Bắt tạm giam ông Trần Bắc Hà

Trong giai đoạn từ 2008 đến giữa năm 2016, ông Trần Bắc Hà bước lên đỉnh cao quyền lực tại Ngân hàng BIDV. Nhiều đồng hương Bình Định cũng đã được ông Hà “kéo” ra Hà Nội để giữ những ngôi vị cao tại BIDV hoặc doanh nghiệp khác do ông này thao túng.
Ngày 29.11, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với ông Trần Bắc Hà (62 tuổi, quê quán Bình Định; nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển VN – BIDV) về tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng theo khoản 4 điều 206 bộ luật Hình sự năm 2015.
Ngoài ra, Bộ Công an còn khởi tố bị can, thực hiện các lệnh khám xét, bắt tạm giam về cùng tội danh trên đối với ông Trần Lục Lang, nguyên Phó tổng giám đốc phụ trách quản lý rủi ro tín dụng; ông Kiều Đình Hòa, nguyên Giám đốc BIDV chi nhánh Hà Tĩnh, tổ phó tổ thẩm định chung BIDV. Riêng bà Lê Thị Vân Anh, nguyên Trưởng phòng Khách hàng doanh nghiệp BIDV chi nhánh Hà Tĩnh, bị khởi tố cùng tội danh nói trên, nhưng được tại ngoại.
Theo nguồn tin Thanh Niên, ông Trần Bắc Hà và 3 thuộc cấp nêu trên bị khởi tố để điều tra về hành vi sai phạm trong việc tiếp nhận hồ sơ, thẩm
định và đề xuất phê duyệt, ký hồ sơ đồng ý cấp tín dụng cho Công ty CP chăn nuôi Bình Hà vay vốn với các điều kiện ưu đãi sai quy định, vi phạm quy định của ngân hàng, gây thiệt hại cho BIDV hơn 800 tỉ đồng.
Theo hồ sơ Thanh Niên thu thập, Công ty CP chăn nuôi Bình Hà gắn liền với dự án chăn nuôi bò giống và bò thịt tại Hà Tĩnh. Dự án được UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 4.500 tỉ đồng, được triển khai trên diện tích 2.163,5 ha ở 2 huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Để thực hiện dự án, tỉnh Hà Tĩnh đã điều chỉnh toàn bộ diện tích quy hoạch phát triển cao su, hoa màu, rừng sản xuất trên địa bàn các huyện Kỳ Anh và Cẩm Xuyên sang quy hoạch phát triển chăn nuôi, trồng cỏ. Ngoài ra, hàng trăm héc ta diện tích đất rừng sản xuất, đất trồng hoa màu, trồng lúa của người dân các xã Cẩm Mỹ, Cẩm Quan (H.Cẩm Xuyên) và Kỳ Tây, Kỳ Hợp (H.Kỳ Anh) cũng được thu hồi để triển khai dự án này.
Từ đầu năm 2016, khi dự án này khởi công và hoạt động thường có sự góp mặt của ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV. Theo đề án của Công ty CP chăn nuôi Bình Hà, dự án chăn nuôi này được coi là siêu dự án không chỉ tại Hà Tĩnh mà cả khu vực miền Trung, khi sử dụng nguyên liệu cỏ, con giống và công nghệ đều được nhập khẩu từ nước ngoài và thực hiện trên quy mô lớn. Dự án này được BIDV chấp thuận cho vay 3.162 tỉ đồng. Trong đó, vốn tín dụng dài hạn là 2.190 tỉ đồng, vay ngắn hạn để nhập khẩu bò giai đoạn 1 và 2 là 970 tỉ đồng. Đến thời điểm đầu năm 2016, BIDV đã giải ngân 810 tỉ đồng, trong đó vốn dài hạn đạt 492 tỉ đồng thực hiện xây dựng dự án, cho vay ngắn hạn 318 tỉ đồng để thực hiện nhập khẩu bò, thuốc thú y, thức ăn…
Bắt tạm giam ông Trần Bắc Hà  - ảnh 1

Cơ quan CSĐT Bộ Công an khám xét nhà ông Kiều Đình Hòa (ảnh nhỏ)

ẢNH: PHẠM ĐỨC
Tuy nhiên, sau lễ khai trương hoành tráng với sự xuất hiện của “ông trùm” nhà băng Trần Bắc Hà thì siêu dự án nhanh chóng đi vào lụi tàn. Điều này cũng đồng nghĩa với những khoản vay của doanh nghiệp tại BIDV sẽ trở thành giấy lộn. Báo cáo của cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh cho biết, sau hơn 2 năm đi vào hoạt động, dự án nuôi bò của Công ty CP chăn nuôi Bình Hà chỉ mới đạt quy mô bình quân gần 15.000 con/năm, bằng 6% so quy mô đã được chấp thuận chủ trương đầu tư. Hàng ngàn con bò giống do doanh nghiệp này nhập về sau khi nuôi được vài tháng đã phải bán vội vì không có hiệu quả kinh tế. Từ tháng 6.2017 đến nay, Công ty CP chăn nuôi Bình Hà đã phá bỏ phần lớn diện tích trồng cỏ cho chăn nuôi để chuyển sang trồng… chuối. Hàng ngàn mét vuông chuồng trại mênh mông đã xây dựng tại 2 huyện Kỳ Anh và Cẩm Xuyên bỏ hoang từ đó cho đến nay.
Dù chuyển hướng kinh doanh nhưng việc trồng chuối của Công ty CP chăn nuôi Bình Hà cũng trở nên bế tắc. Dự án này đã được HĐND và UBND tỉnh Hà Tĩnh xem là một gánh nặng với địa phương khi đã ưu tiên đất đai quy hoạch cho dự án nhưng không có hiệu quả, đồng thời gây ra nhiều tác động xấu với địa phương. Hồi tháng 6.2018, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh đã ra quyết định khởi tố đối với Đinh Văn Dũng, nguyên Tổng giám đốc Công ty CP chăn nuôi Bình Hà và một số đồng phạm về hành vi lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Đây là một vụ án độc lập với vụ án liên quan đến ông Trần Bắc Hà tại BIDV mà Cơ quan CSĐT Bộ Công an đang điều tra. Trong khi đó, ông Trần Lục Lang cũng được biết là “đệ tử” của ông Hà khi ông này còn công tác ở BIDV Bình Định. Theo tài liệu, năm 1997, ông Trần Lục Lang bắt đầu làm việc tại BIDV. Tháng 1.2002, ông này là Phó giám đốc BIDV chi nhánh Bình Định. Tháng 10.2006, ông là Giám đốc BIDV chi nhánh Phú Tài. Tháng 6.2011, ông được bổ nhiệm Phó tổng giám đốc BIDV.
Nhiều sai phạm nghiêm trọng
Theo nguồn tin Thanh Niên, sai phạm của ông Trần Bắc Hà và thuộc cấp không chỉ dừng lại ở dự án chăn nuôi của Công ty CP chăn nuôi Bình Hà. Hồi cuối tháng 6.2018, Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Trần Bắc Hà; cảnh cáo đối với ông Trần Lục Lang, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó tổng giám đốc BIDV. Theo Ủy ban Kiểm tra T.Ư, kết quả kiểm tra dấu hiệu vi phạm tại Ban Thường vụ Đảng ủy BIDV giai đoạn 2010 – 2015 mà ông Trần Bắc Hà thời điểm đó là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT cho thấy đã có những vi phạm rất nghiêm trọng. Theo đó, Ban Thường vụ Đảng ủy BIDV giai đoạn này đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát, để BIDV có nhiều vi phạm nghiêm trọng mang tính hệ thống trong thực hiện quy chế làm việc, quy định về phân cấp thẩm quyền và quy trình, thủ tục cấp tín dụng, gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm tăng nợ xấu, nhất là các khoản nợ có nguy cơ mất vốn; để nhiều cán bộ vi phạm kỷ luật Đảng và pháp luật Nhà nước, bị xử lý hình sự; làm giảm nguồn thu ngân sách, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, đến thu nhập, việc làm và đời sống của người lao động BIDV.
Bắt tạm giam ông Trần Bắc Hà  - ảnh 2

Bị can Trần Lục Lang

ẢNH: CƠ QUAN CÔNG AN CUNG CẤP
Với vai trò Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT BIDV trong giai đoạn này, ông Trần Bắc Hà chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy nhiệm kỳ 2010 – 2015, 2015 – 2020. Ông Hà đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, có biểu hiện áp đặt, thiếu dân chủ trong chỉ đạo, điều hành; vi phạm nghị quyết của Ban Thường vụ Đảng ủy về nghĩa vụ, trách nhiệm của người giữ chức vụ trong hệ thống BIDV; vi phạm quy trình, thủ tục, thẩm quyền, quy định về tín dụng trong việc phê duyệt chủ trương, quyết định một số khoản cho vay, bảo lãnh, đầu tư, quản lý nợ, trong đó có việc phê duyệt chủ trương cho vay 4.700 tỉ đồng đối với 12 công ty liên quan đến vụ án xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng VN (VNCB).
Còn ông Trần Lục Lang, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó tổng giám đốc BIDV cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy. Ông Lang cũng phải chịu trách nhiệm đối với một số khoản cho vay, bảo lãnh, đầu tư, quản lý nợ có vi phạm; chịu trách nhiệm về đề xuất, thẩm định chủ trương cho vay 4.700 tỉ đồng đối với 12 công ty liên quan đến vụ án xảy ra tại VNCB.
Liên quan đến đại án VNCB
Theo hồ sơ PV Thanh Niên thu thập được, các ông Trần Bắc Hà và Trần Lục Lang còn có sai phạm liên quan đến vụ đại án kinh tế tham nhũng gây thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng VNCB. Thông tin ban đầu cho biết, tháng 9.2013, Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB, chủ động đến gặp lãnh đạo BIDV xin vay 4.700 tỉ đồng cho 12 công ty. Ông Danh lấy lý do VNCB đang tái cơ cấu chưa được tăng trưởng tín dụng nên không có khả năng cho vay. Để bảo đảm, ông Danh sẽ dùng tài sản của VNCB thế chấp. BIDV đã thống nhất chủ trương về việc xem xét cho vay và giao 4 chi nhánh gồm chi nhánh Bến Tre, chi nhánh Gia Định, chi nhánh Nam Sài Gòn, chi nhánh Sở Giao dịch 2 thực hiện cho vay, thu nợ. Sau khi giải ngân, BIDV yêu cầu 12 công ty cung cấp bổ sung, hồ sơ, hóa đơn chứng minh việc mua bán, giao nhận hàng hóa… nhưng các công ty không cung cấp với lý do chưa tiến hành giao nhận hàng hóa.
Đối với việc cho vay của BIDV, cơ quan điều tra đã làm rõ các sai phạm tại BIDV, gồm không kiểm tra, thẩm định đối với khách hàng, không kiểm tra thẩm định đối với các công ty dẫn đến việc Phạm Công Danh sử dụng tiền giải ngân vào mục đích riêng, không kinh doanh như mục đích trong hồ sơ vay.
Chân dung ông “trùm”
Bắt tạm giam ông Trần Bắc Hà  - ảnh 3

Bị can Trần Bắc Hà
Ông Trần Bắc Hà là cử nhân tài chính – kế toán, bắt đầu làm việc ở BIDV từ năm 1981 – 1991 được bổ nhiệm làm Giám đốc BIDV – chi nhánh Bình Định. Đến năm 2003, ông Hà được bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc BIDV và đến năm 2007 là Tổng giám đốc BIDV. Từ năm 2008 đến tháng 9.2016 là Chủ tịch HĐQT BIDV. Từ ngày 1.9.2016, ông Hà nghỉ hưu theo chế độ. Theo nhiều nguồn tin, sau khi nghỉ việc tại BIDV, ông Hà tiếp tục thực hiện nhiều dự án nông nghiệp và chăn nuôi tại Lào và Campuchia.
Tại phiên tòa xét xử “đại án” Phạm Công Danh hồi tháng 7.2018, đại diện Viện KSND đã 3 lần đề nghị HĐXX triệu tập ông Trần Bắc Hà và một số cán bộ của BIDV để làm rõ hành vi liên quan của các bị cáo trong vụ án nhưng ông Hà đều vắng mặt. Thời điểm đó, người được ông Hà ủy quyền đã nộp cho tòa án một số tài liệu liên quan đến việc ông Hà đi khám chữa bệnh tại Singapore. Tuy nhiên, cơ quan chức năng qua kiểm tra đã xác định thời điểm đó ông Hà không xuất cảnh đi chữa bệnh.
Trong giai đoạn ông Hà còn đương chức và khi đã nghỉ hưu, đã có không ít tin đồn ông này bị bắt giữ do liên quan đến các sai phạm về kinh tế. Việc ông này bị bắt được coi là thông tin nhạy cảm khi trở thành yếu tố tác động tiêu cực lên thị trường chứng khoán. Hồi năm 2012, ông Hà cũng đã từng vướng vào thông tin bị bắt và ông đã từng nhờ cơ quan điều tra vào cuộc để truy tìm thủ phạm tung tin đồn thất thiệt. Qua gần 4 tháng điều tra, Tổng cục An ninh II – Bộ Công an đã tìm ra 3 đối tượng tung tin đồn là những nhà đầu tư nhỏ lẻ, tham gia đầu tư chứng khoán. Các đối tượng tuy không có mục đích phá hoại nhưng có động cơ vụ lợi về kinh tế.

Theo báo Thanh niên

Tin cùng chuyên mục: