43 năm chiến thắng chế độ diện chủng Pol Pot – những số liệu biết nói

(1) Năm 1969, Pol Pot theo sự khuyến khích của Trung Quốc yêu cầu Việt Nam rút quân đội và các cơ sở hậu cần ra khỏi Campuchia (qua ngoại giao, Trung Quốc cũng gián tiếp kích động Lon Nol đưa tối hậu thư đòi Việt Nam rút quân trong 48h, đóng cửa cảng trung chuyển Sihanoukville) gây thêm khó khăn cho cách mạng Việt Nam thời kỳ ‘Hậu Mậu Thân”. Điều này trái với các thỏa thuận trước đó trong Hội nghị nhân dân ba nước Đông Dương (3/1965).
Tháng 1/1971, Pol Pot xác định trong Nghị quyết IV: “Việt Nam là kẻ thù số 1, Mỹ là kẻ thù số 2”. Từ 1970 – 1974, Khmer Đỏ đã bắt cóc, sát hại gần 1.000 chiến sĩ Việt Nam; thực hiện hàng trăm vụ tịch thu hàng hóa, cướp bóc kho tàng với hàng chục tấn lương thực, vũ khí.
Ngày 1/2/1978, Pol Pot và đồng bọn ra Nghị quyết, ghi rõ: “Chỉ cần mỗi ngày diệt vài chục, mỗi tháng diệt vài ngàn, mỗi năm diệt vài ba vạn thì có thể đánh 10, 15, đến 20 năm. Thực hiện 1 diệt 30, hy sinh 2 triệu người Campuchia để tiêu diệt 50 triệu người Việt Nam”
(2) Từ tháng 5/1975 đến tháng 12/1978, Khmer Đỏ lấn biên giới nước ta 9.872 vụ; giết hại tại chỗ 5.200 người, bắt và thủ tiêu sau đó 20.700 dân thường; đốt 21.200 ngôi nhà, trường học, bệnh viện, đình chùa… làm cho hơn 400.000 người Việt chịu cảnh tị nạn chiến tranh.
Ở trong nước, sau hơn 3 năm cầm quyền, Khmer Đỏ gây ra cái chết của từ 1,7 – 3,3 triệu người dân Campuchia (chiếm khoảng 1/3 dân số nước này) – sự kiện diệt chủng ghê sợ nhất thế kỷ XX tính theo tỷ lệ dân số. Chưa kể số người tàn tật (15 vạn), trẻ mồ côi (20 vạn)…
(3) 211.800 lính là tổng quân số (3 thứ quân) Khmer Đỏ vào tháng 12/1978, trong đó có 23 sư đoàn chủ lực. Quân đội Pol Pot được trang bị 450 pháo lớn (85, 105, 155mm); 3 trung đoàn tăng – thiết giáp với 294 xe các loại; 1 sư đoàn phòng không với 200 khẩu pháo; 1 sư đoàn không quân với 96 máy bay; 1 hải đoàn gồm 94 tàu, xuồng cao tốc.
22/12/1978, Pol Pot điều động 19 trong tổng số 23 sư đoàn chủ lực tiến công toàn diện Việt Nam, tính đánh một trận vang danh thế giới. Hướng chủ yếu đánh vào Tây Ninh, nhằm chiếm bàn đạp nhanh chóng tiến về ‘lấy lại’ Sài Gòn.
(4) Lực lượng Việt Nam đối chọi trên chiến tuyến lúc đầu ước khoảng 250.000 người (18 sư đoàn bộ binh, các trung đoàn, lữ đoàn độc lập và bộ đội địa phương). Tiến công sang đất Campuchia ước khoảng 150 – 200.000 người. Lực lượng trên được trang bị khoảng 600 xe tăng- thiết giáp, hơn 400 pháo lớn và 139 máy bay chiến đấu, vận tải, 10.000 ôtô. Kể cả các đợt bổ sung, thay quân trong 10 năm ở Campuchia, đã có hàng chục vạn lượt người chiến đấu tại đây – biến đội quân viễn chinh sang Campuchia là lực lượng đánh ra nước ngoài lớn nhất trong lịch sử dân tộc.
(5) Trong vòng 16 ngày phản công (23/12/1978 đến 17/1/1979), quân đội Việt Nam sau khi đánh bật quân địch ra khỏi biên giới đã tiến vào giải phóng Phnom Penh, lật đổ chế độ Khmer Đỏ. Đây là chiến dịch hiệp đồng binh chủng lớn nhất của quân đội Việt Nam cho đến hiện tại.
(6) Từ tháng 5/1977 đến tháng 1/1979, đã có 12.000 cán bộ, chiến sĩ Việt Nam hi sinh và 43.000 người bị thương tật.
Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp tục ở lại theo yêu cầu của chính quyền mới nhằm truy quét tàn quân Khmer Đỏ, giúp xây dựng cơ sở vật chất, kinh tế, văn hóa – giáo dục – khoa học của nước Campuchia hiện đại. Hàng vạn người con Việt Nam tiếp tục đổ máu để bảo vệ thành quả ngày 7-1 cho đến khi tất cả họ hoàn thành nhiệm vụ và rút hết quân 10 năm sau đó (1989).
Tổng hợp

Tin cùng chuyên mục: