợp hải quân lớn nhất châu Á

Trung Quốc cũng đang chế tạo các bộ phận của tàu sân bay thứ ba có tên Type 002 tại nhà máy đóng tàu Giang Nam ở Thượng Hải.

Tàu sân bay được đánh giá là yếu tố quan trọng trong tham vọng xây dựng lực lượng hải quân tầm xa của Trung Quốc, nhằm thách thức ưu thế hàng thập kỷ của Mỹ tại khu vực Đông Á.

Công bằng mà nói, xét về ngoại hình rõ ràng tàu sân bay nội địa Trung Quốc có hình dáng, đặc biệt là phần tháp chỉ huy hiện đại hơn so với tàu Liên Ninh.

Tàu sân bay Sơn Đông mới là phiên bản có cải tiến của tàu sân bay Liêu Ninh với phần tháp kiểm soát nhỏ hơn nhiều nên có khu vực chuyên chở rộng hơn.

Tàu Sơn Đông dài hơn 10m nếu đặt cạnh tàu Liêu Ninh và có tổng trọng lượng là 70.000 tấn trong khi trọng lượng của Liêu Ninh chỉ là 58.600 tấn.

Tàu sân bay Sơn Đông trang bị hệ thống radar điện tử mang tên “Ngôi sao biển cả” hiện đại hơn hẳn so với Liêu Ninh.

Mặt khác, sàn tàu rộng nên nó cũng chứa được nhiều hơn 12 chiếc máy bay J-15 so với tàu sân bay Liêu Ninh.

Tuy vậy giới phân tích chỉ ra rằng, những thông số này cùng với tháp radar trông hiện đại hơn chưa đủ để khẳng định chắc chắn rằng, tàu sân bay nội địa Trung Quốc tốt hơn tàu Liêu Ninh được Liên Xô đóng.

Thứ nhất, tàu sân bay nội địa chỉ là bản sao chép của tàu Liêu Ninh. Trung Quốc cũng chưa bao giờ đóng tàu sân bay, vì vậy ít nhất lớp tàu đầu tiên của họ vẫn sẽ mang trong mình nhiều vấn đề kỹ thuật.

Thứ hai là vấn đề động cơ vẫn là nút thắt khó gỡ nhất của tàu sân bay Trung Quốc, ngay cả tàu Liêu Ninh lẫn tàu Kuznetsov cùng lớp của Nga cũng đang gặp phải tình trạng này.

Động cơ trên tàu Liêu Ninh vốn không ổn định như mong đợi, sản phẩm sao chép từ đó cho tàu sân bay nội địa còn tệ hơn, thậm chí vận tốc cực đại của tàu Type-001A còn chậm hơn cả tàu Liêu Ninh.

Tuy biên chế chính thức nhưng giới quan sát cho rằng, tàu sân bay Sơn Đông vẫn sẽ phải trải qua nhiều thử nghiệm nữa trước khi có thể đáp ứng tất cả yêu cầu của Hải quân Trung Quốc. Rõ ràng Trung Quốc còn nhiều việc phải làm trước khi những tàu sân bay nội địa của nước này chứng minh được tính năng tác chiến thực sự.

Việt Hùng/ANTĐ

Tin cùng chuyên mục: